Đề thi môn Ngữ Văn vào 10 Chuyên ĐH Vinh, THPT Phan Bội Châu, Nghệ An

GIAO AN

S.Moderator
Thành viên BQT
Điểm
50,678
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
NGHỆ AN
KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10
TRƯỜNG THPT PHAN BỘI CHÂU
TRƯỜNG THPT CHUYÊN – TRƯỜNG ĐH VINH
NĂM HỌC 2020 – 2021
Môn thi chuyên: Ngữ Văn

( Thời gian: 150 phút, không kể thời gian giao đề)
Câu 1: Đọc hiểu ( 4.0 điểm)

Đọc bài thơ sau và thực hiện yêu cầu:

Con ngủ

Đầu cha rủ xuống tơ vàng

Lời ru của mẹ trải làn gối em

Ngủ đi hỡi mảnh trăng hiền

Cho long lanh những giọt đêm nặng đầy

Vào đây gió cũng thơ ngây

Ngọc trâm dịu mát hương rây xuống hồn

Trời cha che mảnh đất con

Yêu thương buông xuống mỏi mòn đêm sương

Cha là hương ở hoa thơm

Mẹ là vị ngọt cuối vườn trái cam

Con đang mơ chạy lang thang

Ngồi đây cha thả bướm vàng bay theo

( Mai Văn Phấn, Giọt nắng, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng xuất bản, 1992)​

a. Xác định động từ, tính từ trong các từ: rủ, sương, cha, mát, mẹ, che, ngọt

b. Nêu tác dụng của các biện pháp tu từ trong câu thơ:

Ngủ đi hỡi mảnh trăng hiền

Cho long lanh những giọt đêm nặng đầy

c. Em hiểu thế nào về câu thơ:

Trời cha che mảnh đất con

Yêu thương buông xuống mỏi mòn đêm sương

d. Bài thơ đã gợi cho em những tình cảm gì? ( Trình bày 5 – 7 dòng)

Câu 2: Nghị luận xã hội ( 6.0 điểm)

Nên bắt đầu từ sự cho đi. Đó là bí mật của sự may mắn.

( Nguồn: Tonybuoisangonline)​

Em hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Câu 3: Nghị luận văn học ( 10.0 điểm)

Người nghệ sĩ luôn muốn truyền đạt một cách hào phóng tất cả những cái gì phong phú của tư tưởng và tình cảm đang tràn ngập trong chính tâm hồn của nhà văn. ( Pauxtốpki)

( Dẫn theo Lí luận văn học, tập 1 – Phương Lựu ( Chủ biên), NXB Đại học Sư phạm, 2017, tr296 – 297)

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Từ đó làm rõ những tư tưởng, tình cảm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong truyện ngắn Chiếc lược ngà ( Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo Dục VN)



--------------------------Hết------------------------​



SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
NGHỆ AN
HƯỚNG DẪN CHẤM, ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10
TRƯỜNG THPT PHAN BỘI CHÂU
TRƯỜNG THPT CHUYÊN – TRƯỜNG ĐH VINH
NĂM HỌC 2020 – 2021
Môn thi chuyên: Ngữ Văn
I. HƯỚNG DẪN CHUNG:

- Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm và Đáp án – Thang điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo để đánh giá bài làm của thí sinh. Do đặc trưng của môn Ngữ văn, giám khảo cần linh hoạt trong khi chấm, tránh đếm ý cho điểm

- Ngoài việc đánh giá kiến thức, giám khảo cần phát hiện những bài làm sáng tạo, miễn phù hợp với yêu cầu của đề, thể hiện tố chất của học sinh giỏi; kiến thức tiếng Việt, văn học vững chắc; bước đầu có một số kiến thức về lí luận văn học, có kiến thức cuộc sống xã hội; kĩ năng làm bài.

- Chấm theo thang điểm 20.0, lấy lẻ đến 0,25. Điểm thống nhất làm tròn đến 2 chữ số thập phân.

II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ:

Câu
Nội dung
Điểm
1​
a.
- Động từ: rủ, che
- Tính từ: mát, ngọt

0,25
0,25
b.
- Biện pháp tu từ ẩn dụ: mảnh trăng hiền, long lanh giọt đêm
- Tác dụng:
+ Gợi hình ảnh người con như mảnh trăng hiền hòa, tỏa sáng dịu êm, nhỏ những giọt mát lành xuống cuộc đời cha
+ Nhấn mạnh tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái thắm thiết, sâu nặng
+ Tạo cách diễn đạt tinh tế, giàu hình ảnh, lời thơ thêm hấp dẫn…

0,25
0,75
c. Hiểu về câu thơ:
- Tình yêu thương rộng lớn, cao cả, thiêng liêng; sự che chở, bao bọc của người cha dành cho con.
- Sự xúc động trân quý của tác giả khi thể hiện tình cảm của người cha…

0,5

0,5
d. Bài thơ đã gợi những tình cảm:
- Yêu thương, gắn bó với gia đình, làng quê…
- Xúc động trước tình yêu của mẹ, đức hi sinh cao cả của cha đối với con
- Cảm nhận được những giai điệu êm ái, ngọt ngào, sâu lắng của lời ru

0,5
0,5
0,5
2​
Nghị luận xã hội
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Nên bắt đầu từ sự cho đi. Đó là bí mật của sự may mắn
6.0
0.25


0.25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:
Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách, tôn trọng sáng tạo nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Sau đây là một số hướng gợi ý:
* Giải thích:
- Nên bắt đầu từ sự cho đi: Cho đi là chuyển cái sở hữu của mình sang người khác mà không đợi nhận lại; chia sẻ cống hiến một cách tự nguyện. Cho đi là yếu tố cần có đầu tiên của con người.
- Bí mật của sự may mắn: là điều tốt lành tình cờ đưa đến, không biết trước được, không đoán định được.
- Ý kiến muốn nói: Nếu con người biết sống vì người khác thì những may mắn, thành công sẽ bất ngờ đến với mình.
* Bàn luận: Đây là đề mở nên thí sinh có nhiều hướng suy nghĩ khác nhau, miễn là hợp lý, thuyết phục. Sau đây là một số phương án:
- Đồng tình với ý kiến trên:
+ Con người sống trước hết cần biết cho đi, biết hỗ trợ, biết giúp đỡ ( vật chất, tinh thần, tri thức…). Điều đó đem lại niềm vui, hạnh phúc cho bản thân và cho người khác. Đó là lẽ sống đẹp cần khích lệ, động viên, ghi nhận, là truyền thống đạo lý của con người Việt Nam
+ Từ sự cho đi, con người sẽ nhận được những điều tốt lành bất ngờ, không báo trước mà cuộc đời ban tặng
+ ……
- Không đồng tình với ý kiến:
+ Mỗi người nên bắt đầu từ sự tích lũy chứ không phải cho đi. Sống cho mình chứ không phải cho người khác. Mặt khác, không phải khi nào mình cũng có điều kiện để cho và khi cho chưa hẳn người ta đã nhận; cho dễ tạo cho người ta tâm lý ỷ lại, thiếu động lực phát huy, phát triển chính mình.
+ May mắn là yếu tố ngẫu nhiên, bất ngờ nhưng hiếm gặp và không phải cứ cho đi là may mắn sẽ đến…
+ ….
- Vừa đồng tình vừa không đồng tình: Thí sinh kết hợp 2 hướng giải quyết trên.
* Mở rộng:
- Người cho phải biết cho đúng đối tượng, đúng lúc, đúng nơi, không vì mục đích vụ lợi
- Phê phán những người nhận không biết trân trọng giá trị người khác mang đến cho mình
* Bài học nhận thức:
- Con người sống ở đời cần biết cho và biết nhận. Đó là cách tự hoàn thiện bản thân và vươn tới lẽ sống cao đẹp. Khi có nhiều người biết cho, biết nhận, xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
- Khi nhận được sự may mắn phải biết trân trọng, giữ gìn và tiếp tục phát huy, lan tỏa…
4.5



0.5







3.0



















0.5




0.5
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận0.75
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu0.25
3​
Nghị luận văn học10.0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Giải thích ý kiến: Người nghệ sĩ luôn muốn truyền đạt một cách hào phóng tất cả những cái gì phong phú của tư tưởng và tình cảm đang tràn ngập trong chính tâm hồn của nhà văn; làm rõ những tư tưởng, tình cảm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong truyện ngắn Chiếc lược ngà
0.5
0.5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách, tôn trọng sáng tạo nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Sau đây là một số hướng gợi ý:
* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
* Giải thích ý kiến:
- Tư tưởng, tình cảm là những cảm xúc, những rung động mãnh liệt, những suy nghĩ nhận thức thể hiện thái độ, lập trường, quan điểm của người nghệ sĩ được thể hiện trong tác phẩm văn học. Người nghệ sĩ tài năng, chân chính, tư tưởng tình cảm ấy phong phú, đa dạng với nhiều cung bậc và luôn hướng tới những giá trị nhân văn đích thực.
- Người nghệ sĩ luôn có khát vọng được chuyển tải, giãi bày, chia sẻ những tư tưởng, tình cảm của mình một cách “hào phóng”, mãnh liệt, sâu lắng.
- Ý kiến khẳng định: Qua tác phẩm văn học, người nghệ sĩ luôn có nhu cầu bộc lộ hết mình những tư tưởng, tình cảm phong phú, sâu sắc của mình tới người đọc.
* Làm sáng tỏ tư tưởng, tình cảm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà
- Tư tưởng, tình cảm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong truyện “Chiếc lược ngà”:
+ Ngợi ca tình yêu Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội…của những người chiến sĩ.
+ Yêu thương, trân trọng những tình cảm của con người: tình cha con thắm thiết, sâu nặng, tình cảm gia đình thiêng liêng
+ Những suy ngẫm sâu sắc, thấm thía về đau thương, éo le, mất mát mà chiến tranh đã gây ra cho bao gia đình Nam Bộ nói riêng và người Việt Nam nói chung.
+ Khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa tình yêu gia đình và tình yêu Tổ quốc, giữa riêng và chung, cá nhân và cộng đồng…
- Những tư tưởng, tình cảm ấy được thể hiện qua hình thức nghệ thuật: cốt truyện hấp dẫn, xây dựng tình huống truyện bất ngờ nhưng hợp lý, đặt nhân vật trong nhiều mối quan hệ, miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế, sắc sảo; xây dựng chi tiết giàu ý nghĩa; sử dụng ngôi kể thích hợp, ngôn ngữ chân thực, tự nhiên, đậm chất Nam Bộ…
* Đánh giá:
- Truyện thể hiện những tư tưởng, tình cảm phong phú, sâu sắc, mãnh liệt với nhiều cung bậc cảm xúc của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đối với đất nuwcs, thiên nhiên, con người Việt Nam trong chiến tranh. Đó là tư tưởng, tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng, có ý nghĩa nhân văn cao cả.
- Ý kiến của Pauxtốpki:
+ Khẳng định mối quan hệ giữa nhà văn và tác phẩm: người nghệ sĩ luôn khao khát giãi bày, bộc bạch những cảm xúc, tư tưởng của mình một cách hào phóng nhất trong tác phẩm.
+ Đặt ra vấn đề: người sáng tác phải nuôi dưỡng cảm xúc, phải có những tư tưởng sâu sắc, mới mẻ…; người tiếp nhận lắng nghe được cảm xúc, nhận thức được chiều sâu tư tưởng mà người nghệ sĩ gửi gắm trong tác phẩm…




0.5
1.5










4.5

















1.25









d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận1.0
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu0.25


----------------Hết--------------------

Sưu tầm​
 

Đính kèm

Cảm ơn Mod, mình đang đi tìm các đề văn hay đây. Nếu có, hãy chia sẻ nhiều nhé!
 

Xếp hạng chủ đề

Tạo
GIAO AN,
Trả lời lần cuối từ
Van Giao An,
Trả lời
1
Lượt xem
2,641

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Back
Top