Trắc nghiệm Ôn tập phần tập đọc lớp 4

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
Thời gian nghỉ dịch kéo dài và thời gian cũng lùi dần về cuối năm học vì vậy xin chia sẻ với đồng nghiệp và phụ huynh nội dung ôn tập phần tập đọc lớp 4 dưới hình thức trắc nghiệm để giúp các em học sinh trong thời gian nghỉ dịch vẫn có thể học tập tốt.


5546

Ảnh: Sưu tầm.
1. Dế mèn bênh vực kẻ yếu

Một hôm, qua một vùng cỏ xước xanh dài, tôi chợt nghe tiếng khóc tỉ tê. Đi vài bước nữa, tôi gặp chị Nhà Trò ngồi gục đầu bên tảng đá cuội.

Chị Nhà Trò đã bé nhỏ lại gầy yếu quá, người bự những phấn, như mới lột. Chị mặc áo thâm dài, đôi chỗ chấm điểm vàng, hai cánh mỏng như cánh bướm non, lại ngắn chùn chùn. Hình như cánh yếu quá, chưa quen mở, mà cho dù có khỏe cũng chẳng bay được xa. Tôi đến gần, chị Nhà Trò vẫn khóc. Nức nở mãi, chị mới kể:

– Năm trước, khi gặp trời làm đói kém, mẹ em phải vay lương ăn của bọn nhện. Sau đấy, không may mẹ em mất đi, còn lại thui thủi có mình em. Mà em ốm yếu, kiếm bữa cũng chẳng đủ. Bao năm nghèo túng vẫn hoàn nghèo túng. Mấy bận bọn nhện đã đánh em. Hôm nay bọn chúng chăng tơ ngang đường đe bắt em, vặt chân, vặt cánh ăn thịt em.

Tôi xòe cả hai càng ra, bảo Nhà Trò:

– Em đừng sợ. Hãy trở về cùng với tôi đây. Đứa độc ác không thể cậy khỏe ăn hiếp kẻ yếu.

Rồi tôi dắt Nhà Trò đi. Được một quãng thì tới chỗ mai phục của bọn nhện.

(Còn nữa)

Theo Tô Hoài

Câu 1. Hãy chỉ ra tên nhân vật xuất hiện trong mẩu chuyện trên

A. Chị Cốc
B. Anh Gọng Vó
C. Chị Nhà Trò
D. Dế Choắt

Câu 2. Khi đi qua vùng cỏ xước xanh dài, Dế Mèn đã nghe thấy âm thanh gì?

A. Nghe thấy tiếng cười nói hi ha.
B. Nghe thấy tiếng khóc tỉ tê.
C. Tiếng than thở, rầu rĩ.
D. Nghe thấy tiếng trống chiêng khua rộn ràng.

Câu 3. Khi lại gần Dế Mèn phát hiện ra âm thanh đó phát ra từ đâu?

A. Tiếng cười nói hi ha, hả hê của lũ nhện vì đã cướp được đồ ăn của chị Nhà Trò.
B. Tiếng khóc tỉ tê của chị Nhà Trò đang ngồi gục đầu bên tảng đá cuội.
C. Tiếng than thở rầu rĩ của chị Nhà Trò.
D. Tiếng trống chiêng khua rộn ràng của đại hội đấu võ nhà Châu Chấu

Câu 4. Con hãy tìm những chi tiết miêu tả hình dáng bên ngoài của chị Nhà Trò?

Được chọn nhiều đáp án

A. Chị Nhà Trò đã bé nhỏ lại gầy yếu quá, người bự những phấn, như mới lột.
B. Chị mặc áo thâm dài, đôi chỗ chấm điểm vàng, hai cánh mỏng như cánh bướm non, lại ngắn chùn chũn.
C. Chị Nhà Trò mặc áo thâm dài, đôi chỗ điểm chấm xanh, hai cánh mỏng manh nhưng màu sắc lại sắc sỡ, tươi mới như cánh bướm.
D. Hình như cánh yếu quá, chưa quen mở, mà cho dù có khỏe cũng chẳng thể bay xa được.
E. Chị Nhà Trò quàng một chiếc khăn màu vàng trên đầu, gương mặt xám xịt, bủng beo vì thiếu ăn quá nhiều.

Câu 5. Từ những chi tiết miêu tả ngoại hình của chị Nhà Trò con thấy được chị ta là người như thế nào?

A. Chị Nhà Trò mỏng manh, yêu kiều, dịu dàng giống như những chú bướm vào ngày đầu xuân.
B. Chị Nhà Trò rất yếu ớt dễ bị bắt nạt.
C. Chị Nhà Trò biếng ăn nên mới gầy yếu như vậy.
D. Chị Nhà Trò lạnh lùng, kiêu kì.

Câu 6. Hoàn cảnh của chị Nhà Trò đáng thương như thế nào?

A. Bị lạc mẹ, bị bỏ đói cả tuần nay không có gì bỏ vào bụng.
B. Bị bọn nhện xiết nợ, mẹ đã bị bắt đi chỉ còn chị Nhà Trò bơ vơ một mình.
C. Bị thương ở chân, nằm phơi mình bên tảng đá nhịn đói chờ chết.
D. Mẹ mất, lủi thủi ốm yếu, nghèo khổ sống một mình, bị bọn nhện bắt nạt.

Câu 7. Tại sao chị Nhà Trò lại khóc?

A. Vì đói mà không có gì ăn
B. Vì mẹ mất, nhớ mẹ
C. Vì ngồi buồn một mình
D. Vì bị lũ nhện bắt nạt

Câu 8. Nhà Trò bị bọn nhện ức hiếp, đe dọa như thế nào?

A. Bị bọn nhện đánh, còn bị chăng tơ ngang đường đe dọa bắt, vặt chân, vặt cánh ăn thịt Nhà Trò.
B. Bị bọn nhện đánh và dọa kiện lên quan tòa Bọ Hung.
C. Bị bọn nhện cướp hết đồ ăn, cứ gặp ở đâu là chúng đánh ở đấy.
D. Bị lấy hết đồ đạc trong hang, cướp hết đồ ăn và đuổi ra khỏi hang.

Câu 9. "Chị Nhà Trò khóc vì tủi thân và sợ hãi. Tủi thân vì mẹ đã mất, chị nhớ mẹ, hơn thế giờ chẳng có ai bên cạnh bảo vệ mình, mình lại yếu ớt như thế. Đồng thời cũng sợ hãi vì bị bọn nhện dọa đánh, dọa vặt cánh, vặt chân, ăn thịt. Chị thân cô thế cô, lại yếu ớt vậy sao có thể chống lại được bọn nhện." Nhận định trên đúng hay sai?

A. Đúng
B. Sai

Câu 10. Những lời nói và cử chỉ nào nói lên tấm lòng nghĩa hiệp của Dế Mèn?
Được chọn nhiều đáp án

A. Xòe cả hai càng ra, dắt chị Nhà Trò đi tới chỗ mai phục của bọn nhện.
B. Ngồi xuống xoa đầu, lau nước mắt cho chị Nhà Trò.
C. Nói rằng: “Em đừng sợ. Hãy trở về cùng với tôi đây. Đứa độc ác không thể cậy khỏe ăn hiếp kẻ yếu”.
D. Nói rằng: “Em đừng sợ. Tôi có đồ ăn đây, em ăn đi cho đỡ đói. Sau này tôi sẽ nuôi em”.

Câu 11. Ý nghĩa của bài văn “Dế Mèn bênh vực kẻ yếu”?

A. Ca ngợi Dế Mèn có tấm lòng nghĩa hiệp – bênh vực người yếu, xóa bỏ áp bức, bất công.
B. Ca ngợi tấm lòng nghĩa hiệp của Dế Mèn khi ra tay giúp đỡ Dế Choắt thoát khỏi bọn nhện.
C. Cho thấy vẻ đẹp từ ngoại hình và sức mạnh hơn người của Dế Mèn trong trận chiến với võ sĩ bọ ngựa.
D. Ca ngợi Dế Mèn có tấm lòng nghĩa hiệp, bênh vực và giúp đỡ Dế Choắt thoát khỏi cạm bẫy của chị Cốc.

Nguồn: Tổng hợp
 

Đính kèm

  • Trắc nghiệm _ Tập đọc 4.docx
    187.4 KB · Lượt xem: 1
Sửa lần cuối:

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
2. Mẹ ốm

Mọi hôm mẹ thích vui chơi
Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu
Lá trầu khô giữa cơi trầu
Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay.

Cánh màn khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa
Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan.

Khắp người đau buốt, nóng ran
Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm
Người cho trứng, người cho cam
Và anh bác sĩ đã mang thuốc vào.

Sáng nay trời đổ mưa rào
Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương
Cả đời đi gió đi sương
Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi.

Mẹ vui, con có quản gì
Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca
Rồi con diễn kịch giữa nhà
Một mình con sắm cả ba vai chèo.

Vì con mẹ khổ đủ điều
Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn
Con mong mẹ khỏe dần dần
Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say.

Rồi ra đọc sách, cấy cày
Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…

TRẦN ĐĂNG KHOA

Câu 1. Theo em, câu thơ sau muốn nói điều gì?

"Mọi hôm mẹ thích vui chơi
Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu."

A. Mẹ đang bận làm việc, không thể vui chơi cùng bạn nhỏ
B. Mẹ bị ốm, không thể tươi cười, làm việc được như mọi khi.
C. Mẹ bị mệt, mẹ không thích vui chơi
D. Tất cả các ý trên

Câu 2. Con hãy ghép ý nghĩa ở miếng ghép màu xanh với câu thơ tương ứng ở miếng ghép màu nâu nhạt:

1. Lá trầu khô giữa cơi trầu.
2. Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay.
3. Cánh màn khép lỏng cả ngày.
4. Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa.
a. Vì mẹ ốm nên không ăn được trầu nữa.
b. Vì mẹ ốm, cả ngày mệt mỏi nằm trên giường.
c. Vì mẹ ốm nên không thể chăm vườn tược như thường.
d. Vì mẹ ốm nên không thể đọc Truyện Kiều như thường.
Câu 3. Câu thơ sau có nội dung gì?

"Cánh màn khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa"

A. Mẹ bị ốm, phải nằm trên giường
B. Mẹ bị ốm, việc nhà vắng bóng mẹ
C. Mẹ không làm ruộng, cuốc cày nữa
D. Tất cả các ý trên

Câu 4. Câu thơ nào thể hiện sự quan tâm của xóm làng đối với mẹ bạn nhỏ?

A. Khắp người đau buốt, nóng ran
B. Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi.
C. Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm.
D. Ngâm thơ, kể chuyện, rồi thì múa ca

Câu 5. Những câu thơ nào cho thấy bạn nhỏ vô cùng thương xót mẹ?

1. Nắng mưa từ những ngày xưa/Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan.
2. Người cho trứng, người cho cam/Và anh y sĩ đã mang thuốc vào.
3. Cả đời đi gió đi sương/Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi.
4. Sáng nay trời đổ mưa rào/Nắng trong trái chín ngọt ngào hương bay.
5. Vì con, mẹ khổ đủ điều/Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn.

Câu 6. Để làm cho mẹ vui lòng và nhanh chóng khỏi ốm, bạn nhỏ đã làm những gì?

Được chọn nhiều đáp án

A. Ngâm thơ
B. Kể chuyện
C. Biểu diễn xiếc
D. Múa ca
E. Làm ảo thuật
F. Diễn kịch
G. Sắm cả ba vai chèo

Câu 7. Câu thơ sau cho thấy được điều gì? "Con mong mẹ khỏe dần dần Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say Rồi ra đọc sách cấy cày" Câu thơ trên cho thấy mong ước của bạn nhỏ là muốn mẹ nhanh khỏi ốm, mẹ khỏe lại, ăn uống, sinh hoạt và ngủ nghỉ bình thường trở lại. Lại đọc sách, chăm sóc vườn ruộng như những ngày mẹ còn khỏe. Nhìn thấy mẹ ốm đau, mệt mỏi ăn không được ngon miệng, ngủ không được yên giấc, mệt mỏi nằm trên giường khiến bạn nhỏ vô cùng đau lòng. Nhận định trên đúng hay sai?

A. Đúng
B. Sai

Câu 8. Câu thơ "Mẹ là đất nước, tháng ngày của con" thể hiện điều gì?

A. Bạn nhỏ rất được mẹ quan tâm
B. Mẹ là người có ý nghĩa to lớn đối với bạn nhỏ
C. Bạn nhỏ mong mẹ mau chóng khỏe lại
D. Bạn nhỏ là tất cả những gì mẹ có, mẹ quan tâm

Câu 9. Ý nghĩa của bài thơ Mẹ ốm?

A. Tình cảm yêu thương sâu sắc, sự hiếu thảo, lòng biết ơn của bạn nhỏ với người mẹ bị ốm.
B. Tình cảm xóm làng thân thiết khi có người xung quanh bị ốm.
C. Nỗi vất vả, khó chịu của những người bị ốm.
D. Tác hại của ốm đau đối với cuộc sống mỗi người.

Câu 10. Bài thơ "Mẹ ốm" của tác giả nào?

A. Nguyễn Khoa Điềm
B. Vũ Tú Nam
C. Trần Đăng Khoa
D. Tô Hoài

Nguồn: Tổng hợp
 

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
3. Dế Mèn bênh vực kẻ yếu
(Tiếp theo)


Bọn nhện chăng từ bên nọ sang bên kia đường biết bao tơ nhện. Lại thêm sừng sững giữa lối đi một anh nhện gộc. Nhìn vào các khe đá chung quanh, tôi thấy lủng củng những nhện là nhện. Chúng đứng im như đá mà coi vẻ hung dữ. Tôi cất tiếng hỏi lớn:

- Ai đứng chóp bu bọn mày? Ra đây ta nói chuyện.

Từ trong hốc đá, một mụ nhện cái cong chân nhảy ra, hai bên có hai nhện vách nhảy kèm. Dáng đây là vị chúa trùm nhà nhện. Nom cũng đanh đá, nặc nô lắm. Tôi quay phắt lưng, phóng càng đạp phanh phách ra oai. Mụ nhện co rúm lại rồi cứ rập đầu xuống đất như cái chày giã gạo. Tôi thét:

- Các người có của ăn của để, béo múp béo míp mà cứ đòi mãi một tí tẹo nợ đã mấy đời rồi. Lại còn kéo bè kéo cánh đánh đập một cô gái yếu đuối như thế này. Thật đáng xấu hổ! Có phá hết các vòng vây đi không?

Bọn nhện sợ hãi, cùng dạ ran. Cả bọn cuống cuồng chạy dọc chạy ngang, phá hết các dây tơ chăng lối. Con đường về tổ Nhà Trò quang hẳn.

Câu 1. Trận địa mai phục của bọn nhện đáng sợ như thế nào?

Được chọn nhiều đáp án

A. Bọn nhện chăng tơ kín các lối đi.
B. Bọn nhện sai lũ kiến làm tổ ở nhà chị Nhà Trò chỉ cần xuất hiện là chúng kéo ra đốt.
C. Bố trí nhện gác trong các khe đá với vẻ mặt hung dữ.
D. Sừng sững giữa lối đi có thêm một anh nhện gộc.
E. Bọn nhện cuống cuồng chạy dọc chạy ngang, phá hết các dây tơ chăng lối.

Câu 2. Sau khi quan sát thấy trận địa mai phục của bọn nhện, Dế Mèn đã có hành động gì?

A. Cất tiếng hỏi lớn “Ai đứng chóp bu bọn này? Ra đây ta nói chuyện?”
B. Cất tiếng dọa nạt “Lũ các ngươi không chạy nhanh đừng trách ta phải ra tay”.
C. Quay phắt lưng, phóng càng đạp phanh phách ra oai.
D. Xông thẳng vào hang lôi con mụ nhện cái ra hỏi chuyện.

Câu 3. Mụ nhện cái được miêu tả với dáng vẻ như thế nào?

A. Đường hoàng, bệ vệ, dáng vẻ kiêu kì.
B. Hống hách, ngang ngược, ra dáng ta đây là chúa tể loài nhện.
C. Ra dáng ta đây là vị chúa trùm nhà nhện, nom cũng đanh đá, nặc nô lắm.
D. Hiền lành, nhân từ khác hẳn với dáng vẻ hung dữ của lũ nhện gác bên ngoài

Câu 4. Dế Mèn đã làm gì khiến cho mụ nhện cái phải co rúm lại rồi cứ đập đầu xuống đất run sợ?

A. Dùng đá chọi vào cửa hang khiến nhện cái run sợ.
B. Đem theo đồng bọn là võ sĩ Châu Chấu đến khiến nhện cái khiếp vía.
C. Lấy đá chọi gã nhện gộc để khiến nhện cái khiếp sợ.
D. Quay phắt lưng, phóng càng đạp phanh phách ra oai.

Câu 5. Khi Dế Mèn phóng càng đạp phanh phách, mụ nhện có biểu hiện như thế nào?

A. Sợ hãi, dạ ran, cuống cuồng chạy dọc chạy ngang
B. Co rúm lại rồi cứ rập đầu xuống đất như cái chày giã gạo
C. Cong chân nhảy ra, hai bên có hai nhện vách nhảy kèm
D. Tất cả các ý trên

Câu 6. Dế Mèn đã làm cách nào để bọn nhện phải sợ?

1. Chủ động hỏi, lời lẽ rất oai, giọng thách thức của một kẻ mạnh chỉ nói chuyện với đứa cầm đầu “Ai đứng chóp bu bọn này? Ra đây ta nói chuyện”.
2. Rủ thêm võ sĩ Châu Chấu đến giúp sức để ra oai với bọn nhện.
3. Thấy nhện cái xuất hiện, dáng vẻ thì đanh đá, nặc nô. Dế Mèn ra oai bằng cách dùng hành động tỏ rõ sức mạnh của mình: quay phắt lưng, phóng càng đạp phanh phách.
4. Chọi đá vào hang khiến nhện cái buộc phải lộ mặt.

Câu 7. Dế Mèn đã nói thế nào để bọn nhện nhận ra lẽ phải?

1. Phân tích cho bọn nhện thấy hành động hèn hạ của chúng: Bọn nhện thì giàu có, béo múp lại cứ đòi mãi món nợ bé tí tẹo, đã mấy đời của mẹ con Nhà Trò. Bọn nhện béo tốt, lại kéo bè kéo cánh đánh đập một cô gái yếu ớt.
2. Dọa nạt bọn chúng nếu như không ngừng ngay hành động hèn hạ này sẽ trình lên quan phủ kiện bọn chúng.
3. Kết luận và đe dọa: Thật đáng xấu hổ! Có phá hết các vòng vây đi không?
4. Kết luận và đe dọa: Thật đáng xấu hổ! Các người có muốn ta đốt cả hang nhện không?

Câu 8. Kết cục của câu chuyện như thế nào?

A. Bọn nhện dập đầu xin tha, hứa sẽ không bao giờ dám bắt nạt chị Nhà Trò nữa.
B. Bọn nhện sợ hãi, cùng dạ ran, cuống cuồng chạy dọc, ngang, phá hết các dây tơ chăng lối, đường về tổ Nhà Trò quang hẳn.
C. Bọn nhện thách thức Dế Mèn dám làm gì trong khi chúng vẫn đông người hơn Dế Mèn.
D. Trước hành động kiên quyết của Dế Mèn, bọn nhện buộc phải bỏ chạy, tuy nhiên chúng vẫn hẹn quay lại xử lí chị Nhà Trò sau.

Câu 9. Con thấy có thể tặng cho Dế Mèn danh hiệu nào trong số các danh hiệu sau đây:

A. Võ sĩ.
B. Tráng sĩ.
C. Hiệp sĩ.
D. Chiến sĩ.
E. Dũng sĩ.
F. Anh hùng

Câu 10. Ý nghĩa của bài văn Dế Mèn bênh vực kẻ yếu?

A. Kể lại một trận tỉ thí cân tài cân sức giữa Dế Mèn và bọn nhện khiến không ít người cảm phục.
B. Phê phán bọn quan lại tham lam đạp lên mồ hôi của dân mà ăn chơi đến độ béo múp míp.
C. Ca ngợi Dế Mèn có tấm lòng nghĩa hiệp, ghét áp bức, bất công, bênh vực chị Nhà Trò yếu đuối, bất hạnh.
D. Ca ngợi sức mạnh hơn người, không gì địch nổi của Dế Mèn.

Nguồn: Tổng hợp
 

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
4. Truyện cổ nước mình

(trích)


Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì được phật, tiên độ trì.
Mang theo truyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa
Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi.
Đời cha ông với đời tôi
Như con sông với chân trời đã xa
Chỉ còn truyện cổ thiết tha
Cho tôi nhận mặt ông cha của mình.
Rất công bằng, rất thông minh
Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang
Thị thơm thị giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm, cửa nhà
Đẽo cày theo ý người ta
Sẽ thành khúc gỗ, chẳng ra việc gì
Tôi nghe truyện cổ thầm thì
Lời cha ông dạy cũng vì đời sau.
(theo Lâm Thị Mỹ Dạ)

Câu 1. Bài thơ "Truyện cổ nước mình" của tác giả nào?

A. Lâm Thị Mỹ Dạ
B. Trần Đăng Khoa
C. Phan Thị Vàng Anh
D. Phan Thị Thanh Nhàn

Câu 2. Tại sao tác giả lại yêu truyện cổ nước nhà?

Chọn đáp án SAI

A. Vì truyện cổ giúp ta nhận ra những truyền thống quý báu của cha ông: công bằng, nhân ái, độ lượng,...
B.. Vì truyện cổ giúp tác giả ru trẻ ngủ ngon.
C. Vì truyện cổ nước nhà rất nhân hậu, ý nghĩa sâu xa.
D. Vì truyện cổ lưu lại những bài học quý báu của cha ông: chăm chỉ, đùm bọc, ở hiền...

Câu 3.

Những câu thơ sau gợi cho em nhớ tới những truyện cổ nào?

"Thị thơm thị giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà
Đẽo cày theo ý người ta
Sẽ thành khúc gỗ, chẳng ra việc gì"

A. Em bé thông minh
B. Sơn Tinh Thủy Tinh
C. Tấm Cám; Đẽo cày giữa đường
D. An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy

Câu 4.

Câu thơ sau gợi cho em nhớ tới câu tục ngữ nào?

"Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì được phật, tiên độ trì"

A. Ở hiền gặp lành
B. Trâu buộc ghét trâu ăn
C. Lá lành đùm lá rách
D. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng

Câu 5. Hai câu thơ cuối bài có ý nghĩa gì?

"Tôi nghe truyện cổ thầm thì
Lời cha ông dạy cũng vì đời sau"

A. Nhắc nhở con cháu phải biết ơn cha ông đời trước
B. Tác giả nghe thấy tiếng nói của cha ông qua truyện cổ
C. Các bạn thiếu nhi rất yêu thích các câu chuyện cổ
D. Là lời dạy của cha ông với con cháu đời sau: Phải biết sống nhân hậu, độ lượng, công bằng,...

Câu 6. Nội dung của bài thơ Truyện cổ nước mình là gì?

A. Truyện cổ nước ta chứa đựng nhiều bài học răn dạy của cha ông
B. Ca ngợi truyện cổ nước ta nhân hậu
C. Truyện cổ nước ta chứa đựng kinh nghiệm quý báu của cha ông
D. Ca ngợi truyện cổ nước ta vừa nhân hậu, vừa chứa đựng kinh nghiệm quý báu của cha ông

Câu 7. Câu thơ "Thị thơm thì giấu người thơm" gợi em nhớ tới truyện cổ nào?

A. Đẽo cày giữa đường
B. Bông hoa cúc trắng
C. Sọ Dừa
D. Tấm Cám

Câu 8. "Đẽo cày theo ý người ta / Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì" gợi nhắc tới truyện cổ nào?

A. Đẽo cày giữa đường
B. Đeo nhạc cho mèo
C. Thạch Sanh
D. Tấm Cám

Câu 9. Bài thơ "Truyện cổ nước mình" được viết theo thể thơ gì?

A. Năm chữ
B. Bảy chữ
C. Tự do
D. Lục bát

Nguồn: Tổng hợp
 

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
5. Thư thăm bạn
Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:


Hòa Bình, ngày 5 tháng 8 năm 2000

Bạn Hồng thân mến,

Mình là Quách Tuấn Lương, học sinh lớp 4B trường Tiểu học Cù Chính Lan, thị xã Hòa Bình. Hôm nay, đọc báo Thiếu niên Tiền phong, mình rất xúc động được biết ba của Hồng đã hi sinh trong trận lũ lụt vừa rồi. Mình gửi bức thư này chia buồn với bạn.

Hồng ơi!

Mình hiểu Hồng đau đớn và thiệt thòi như thế nào khi ba Hồng đã ra đi mãi mãi. Nhưng chắc là Hồng cũng tự hào về tấm gương dũng cảm của ba xả thân cứu người giữa dòng nước lũ. Mình tin rằng theo gương ba, Hồng sẽ vượt qua nỗi đau này. Bên cạnh Hồng còn có má, có cô bác và có cả những người bạn mới như mình.

Mấy ngày nay, ở phường mình và khắp thị xã đang có phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phục thiên tai. Trường mình cũng vừa tổ chức đợt góp đồ dùng học tập giúp các bạn vùng lũ lụt. Riêng mình gửi giúp Hồng toàn bộ số tiền mình bỏ ống từ mấy năm nay. Hồng nhận cho mình nhé!

Chúc Hồng khỏe. Mong nhận được thư bạn.

Bạn mới của Hồng

Quách Tuấn Lương

Câu 1. Bạn Lương viết thư cho bạn Hồng để làm gì?

A. Lương viết thư để kể cho Hồng nghe về đợt quyên góp ở trường
B. Lương viết thư để chia buồn cùng Hồng
C. Lương viết thư để thông báo rằng mình gửi cho Hồng một khoản tiền
D. Lương viết thư để kể cho Hồng nghe về đợt lũ lụt vừa qua

Câu 2. Lương đã giới thiệu về mình như nào?

A. Mình là Quách Tuấn Lương, học sinh lớp 4B Trường tiểu học Cù Chính Lan, thị xã Hòa Bình
B. Mình là Lương, học sinh lớp 4 ở Hòa Bình
C. Mình là Quách Tuấn Lương, người muốn kết bạn với bạn
D. Mình là Quách Tuấn Lương, bạn mới của bạn

Câu 3. Lương đọc báo và biết được điều gì?

A. Bạn Hồng đã chịu đau đớn thiệt thòi trong trận lũ
B. Ba Hồng đã hi sinh trong trận lũ lụt vừa rồi
C. Ba Hồng đã cứu rất nhiều người trong trận lũ lụt
D. Ba Hồng đã hi sinh anh dũng trên chiến trường

Câu 4. Lương đã có hành động gì để san sẻ nỗi đau cùng bạn Hồng?

A. Kể cho bạn nghe về hoạt động quyên góp ở trường
B. Dành tặng bạn số tiền tiết kiệm của bản thân
C. Vận động các bạn cùng tham gia ủng hộ, quyên góp
D. Xin bố mẹ tiền để tặng cho Hồng

Câu 5.

Tác dụng của dòng đầu thư là gì?
" Bạn Hồng thân mến,
Mình là Quách Tuấn Lương, học sinh lớp 4B trường Tiểu học Cù Chính Lan, thị xã Hòa Bình. Hôm nay, đọc báo Thiếu niên Tiền phong, mình rất xúc động được biết ba của Hồng đã hi sinh trong trận lũ lụt vừa rồi. Mình gửi bức thư này chia buồn với bạn."

A. Nêu ra mục đích viết thư.
B. Lời chào hỏi, giới thiệu bản thân và mục đích viết thư.
C. Thuật lại hoàn cảnh và lí do viết thư.
D. Lời chào hỏi và giới thiệu bản thân.

Câu 6.

Nêu tác dụng của những dòng kết thúc bức thư?
"Chúc Hồng khỏe. Mong nhận được thư bạn.

Bạn mới của Hồng

Quách Tuấn Lương"

A. Lời chúc, mong muốn của người viết và Kí tên.
B. Kí tên người viết
C. Lời chúc, lời chào hỏi của người viết
D. Mong nhận được hồi âm từ bạn

Câu 7.

Nêu tác dụng của dòng đầu của bức thư:
"Hòa Bình, ngày 5 tháng 8 năm 2000"

A. Nêu rõ hoàn cảnh viết bức thư
B. Nêu ra nguồn gốc của bức thư
C. Nêu ra địa điểm, thời gian viết thư
D. Nêu vị trí của người viết thư

Câu 8. Lương viết thư cho Hồng để làm gì?

A. Để kể cho bạn nghe ước mơ của mình
B. Để chia buồn với nỗi đau của bạn
C. Để chúc mừng sinh nhật bạn
D. Để muốn kết bạn, làm quen với Hồng

Câu 9. Thái độ của Lương đối với Hồng như thế nào khi viết bức thư?

A. Muốn kết bạn với Hồng để có thêm bạn mới
B. Khẳng định cha của Hồng là người rất dũng cảm
C. Thương bạn, muốn chia sẻ đau buồn cùng bạn
D. Thương hại bạn, nói rằng mình đã giúp đỡ bạn

Câu 10. Tuy gửi tiền quyên góp giúp đỡ Hồng nhưng câu văn nào thể hiện sự tế nhị, tôn trọng bạn của Lương?

A. Chúc Hồng chóng khỏe.
B. Mong nhận được thư bạn.
C. Bên cạnh bạn còn có má, có cô bác và có cả những người bạn như mình.
D. Hồng nhận cho mình nhé!

Nguồn: Tổng hợp
 

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
6. Người ăn xin

Lúc ấy, tôi đang đi trên phố. Một người ăn xin già lọm khọm đứng ngay trước mặt tôi.

Đôi mắt ông lão đỏ đọc và giàn giụa nước mắt. Đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi thảm hại... Chao ôi! Cảnh nghèo đói đã gặm nát con người đau khổ kia thành xấu xí biết nhường nào!

Ông già chìa trước mặt tôi bàn tay sưng húp, bẩn thỉu. Ông rên rỉ cầu xin cứu giúp.

Tôi lục tìm hết túi nọ túi kia, không có tiền, không có đồng hồ, không có cả một chiếc khăn tay. Trên người tôi chẳng có tài sản gì.

Người ăn xin vẫn đợi tôi. Tay vẫn chìa ra, run lẩy bẩy.

Tôi chẳng biết làm cách nào. Tôi nắm chặt lấy bàn tay run rẩy kia:

- Ông đừng giận cháu, cháu không có gì để cho ông cả.

Người ăn xin nhìn tôi chằm chằm bằng đôi mắt ướt đẫm. Đôi môi tái nhợt nở nụ cười và tay ông cũng xiết lấy tay tôi:

- Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi. - Ông lão nói bằng giọng khản đặc.

Khi ấy, tôi chợt hiểu rằng: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được chút gì của ông lão.

(theo Tuốc-ghê-nhép)

Câu 1. Dáng vẻ của ông lão ăn xin được miêu tả như thế nào?

A. Đôi môi tái nhợt
B. Đôi mắt đỏ đọc và giàn giụa nước mắt
C. Áo quần tả tơi thảm hại
D. Người ăn xin già lọm khọm

Câu 2. Khi gặp cậu bé, ông lão có hành động gì?

A. Chìa bàn tay sưng húp bẩn thỉu, rên rỉ cầu xin cứu giúp
B. Nhìn cậu bé chằm chằm bằng đôi mắt ướt đẫm, nở nụ cười
C. Cháu ơi, ông cho cháu có gì cho ông ăn với! Ông đói quá!
D. Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy cháu đã cho lão rồi

Câu 3. Khi ông lão chìa tay xin, cậu bé có hành động như thế nào?

A. Lục túi và quyết định tặng ông ổ bánh mì mình vừa mua.
B. Lục túi và cho ông số tiền xu trong túi
C. Xua tay và nói: "Cháu chẳng có gì để cho ông hết!"
D. Lục hết túi nọ túi kia nhưng chẳng có gì để cho ông lão.

Câu 4. Khi chẳng có gì để cho ông lão, cậu bé đã nói gì?

A. Ông đừng giận cháu, cháu không có gì để cho ông cả
B. Ông à, cháu chỉ có số tiền xu ít ỏi này, cháu không thể cho ông được.
C. Ông ơi! Ông về nhà cháu đi, cháu sẽ chăm sóc ông.
D. Ông hãy theo cháu về nhà, cháu sẽ mời ông ăn cơm.

Câu 5. Những lời nói và hành động ân cần của cậu bé đã chứng tỏ điều gì?

A. Cậu bé rất thương ông lão ăn xin
B. Cậu bé rất sợ ông lão ăn xin
C. Cậu bé không thích giúp đỡ ông lão ăn xin
D. Cậu bé rất ghét ông lão ăn xin

Câu 6.

Cậu bé không có gì để cho ông lão nhưng ông lão lại nói: "Như vậy là cháu đã cho lão rồi".
Em hiểu cậu bé đã cho ông lão điều gì?

A. Một chút bánh mì và thức ăn
B. Sự thông cảm và kính trọng
C. Một lời xin lỗi mong ông đừng giận
D. Một chút tiền lẻ để mua áo ấm

Câu 7. Khi ông lão cảm ơn cậu bé, cậu bé nhận ra, mình đã nhận được điều gì từ ông lão ăn xin?

A. Cậu nhận được sự thương cảm từ ông lão ăn xin
B. Cậu nhận được lòng biết ơn, sự đồng cảm từ ông lão ăn xin
C. Cậu nhận được một lời xin lỗi từ ông lão ăn xin
D. Cậu nhận được một bài học từ ông lão ăn xin

Câu 8. Ông lão nói: "Như vậy cháu đã cho lão rồi", câu nói cho thấy điều gì?

A. Ông lão cảm ơn vì cậu bé đã cho ông thứ gì đó
B. Ông lão đã thương cảm rằng cậu cũng không có gì cả
C. Ông lão đã hiểu rằng cậu không có gì để cho lão
D. Ông lão đã thấu hiểu tấm lòng chân thành của cậu

Câu 9. Câu chuyện có ý nghĩa / nội dung gì?

A. Ca ngợi cậu bé chân thật, dốc lòng cứu giúp người khác
B. Ca ngợi cậu bé có tấm lòng trong sáng, ngây thơ
C. Ca ngợi cậu bé có tấm lòng nhân ái, biết thương xót người bất hạnh
D. Ca ngợi ông lão ăn xin có tấm lòng nhân hậu

Câu 10. "Dáng vẻ già yếu, lưng còng, chậm chạp" được gọi là?

A. Lọm khọm
B. Cắm cúi
C. Lúi húi
D. Già nua

Câu 11. "Nước mắt tràn ra nhiều, không kìm giữ được" thì gọi là?

A. Lộp bộp
B. Giàn mướp
C. Giàn giụa
D. Lỏng tỏng

Nguồn: Tổng hợp
 

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
7. Một người chính trực

Tô Hiến Thành làm quan triều Lý, nổi tiếng là người chính trực. Năm 1175, vua Lý Anh Tông mất, di chiếu cho Tô Hiến Thành phò tá thái tử Long Cán, con bà thái hậu họ Đỗ, lên ngôi. Nhưng bà Chiêu Linh thái hậu lại muốn lập con mình là Long Xưởng. Bà cho người đem vàng bạc đút lót vợ Tô Hiến Thành để nhờ ông giúp đỡ. Tô Hiến Thành nhất định không nghe, cứ theo di chiếu lập Long Cán làm vua. Đó là vua Lý Cao Tông.

Phò tá Cao Tông được 4 năm, Tô Hiến Thành lâm bệnh nặng. Quan tham tri chính sự là Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ trên giường bệnh. Còn gián nghị đại phu Trần Trung Tá do bận nhiều công việc nên không mấy khi tới thăm Tô Hiến Thành được.

Một hôm, Đỗ thái hậu và vua tới thăm ông, hỏi:

- Nếu chẳng may ông mất thì ai sẽ là người thay ông?

Tô Hiến Thành không do dự, đáp:

- Có gián nghị đại phu Trần Trung Tá.

Thái hậu ngạc nhiên hỏi:

- Vũ Tán Đường hết lòng vì ông, sao không tiến cử?

Tô Hiến Thành tâu:

- Nếu Thái Hậu hỏi người hầu hạ giỏi thì thần xin cử Vũ Tán Đường, còn hỏi người tài ba giúp nước, thần xin cử Trần Trung Tá.

(theo Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng)

Câu 1. Tô Hiến Thành làm quan dưới triều nào?

A. Triều Lý
B. Triều Tây Sơn
C. Triều Nguyễn
D. Triều Hậu Lê

Câu 2. Trong việc lập ngôi vua, sự chính trực của Tô Hiến Thành thể hiện như thế nào?

A. Tô Hiến Thành lúc cuối đời tiến cử người hiền tài giúp vua chứ không chọn người thân cận.
B. Tô Hiến Thành không nhận vàng bạc đút lót từ Chiêu Linh thái hậu.
C. Tô Hiến Thành quyết không nhận đút lót, vẫn tuân theo di chiếu lập Long Cán lên làm vua.
D. Tô Hiến Thành lập Long Cán lên làm vua, theo di chiếu của vua Lý Anh Tông.

Câu 3. Trong việc tìm người giúp nước, sự chính trực của Tô Hiến Thành thể hiện như thế nào?

A. Ông tiến cử người thân cận ngày đêm hầu hạ mình
B. Ông tiến cử người tài ba chứ không chọn người thân cận ngày đêm hầu hạ mình
C. Ông tiến cử người đút lót cho mình nhiều của cải, vàng bạc
D. Ông tiến cử người tài giỏi và thân cận, hầu hạ cho mình

Câu 4. Năm 1175, vua Lý Anh Tông mất, Tô Hiến Thành đã theo di chiếu lập ai làm vua?

A. Trần Trung Tá
B. Vũ Tán Đường
C. Thái tử Long Cán
D. Thái tử Long Xưởng

Câu 5. Khi đang phò tá vua Lý Cao Tông thì chuyện gì xảy đến với Tô Hiến Thành?

A. Ông phải đánh trận
B. Ông lâm bệnh nặng
C. Ông phải đi xứ
D. Ông bị giáng chức

Câu 6. Trong việc tìm người giúp nước, Tô Hiến Thành đã chọn Trần Trung Tá vì sao?

A. Trần Trung Tá ngày đêm hầu hạ khi Tô Hiến Thành bị ốm
B. Trần Trung Tá đút lót nhiều vàng bạc của cải cho Tô Hiến Thành
C. Trần Trung Tá là người tài ba có thể giúp nước
D. Trần Trung Tá là người thân cận với Tô Hiến Thành

Câu 7. Vì sao Tô Hiến Thành không chọn tiến cử Vũ Tán Đường?

A. Vì Vũ Tán Đường đút lót vàng bạc cho Tô Hiến Thành
B. Vì Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ cho Tô Hiến Thành
C. Vì Vũ Tán Đường không thân cận với Tô Hiến Thành
D. Vì Vũ Tán Đường không phải người tài giỏi

Câu 8. Tô Hiến Thành không chọn người thân cận mà muốn chọn người tài giỏi cho đất nước, điều này cho thấy ông là người?

A. thật thà
B. hèn nhát
C. gian thần
D. chính trực

Câu 9. Nội dung của bài "Một người chính trực" là gì?

A. Ca ngợi con người tài giỏi - Tô Hiến Thành.
B. Ca ngợi sự trung thành của vị quan Tô Hiến Thành thời xưa.
C. Ca ngợi những người chính trực, thanh liêm.
D. Ca ngợi sự chính trực, tấm lòng vì dân vì nước của Tô Hiến Thành.

Câu 10. Khi Tô Hiến Thành ốm nặng ai là người thường xuyên tới chăm sóc ông?

A. Thái tử Long Cán - con là thái hậu họ Đỗ
B. Giám nghị đại phu Trần Trung Tá
C. Quan tham tri chính sự Vũ Tán Đường
D. Chiêu Linh thái hậu

Nguồn: Tổng hợp
 

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
8. Tre Việt Nam

Tre xanh,
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu?
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít, chắt dồn lâu hóa nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm.
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc, tre nhường cho con.
Măng non là búp măng non.
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre.
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu
Mai sau,
Mai sau,
Mai sau,
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.

(Nguyễn Duy)

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

A. Bảy chữ
B. Lục bát
C. Tự do
D. Năm chữ

Câu 2. Bài thơ "Tre Việt Nam" của tác giả nào?

A. Nguyễn Bùi Vợi
B. Thép Mới
C. Nguyễn Duy
D. Tố Hữu

Câu 3. Những câu thơ sau gợi lên phẩm chất tốt đẹp nào của người Việt Nam?
"Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu?
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chất dồn lâu hóa nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù?"

A. Cần cù
B. Đoàn kết
C. Ngay thẳng
D. Nhân hậu

Câu 4. Đoạn thơ sau cho thấy đức tính gì của cây tre Việt Nam?
"Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người"

A. Tình yêu thương đồng loại
B. Cha truyền con nối
C. Cần cù, chịu khó
D. Ngay thẳng

Câu 5. Những hình ảnh về cây tre và búp măng non gợi cho con điều gì?

1. Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con
2. Nòi tre đâu chịu mọc cong/ Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
a. Măng khỏe khoắn, ngay thẳng, khảng khái, không chịu mọc cong
b. Cái mo tre màu nâu, bao quanh cây măng lúc mới mọc như chiếc áo mà tre nhường cho con
Câu 6. Những hình ảnh nào của tre gợi lên phẩm chất ngay thẳng của người dân Việt Nam?

A. Nòi tre đâu chịu mọc cong/ Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
B. Măng non là búp măng non/ Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre
C. Thương nhau tre chẳng ở riêng/ Lũy thành từ đó mà lên hỡi người.
D. Bão bùng thân bọc lấy thân/ Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm

Câu 7. Câu thơ dưới đây cho thấy đức tính gì của cây tre?
"Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc, tre nhường cho con."


(Tre Việt Nam - Nguyễn Duy)

A. Hi sinh, nhường nhịn
B. Tinh thần đoàn kết
C. Chịu khó, cần cù
D. Ngay thẳng, bất khuất

Câu 8. Dòng thơ dưới đây cho thấy đức tính gì của cây tre Việt Nam? "Nòi tre đâu chịu mọc cong Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường."

A. đoàn kết, đùm bọc nhau
B. khỏe khoắn, ngay thẳng, bất khuất
C. khỏe khoắn, vững chắc
D. chịu thương, chịu khó

Câu 9. Đoạn thơ kết bài có ý nghĩa gì?

" Mai sau,
Mai sau,
Mai sau,
Đất xanh tre mãi xanh xanh màu tre xanh".

A. Thể hiện vẻ đẹp sự kế tiếp liên tục của các thế hệ - tre già măng mọc, giống như những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam sẽ mãi mãi nối tiếp liên tục từ thế hệ nay sang thế hệ khác.
B. Dự đoán sau này bóng tre xanh sẽ còn lan tỏa khắp các làng quê, các ruộng đồng, núi đồi, thành phố trên đất nước Việt Nam.
C. Màu xanh của tre là màu vô cùng tươi đẹp.
D. Cần có biện pháp hữu hiệu để màu xanh của tre được phủ khắp trên đất nước Việt Nam.

Câu 10. Con thấy được những phẩm chất tốt đẹp nào của người dân Việt Nam được hiện lên thông qua hình ảnh cây tre?

A. Cần cù, đoàn kết
B. Cần cù, đoàn kết, ngay thẳng
C. Cần cù, đoàn kết, nhân hậu, thông minh
D. Nhân hậu, thông minh

Nguồn: Tổng hợp
 

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
Những hạt thóc giống

Ngày xưa có một ông vua cao tuổi muốn tìm người nối ngôi. Vua ra lệnh phát cho mỗi người dân một thúng thóc về gieo trồng và giao hẹn: ai thu được nhiều thóc nhất sẽ được truyền ngôi, ai không có thóc nộp sẽ bị trừng phạt.

Có chú bé mồ côi tên là Chôm nhận thóc về, dốc công chăm sóc mà thóc vẫn chẳng nảy mầm.

Đến vụ thu hoạch, mọi người nô nức chở thóc về kinh thành nộp cho nhà vua. Chôm lo lắng đến trước nhà vua, quỳ tâu:

- Tâu Bệ hạ! Con không làm sao cho thóc nảy mầm được.

Mọi người đều sững sờ vì lời thú tội của Chôm. Nhưng nhà vua đã đỡ chú bé đứng dậy. Ngài hỏi còn ai để chết thóc giống không. Không ai trả lời. Lúc bấy giờ nhà vua mới ôn tồn nói:

- Trước khi phát thóc giống, ta đã cho luộc kĩ rồi. Lẽ nào thóc ấy còn mọc được? Những xe thóc đầy ắp kia đâu phải thu được từ thóc giống của ta!

Rồi vua dõng dạ nói tiếp:

- Trung thực là đức tính quý nhất của con người. Ta sẽ truyền ngôi cho chú bé trung thực và dũng cảm này.

Chôm được truyền ngôi và trở thành ông vua hiền minh.

(Truyện dân gian Khmer)

Câu 1. Hiền minh có nghĩa là gì?

A. Hiền lành và rõ ràng
B. Có đức độ và sáng suốt
C. Biết sống hiền lành, chan hòa với mọi người
D. Sống minh bạch, có trước có sau

Câu 2. Nhà vua chọn người như thế nào để nối ngôi?

A. Chọn người thông minh, sáng suốt
B. Chọn người hiền lành, nhân hậu
C. Chọn người trung thực.
D. Chọn người quyết đoán, có trí tuệ

Câu 3. Nhà vua làm cách nào để tìm được người như thế?

A. Phát cho mỗi người một thúng thóc giống về gieo trồng và hẹn: ai thu được nhiều thóc sẽ được truyền ngôi, ai không có thóc nộp sẽ bị trừng phạt.
B. Phát cho mỗi người một thúng thóc giống đã luộc kĩ về gieo trồng và hẹn: ai thu được nhiều thóc sẽ được truyền ngôi, ai không có thóc nộp sẽ bị trừng phạt.
C. Yêu cầu mỗi người làm món ngon dâng vua và hẹn tới ngày lễ ai đem được món ăn vừa ý vua nhất sẽ được truyền ngôi
D. Phát cho mỗi người một thúng thóc giống rồi hẹn ai khám phá ra được bí mật trong thúng thóc thì sẽ được truyền ngôi

Câu 4. Khi nhận được thúng thóc giống của vua, chú bé Chôm đã làm gì?

A. Chôm còn nhỏ không biết gieo trồng thế nào nên mang sang nhờ người hàng xóm chăm sóc giúp, chăm sóc nhưng thóc vẫn chẳng nảy mầm.
B. Chôm cũng đem đi gieo trồng nhưng bởi vì lười biếng nên không bao giờ chịu chăm sóc nên thóc cũng chẳng nảy mầm
C. Chôm dốc công chăm sóc nhưng thóc vẫn chẳng nảy mầm
D. Chôm đem về rồi vứt ở xó nhà, quên mất lời vua dặn phải gieo trồng, chăm sóc

Câu 5. Đến kì phải nộp thóc dâng lên vua, mọi người đã làm gì?

A. Mọi người nô nức chở thóc về kinh đô nộp cho nhà vua
B. Mọi người quỳ rạp thú tội với nhà vua vì không thể dâng thóc lên vua như đã hẹn
C. Mọi người đem sơn hào hải vị, sản vật quý hiếm dâng vua để thay thế cho thóc không nảy mầm được.
D. Mọi người phát hiện ra vua đã luộc kĩ thóc, tưởng rằng vua lừa mình nên kéo về kinh đô phản đối.

Câu 6. Đến kì phải nộp thóc dâng vua, cậu bé chôm đã hành xử khác với mọi người như thế nào?

A. Chôm dũng cảm đứng lên vạch mặt sự giả dối của vua khi đưa thúng thóc đã luộc kĩ cho mọi người.
B. Chôm lén lấy thóc của những người dân khác rồi nhận rằng đó là của mình
C. Vào ngày hẹn nộp thóc, Chôm lo lắng rúc mặt khóc trong phòng, không dám ra khỏi nhà
D. Chôm lo lắng đến trước vua, quỳ tâu: "Tâu bệ hạ! Con không làm sao cho thóc nảy mầm được"

Câu 7. Mọi người có thái độ như thế nào khi nghe lời nói thật của Chôm?

A. Mọi người đều nhiệt tình ủng hộ.
B. Mọi người ai nấy mặt mũi xám xịt.
C. Mọi người ai nấy đều sững sờ.
D. Mọi người run rẩy quỳ xuống xin tha tội.

Câu 8. Người trung thực là người đáng quý bởi vì họ bao giờ cũng nói thật, không vì lợi ích của mình mà nói dối, làm hỏng việc chung. Trung thực không chỉ tốt cho chính bản thân mình mà còn tốt cho những người xung quanh và cho công việc chung. Trung thực giúp cho ta hoàn thiện bản thân mình và giúp cho người xung quanh tiến bộ hơn. Theo con, nhận định trên đúng hay sai?

A. Đúng
B. Sai

Câu 9. Câu chuyện kết thúc như thế nào?

A. Vua khen ngợi sự trung thực và trao thưởng vàng bạc cho Chôm
B. Chôm được vua khen ngợi, truyền ngôi và trở thành ông vua hiền minh
C. Chôm trở về quê sống được rất nhiều người yêu mến vì đức tính trung thực
D. Chôm được vua khen ngợi, cậu bé trở về quê mở lớp dạy học và luôn lấy sự trung thực làm điều cơ bản để dạy dỗ học trò

Câu 10. Vì sao chú bé Chôm là người được truyền ngôi báu?

A. Vì chú bé đã tố cáo được hành động gian lận của mọi người
B. Vì chú bé tài giỏi, được nhà vua yêu quý và tin tưởng
C. Vì chú bé là người làm ra được nhiều thóc gạo nhất
D. Vì chú bé dũng cảm nói ra sự thật, không sợ bị trừng phạt

Câu 11. Chú bé Chôm có phẩm chất gì đáng quý mà người dân không có?

A. thông minh, tài giỏi
B. cần cù, chịu khó
C. ngoan ngoãn, thật thà
D. trung thực, dũng cảm

Câu 12. Theo em, vì sao người trung thực là người đáng quý?

A. Vì họ luôn nói ra sự thật, không vì lợi ích cá nhân mà nói dối làm hỏng việc chung
B. Vì người trung thực luôn nói ra sự thật để có lợi cho bản thân
C. Vì người trung thực luôn được mọi người quý mến, tin tưởng
D. Vì họ luôn tỏ ra thật thà, trung thực, dành được phần ưu tiên và sự tin tưởng

Câu 13. Ý nghĩa của câu chuyện Những hạt thóc giống?

A. Ca ngợi chú bé Chôm trung thực, dũng cảm dám nói lên sự thật.
B. Ca ngợi sự thông minh, tài ba trong việc chọn người nối ngôi của ông vua
C. Phê phán hành động gian dối, hèn nhát của những người dân.
D. Gợi ý một cách chọn người nối ngôi vô cùng hiệu quả.

Nguồn: Tổng hợp
 

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Shoutbox
Hãy đăng nhập để bắt đầu trò chuyện
  1. No shouts have been posted yet.
Nơi bạn có thể chia sẻ, hỏi đáp nhanh với tất cả mọi người

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top