Dưới đây là một số cách giải quyết khi gặp trẻ khó khăn về vận động mà giáo viên nên biết:
Tình huống:
Lớp cô Hiền có trẻ Long bị khó khăn về vận động học hòa nhập.Em bị bại liệt cơ mông, cơ đùi, cơ vai của em bị teo làm Long hạn chế về vận động ở các động tác do các cơ đó kiểm soát dần dần gây biến dạng và co rút khớp. Em di chuyển bằng xe lăn. Trí tuệ của em bình thường. Trong các giờ giáo dục thể chất, cô Hiền thật sự lúng túng vì không biết làm thế nào để trẻ có thể tham gia được.
Xử lí tình huống:
Trẻ Long bị bại liệt gặp nhiều khó khăn về vận động. Em di chuyển bằng xe lăn. Giáo viên khi tổ chức hoạt động giáo dục thể chất cho các trẻ trong lớp cần có sự điều chỉnh linh hoạt. Tùy theo chủ đề, chủ điểm và nội dung của từng bài dạy mà giáo viên điều chỉnh mục tiêu, điều chỉnh nội dung và điều chỉnh phương pháp để trẻ có thể tham gia vào bài học ở các mức độ khác nhau.
- Trong mọi hoạt động, GV cần cho trẻ luyện tập để các cơ không bị cứng bằng các động tác khác nhau. GV có thể sử dụng các dụng cụ trợ giúp để trẻ tham gia hoạt động dễ dàng hơn: nẹp chân, khung tập đi, ghế đặc biệt...
- GV nên tổ chức nhóm bạn giúp bạn để giúp đỡ Long khi cần.
- GV trao đổi với gia đình và đồng nghiệp để có thông tin về sức khỏe; khả năng thực hiện vận động cũng như khả năng tự phục vụ của trẻ. Qua đó, GV hướng dẫn, kiên trì giúp trẻ tập các vận động mới.
- Thường xuyên động viên; khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động tập thể. Ví dụ: Với hoạt động nhảy dây hoặc kéo co, GV có thể cho em ngồi xe lăn làm trưởng trò. Với hoạt động chuyền bóng qua đầu, GV có thể cho trẻ ngồi xe lăn ở vị trí cuối hàng để trẻ chỉ phải nhận bóng một chiều. Tuy nhiên GV cần lựa chọn bạn đứng trước trẻ có chiều cao thấp hơn để khi Long ngồi xe lăn có thể nhận bóng từ bạn phía trước chuyền cho dễ dàng mà không phải dướn người lên đỡ lấy bóng. Đồng thời; bạn đứng trước cần nhanh nhẹn, khéo léo khi chuyển bóng cho Long. Với các bài tập phát triển vận động thô, GV có thể thay thế hoạt động: cho trẻ ngồi dưới sàn và thực hiện vận động của tay như lăn bóng trên sàn, ném bóng về phía trước. Với các hoạt động nhằm phát triển vận động tinh: nhào; lăn đất nặn; xâu hạt, sử dụng kéo, cua cắp, vạch/ đồ hình; xếp chồng các vật.... GV có thể cho trẻ ngồi bàn/sàn thực hiện các hoạt động bên cạnh các bạn trong nhóm bạn giúp bạn.