Đề thi Đề thi thử vào lớp 10 Môn Ngữ Văn_Yên Lạc_tham khảo

PHÒNG GD&ĐT YÊN LẠC
ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2020 - 2021 LẦN 4
MÔN THI: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề.
I. PHẦN TRẮC NGHIỆM: (2,0 điểm).
Đọc đoạn văn sau và viết ra tờ giấy thi chữ cái in hoa trước đáp án đúng.

Nhưng tạnh mất rồi. Tạnh rất nhanh như khi mưa đến. Sao chóng thế? Tôi bỗng thẫn thờ, tiếc không nói nổi. Rõ ràng tôi không tiếc những viên đá. Mưa xong thì tạnh thôi. Mà tôi nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ, hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố. Phải, có thể những cái đó…Hoặc là cây, hoặc là cái vòm tròn của nhà hát, hoặc bà bán kem đẩy chiếc xe chở đầy thùng kem, trẻ con háo hức bâu xung quanh. Con đường nhựa ban đêm, sau cơn mưa mùa hạ rộng ra, dài ra, lấp loáng ánh đèn trông như một con sông nước đen. Những ngọn điện trên quảng trường lung linh như những ngôi sao trong câu chuyện cổ tích nói về những xứ sở thần tiên. Hoa trong công viên. Những quả bóng sút vô tội vạ của bọn trẻ con trong một góc phố. Tiếng rao của bà bán xôi sáng có cái mủng đội trên đầu…
(Những ngôi sao xa xôi, Ngữ văn 9, Tập 2, Nxb Giáo dục, 2019, tr.120)

Câu 1: Ngôi kể của truyện “ Những ngôi sao xa xôi” giống với tác phẩm nào?
Làng. B. Cố hương.
C. Lặng lẽ Sa Pa. D. Bến quê.
Câu 2: Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt chính là gì?
Nghị luận. B. Thuyết minh. C. Tự sự. D. Biểu cảm.
Câu 3: Dòng nào nêu đúng nội dung chính của đoạn văn trên?
A. Miêu tả trận mưa đá trên cao điểm.
B. Kể về tuổi thơ của Phương Định.
C. Thể hiện nỗi nhớ về kỉ niệm tuổi thơ của Phương Định.
D. Giới thiệu về cuộc sống và công việc của Phương Định.
Câu 4: Câu văn “ Sao chóng thế?” được dùng với chức năng gì?
A. Bày tỏ ý nghi vấn.
C. Bộc lộ cảm xúc.
B. Thể hiện sự khẳng định.
D. Thể hiện sự cầu khiến.
II. PHẦN TỰ LUẬN: (8,0 điểm).
Câu 5: (3,0 điểm).

Viết một đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của em về lòng vị tha trong cuộc sống. Trong đoạn văn có sử dụng một phép nối và một phép thế để liên kết câu. (gạch chân dưới phương tiện liên kết mà em đã dùng).
Câu 6: (5,0 điểm). Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Mùa xuân người cầm súng Ta làm con chim hót
Lộc giắt đầy trên lưng Ta làm một cành hoa
Mùa xuân người ra đồng Ta nhập vào hòa ca
Lộc trải dài nương mạ Một nốt trầm xao xuyến.
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao...

Đất nước bốn ngàn năm Một mùa xuân nho nhỏ
Vất vả và gian lao Lặng lẽ dâng cho đời
Đất nước như vì sao Dù là tuổi hai mươi
Cứ đi lên phía trước. Dù là khi tóc bạc.
(Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải, Ngữ văn 9, Tập 2, Nxb Giáo dục, 2019, tr. 56 )
……………………………Hết…………………………
(Thí sinh không được sử dụng tài liệu, cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)

PHÒNG GD&ĐT YÊN LẠC
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI THỬ VÀO THPT LẦN IV, NĂM HỌC 2019 - 2020
MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 9

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM: (2,0 điểm).
Mỗi câu đúng được 0,5 điểm.
Câu
1​
2​
3​
4​
Đáp án
B​
D​
C​
C​

II. PHẦN TỰ LUẬN: (8,0 điểm).
Câu 5: (3,0 điểm)

* Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết viết đoạn văn nghị luận xã hội có cấu trúc chặt chẽ, lập luận rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
* Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng cần có các ý cơ bản sau:
Phần
Nội dung
Điểm
Mở đoạn
Dẫn dắt và nêu vấn đề nghị luận: Trong cuộc sống để có được niềm vui, hạnh phúc và thành công, mỗi người cần có nhiều phẩm chất. Trong đó lòng vị tha có vai trò rất quan trọng.
0,25
Thân đoạn
* Giải thích và nêu biểu hiện.
- Vị tha có nghĩa là sống vì người khác, không ích kỉ, không vì riêng mình, không mưu lợi cá nhân, không kì vọng được ghi nhận hay đền đáp.
- Lòng vị tha là biểu hiện cao đẹp của phẩm chất nhân hậu của con người, biết yêu thương, chia sẻ với người khác.
- Người có lòng vị tha luôn đặt mục đích của mọi việc làm là vì người khác, vì xã hội, gắn lợi ích riêng của mình với lợi ích chung của cộng đồng. Trong công việc, không né tránh, đùn đẩy khi gặp khó khăn; không đổ lỗi cho người khác khi gặp thất bại; không khoe khoang khi thành công.
- Người có lòng vị tha luôn sống hòa nhã, thân thiện với mọi người; dễ đồng cảm, chia sẻ, tha thứ và sẵn sàng giúp đỡ người khác; luôn nghĩ cho người khác.
* Bàn luận
Ý nghĩa của lòng vị tha trong cuộc sống

- Với bản thân: Người có lòng vị tha mới có được đức hi sinh, tinh thần xả thân, chiến thắng được lòng vị kỉ, chủ nghĩa cá nhân và luôn được mọi người yêu mến, nể trọng. Lòng vị tha giúp ta sống bình an, thanh thản tâm hồn.
- Với xã hội: Lòng vị tha có thể cảm hóa được cái ác, cái xấu, chuyển hóa hoàn cảnh xấu trở nên tốt đẹp hơn. Lòng vị tha của con người là cơ sở để xây dựng nên một xã hội tốt đẹp, văn minh. Lối sống vị tha phù hợp với xu thế của thời đại mới, thời đại toàn cầu hóa trên cơ sở hợp tác và chia sẻ.
( Học sinh lấy dẫn chứng trong thực tế hoặc văn học)
Mở rộng
- Sống vị tha không có nghĩa là bao che, dung túng cho những khuyết điểm, những thói hư tật xấu của người khác.
- Phê phán lối sống vị kỉ, chỉ biết sống cho bản thân mình, lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của người khác. Đồng thời cũng lên án những kẻ lợi dụng hoàn cảnh khổ đau của người khác để trục lợi cho bản thân
( giúp đỡ người khác không xuất phát từ tâm mà để nổi tiếng, đánh bóng tên tuổi).
* Bài học nhận thức và hành động:
- Lòng vị tha là một phẩm chất cần có ở mỗi con người “ Lòng vị tha không chỉ là món quà quý để ta trao tặng mọi người mà đó còn là món quà tốt đẹp mỗi chúng ta dành tặng chính bản thân mình”.
- Trong cuộc sống cần biết lắng nghe, đồng cảm, sẻ chia; biết sống vì người khác; biết bao dung, tha thứ cho người khác và cho cả bản thân mình.


0,25





0,5
















0,75














0,5
Kết đoạn
- Khẳng định ý nghĩa của lòng vị tha trong cuộc sống.
- Liên hệ bản thân.
0,25
- Đoạn văn có sử dụng một phép nối và một phép thế để liên kết câu
0,5

Câu 6: (5,0 điểm).
* Yêu cầu về kĩ năng
: Học sinh biết viết bài văn nghị luận về đoạn thơ, bài thơ. Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng, lập luận chặt chẽ, mạch lạc, cảm xúc chân thực, diễn đạt trôi chảy, không mắc các lỗi dùng từ, chính tả, ngữ pháp.
* Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau:

Phần
Nội dung
Điểm
Mở bài
- Dẫn dắt, giới thiệu về tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu đoạn thơ: Là đoạn 2 và đoạn 3 của bài thơ “ Mùa xuân nho nhỏ”, thể hiện cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân đất nước và ước nguyện cống hiến cho đất nước của nhà thơ.
0,25
Thân bài
a. Khái quát
- Hoàn cảnh ra đời bài thơ: Bài thơ được viết năm 1980 khi Thanh Hải đang nằm trên giường bệnh, không bao lâu trước khi ông qua đời. Bài thơ như một lời tâm niệm chân thành, lời gửi gắm tha thiết của nhà thơ để lại cho đời.
- Bốn khổ thơ đã diễn tả cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân đất nước và khát vọng được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến cho cuộc đời chung, cho đất nước.
0,5
b. Cảm nhận về đoạn thơ.
b1. Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân đất nước.
* Hình ảnh và sức sống của mùa xuân đất nước được nhà thơ cảm nhận qua hình ảnh lộc xuân gắn với “người cầm súng” và “người ra đồng”.
( Dẫn và phân tích khổ thơ 1)
- Hai câu thơ “ Mùa xuân…trên lưng” gợi liên tưởng đến những người chiến sĩ ra trận ( biểu trưng cho nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ đất nước), trên vai, trên lưng họ có vành lá ngụy trang là chồi non, lộc biếc của mùa xuân thiên nhiên. Hình ảnh người lính ra trận như mang theo sức sống của cả dân tộc.
- Hai câu thơ “ Mùa xuân…nương mạ” nói đến những người lao động ươm mầm cho sự sống trên cánh đồng quê hương ( biểu trưng cho nhiệm vụ lao động xây dựng đất nước).
-> Tác giả đã tạo nên sức gợi cảm cho câu thơ bằng hình ảnh “lộc” gắn với người cầm súngngười ra đồng. Mùa xuân của đất trời đọng lại trong hình ảnh lộc non đi theo người cầm súng và người ra đồng, hay chính họ đã đem mùa xuân đến mọi nơi trên đất nước?
* Hình ảnh và sức sống của mùa xuân đất nước được nhà thơ cảm nhận qua nhịp điệu hối hả, âm thanh xôn xao và niềm tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước .
( Dẫn và phân tích khổ thơ 2)
-Hai từ láy hối hả, xôn xao và phép điệp cấu trúc câu không chỉ diễn tả không khí sôi động, khẩn trương của mùa xuân đất nước mà còn diễn tả chính xác cái náo nức như reo vui trong tâm hồn nhà thơ trước tinh thần lao động khẩn trương của con người. Sức sống của đất nước, của dân tộc cũng được tạo nên từ sự hối hả, náo nức của người cầm súng, người ra đồng.
- Từ sự suy ngẫm về đất nước với lịch sử bốn nghìn năm, với những thăng trầm, những “ vất vả và gian lao”, nhà thơ bộc lộ niềm tự hào về đất nước. Hình ảnh so sánh: Đất nước như vì sao là hình ảnh so sánh đẹp, mang nhiều ý nghĩa. Qua đó, nhà thơ bộc lộ niềm tự hào về một đất nước anh hùng và giàu đẹp, mãi trường tồn cùng vũ trụ; niềm tin đất nước sẽ tỏa sáng như những vì sao trong hành trình đi đến tương lai. Phó từ “cứ” kết hợp với từ “ đi lên” thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng về sức sống của quê hương, đất nước.
b2. Ước nguyện của nhà thơ trước mùa xuân đất nước.
( Dẫn và phân tích khổ thơ 3)
-Nhà thơ ước nguyện làm con chim hót trong giọng hót của muôn chim dâng cho đời tiếng ca vui; làm bông hoa trong hương sắc của muôn hoa; làm nốt trầm xao xuyến trong bản hòa tấu muôn điệu. Điệp ngữ “Ta làm” đã diễn tả một cách chân thành và tha thiết khát vọng được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, được cống hiến phần tốt đẹp- dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước. Sự cống hiến ấy cũng tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa cho sắc cho hương.
( Dẫn và phân tích khổ thơ 4)
-Hình ảnh “Mùa xuân nho nhỏ” là hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo và độc đáo của Thanh Hải. Nhà thơ nguyện làm một mùa xuân, nghĩa là sống đẹp, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình nhưng rất khiêm nhường là một mùa xuân nhỏ góp vào mùa xuân lớn của đất nước, của cuộc đời chung.
- Điệp từ “ dù là” khẳng định mạnh mẽ khát vọng của nhà thơ giữ mãi sức xuân để cống hiến cho đất nước, sự cống hiến ấy là suốt đời, là mãi mãi bất chấp thời gian và tuổi tác, cống hiến khi ở tuổi hai mươi và khi tóc đã bạc và cống hiến với tất cả sự khiêm tốn, thiết tha, trân trọng
“ lặng lẽ dâng”.
-Từ chỗ xưng tôi ở đầu bài thơ bộc lộ cảm hứng trữ tình trước mùa xuân thiên nhiên, nhà thơ chuyển sang xưng ta và ẩn đi trong hình ảnh Một mùa xuân nho nhỏ rất phù hợp để nói lên ước nguyện cao đẹp của nhà thơ và cũng là của chung mọi người. Mỗi người chỉ là một mùa xuân nhỏ góp vào mùa xuân lớn của đất nước.











1,75

































1,75














c. Đánh giá
- Về nghệ thuật , nội dung của đoạn thơ:
Bằng thể thơ năm chữ có nhạc điệu trong sáng, tha thiết, gần gũi với dân ca; hình ảnh thơ vừa tự nhiên, giản dị vừa giàu ý nghĩa biểu tượng
( cành hoa, con chim, mùa xuân); các biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ…nhà thơ đã thể hiện sinh động tình cảm yêu mến và gắn bó với đất nước, ước nguyện chân thành được cống hiến cho đất nước, góp một mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.
-Đặt trong hoàn cảnh ra đời, vượt lên đau đớn của bệnh tật, Thanh Hải vẫn sáng lên tình yêu cuộc sống mãnh liệt, một khát vọng mạnh mẽ được cống hiến cả cuộc đời mình, được hóa thân vào mùa xuân đất nước.






0,5
Kết bài
- Khẳng định lại giá trị của bài thơ.
- Liên hệ, mở rộng.
0,25

Giám khảo cho điểm tối đa khi bài viết đảm bảo tốt hai yêu cầu về kiến thức và kĩ năng làm bài, cần trân trọng những bài viết sáng tạo, có chất văn.
Lưu ý: Điểm của bài thi là điểm tổng các câu cộng lại; cho điểm từ 0 – 10. Điểm lẻ làm tròn tính đến 0.5.
 

Đính kèm

  • 3-DE THI THU VAO 10_giaoanchuan13.2.21.pdf
    446.4 KB · Lượt xem: 0

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Shoutbox
Hãy đăng nhập để bắt đầu trò chuyện
  1. No shouts have been posted yet.
Nơi bạn có thể chia sẻ, hỏi đáp nhanh với tất cả mọi người

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top