Đề cương ôn thi lý thuyết mầm non cấp tỉnh - p5

Thần Đồng

Moderator
Điểm
31,484
PHẦN V: HOẠT ĐỘNG VUI CHƠI

1. Yêu cầu khi tổ chức vui chơi ( PHẦN V)


Hoạt động vui chơi giữ vai trò chủ đạo và vui chơi là hoạt động chiếm nhiều thời gian trong thời gian biểu một ngày của trẻ. Chính vì vậy để tổ chức tốt cho trẻ vui chơi cần đảm bảo những yêu cầu sau.

Cung cấp nguyên vật liệu.

+ Nguồn nguyên vật liệu đầy đủ, đa dạng, phù hợp với độ tuổi, tạo ra sự thử thách, có tính thẩm mĩ và giàu bản sắc văn hóa địa phương.

Thiết kế môi trường.

+ Tổ chức không gian phù hợp ( chia thành khu vực, góc ) sắp xếp lôgíc, gọn gàng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trẻ, phân loại và bảo quản tốt nguyên vật liệu.

+ Đồ dùng đồ chơi bố trí ở trong tầm mắt của trẻ, thỉnh thoảng thay đổi chỗ và thay đổi đồ dùng, đồ chơi để hấp dẫn trẻ và thuận lợi cho việc mở rộng nội dung chơi, gắn với chủ đề.

Giám sát và hỗ trợ.

+ Quan sát, lắng nghe, đưa ra gợi ý cùng chơi để làm mẫu và chỉ dẫn, khuyến khích, giúp đỡ trẻ khi cần thiết.

Đảm bảo tính tự nguyện và hứng thú của trẻ khi vui chơi: chọn nhóm chơi, bạn chơi, đồ dùng, đồ chơi.

Lấy trẻ làm trung tâm, thỏa mãn nhu cầu và phù hợp với khả năng của từng trẻ.

Cân đối hài hòa các hoạt động: hoạt động tĩnh, hoạt động động…

Đảm bảo tính linh hoạt sáng tạo của trẻ.

Đảm bảo tính phát triển của trò chơi, mở rộng nội dung chơi, hành động chơi dựa trên hứng thú và kinh nghiệm của trẻ.

Linh hoạt theo tình hình của địa phương, trường, lớp.

2. Cách thực hiện một hoạt động ngoài trời. ( PHẦN V)

Chơi và hoạt động ngoài trời nhằm tạo điều kiện cho trẻ được tiếp xúc với không khí trong lành của thiên nhiên, rèn luyện sức khỏe, thiết lập mối quan hệ giữa trẻ với môi trường xung quanh, góp phần mở rộng vốn hiểu biết của trẻ về môi trường tự nhiện - xã hội, thỏa mãn nhu cầu chơi và hoạt động theo ý thích của trẻ.

Khi tổ chức thực hiện một hoạt động ngoài trời tiến hành như sau.

Hoạt động có chủ đích. ( QSCMĐ)

+ Tùy thuộc vào nội dung và chủ đề để lựa chọn hoạt động cho phù hợp với điều kiện và trẻ.

+ Ổn định tổ chức.

+ Cung cấp cho trẻ một số hiểu biết, kinh nghiệm gắn với nội dung.

+ Hệ thống câu hỏi để tiến tới kết quả mong đợi.

+ Cho trẻ trực tiếp khám phá và tìm hiểu.

+ Gợi ý để trẻ đưa ra các câu hỏi tình huống.

+ Cô giáo khái quát, hệ thống kiến thức cho trẻ cần lĩnh hội một cách chính xác.

Trò chơi vận động.

+ Cô giáo giới thiệu trò chơi và cách chơi.

+ Để trẻ tự chon vai chơi.

+ Tổ chức cho trẻ chơi.

+ Giáo viên luôn gợi ý trẻ thay đổi vai chơi, không nên để tình trạng trẻ chỉ chơi một vai hay chơi một mình trong nhóm nào đó quá lâu.

Chơi tự do dưới sự giám sát của giáo viên.

+ Quy định sân chơi cho trẻ, giới thiệu những đồ chơi ngoài sân.

+ Hướng dẫn trẻ chơi nhẹ nhàng để luôn đảm bảo an toàn cho trẻ.

Lưu ý.

Tùy thuộc vào độ tuổi để lựa chọn các nội dung chơi cho trẻ và không nhất thiết cùng một lúc cho trẻ thực hiện đủ các nội dung của hoạt động ngoài trời.

Trong quá trình hoạt động ngoài trời gian viên luôn bao quát trẻ, nhắc nhở trẻ không chơi quá khu vực quy định và chơi ở những nơi nguy hiểm.

Phát huy tính tự lực của trẻ trong việc thực hiện một số công việc tự phục vụ cho bản thân ( măc quần áo, đi giày dép..) khi ra vào lớp. Nhắc trẻ thu dọn đồ dùng, đồ chơi vào nơi quy định, tự rửa tay, lau mặt, nghỉ ngơi chuẩn bị cho hoạt động tiếp theo.



3. Các loại trò chơi ( PHẦN V)


- Trò chơi đóng vai.

- Trò chơi đóng kịch.

-Trò chơi xây dựng, lắp ghép.

- Trò chơi học tập và trò chơi vận động.

- Trò chơi dân gian.

- Trò chơi sử dụng phương tiện công nghệ hiện đại.



4. Hướng dẫn thực hiện ( PHẦN V)

2.1. Trò chơi đóng vai.


- Là loại trò chơi sáng tạo tiêu biểu nhất. Trẻ đóng vai người khác, qua đó, trẻ bắt trước hành động hoặc lời nói, phản ánh ấn tượng, biểu tượng và hiểu biết của trẻ về các hoạt động và các mối quan hệ xã hôi.

- Sử dụng đồ vật thay thế. Ví dụ: Trẻ dùng các mẫu đất nặn để làm bánh; chiếc hộp là ô tô ; xếp ghế thành hàng để chơi trò chơi đi máy bay và dùng các mẩu giấy làm tiền, vé …

- Trẻ lứa tuổi mẫu giáo lớn có thể tự lập kế hoạch và tự điều khiển trò chơi trong nhóm ( thảo luận về chủ đề chơi, nội dung chơi và phân các vai chơi, chọn người chủ trò…) ; biết thể hiện mối quan hệ qua lại, phối hợp giữa các nhóm chơi trong chủ đề chơi chung, giúp đỡ nhau khi chơi và nhận xét, đánh giá lẫn nhau.

* Một số trò chơi đóng vai và lựa chọn.

- Giáo viên đưa ra gợi mở, khuyến khích trẻ tự lựa chọn các trò chơi. Phù hợp với chủ đề đang triển khai, kinh nghiệm, hứng thú của trẻ, điều kiện của địa phương. Ví dụ: đối với chủ đề “trường mầm non” giáo viên có thể đưa ra những gợi ý phù hợp kinh nghiệm, hứng thú của trẻ và gắn với chủ đề để trẻ có thể tự lựa chọn các trò chơi đóng vai, đặt tên trò chơi thích hợp, như trò chơi : “trường mầm non 20/10” : “ nhà bếp trường mầm non” : “ phòng y tế trường mầm non”( góc đóng vai): “ thư viện trường mầm non”( góc thư viện)…

- Trò chơi đóng vai thường tiến hành vào buổi sáng ( thời điểm chơi ở các góc)

* Hướng dẫn thực hiện:

- Giáo viên có thể giới thiệu các khu vực hoạt động của trẻ trong lớp và tổ chức cho trẻ thảo luận chung trước khi chơi. Giáo viên đưa ra câu hỏi gợi ý, khuyến khích trẻ cùng bàn bạc: chọn trò chơi, chỗ chơi, nhóm chơi và cùng nhau xây dựng ý tưởng chơi của các nhóm phù hợp với chủ đề chơi chung. Khi trẻ đã về các góc chơi, giáo viên gợi ý để trẻ trong nhóm tự phân vai chơi, phân công các công việc trong nhóm, bàn bạc cách thức và trình tự thực hiện các công việc chung của nhóm.

- Giáo viên luôn quan sát các nhóm chơi và quá trình chơi của trẻ; tạo cơ hội và mở rộng dần các mối quan hệ giưa trẻ trong nhóm chơi, giữa các nhóm chơi trong các khu vực hoạt động khác nhau. Ví dụ : “mẹ” không chỉ khuấy bột, cho con ăn, lau miệng, mà còn cho uống nước, ru con ngủ hoặc thay quần áo cho con; “bố” không chỉ giúp “mẹ” đưa con đi vườn trẻ hoặc đi khám bệnh, cùng mẹ đi mua sắm mà còn giúp “mẹ’ trang trí, kê dọn căn phòng cho đẹp đẽ hơn…

- Trong quá trình chơi, cần phát huy sáng tạo của trẻ, không nên gò trẻ chơi dập khuân theo mẫu hoặc áp đặt trẻ, luôn tôn trọng ý kiến của trẻ.Tránh ngăn cản và can thiệp khi trẻ đang chơi nếu chưa hiểu rõ ý định của trẻ. Khéo léo hướng trẻ phát triển trò chơi có mục đích và có tính giáo dục.

- Theo dõi và quan sát nhóm chơi để có kế hoạch gợi ý thay đổi vai chơi hợp lý. Giáo viên thường xuyên chú ý tới mối quan hệ của trẻ trong các vai chơi để hình thành tính tự lập, tự tin của trẻ. Không nên để trẻ nào đó đóng vai chính ( vai thủ lĩnh ) quá lâu.

- Sau khi chơi, tập trung cả lớp nhận xét theo yêu cầu của chủ đề chơi và nhiệm vụ dặt ra khi thỏa thuận chơi. Giáo viên gợi ý để trẻ tự nhận xét về cách chơi với đồ chơi, thể hiện hành động theo vai chơi, thói quen cất dọn đồ dùng, đồ chơi ngăn nắp gọn gàng sau khi chơi xong của các nhóm chơi



2.2. Trò chơi đóng kịch.

Trò chơi đóng kịch là dạng của trò chơi phân vai theo các tác phẩm văn học – kịch bản phỏng theo truyện và các vai là những nhân vật trong truyện.

Trò chơi đóng kịch được tổ chức như một hoạt động sáng tạo, tự lập của trẻ. Trò chơi đóng kịch hướng đến hoạt động biểu diễn văn nghệ.

* Một số trò chơi đóng kịch và lựa chọn.

- Phụ thuộc vào nội dung giáo dục, chủ đề đang triển khai, kinh nghiệm nội dung của các câu chuyện mà trẻ đã nắm được và điều kiện cụ thể, giáo viên có thể gợi ý giúp trẻ lựa chọn những trò chơi hoặc sử dụng dối đóng kịch gắn với các tác phẩm mà trẻ đã biết: “ thỏ xám đi tìm bạn”, “ cậu bé mũi dài”, “ hai anh em” “ tich chu”, “ ba cô gái”, “ ba điều ước”…

- VÍ dụ: Với chủ đề “gia đình” giáo viên có thể gợi mở, hướng trẻ tự chọn trò chơi đóng kịch phỏng theo câu chuyện phù hợp như “ gấu con chia quà” “ một bó hoa tươi thắm” “ bác gấu và hai chú thỏ”…

- Trò chơi đóng kịch có thể chơi vào buổi chiều, 1-2 lần/tuần.

* Hướng dẫn thực hiện.

- Tương tự trò chơi đóng vai, giáo viên nên lần lượt cho tất cả trẻ được tham gia sắm vai những nhân vật trong truyện.

- Giáo viên phải chọn truyện có các nhân vật đối thoại, nội dung hấp dẫn. Cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học, cung cấp nhiều cơ hội, các hình thức khác nhau để trẻ nhớ cốt truyện, thuộc lời thoại của các nhân vật trong tác phẩm.

2.3. Trò chơi xây dựng lắp ghép

- Đồ chơi xây dựng phải là những vật liệu đơn lẻ, rời để trẻ tự xây dựng lắp ghép theo chủ đề.

- Các vật liệu đồ chơi, tùy thuộc vào chủ đề chung, giáo viên khơi gợi khích thích trẻ đưa ra ý tưởng chơi: “chơi gì” và” chơi như thế nào?”, cách chọn theo màu sắc kích thước, hình dạng trình tự xếp( xây dựng) lắp ráp: gợi cho trẻ nhớ những vật hoặc cảnh đã thấy để trẻ xây dựng.

- Giáo viên gợi ý trẻ thay đổi kiểu lắp ráp, xây dựng để tạo ra nhiều cách cấu trúc, tránh sự lặp đi lặp lại giống nhau làm trẻ nhàm chán. Giáo viên động viên kịp thời những sáng tạo của trẻ thể hiện ở bố cục công trình và kỹ năng xây dựng.

- Nếu cần xây dựng công trình lớn, giáo viên để trẻ tự phân công công việc và thỏa thuận công việc giữa các thành viên trong nhóm.

- Trong khi trẻ chơi giáo viên theo giỏi giúp đỡ, tham gia ý kiến, cung cấp thêm đồ chơi.

- Nhận xét của giáo viên và trẻ hướng tới chất lượng và vẻ đẹp của công trình.

2.4. Trò chơi vận động và trò chơi học tập.

a, Trò chơi học tập.


Trò chơi học tập giúp trẻ rèn luyện và phát triển các giác quan, năng lục trí tuệ của trẻ như nhận xét so sánh phân tích, tổng hợp, tư duy ngôn ngữ … GV cần gây hứng thú của trẻ vào đồ chơi( hình dáng màu sắc, kích thước)

*. Hướng dẫn thực hiện

Chuẩn bị đồ dùng đồ chơi học liệu cần thiết đủ cho mỗi trẻ, lựa chon trò chơi phù hợp với mục đích và nội dung và gắn với chủ đề.

Giáo viên giải thích ngắn ngọn và hướng trò chơi vào nhiệm vụ nhận thức.

Nếu trò chơi mới, khó, giáo viên phải giải thích tỷ mỉ, rõ ràng luật chơi, hành động chơi, GV yêu cầu trẻ thực hiện đúng luật chơi.

Khi trẻ chơi sai luật gv yêu cầu trẻ nhắc lại và thực hiện đúng, nếu trẻ chưa nắm được, giáo viên có thể yêu cầu trẻ giúp nhau.

- Dần dần, giáo viên hướng cho trẻ không chỉ chú ý vào quá trình chơi mà còn chú ý cả vào kết quar5 của trò chơi bằng cách tổ chức những trò chơi đã biết dưới hình thức thi đua, hay đánh giá thành tích giữa trẻ với nhau.

Những trò chơi mới có luật phức tạp, giáo viên giúp trẻ hiểu qua nhiều lần chơi.

Giáo viên cần chú ý phát huy tính tích cực của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ suy nghĩ, quan sát, chú ý phát triển ngôn ngữ trong quá trình chơi.

b, Trò chơi vận động.

* Hướng dẫn thực hiện.

- Căn cứ vào mục đích, nội dung giáo dục, điều kiện không gian thực tế, nội dung hoạt động trước, sau và thời tiết để tổ chức vận động.

- Giáo viên giải thích nội dung luật chơi . Trẻ tự nhận hoặc bầu ra người chủ trò.

- Khi chơi giáo viên tạo điều kiện cho trẻ thể hiện hành động bcuar mjnhf 1 cách sáng tạo.

- Những trò chơi mang tính chất thi đua, giáo viên nên chọn những trẻ tương đương về sức khỏe, trình độ chơi và số lượng trẻ chơi và số lượng trẻ chơi của tường nhóm như sau.

- đối với trò chơi đã biết giáo viên cho trẻ nhắc lại luật chơi và yêu cầu trẻ thực hiện đúng luật. Để trò chơi không bị nhàm chán, tăng thêm huiwngs thú cho trẻ, khích thích trẻ hoạt động tích cực, tự lực và sáng tạo hơn, gv neehn điều chỉnh hình thức, nâng cao yêu cầu của trò chơi, đưa thêm những vận động mới, thay đổi nhịp độ đội hình… Trong quá trình tổ chức cho trẻ chơi cần chú ý động viên những trẻ thiếu mạnh dạn nhút nhát tham gia hoạt động, đồng thời cũng không để trẻ tham gia quá sức ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

- Giáo viên cần hướng dẫn cho trẻ học thuộc những câu thơ bài hát trước khi chơi.



PHẦN VI : BỒI DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và người thầy. (PHẦN VI)


a. Tư tưởng HCM về giáo dục:

- Ở bất kì cương vị nào, HCM cũng luôn kế tục và phát triển cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, đấu tranh trực diện với bọn thống trị đòi quyền “ tự do học tập, thành lập các trường kĩ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh, thực hiện giáo dục toàn dân”. HCM đã tìm kiếm, phát hiện và giới thiệu cho đất nước những nét tiến bộ của 1 nền GD kiểu mới, dân chủ và nhân đạo.

- Trong bản tuyên ngôn độc lập, HCM đã kêu gọi toàn dân thực hiện 3 nhiệm vụ: Diệt giặc đối, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Theo đó người khẳng định trong thời gian rất ngắn sẽ thi hành lệnh bắt buộc học chữ quốc ngữ để chống nạn mù chữ đến triệt để.

- Ngày 3/9/1945 trong phiên họp đầu tiên của chính phủ, người nêu nhiệm vụ giáo dục chống giặc dốt là một nhiệm vụ cấp bách: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.

- 8/9/1945, người kí 3 sắc lệnh:

+ Sắc lệnh 17/SL thành lập nha bình dân học vụ

+ Sắc lệnh 19/SL quy định mọi làng phải có lớp học bình dân

+ sắc lênh 20/SL cưỡng bách học chữ quốc ngữ không mất tiền.

- 10/10/1945 HCM kí sắc lệnh 45/SL thành lập Ban Đại học Văn Khoa

- Theo chỉ thị của người, Bộ giáo dục ra tuyên bố nêu rõ mục đích, phương pháp và tổ chức của nền giáo dục mới, khẳng định:

+ Mục đích của nền GD mới: Tôn trọng nhân phẩm, rèn luyện chí khí, phát triển tài năng của con người.

+ Phương pháp của nền GD mới: Xóa bỏ lối học nhồi sọ, hình thức, chú trọng phần thực học, học về chuyên môn nghề nghiệp, đề cao tinh thần khoa học.

+ Về tổ chức: nền Gd mới là nền GD duy nhất chung cho toàn thể nhân dân

- Giữa tháng 10/1945, Người kí sắc lệnh thành lập hội đồng cố vấn học chính

Như vậy, chỉ sau hơn một tháng từ khi khai sinh ra đát nước, HCM đã nhanh chóng định hình một nền GD mới với hệ thống quan điểm về tổ chức quản lí GD mà đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là:

+ Dân chủ hóa về mục tiêu GD

+ Dân tộc và đại chúng hóa về tổ chức đào tạo

+ Nhân văn hóa về nội dugn đào tạo

+ Khoa học háo về phương pháp đào tạo

+ xã hội hóa về quản lí đào tạo

b. Tư tưởng HCM về người thầy.

Trong tác phẩn Đời sống mới, Bác Hồ đã phác thảo đặc trưng của nhà trường và người thầy một cách rõ ràng và sâu sắc. Người khẳng định:

- Trong một trường học, các thầy nên thi đua nhau tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực.

- Cốt nhất là phải dạy cho trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ cái chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ.

- Phải dùng những lời lẽ giản đơn, những thí dụ thiết thực mà giải thích

- Trong lúc dạy, không nên làm cho trò có tư tưởng vị quốc như bọn phát xít. Vị quốc nghĩa là chỉ biết yêu trọng nước mình mà khinh ghét nước ngoài.

- Phải khuyên học trò tham gia việc tăng gia sản xuất

- Lớp này nên thi đua với lớp khác cho hăng hái

- Người nêu luận đề vè nhà trường Việt Nam xã hội chủ nghĩa:

+ Học đi dôi với hành

+ Lí luận đi đôi với thực hành

+ Cần cù đi dôi với tiết kiệm.

- Trong trường cần có dân chủ. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thày phải quý trò, đồng thời thầy và trò cần giúp đỡ mọi người trong nhà trường.

- Đại học thì cần kết hợp lí luận khoa học với thực hành

- Trung học thì đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông, chắc chắn, thiết thực

- Tiểu học thì cần giáo dục các cháu yêu tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công.

- Làm mẫu giáo thì phải yêu trẻ, phải bền bỉ chịu khó.

- HCM còn nêu ra những chỉ dẫn quý báu với công việc tổ chức sư phạm trong huấn luyện dạy học. Nội dung huấn luyện gồm:

+ Lí luận: Phải dạy lí luận Mác- Lênin

+ Công tác: Phải dạy cho người học áp dụng lí luận vào thực tế một cách thiết thực

+ Văn hóa: Nâng dần trình độ văn hóa cho người kém văn hóa

+ Chuyên môn: Mỗi người phải biết một nghề.

Phương pháp huấn luyện

+ Huấn luyện từ dưới lên trên

+ Phải gắn lí luận với thực tế

+ Huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu

+ Huấn luyện phải chú trọng cải tạo tư tưởng

- Tháng 7/1956, nói chuyện tại lớp hướng dẫn GV cấp 2,3 và hội nghị sư phạm, Bác nói: Bây giờ thầy giáo có trách nhiệm với nhân dân, đào tạo cán bộ phục vụ nhân dân. Cách dạy, quan niệm phải khác. Dạy sao cho học trò nhanh hiểu, mau nhớ, lí luận đi đôi với thực hành.

- Người coi Gv trong chế độ mới hoàn thành được nhiệm vụ của đảng, nhân dân giao cho là những người vô danh anh hùng

- 1964 đến thăm trường ĐH Sư phạm, Bác nói: Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất.

- Sinh thời, Bác theo dõi sát sao sự tự tu dưỡng của GV ở mọi loai hình nhà trường. Biết ai làm tốt, Bác kịp thời khen ngợi, biết nơi nào làm chưa tốt, giáo viên nào chưa gương mẫu Người ân cần nhắc nhở, chấn chỉnh.



2. Xây dựng kế hoạch lấy trẻ làm trung tâm.(PHẦN VI)

2.1. Kế hoạch lấy trẻ làm trung tâm là gì?


- KH lấy trẻ làm trung tâm là kế hoạch giáo dục căn cứ vào trẻ nghĩa là căn cứ vào khả năng, nhu cầu học tập, kinh nghiệm sống của trẻ để xác định mục tiêu, cụ thể nội dung.

- Tổ chức hoạt động luôn đặt trẻ vào trung tâm của quá trình giáo dục có nghĩa là tạo mọi cơ hội cho trẻ được tham gia vào các hoạt động:

+ Trải nghiệm: trẻ được học qua thực tế, qua việc làm, qua quá trình khám phá, tìm tòi.

+ Giao tiếp: Chia sẻ với bạn và học từ mọi người

+ Suy ngẫm: Suy nghĩ và vận dụng những điều đã lĩnh hội được vào việc giải quyết các tình huống.

+ Trao đổi: Diễn đạt và chia sẻ suy nghĩ, mong muốn.

- GV chỉ là người tạo cơ hội, hướng dẫn, gợi mở giúp trẻ được chiếm lĩnh tri thức.

2.2. Vì sao phải xây dựng kế hoạch lấy trẻ làm trung tâm.

- Con người chỉ thích nghe những cái mình chưa biết, khám phá những điều chưa hiểu và trẻ em cũng thế. Vì vậy muốn trẻ học tập ích cực thì GV ko dạy trẻ cái mà trẻ đã biết mà phải dạy cái trẻ cần, điều mà trẻ thích nghe. Nói một cách khác xây dựng kế hoạch phải hướng vào trẻ, phải lấy trẻ làm trung tâm.

- Trong quá trình Gd, trẻ em vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của hoạt động. Do đó hoạt động GD có hiệu quả nhất khi trẻ được than gia trải nghiệm , giao tiếp và chia sẻ với bạn.




Trao đổi ý kiến
55%
Dạy lại cho người khác: 90%


























- Hình minh họa khả năng lưu giữ thông tin của con người cho thấy: Nếu chỉ nghe nhìn thì thông tin và kiến thức thu nhận được chỉ là 20%, trao đổi ý kiến với mọi người thì sẽ tiếp thu được 55% còn khả năng thu nhận kiến thức sẽ tăng lên 90% khi trẻ sử dụng K.Thức đã học để dạy lại cho các bạn của mình.

2.3. Khi lập kế hoạch GD lấy trẻ làm trung tâm, giáo vên gặp một số khó khăn:

- Gv cần có một quan điểm xuyến suốt luôn luôn hướng về trẻ, can cứ vào nhu cầu, khả năng của trẻ để xây dựng kế hoạch GD và tổ chức các hoạt động giáo dục

- Quá trình GD đòi hỏi GV thực hiện các hoạt động sau:

+ XD kế hoạch GD

+ Tổ chức thực hiện

+ Đánh giá kết quả thực hiện để điều chỉnh kế hoạch cho thời gian tiếp theo




XD kế hoạch GD​











2.4. Xây dựng kế hoạch lấy trẻ làm trung tâm: Gồm 3 bước:

a. Việc xác định mục tiêu.


- Mục tiêu của kế hoạch căn cứ vào:

+ Khả năng, nhu cầu học tập, sở thích của trẻ trong lớp.

+ Nội dung giáo dục cho từng độ tuổi để XĐ mục tiêu phù hợp khả năng, kinh nghiệm sống của trẻ, đáp ứng được yêu cầu của chương trình.

- Mục tiêu luôn hướng vào trẻ nghĩa là : Trẻ sẽ làm được gì, sẽ như thế nào sau một năm học, một tháng, một tuần, 1 ngày? Do đó GV cần đặt ra mục tiêu GD, nhất là mục tiêu cho 1 bài, cụ thể, đo được, đạt được, thực tế và có giới hạn về thời gian để có thể xác định trong 1 khoảng thời gian nhất định mục tiêu đã đạt được chưa.

b. Việc lựa chọn nội dung:

- Khi đã xác định được mục tiêu thì GV phải dựa vào mục tiêu để cụ thể hóa nội dung của từng lĩnh vực , cho từng độ tuổi quy định trong chương trình vì nội dung GD trong chương trình là những vấn dề cốt lõi, cơ bản.

- Những nội dung Gd trong kế hoạch là những nội dung cụ thể, trẻ muốn biết, gần gũi với trẻ, phù hợp với vùng miền.

- Mục tiêu và nội dung liên quan đến nhau, do đó có mục tiêu thì phải có nội dung, một mục tiêu có thể có 2-3 nội dung.

c. Lựa chọn hoạt động giáo dục

- HĐ GD gồm: HĐ chơi, HĐ học, HĐ ăn ngủ, vệ sinh cá nhân, HĐ lao động.

- T/C các HĐ lấy trẻ làm trung tâm thì:

+ GV là người hướng dẫn, khuyến khích, gợi mở, hỗ trợ và tạo cơ hội nhiều nhất cho trẻ được hoạt động, được trao đổi, chia sẻ và bày tỏ ý kiến của mình. Đồng thời phải QS để đáp ứng nhu cầu ham hiểu biết của trẻ.

+ Trẻ luôn tích cực chủ động tham gia các hoạt động, thích làm việc theo cặp, theo nhóm.

+ P.Pháp, đồ dùng sử dụng, hình thức tổ chức phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ để kích thích sự tìm tòi khám phá của trẻ. Chú trọng cho trẻ được trải nghiệm, giao tiếp và trình bày ý kiến.

* Việc đặt câu hỏi là 1 trong 10 chiến lược dạy học giúp trẻ em có trí tuệ và đạt được thành công trong học tập. Thay vì dạy bằng cách kể, GV cần dạy trẻ bằng cách hỏi.

- Có 2 loai câu hỏi: câu hỏi đóng và câu hỏi mở.

+ Câu hỏi đóng: Câu trả lời là có hay ko, hoặc chỉ có 1 câu trả lời. Thường dùng trong phần kết luận.

+ Câu hỏi mở: Là câu hỏi có nhiều đáp án trả lời, thường dùng trong phần giới thiệu và phát triển bài.

- Câu hỏi tốt là loại câu hỏi tạo ra một thách thức về trí tuệ , tìm kiếm hiểu biết và tạo hứng thú cho trẻ. Để có câu hỏi tốt, Gv cần:

+ Đặt ít câu hỏi hơn nhưng câu hỏi phải khiến trẻ suy nghĩ, ko hỏi tràn lan.

+ Cần tạo thời gian cho trẻ suy nghĩ để có câu trả lời tốt nhất.

+ Khuyến khích trẻ đặt câu hỏi.

- Câu hỏi so sánh: 2 hành dộng, 2 nhân vật, 2 bức tranh giống nhau và khác nhau ở điểm nào?

- câu hỏi về đánh giá: Hành động nào tốt hơn? Vì sao?

- Câu hỏi hạn chế tư duy của trẻ: Là câu hỏi ko khuyến khích trẻ nỗ lực suy nghĩ, học tập ngược lại còn làm cản trở hoạt động trí tuệ, đó là câu hỏi có dạng:

+ Câu hỏi quá phức tạp, quá lớn, quá trừu tượng khiến trẻ ko thể trả lời được.

+ Câu hỏi đóng và hẹp.

- Để tạo ra những câu hỏi tốt, GV cần lưu ý:

+ Phải chú ý đến mục đích của câu hỏi: Hỏi để làm gì?

+ Câu hỏi phải phù hợp với trình độ, khả năng để trẻ có thể trả lời được và cố gắng trả lời.

+ Câu hỏi từ dễ dến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Phân bổ câu hỏi cho tất cả các đối tượng: trẻ nhút nhát đến trẻ tích cực.

+ Nên dành thời gian suy nghĩ cho mỗi câu hỏi và sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ, ánh mắt. điệu bộ để khuyến khích, khen ngợi trẻ.



3. Công tác phối hợp nhà trường gia đình và xã hội trong chăm sóc- giáo dục trẻ mầm non
. (PHẦN VI)

3.1: Vai trò của công tác phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ.


- Công tác phối hợp NT- GĐ- XH là một nhiệm vụ thiết thực, tạo được sự thống nhất giữa nhà trường và cha mẹ về nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức cham sóc- GD trẻ tại GĐ và nhà trường.

- Tham gia các hoạt động tuyên truyền, cha mẹ trẻ sẽ nhận thức được:

+ tầm quan trọng của sự kết hợp giữa GĐ- NT và XH trong GDMN.

+ Nắm bắt được đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi trẻ.

+ Lựa chọn các hình thức nuooidayj con phù hợp, giúp trẻ phát triển tố.

- sự hợp tác với các bậc cha mẹ và cộng đồng sẽ tạo nên nguồn lực vật chất và tinh thần đối với trường MN.

- Công tác phối hợp có tác động đến cách nhìn nhận của toàn xã hội đối với công tác chăm sóc- GD trẻ MN. Làm tốt công tác phối hợp sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp và huy động được các nguồn lực trong XH tham gia ngày càng tích cực vào sự nghiệp GD.

3.2: Một số nội dung và hình thức phối hợp NT- GĐ- XH.

a. Nội dung phối hợp:

* Các chủ trương, chính sách và các phong trào hoạt động.


- Tuyên truyền đến phụ huynh những văn bản chỉ đạo, những chính sách, chế độ liên quan đến công tác CS-GD trẻ và đôi ngũ của ngahnhf như: Điều lệ trường MN, Quy định về đạo đức nhà giáo….

- Tuyên truyền về các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Bộ, Sở, Phòng phát động.

* Kiến thức nuôi dạy con theo khoa học.

+ Nội dung nuôi dưỡng- chăm sóc:

- Tuyên truyền phổ biến kiến thức nuôi con theo khoa học về: Đặc điểm phát triển tâm sinh lý trẻ theo từng độ tuổi, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh, ATTP…

+ Nội dung giáo dục:

- Tuyên truyền về nội dung chương trình GDMN nhằm tạo được sự liên kết và thống nhất giữa trường Mn và cha mẹ về nội dung, phương pháp Gd trẻ ở lớp và ở nhà.

- Tuyên truyền về các nội dung Gd khác: GD BVMT, GDATGT, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả..

- Tuyên truyền về nội dung GD hòa nhập trẻ khuyết tật đến phụ huynh và cộng đồng.

- Tuyên truyền một số nội dung GD theo chủ đề: Giúp trẻ chơi để trẻ phát triển tốt, giúp trẻ tự tin, tự lập….

b. Hình thức phối hợp:

* Tại nhà trường:


- XD góc tuyên truyền tại trường, tại các nhóm lớp với nội dung cụ thể, thiết thực, hình thức sáng tạo, phong phú hấp dẫn thu hút đượ sự quan tâm của phụ huynh.

+ Hình thức trang trí góc tuyên truyền phải đẹp, hấp dẫn, thu hút sự chú ý của phụ huynh và trẻ.

+ Chữ viết trên bảng phải đánh máy hoặc viết tay đảm bảo thể hiện được thông tin ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc

+ Lượng thông tin đảm bảo chính xác, phù hợp.

+ Nội dung tuyên truyền có thể kết hợp hình ảnh và chữ

+ ND góc tuyên truyền phải được thay đổi thường xuyên, phong phú, đa dạng, mang tính toàn diện.

- Phát thanh trong nhà trường.

+ Phân công Gv phụ trách tích cực thu thập tin, bài trên các phương tiện truyền thông để nội dung phát thanh thêm phong phú, đa dạng.

+ Lựa chọn GV, CB có chất giọng phù hợp

+ Quy định thời gian truyền thông cụ thể và tiến hành đều đặn.

- Trao đổi với phụ huynh

+ Trao đổi qua giờ đón trả trẻ

+ tại các cuộc họp phụ huynh

- Mời phụ huynh tham quan, dự các sinh hoạt chuyên đề của lớp.

- Tổ chức tư vấn cho phụ huynh

- Tổ chức hội thi, liên hoan các cấp với các nội dung đa dạng phong phú, thu hút sự tham gia của GV- HS và phụ huynh

- Lập website của nhà trường để phụ huynh có thể truy cập các thông tin về con mình.

* Tại cộng đồng:

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: Đài phát thanh, đài truyền hình, các báo…về kiến thức nuôi dạy con theo khoa học.

- Với địa bàn vùng sâu vùng xa, tổ chức tuyên truyền chủ yếu tại nhà hoặc qua các buổi họp thôn, bản.

* Công tác phối hợp với các ban ngành đoàn thể: Phối hợp với ngành y tế, hội phụ nữ. đoàn thanh niên…

3.3: Những thuận lợi và khó khăn của công tác phối hợp GĐ- NT- XH.

a. Thuận lợi.

- Công tác tuyên truyền được các bậc cha mẹ hưởng ứng vì:


+ Cha mẹ trẻ có thêm kiến thức chăm sóc trẻ theo khoa học

+ Hiểu được công việc của GV trên lớp

+ Gv hiểu đực hoàn cảnh và điều kiện sống của trẻ ở GĐ, tạo được mối quan hệ tốt giữa GV và phụ huynh

+ Tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của cha mẹ trẻ và nhân dân về GDMN

+ tạo tâm lí tin tưởng, yên tâm về công tác chăm sóc, GD và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho trẻ như: Được ăn uống đầy đủ chất, được học tập và vui chơi…

- Đội ngũ GV từng bước có nhận thức đúng đắn về vai trò của công tác phối hợp GĐ- NT- XH, được trang bị kiến thức, kĩ năng thực hiện truyền thông. Trình độ CM- NV của GV được nâng cao.

- Cấp học MN đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành.

- Một số địa phương thông qua công tác phối hợp đã nhận được trợ giúp của một số chương trình:

+ Khảo sát về kiến thức nuôi dạy con của các bậc cha mẹ

+ Tổ chức các lớp bồi dưỡng năng lực truyền thông cho CB tuyên truyền

+ Tổ chức truyền thông cho cha mẹ và cộng đồng tại xã

+ Tổ chức thi tuyên truyền viên giỏi các cấp

- các phương tiện tuyên truyền ngày càng hiện đại đã giúp cha mẹ trẻ tiếp cận và nắm bắt kịp thời thông tin khoa học về chăm sóc- GD trẻ.

b. Khó khăn:

- ĐK CSVC- TTB của một số trường , nguồn kinh phí phục vụ công tác còn thiếu thốn.

- Biên chế cán bộ GV trong các trường còn thiếu, khối lượng công việc lớn nên chưa bố trí được nhiều nhân lực và thời gian cho công tác phối hợp.

- Trình độ CM- NV, kĩ năng tuyên truyền của Gv chưa đồng đều làm ảnh hưởng đến chất lượng truyền thông

- Trình độ nhận thức của phụ huynh về GDMn còn chưa dầy đủ.

- Việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức CS- GD trẻ cho các bậc cha mẹ tại các nhóm trẻ GĐ và tư thục còn nhiều hạn chế

- Một số nơi vùng sâu vùng xa , dân tộc miền núi có địa bàn rộng, dân cư dải rác, giao thông khó khăn, còn nhiều hủ tục lạc hậu, khả năng giao tiếp bằng tiếng việt kém.

3.4: Một số biện pháp thu hút cha mẹ trẻ và cộng đồng tham gia công tác cham sóc Gd trẻ MN

- Phát động đội ngũ CBQL – GV giỏi viết SKKN tuyên truyền cho các bậc cha mẹ trong các lĩnh vực: Huy động tăng số lượng trẻ đến lớp, tăng số trẻ ăn bán trú…

- T/C cho CBQL- Gv tham quan học tập việc tổ chức thực hiện các hoạt động tại các trường điểm trong tỉnh và ngoài tỉnh.

- Phối hợp chặt cẽ với các cơ quan, ban nghành chức năng trong việc tổ chức thực hiện công tác thông tin truyền thông.

- Tìm nguồn đầu tư kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền.

- Chỉ đạo làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục.

- Mở lớp tập huấn bồi dưỡng về kiến thức, kĩ năng tuyên truyền cho đội ngũ CBQL- GV.

- XD và cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức công tác phối hợp phù hợp với nhiệm vụ của ngành học và điều kiện thực hiện ở các vùng miền.

- Tăng cường công tác kiểm tra đánh giá việc thực hiện các nội dung, hình thức công tác phối hợp ở các đơn vị, đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm.



3. Đảm bảo VSATTP trong việc tổ chức bữa ăn ở trường mầm non?

1. Những kiến thức cơ bản về ngộ độc thực phẩm:

1.1. Các khái niệm:

- Thực phẩm
: Là những sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua chế biến, bảo quản.

- Cơ sở chế biến thực phẩm: là các doanh nghiệp, hộ gia đình, bếp ăn tập thể, nhà hàng và các cơ sở chế biến khác.
- An toàn thực phẩm: Là việc đảm bảo để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng của con người.

- Nguy cơ ô nhiễm thực phẩm: Là khả năng các tác nhân gây ô nhiễm xâm nhập vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

- Ô nhiễm thực phẩm: Là sự xuất hiện tác nhân làm ô nhiễm thực phẩm gây hại cho sức khỏe và tính mạng của con người.

- Ngộ độc thực phẩm: là tình trang bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc chứa chất độc.

- Bếp ăn tập thể: Là cơ sở chế biến, nấu nướng phục vụ cho 1 tập thể cùng ăn (Khoảng 30 người trở lên) tại chỗ hoặc ở nơi khác.

1.2. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm:

a. Do vi sinh vật ( Vi khuẩn, vi rút, kí sinh trùng).

- Khi môi trường bị ô nhiễm, VSV từ đất, nước, không khí, các vật dụng khác nhiễm vào thực phẩm.

- Do chế biến không đảm bảo vệ sinh làm nhiễm VSV vào thực phẩm, nấu thức ăn không kỹ, ăn thức ăn sống.

- Do bảo quản, vận chuyển TP không đảm bảo vệ sinh, không che đậy nên côn trùng hoặc vật nuôi tiếp xúc vào thức ăn hoặc để TĂ quá lâu trước khi ăn.

- Do TP có nguồn gốc từ gia súc, gia cầm đã bị bệnh trước khi giết mổ.

* Các TP dễ nhiễm VSV thường có nguồn gốc từ động vật:

- Các loại thịt, sản phẩm thịt gia súc, gia cầm.

- Cá và sản phẩm từ cá.

- Trứng và sản phẩm từ trứng

- Tă có nguồn gốc hải sản.

b. Do hóa chất:

- Sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật quá liều ( rau, củ, quả, hoa quả).

- Sử dụng hóa chất, chất phụ gia, chất tạo màu, chất bảo quản quá liều lượng

- TP bị nhiễm kim loại từ đất, nước ngấm vào rau, củ, quả.

- Dư lượng kháng sinh, hooc môn từ trồng trọt, chăn nuôi: Thịt gia xúc, gia cầm, rau, củ, quả, sữa,…

c. Do độc tố tự nhiên có trong thực phẩm:

- Từ thực vất: Nấm độc; khoai tây mọc mầm, sắn độc, măng độc, đậu đỗ độc, lá ngón,…

- Từ động vật: Cóc, cá nóc, bạch tuộc xanh, độc tố trong cá ươn,….

d. Do thức ăn bị biến chất:

- Khi bảo quản, cất giữ thực phẩm không đúng quy trình sẽ bị nhiễm VSV, men phân giải làm TĂ bị biến chất, chứa chất gây độc.

- Ánh sáng, nhiệt độ và Oxy cũng làm TP bị hư hỏng, biến chất, chuyển hóa thành gây độc.

1.3. Các triệu trứng của ngộ độc:

- Thời điểm: Ngộ độc TP thường sảy ra ngay sau khi ăn khoảng vài phút hoặc vài giờ tùy vào nguyên nhân gây độc.

- Triệu trứng: Đau bụng, tiêu chảy, nôn, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, rối loạn cảm giác, co giật, nổi mề đay.

* Các biểu hiện chính của trẻ khi bị ngộ độc:

- Sau khi ăn, uống trẻ có biểu hiện khó chịu, quấy khóc, bụng đầy hơi.

- Dị ứng: ngứa ngáy, nổi mề đay khắp người, có thể phù nề, nổi mụn nước,..

- Đau bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy,…

- Chóng mặt, nhức đầu, xanh da, ngất xỉu hoặc co giật.

1.4 Cách xử trí:

* Đối với giáo viên:

- Báo ngay cho nhân viên y tế nhà trường, BGH và phụ huynh để kịp thời xử trí.

- Nếu biểu hiện ngộ độc diễn ra trong vòng 4 – 6h sau khi ăn cần khẩn trương gây nôn, cho trẻ uống Oresol và chuyển đến cơ cở y tế.

- Theo dõi các trẻ khác xem có biểu hiện tương tự như vậy hay không.

- Nếu trẻ ở tình trạng không tỉnh táo, co giật thì không được gây nôn mà phải chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

* Đối với nhà trường:

- Báo ngay cho PGD – ĐT huyện (quận).

- Ngừng ngay các TP nghi ngờ gây ngộ độc.

- Phối hợp với phụ huynh của những trẻ nghi ngờ để kiểm tra tình hình ăn uống của trẻ trước khi tới lớp.

- Kiểm tra bữa ăn trên lớp, các lưu mẫu thức ăn và nguồn cung cấp thực phẩm.

- Kiểm tra, lưu giữ chất nôn.

- Ghi nhận ca ngộ độc vào sổ theo dõi và báo cáo định kì hàng tháng cho PGD quận, huyện.

2. Các biện pháp đảm bảo an toàn TP, phòng chống ngộ độc TP tại trường mầm non.

2.1. Đảm bảo điều kiện về vệ sinh ATTP


a. Điều kiện về cơ sở:

* Địa điểm, môi trường:


- Bếp ăn nên cách xa các khu vực có môi trường ô nhiễm và các hoạt động công nghiệp, các khu vực bị ứ nước, ngập lụt, dễ bị VSV gây hại.

- Có đủ nguồn nước sạch.

- Có đường thoát nước tốt đảm bảo vệ sinh.

- Có đường thuận lợi cung ứng và vận chuyển TP.

* Nhà bếp phải thiết kế theo nguyên lý 1 chiều

- Tiếp nhận nguyên liệu à Sơ chế, rửa à Chế biến à Nấu nướng à Chia, bao gói à Bảo quản – Vận chuyển – Nhà ăn.

- Các khu vực có kích thước phù hợp

- Đảm bảo thuận tiện cho làm vệ sinh, khử trùng.

* Kết cấu nhà bếp:

- Kho, bếp bố trí thuận tiện cho quá trình chế biến TP và dễ áp dụng các biện pháp vệ sinh.

- Các bề mặt tiếp xúc với TP phải bền vững, dễ lau chùi, dễ bảo dưỡng và tẩy trùng. Phải được làm bằng các nguyên liệu nhẵn, không thấm nước, không bị bào mòn.

- Hệ thống thông gió:

+ Phải Phù hợp với đặc thù của cơ sở, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm TP do không khí hay do ngưng tụ.

+ Hướng thông gió phải đảm bảo không bị nhiễm bẩn.

+ Thiết kế an toàn, dễ bảo dưỡng và kiểm tra.

- Hệ thống chiếu ánh sáng:

+ Cần cung cấp đủ ánh sáng và cường độ sáng

+ Nguồn sáng cần được che chắn an toàn.

- Có dụng cụ chứa chất thải và vật phẩm không ăn được.

* Hệ thống cung cấp nước:

- Phải đầy đủ để lưu trữ và phân phối nước

- Nước phải sạch và không chứa các chất ô nhiễm.

- Nếu sử dụng nguồn nước hồi lưu phải xử lí và duy trì sao cho đảm bảo an toàn.

* Hệ thống xử lý chất thải:

- Hệ thống thoát nước và phương tiện đổ chất thải phải được thiết kế hợp lý, không gây ô nhiễm cho TP.

- Nên thiết kế cửa riêng để bỏ chất thải và rác.

* Khu vực nhà vệ sinh:

- Phải có hệ thống chiếu sáng và thông gió, thoát nước dễ dàng. Hướng gió chính của nhà vệ sinh không được thổi vào khu vực nhà bếp.

- Phải cách ly hoàn toàn với khu vực bếp, khu chế biến và bảo quản thực phẩm.

b. Điều kiện về thiết bị và dụng cụ chế biến, nấu nướng.

* Trang thiết bị, dụng cụ:

- Phải được làm từ các chất liệu không độc, dễ tháo, lắp và nhẵn.

- Các dụng cụ, thiết bị chủ yếu:

+ Bàn chế biến: Nhẵn, phủ bằng kim loại không gỉ

+ Thơt bằng gỗ rắn, có thớt riêng cho chế biến TP sống và chín.

+ Nồi, soong chảo, bát thìa, đũa bằng thiết bị không gỉ.

+ Dao: Có dao riêng cho chặt thái TP sống và chín.

+ Các thiết bị phục vụ cho nhà bếp cần đảm bảo thích hợp với các loại thực phẩm.

- Chế độ rửa dụng cụ, thiết bị:

+ Rửa nước lạnh để loại bỏ hết thức ăn còn sót lại

+ Rửa bằng nước ấm có pha thêm xà phòng hoặc nước rửa bát

+ Dùng nước nóng trên 80 độ C

+ Xếp vào ngăn hoặc dụng cụ để bát đĩa

+ Cốc chén phải rửa bằng tia nước chảy.

* Phương tiện rửa và khử trùng:

- Thuận tiện trong khu vực chế biến TP

- Nơi rửa tay phải cung cấp đầy đủ nước sạch, xà phòng và khăn lau tay.

* Nước sát trùng:

- Đựng trong bao bì dễ nhận biết và có hướng dẫn sử dụng.

- Để cách biệt với nơi bảo quản và chế biến thực phẩm

- Chỉ sử dụng các chất tẩy rửa, sát trùng theo quy định của Bộ y tế.

* Thiết bị phòng chống côn trùng, động vật gây hại: sử dụng các vật liệu không gỉ, dễ tháo lắp.

c. Điều kiện con người:

* Kiến thức về VSATTP của người chế biến thực phẩm:


- Có kiến thức về VSATTP theo quy định và có giấy chứng nhận đã tham gia lớp tập huấn kiến thức về VSATTP.

* Sức khỏe của người chế biến thực phẩm:

- Có sức khỏe tốt, có giấy chứng nhận theo quy định của bộ Y tế.

- Khám sức khỏe theo định kì

- Nếu bị mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc danh mục Bộ y tế không cho phép thì không được tham gia chế biến thực phẩm.

* Người tham gia trực tiếp vào chế biến thực phẩm phải:

- Mặc trang phục riêng khi chế biến, có thể đeo gang tay, đội mũ, đeo khẩu trang.

- Giữ móng tay ngắn, sạch sẽ, không đeo đồ trang sức.

- Không ăn uống trong khu vực chế biến thực phẩm.

- Không hút thuốc, khạc nhổ, hắt hơi, ho,… khi tiếp xúc với TP hay khi chế biến.

* Người trực tiếp chế biến thực phẩm phải vệ sinh bàn tay sạch sẽ theo quy định.

2.2. Kiểm soát nguyên liệu đầu vào:

- Nhà trường nên kí hợp đồng mua TP sạch với 1 đơn vị có uy tín, đã áp dụng “Thực hành nông nghiệp tốt - GAP”. Có hóa đơn, chứng từ đầy đủ.

- Kiểm tra khi tiếp nhận nguyên liệu: Có thẻ của bên cung cấp, kiểm tra nguyên liệu bằng các thiết bị hoặc bằng cảm quan để phát hiện các nguyên liệu không đạt yêu cầu.

- Thực hiện kiểm thực 3 bước: Kiểm tra trước khi nhập, Trước khi nấu và trước khi ăn

- Vận động phụ huynh có TP sạch bán cho nhà trường.

- Nhà trường có thể tổ chức làm mô hình VAC.

2.3. Kiểm soát khâu chế biến, nấu nướng:

- Đảm bảo quy trình chế biến, nấu nướng theo nguyên tắc 1 chiều.

- Cần chú ý: Nguyên liệu sạch không để lẫn nguyên liệu bẩn, không để lẫn các nguyên liệu với nhau, TĂ chín không để lẫn TĂ sống.

- Dùng màu có nguồn gốc tự nhiên như gấc, lá gừng, nghệ, lá cơm nếp,…Không sử dụng hóa chất hay chất phụ gia TP nằm ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế.

2.4. Kiểm soát khâu bảo quản thực phẩm:

a. Kho bảo quản thực phẩm:

- Sàn kho phải kín và rắn đề phòng chuột bọ, cửa sổ phải có lưới thép, cửa ra vào phải kín. Tp đóng bao, túi phải kê cách mặt sàn ít nhất 20cm.

- Kho phải sắp xếp ngăn nắp, trật tự theo yêu cầu kĩ thuật, có quạt thông gió và có điều hòa nhiệt độ.

- Có máy điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm tùy theo loại thực phẩm.

- Có kho riêng cho các loại TP tươi sống và TP khô.

- Có biện pháp phòng chống chuột, côn trùng, gián,….

- Có chế độ khử trùng, tẩy uế kho, chế độ kiểm tra, xuất nhập kho.

b. Bảo quản thực phẩm sống trước khi nấu nướng.

- Có dụng cụ đựng TP bẩn và sạch riêng biệt

- Có dụng cụ đựng các loại TP khác nhau.

- Tuyệt đối không di chuyển TP ngược chiều chế biến.

c. Bảo quản thực phẩm sau khi nấu chín.

- TP sau khi nấu chín được chuyển vào phòng chia, phân phối

- Phòng chia được coi là phòng Vô trùng nhất

- Các dụng cụ chứa TP chín phải được dùng riêng biệt.

- Các xuất ăn phải được bảo quản tránh bụi, ruồi và giữ ở nhiệt độ thích hợp.

- Khi vận chuyển đến địa điểm ăn ở nơi khác thì cần có biện pháp đảm bảo VSATTP

- Sau khi nấu nướng không nên để TĂ quá 2 giờ.

d. Lưu mẫu TĂ:

- Lưu mẫu TĂ nhằm phục vụ cho quá trình điều tra nếu xảy ra ngộ độc TP.

- Đảm bảo 3 đủ:

+ Có đủ dụng cụ để lưu mẫu TĂ, mỗi loại TĂ phải để vào 1 hộp riêng

+ Có đủ lượng mẫu tối thiểu: Thức ăn đặc khoảng 150g; TĂ lỏng 250ml.

+ Đủ thời gian lưu mẫu TĂ: 24h, nhiệt độ: 0 – 5 độ C ( Ngăn mát của tủ lạnh).

2.5. Kiểm tra khâu vận chuyển TP.

a. Phương tiện vận chuyển:

- Phải sạch sẽ, được cọ rửa và vệ sinh, khử trùng định kì sau mỗi lần vận chuyển TP.

- Bố trí, sắp xếp khi vận chuyển để đảm bảo không đổ vỡ, ô nhiễm

- Tốt nhất là có phương tiện chuyên dụng cho vận chuyển TP.

b. Chế độ vận chuyển.

- Với TP ăn nóng cần có thiết bị bảo quản nóng

- Với canh, TĂ lỏng, TĂ chín phải có thiết bị chuyên dụng.

c. Thời gian vận chuyển.

- Càng ngắn càng tốt, không quá 2 giờ kể từ sau khi nấu xong.

2.6. Kiểm soát nhà ăn:

- Phòng ăn phải đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở, dụng cụ thiết bị và con người phục vụ.

- Trẻ phải rửa tay sạch sẽ trước khi ăn. Trong khi ăn không nói to, đi lại lộn xộn, giữ đúng nề nếp, quy định.

- Phòng ăn có bàn, ghế ngồi thông thoáng

4: Quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục mầm non?

- Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây sẽ lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu sẽ thành người tốt.
 

Đính kèm

Sửa lần cuối:
Hoạt động vui chơi là hoạt động không thể thiếu của trẻ mầm non, thông qua chơi trẻ có thể học được rất nhiều điều!
 

Xếp hạng chủ đề

Tạo
Thần Đồng,
Trả lời lần cuối từ
Thần Đồng,
Trả lời
3
Lượt xem
651

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Back
Top