Khi nào con nên đi nhà trẻ?
Ở độ tuổi nào trẻ thích hợp đi nhà trẻ? Câu trả lời còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình. Tuy nhiên, nếu để con yêu đi học, ba mẹ nên đảm bảo một số tiêu chí dưới đây:
- Sức khỏe của bé bình thường (khỏe mạnh), không dị ứng với quá nhiều thực phẩm
- Ăn ngoan, ngủ giỏi
- Trường học phải đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của cả trẻ và ba mẹ
- Tin tưởng giao con yêu cho cô giáo
- Luôn chuẩn bị phương án dự phòng nếu gửi trẻ thất bại
Để hoàn toàn an tâm cho con đến trường, ba mẹ nên lựa chọn thật kỹ nhà trẻ cho bé yêu. Một nơi gửi con được đánh giá là tốt nên đáp ứng các tiêu chí dưới đây:
- Đảm bảo an toàn sức khỏe lẫn hoạt động trong nhà trẻ luôn là tiêu chí hàng đầu mà ba mẹ nên cân nhắc khi chọn trường.
- Không gian trường học: thoáng đãng, sạch sẽ. Bếp ăn nên đạt đủ tiêu chuẩn vệ sinh cho trẻ.
- Địa điểm trường học thuận tiện với việc di chuyển của ba mẹ.
- Cô giáo nên có kiến thức chăm sóc trẻ, được đào tạo qua trường lớp.
- Thái độ nhân viên của trường từ bảo vệ, lao công, lễ tân, giáo viên, ban giám hiệu đều niềm nở, yêu trẻ, hỗ trợ ba mẹ nhiệt tình.
- Số lượng trẻ/đầu giáo viên ít.
- Nơi gửi trẻ chấp nhận thời gian cho bé thích nghi và làm quen với thầy cô, bạn bè và trường lớp.
Kinh nghiệm cho bé đi nhà trẻ
Tùy theo tính cách và tình trạng sức khỏe của trẻ mà bạn nên có phương pháp đưa trẻ đi học phù hợp. Tuy nhiên, một số kinh nghiệm cho bé đi nhà trẻ dưới đây có thể giúp ích được cho ba mẹ đấy.
1. Sớm cho con làm quen với trường lớp
Trước khi cho con chính thức nhập học, bạn nên cho trẻ đến trường vui chơi trước một tháng. Nếu không có thời gian, ba mẹ có thể đưa con đến vào cuối tuần để bé dần thích nghi. Điều này sẽ giúp bạn tránh được tình trạng quấy khóc và phản kháng của con khi chính thức nhập học.
2. Nói chuyện với con về việc đi học
Trước khi đi học, ba mẹ nên "công tác tư tưởng" cho con yêu về việc đi học. Nhờ đó, con yêu sẽ có sự chuẩn bị tâm lý, tránh bị sốc khi được gửi ở trường. Ba mẹ đừng nên nghĩ rằng trẻ còn nhỏ sẽ không hiểu những gì mà bạn nói.
Thực tế, não của con vẫn đang phát triển khả năng xử lý và tiếp thu thông tin. Vì thế, bạn nên trao đổi với con theo dạng tâm tình để con chuẩn bị tinh thần thật tốt nhé.
3. Không nên đón trẻ nửa buổi
Trong những ngày đầu, việc con đi học quấy khóc hay chưa hòa nhập với cô giáo và bạn bè là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nhiều ba mẹ vì thế mà cảm thấy xót nên đó con về nửa buổi
Bởi cũng như người lớn, con yêu cũng cần khoảng thời gian để thích nghi với trường lớp. Việc đón con nửa buổi của ba mẹ đã vô tình tước đi cơ hội làm quen với cô giáo và bạn bè của trẻ. Do đó, thay vì đón con sớm, ba mẹ có thể ở lại với con cả buổi học trong khoảng 3 ngày đầu.
Những ngày đi học tiếp theo trước khi bạn đi về nên nói với con rằng chiều ba mẹ sẽ đến đón con nhé. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy yên tâm vì mình không bị bỏ lại mà chỉ ở lại đến chiều với cô giáo và bạn bè.
4. Không đứng ngoài "rình" con
Tâm lý xót con trong những ngày đầu đi học là điều ba mẹ khó tránh khỏi. Vì lẽ đó, nhiều bậc phụ huynh đã "rình" bé bên ngoài lớp học. Theo kinh nghiệm cho bé đi nhà trẻ, điều này là không nên. Bởi bạn có thể sẽ gây khó khăn cho cô giáo trong việc tổ chức tiết học.
Song song đó, khi thấy ba mẹ vẫn dõi theo ngoài cửa, trẻ thường khóc đòi về, sẽ gây khó xử cho cả cô giáo lẫn phụ huynh. Vì thế, ba mẹ hãy nhẹ nhàng nói với bé rằng sẽ đón con vào buổi chiều cùng với thái độ dứt khoát nhé.
Con yêu đi học chắc hẳn sẽ là sự kiện "trọng đại" đối với nhiều ba mẹ. Theo kinh nghiệm cho bé đi nhà trẻ, bạn nên thật bình tĩnh để xử lý tình huống với con. Đồng thời, ba mẹ hãy khuyến khích trẻ kể về những điều diễn ra diễn ra ở trường lớp vào mỗi ngày để nắm rõ tình hình nhé.
Keira - biên soạn