Đề cương ôn thi lý thuyết mầm non cấp tỉnh - p1

Thần Đồng

Moderator
Điểm
31,452
ĐỂ CƯƠNG

ÔN TẬP LÝ THUYẾT THI

I. Một số văn bản chỉ đạo của ngành:

1. Điều lệ trường MN: ( Các phần có liên quan đến GV)



Điều 34. Giáo viên


Giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non là người làm nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

Điều 35. Nhiệm vụ của giáo viên

1. Bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng của trẻ em trong thời gian trẻ em ở nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

2. Thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chương trình giáo dục mầm non: lập kế hoạch chăm sóc, giáo dục; Xây dựng môi trường giáo dục, tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; Đánh giá và quản lý trẻ em; Chịu trách nhiệm về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; Tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn, của nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

3. Trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; Gương mẫu, thương yêu trẻ em, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em; Bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

4. Tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học nuôi dạy trẻ em cho cha mẹ trẻ. Chủ động phối hợp với gia đình trẻ để thực hiện mục tiêu giáo dục trẻ em.

5. Rèn luyện sức khỏe; Học tập văn hoá; Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

6. Thực hiện các nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành, các quy định của nhà trường, quyết định của Hiệu trưởng.

Điều 37. Quyền của giáo viên

1. Được đảm bảo các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

2. Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, được hưởng lương, phụ cấp và các chế độ khác theo quy định của pháp luật khi được cử đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

3. Được hưởng mọi quyền lợi về vật chất, tinh thần và được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ theo chế độ, chính sách quy định đối với nhà giáo.

4. Được bảo vệ nhân phẩm, danh dự.

5. Được thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên

Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non là có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non;

Điều 39. Hành vi, ngôn ngữ ứng xử, trang phục của giáo viên

1. Hành vi, ngôn ngữ ứng xử của giáo viên phải đáp ứng yêu cầu giáo dục đối với trẻ em.

2. Trang phục của giáo viên gọn gàng, sạch sẽ phù hợp với hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Điều 40. Các hành vi giáo viên không được làm

1. Các hành vi giáo viên không được làm:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp;

b) Xuyên tạc nội dung giáo dục;

c) Bỏ giờ; Bỏ buổi dạy; Tuỳ tiện cắt xén chương trình nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục;

d) Đối xử không công bằng đối với trẻ em;

e) Ép buộc trẻ học thêm để thu tiền;

f) Bớt xén khẩu phần ăn của trẻ em; Làm việc riêng khi đang tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

2. Các hành vi nhân viên không được làm :

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp;

b) Đối xử không công bằng đối với trẻ em;

c) Bớt xén khẩu phần ăn của trẻ em; Làm việc riêng khi đang tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em.

Điều 41. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Giáo viên có thành tích được khen thưởng, được tặng danh hiệu thi đua và các danh hiệu cao quý khác theo quy định.

2. Giáo viên có hành vi vi phạm các quy định tại Điều lệ này thì tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định.




2.Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học

*
. Nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

- Công tác chăm sóc sức khoẻ và nuôi dưỡng trẻ.


Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở GDMN. Quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn cho trẻ ở trường, chỉ đạo tốt việc tính khẩu phần ăn cho trẻ theo khung chương trình GDMN do Bộ GD&ĐT ban hành. Tăng tỷ lệ trẻ được ăn bán trú trong các cơ sở GDMN từ 5 - 7 %, nâng tỉ lệ trẻ được ăn bán trú bình quân toàn tỉnh là 99% đối với trẻ nhà trẻ và 87 % đối với trẻ mẫu giáo. Đảm bảo 100% trẻ đến trường được theo dõi sự phát triển thể lực bằng biểu đồ tăng trưởng. Chủ động xây dựng kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non, kết hợp hoạt động GD dinh dưỡng, sức khỏe với tăng cường các hoạt động phát triển thể lực đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ. Phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và suy dinh dưỡng thể thấp còi đều xuống còn dưới 5,8%.

Tăng tỷ lệ các trường MN có mô hình phòng chống SDD lên 90%. Tiếp tục triển khai chương trình tuyên truyền giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mầm non. Triển khai rộng rãi mô hình “giáo dục trẻ rửa tay bằng xà phòng”, chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non, góp phần hình thành nền nếp thói quen tốt, hành vi văn minh có lợi cho sức khỏe và sự phát triển lâu dài của trẻ.

Tăng cường các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ trong các cơ sở GDMN, đảm bảo an toàn tuyệt đối cả về thể chất và tinh thần. Chủ động phòng chống dịch bệnh trong trường mầm non, giữ gìn môi trường sinh hoạt, dụng cụ ăn uống, đồ dùng, đồ chơi của trẻ sạch sẽ để phòng chống một số bệnh do virut gây ra, dễ lây lan và nguy hiểm tới tính mạng của trẻ. Thực hiện tốt công tác y tế trường học, phối hợp với ngành y tế trong việc khám sức khỏe định kỳ, quản lý sức khỏe, tiêm chủng phòng dịch bệnh cho trẻ trong các cơ sở GDMN.

Triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 22/2013/TTLT-BGDĐT-BYT ngày 18 tháng 6 năm 2013 quy định đánh giá công tác y tế tại các cơ sở GDMN.

- Nâng cao chất luợng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN ở tất các cơ sở GDMN, trong đó đảm bảo có 100% số nhóm, lớp thực hiện chương trình (riêng đối với lớp mẫu giáo 5 tuổi không để tình trạng ghép với các độ tuổi khác).

Khuyến khích các địa phương chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đầu tư đồ dùng, đồ chơi thiết bị giáo dục tối thiểu phục vụ chương trình GDMN.

Xây dựng và triển khai chuyên đề "Phát triển vận động của trẻ "trong các cơ sở GDMN.

Tăng cường trao đổi, học tập, rút kinh nghiệm và hỗ trợ việc thực hiện chương trình GDMN cho cán bộ quản lý, giáo viên của các trường MN (trong năm học mỗi đơn vị tổ chức ít nhất 01 hội thảo chuyên đề). Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình GDMN ở những vùng nông thôn, miền núi khó khăn.

Tiếp tục thực hiện sử dụng Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi tại 100% số lớp mẫu giáo 5 tuổi của các cơ sở GDMN. Tăng cường tuyên truyền bằng mọi hình thức cho các bậc cha mẹ hiểu và biết cách sử dụng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường giúp trẻ phát triển toàn diện tạo nền tảng vững chắc cho trẻ bước vào lớp 1.

Các địa phương phát huy sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp GDMN, đề xuất các giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm nâng cao chất lượng GDMN. Chuẩn bị các điều kiện để thử nghiệm mô hình dịch vụ GDMN dựa vào cộng đồng cho trẻ từ 0-3 tuổi của Bộ GD&ĐT.

- Thực hiện có hiệu quả các nội dung giáo dục.

Tăng cường đầu tư thiết bị CNTT và bồi dưỡng giáo viên đảm bảo có ít nhất 92% CBQL và giáo viên có khả năng khai thác, sử dụng và ứng dụng CNTT trong thiết kế và tổ chức các hoạt động giáo dục. Có 100% số trường được trang bị máy vi tính và kết nối Internet. Nhân rộng việc sử dụng các phần mềm giáo dục, nuôi dưỡng trẻ (Kidsmart, Happykid, Nutrikids, kidpix) và các phần mềm quản lí khác cho hoạt động của trường mầm non. Sử dụng hợp lí các phần mềm xây dựng bài giảng tương tác điện tử ở những nơi có điều kiện.

Trên cơ sở thực hiện chương trình GDMN, hướng dẫn giáo viên lồng ghép các nội dung GD vệ sinh cá nhân, GD kỹ năng sống, giáo dục an toàn giao thông trong các hoạt động giáo dục giúp trẻ tăng cường thực hành trải nghiệm để hình thành những hành vi ứng xử đúng đối với môi trường, thói quen tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt, thực hiện đúng các quy định an toàn giao thông. Lồng ghép nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và kiến thức về giáo dục môi trường biển đảo vào chương trình GDMN.

Kiểm định chất lượng GDMN.

Tiếp tục phối hợp chỉ đạo triển khai đánh giá chất lượng trường mầm non theo Thông tư số 07/2011/TT-BGDĐT ngày 17/02/2011 quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non, Thông tư 45/2011/TT-BGDĐT ngày 11/10/2011 quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng trường mầm non và Công văn số 8299/BGDĐT ngày 04/12/2012 hướng dẫn tự đánh giá chất lượng trường mầm non theo quy trình rút gọn.

* Thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua

Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đưa các nội dung của cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" thành các hoạt động thường xuyên trong các cơ sở GDMN. Tăng cường tu dưỡng rèn luyện đạo đức, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Xây dựng môi trường sư phạm, xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, xây dựng mối quan hệ ứng xử thân thiện, tăng cường đổi mới phương pháp giáo dục nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của trẻ, hình thành ở trẻ các phẩm chất mạnh dạn, tự tin trong mọi hoạt động, thân thiện với mọi người xung quanh; lễ phép trong giao tiếp, ứng xử. Duy trì việc thực hiện đưa các nội dung giáo dục văn hóa truyền thống thông qua các trò chơi dân gian, làn điệu dân ca phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường và bản sắc văn hóa của địa phương, chủ động đưa các hoạt động đã tổ chức có hiệu quả, bền vững thành hoạt động thường xuyên.

Phấn đấu có ít nhất 92% số trường đạt tiêu chuẩn “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” từ loại khá trở lên.



3. MỘT SỐ QUI ĐỊNH THỰC HIỆN CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG VÀ GIÁO DỤC TRẺ TRONG CÁC TRƯỜNG MẦM NON



* MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

-
Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các trường mầm non theo hướng chuẩn chất lượng giáo dục.

- Phát huy khả năng linh hoạt, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ hàng ngày phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

- Thực hiện nghiêm túc qui định về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ về thể chất và tinh thần, tạo được niềm tin của các bậc phụ huynh, xã hội.

*. NỘI DUNG THỰC HIỆN:

- Chăm sóc, nuôi dưỡng:

1.Chăm sóc:

1.1.Tổ chức bữa ăn cho trẻ.


- Giáo viên chăm sóc chu đáo các bữa ăn trong ngày cho trẻ. Hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn (rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy). Chuẩn bị đủ đồ dùng cho bữa ăn (bàn ghế, khăn mặt, bát, thìa…)

- Cho trẻ ăn đúng giờ, không bắt trẻ ngồi vào bàn chờ đợi quá lâu. Động viên trẻ ăn hết suất, quan tâm chăm sóc trẻ mới đến lớp, trẻ mới ốm dậy, trẻ ăn chậm, biếng ăn.

- Rèn cho trẻ nền nếp tự xúc cơm, không nói chuyện khi ăn, không ăn quá nhanh, trẻ biết nhặt cơm rơi trên bàn vào đĩa, hạn chế bị đổ cơm ra nền nhà.

- Giáo viên nắm vững cách phòng và kịp thời xử lý những tình huống trẻ hóc, sặc thức ăn hoặc bỏng có thể xảy ra khi ăn.

- Đồ dùng cá nhân của trẻ phải được vệ sinh hàng ngày, tiệt trùng theo tuần (khăn mặt, ca cốc, bát thìa được luộc hoặc hấp tiệt trùng 1 lần/tuần).

1.2. Cho trẻ uống nước:

- Cho trẻ uống nước lọc (nước đun chín kỹ) đựng trong bình có nắp đậy. Mỗi trẻ có 1 ca (cốc), có ký hiệu riêng, không để trẻ uống lẫn cốc (ca) của nhau.

- Giáo viên cho trẻ uống nước theo nhu cầu và uống đủ nước/ngày (1,6-1,8 lít nước/trẻ gồm nước uống và thức ăn).

- Cho trẻ uống nước nhiều lần trong ngày (sau khi chơi, ăn xong, sau khi ngủ dậy) không để trẻ uống nhiều nước trước khi ăn cơm, không để trẻ bị khát nước.

1.3. Tổ chức giờ ngủ:

- Chuẩn bị phòng cho trẻ ngủ sạch sẽ, yên tĩnh, ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè. Chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cho trẻ ngủ, sắp xếp cho trẻ nằm ngủ với tư thế thoải mái, nên tôn trọng thói quen và tư thế nằm của trẻ (tránh để trẻ nắm sấp). Cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ thời gian và ngủ ngon giấc theo yêu cầu của từng độ tuổi. Cho trẻ thức dậy từ từ.

- Thay quần áo cho trẻ khi ra nhiều mồ hôi, quan tâm đến trẻ khó ngủ, trẻ mệt, trẻ bị hen, bị bệnh tim bẩm sinh.

- Giáo viên trực để quan sát, phát hiện, xử trí kịp thời các tình huống như trẻ bị ngạt, suy hô hấp, suy tim có thể xẩy ra.

- Hàng tháng tổng vệ sinh đồ dùng gối, ga, chăn, chiếu, phản sạch sẽ.

1.4. Chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh

- Tổ chức tốt việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ, thực hiện cân, đo đúng theo qui định (nhà trẻ cân 01 tháng/lần, đo 3 tháng/lần; mẫu giáo cân 3 tháng/lần, đo 6 tháng/lần) không để trẻ đi dép khi cân, đo.

- Theo dõi, phát hiện kịp thời khi trẻ có biểu hiện không bình thường về sức khỏe (cần thông báo với phụ huynh về tình trạng sức khỏe của trẻ, đưa trẻ lên phòng y tế nhà trường sơ cứu ban đầu hoặc đến trạm y tế, bệnh viện gần nhất.

- Phòng bệnh thường gặp cho trẻ theo mùa, nhắc phụ huynh cho trẻ mặc ấm, đi tất vào mùa đông (không để trẻ đi chân đất trực tiếp xuống sàn nhà khi trời lạnh).

- Trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ giáo viên thường xuyên theo dõi, bao quát trẻ mọi lúc mọi nơi, không làm việc riêng, không bỏ lớp, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ về thể chất và tình thần. Biết cách sơ cứu những tai nạn có thể xảy ra đối với trẻ.

- Nhắc nhở và tuyên truyền cho phụ huynh thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn đối với trẻ.

2. Nuôi dưỡng trẻ:

2.1. Xây dựng thực đơn:

-
Xây dựng thực đơn cho trẻ theo tuần và thay đổi thực đơn theo mùa phù hợp lứa tuổi, chọn đa dạng thực phẩm sẵn có ở địa phương, hạn chế sử dụng thực phẩm đông lạnh hoặc chế biến sẵn (không cho trẻ ăn một loại thức ăn quá 2 lần/tuần và không nên cho trẻ ăn giò, chả, bánh kẹo, những thực phẩm có nhiều phụ gia).

- Các bữa ăn trong ngày của trẻ đảm bảo đủ lượng, cân đối dưỡng chất theo 4 nhóm thực phẩm (protit, lipit, gluxit, vitamin và muối khoáng).

2.2. Tính ăn hàng ngày:

- Căn cứ vào thực đơn, mức tiền ăn, giá thành phẩm để tính ăn từng ngày chính xác (con số, đơn vị tính). Chi hết mức tiền ăn vào bữa trong ngày cho trẻ.

- Thực phẩm thay đổi trong ngày cần phải viết thông báo trên bảng công khai tài chính và sổ theo dõi trước 8h30’sáng (ghi rõ lý do thay đổi thực đơn đột xuất).

2.3. Tính khẩu phần ăn:

- Khẩu phần ăn của trẻ cần phải cân đối tỷ lệ giữa các chất sinh năng lượng theo yêu cầu. Chất đạm protit 12-15%; chất béo lipit 35-40% nhà trẻ, 20-30% mẫu giáo; chất bột gluxit 45-53% nhà trẻ, 55-68% mẫu giáo. Lượng kcalo trẻ ăn tại trường trong ngày đạt từ 700 – 900 kcal/trẻ/ngày.

- Sử dụng phần mềm Nutrikids (hoặc Excel) tính khẩu phần ăn từng ngày cho trẻ, cân đối tỷ lệ các chất dinh dưỡng ở mức ổn định và tăng dần so với yêu cầu chuẩn cần đạt đối với trẻ nhà trẻ, mẫu giáo.

2.4. Vệ sinh an toàn thực phẩm:

- Hợp đồng mua thực phẩm chặt chẽ, cụ thể với cá nhân hoặc cơ sở sản xuất, cửa hàng, có địa chỉ đáng tin cậy.

- Chọn thực phẩm tươi, ngon và an toàn. Tuyệt đối không mua thực phẩm dập nát, ôi, mốc, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc.

-Thực hiện chế biến, chia ăn đảm bảo theo qui trình một chiều (không để thức ăn chín lẫn thức ăn sống), vệ sinh từng khâu (sạch, gọn). Giáo viên, cô nuôi đeo khẩu trang khi chia ăn.

- Bếp ăn phải được cấp giấy chứng nhận bếp đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

2.5. Lưu mẫu thức ăn:

Mỗi bữa để lại 1 xuất ăn (200g), bảo quản trong tủ lạnh để khi có nghi ngờ ngộ độc thực phẩm mang xét nghiệm thức ăn lưu, tìm nguyên nhân gây ngộ độc. Thời gian lưu mẫu thức ăn sau 24 giờ/ngày.

2.6. Quản lý tài chính bán trú:

- Thực hiện thu tiền ăn đủ chi theo đúng nguyên tắc tài chính. Thông báo các khoản thu, chi bữa ăn cho trẻ trong ngày trên bảng tài chính công khai trước 8h30’ hàng ngày. Khi có thay đổi thực đơn của trẻ trong bảng kê tài chính đồng thời phải thông báo trên bảng tài chính công khai.

- Có đầy đủ hồ sơ bán trú lưu giữ theo đúng qui định được ghi chép rõ ràng, cụ thể (tránh tẩy xóa). Riêng sổ tiếp phẩm và nhận thực phẩm phải có đủ chữ ký (người giao, người nhận, người chứng kiến) chốt sổ trong ngày.

- Đồ dùng phục vụ bán trú, ăn, ngủ, sinh hoạt phụ huynh ủng hộ phải có biên bản bàn giao, nhận giữa ban đại diện cha mẹ trẻ và giáo viên phụ trách nhóm, lớp đưa vào sổ sách quản lý của trường.



- GIÁO DỤC TRẺ:

1. Xây dựng kế hoạch:


- Xây dựng kế hoạch (năm học, chủ đề, tuần, ngày) bám sát chương trình giáo dục mầm non, khả năng nhận thức, hiểu biết của trẻ và điều kiện thực tế trường, lớp để xác định mục tiêu, các nội dung, hình thức tổ chức thực hiện phù hợp từng lứa tuổi.

- Riêng kế hoạch giáo dục trẻ mẫu giáo 5 tuổi cần đưa ra mục tiêu gắn với các chỉ số trong Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi.

- Thực hiện đầy đủ chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ theo đúng kế hoạch. Trong

quá trình thực hiện kế hoạch giáo viên cần linh hoạt, thường xuyên xem xét, điều chỉnh

kế hoạch phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ và thực tế nhà trường và địa phương.

2. Xây dựng môi trường giáo dục

* Môi trường cho trẻ hoạt động trong lớp:

+Sắp xếp, bố trí đồ dùng, đồ chơi, tạo không gian mở, thuận tiện để tổ chức các hoạt động cho trẻ. Các trang thiết bị, giá, tủ bố trí dễ dàng di chuyển để thay đổi các hoạt động theo nhu cầu của trẻ.

+Trang trí nhóm, lớp đảm bảo tính thẩm mỹ, nổi bật chủ đề giáo dục, không treo quá nhiều tranh ảnh.

+Cung cấp đồ dùng, đồ chơi đa dạng phong phú theo từng chủ đề, sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng , đảm bảo an toàn cho trẻ.

* Môi trường cho trẻ hoạt động ngoài trời:

+ Xây dựng môi trường sư phạm “xanh, sạch, đẹp” an toàn cho trẻ hoạt động và học tập.

+Trồng cây xanh, bóng mát, cây cảnh, vườn cây của bé, vườn rau của bé… tạo khuôn viên đẹp, thân thiện với trẻ, tránh tình trạng bê tông quá nhiều trong sân trường.

3. Quản lý trẻ hàng ngày

-
Hàng ngày giáo viên phải nắm vững số trẻ có mặt và những trẻ vắng mặt ghi vào sổ theo dõi. Nắm được những biểu hiện bất thường xảy ra đối với từng trẻ để có biện pháp chăm sóc, giáo dục phù hợp, cũng như thông báo cho cha mẹ trẻ được rõ. Đảm bảo an toàn tuyệt đối về tinh thần cũng như thể chất cho trẻ.

- Khi đón trẻ giáo viên phải nắm được tình hình sức khỏe, tâm trạng của trẻ, người đưa trẻ và các đồ dùng mang theo (yêu cầu gia đình không để trẻ mang theo những đồ dùng, đồ vật gây độc hại hoặc gậy thương tích cho trẻ).

- Nếu giáo viên nhận thuốc cho trẻ uống yêu cầu phụ huynh ký nhận vào sổ theo dõi thuốc hàng ngày của trẻ.

4. Tổ chức giờ chơi:

* Cho trẻ chơi trong lớp:

- Giáo viên chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, đồ chơi, học liệu và bố trí các góc chơi hợp lý, phát huy được tính tích cực, tự nguyện, hứng thú chơi của trẻ.

- Thường xuyên quan sát, theo dõi và hướng dẫn trẻ chơi, gợi ý động viên kịp thời xử lý các tình huống nẩy sinh trong khi trẻ chơi như tranh dành đồ chơi, không chịu nhường vai chơi cho bạn, ngậm đồ chơi vào miệng (không dùng những đồ chơi nhỏ, gây nguy hiểm khi chơi).

- Rèn nền nếp thói quen tốt trong khi chơi và sau khi chơi xong biết cất đồ chơi vào đúng nơi qui định.

* Cho trẻ chơi ngoài trời:

- Chọn địa điểm chơi đảm bảo an toàn, rộng rãi cho trẻ vận động. Khi trẻ ra chơi ngoài trời phải có ít nhất 2 giáo viên quản trẻ. Bao quát, theo dõi trẻ, không để trẻ chạy nhảy quá sức hoặc xô đẩy nhau, (phải kiểm tra sĩ số trẻ trước và sau khi kết thúc buổi chơi).

- Cần nói rõ cho trẻ biết khu vực chơi của lớp, tập cho trẻ làm quen với hiệu lệnh khi cần tập trung trẻ lại một chỗ hoặc chuẩn bị vào lớp.

- Chú ý khai thác kinh nghiệm thực tế của trẻ, tận dụng môi trường sẵn có cho trẻ thực hành được nhiều nhất.

- Sắp xếp xen kẽ các trò chơi tĩnh, động, trong lớp, ngoài trời cho phù hợp với đặc điểm của trẻ ở từng độ tuổi.

- Chủ động tổ chức lồng ghép các trò chơi vào các hoạt động trong ngày của trẻ tạo cơ hội cho trẻ học bằng chơi, chơi mà học phát huy khả năng sáng tạo của trẻ trong tổ chức hoạt động vui chơi ở trường mần non.

5.Tổ chức giờ học

- Giáo viên thực hiện tốt các tiết học theo kế hoạch. Các tiết học được tổ chức sáng tạo, linh hoạt phát huy tính tích cực của trẻ (có thể tổ chức giờ học ở trong lớp hoặc ngoài trời, học cả lớp theo nhóm nhỏ hoặc từng cá nhân).

- Lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp, thời gian hoạt động nhằm đạt được mục đích, yêu cầu tiết dạy tránh máy móc, cứng nhắc tùy vào khả năng hứng thú của trẻ thời gian của hoạt động có thể tăng thêm 03 phút hoặc tối đa không quá 5 phút theo qui định.

- Sắp xếp chỗ ngồi cho trẻ phù hợp với từng hoạt động để bao quát trẻ một cách tốt nhất, tạo điều kiện để mọi trẻ trong nhóm lớp đều được tham gia hoạt động học đầy đủ, tích cưc.

- Nếu lớp đông giáo viên tách trẻ thành 2 nhóm , mỗi giáo viên phụ trách một nhóm để dạy trẻ (tùy vào điều kiện thực tế giáo viên chọn địa điểm dạy trẻ phù hợp ).

6. Đánh giá trẻ:

- Giáo viên cần thực hiện nghiêm túc việc đánh giá trẻ; Chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để đánh giá đúng sự phát triển của trẻ: đánh giá trẻ hàng ngày, đánh giá cuối chủ đề, đánh giá cuối độ tuổi.( trẻ mẫu giáo 5 tuổi còn được thực hiện đánh giá theo bộ chuẩn phát trẻ em 5 tuổi)

- Đánh giá hàng ngày, đánh giá cuối chủ đề ghi vào sổ soạn bài sau một ngày và cuối mỗi chủ đề. Đánh giá cuối độ tuổi ghi vào bảng đánh giá sự phát triển của trẻ.

- Hoạt động đánh giá phải khách quan, chính xác, trung thực tránh hình thức. Kết quả đánh giá được lưu vào hồ sơ cá nhân của trẻ.

- Mỗi trẻ có 01 hồ sơ cá nhân gồm có: Lí lịch trẻ; sổ theo dõi sức khỏe; sổ liên lạc, kết quả các bài tập (nếu có), các sản phẩm vẽ, năn, xé, dán… Hồ sơ được đóng thành túi ghi rõ họ, tên, ngày sinh; lớp, năm học.

7. Thực hiện các chuyên đề

- Giáo viên xây dựng kế hoạch thực hiện các chuyên đề đầy đủ, khoa học, cụ thể. Linh hoạt lồng ghép các chuyên đề vào hoạt động của trẻ.

- Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chuyên đề; (CNTT, GDBVMT, GD Lễ giáo. GD dinh dưỡng; Giáo dục âm nhạc, LQ văn học, chữ viết…) và các chuyên đề theo sự chỉ đạo của phòng.

8. Tổ chức hoạt động lao động và tổ chức ngày hội ngày lễ

-
Giáo viên cần hướng dẫn cho trẻ biết lao động tự phục vụ (đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo..) và thói quen lao động hàng ngày (sắp xếp đồ dùng, đồ chơi, trực nhật bữa ăn và hoạt động học, góc thiên nhiên và các công việc nhẹ nhàng) phù hợp với độ tuổi.

- Tiến hành tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động tập thể ngày hội, ngày lễ; (ngày hội đến trường, tết trung thu, ngày 20-11, ngày 1/6 và lễ ra trường) tạo quang cảnh vui tươi, hào hứng đem lại niềm vui cho trẻ.

- Sắp xếp bố cục chương trình lễ hội hài hòa, luyện cho trẻ các tiết mục văn nghệ tự chọn (múa, hát, kể chuyện, đọc thơ, trò chơi…) đan xen các tiết mục biểu diễn văn nghệ. Tạo điều kiện để tất cả trẻ được tham gia tham gia vào hoạt động.

- Bố trí địa điểm rộng rãi khu vực cho trẻ ngồi, dễ dàng quan sát các khu vực (chơi, biểu diễn)…Thời gian tổ chức lễ hội vào buổi sáng hoặc chiều khoảng chừng từ 30-50 phút (không kéo dài quá 60 phút).

- Cần có kế hoạch tổ chức cho trẻ đi dạo chơi, tham quan khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của địa phương, tổ chức cho trẻ 5 tuổi đi tham quan trường tiểu học. Trong quá trình tổ chức cho trẻ đi tham quan cần chú ý đến sức khỏe của trẻ cũng như phải đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ trong suốt quá trình tham quan.

9. Công tác phối hợp với phụ huynh

-
Giáo viên cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc chăm sóc giáo giáo dục trẻ. Việc phối hợp với phụ huynh cần được xây dựng và đánh giá cụ thể trong kế hoạch chủ đề và kế hoạch tuần.

- Thống nhất với phụ huynh về nội qui, hình thức và biện pháp phối hợp từng giai đoạn.

- Giáo viên cần tìm hiểu rõ về hoàn cảnh gia đình trẻ, lắng nghe ý kiến của phụ huynh, sẵn sàng tư vấn cho phụ huynh về kiến thức nuôi dạy trẻ.

- Hàng ngày cần trao đổi kịp thời cụ thể về chế độ sinh hoạt, đặc điểm của trẻ với phụ huynh để có biện pháp phối hợp có hiệu quả.

- Mỗi trường mầm non có 01 bảng tuyên truyền ngoài sân trường; mỗi nhóm, lớp có một góc tuyên truyền ở phía ngoài lớp với các nội dung tuyên truyền về chăm sóc, giáo dục trẻ, các góc tuyên truyền được thay đổi theo chủ đề với những nội dung thiết thực góp phần cung cấp những kiến thức về nuôi dạy trẻ giúp các bậc phụ huynh chăm sóc giáo dục trẻ đạt hiệu quả.

-

- TỔ CHỨC THỰC HIỆN


Căn cứ hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo các trường Mầm non triển khai nội dung qui định về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ đến 100% các nhóm lớp trong trường ; Tổ chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên nắm vững và thực hiện nghiêm túc các qui định trên.
 

Đính kèm

Sửa lần cuối:
Điều 40. Các hành vi giáo viên không được làm

1. Các hành vi giáo viên không được làm:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp;

b) Xuyên tạc nội dung giáo dục;

c) Bỏ giờ; Bỏ buổi dạy; Tuỳ tiện cắt xén chương trình nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục;

d) Đối xử không công bằng đối với trẻ em;

e) Ép buộc trẻ học thêm để thu tiền;

f) Bớt xén khẩu phần ăn của trẻ em; Làm việc riêng khi đang tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

2. Các hành vi nhân viên không được làm :

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp;

b) Đối xử không công bằng đối với trẻ em;

c) Bớt xén khẩu phần ăn của trẻ em; Làm việc riêng khi đang tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em.

Điều 41. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Giáo viên có thành tích được khen thưởng, được tặng danh hiệu thi đua và các danh hiệu cao quý khác theo quy định.

2. Giáo viên có hành vi vi phạm các quy định tại Điều lệ này thì tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định.
 

Xếp hạng chủ đề

Tạo
Thần Đồng,
Trả lời lần cuối từ
Thần Đồng,
Trả lời
1
Lượt xem
565

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Back
Top