Chia Sẻ Bàn về chữ "Hiếu" trong Truyện Kiều_tltk

BÀN VỀ CHỮ HIẾU TRONG KIỀU
“Hổ sinh ra phận má đào,
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong?”
Truyện Kiều bắt đầu bằng tình yêu như mây như họa của nàng thiếu nữ “hoa ghen đua thắm, liễu hờn kém xanh” Thúy Kiều cùng vị công tử “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” Kim Trọng. Song, mọi thứ chỉ thật sự khởi lên khi Thúy Kiều hy sinh thân mình cứu cha thoát án hàm oan ngàn cân treo sợi tóc.
Theo Nho giáo, “Hiếu” là một trong những cái đức quan trọng nhất của một con người. Có học giả từng viết “Truyện Kiều là truyện về nàng hiếu nữ họ Vương”. Thật vậy, nhắc đến Kiều, đầu tiên chúng ta chắc hẳn sẽ nhớ về cô gái xuân xanh bán mình chuộc cha, rồi có hay chăng mới nghĩ đến mối tình son sắt lắm truân chuyên của nàng:
“Để lời thệ hải minh sơn
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.”
Truyện Kiều hầu như có rất ít "đất" để nhắc đến tình phụ mẫu của vợ chồng Vương viên ngoại, song lại có không ít đoạn thơ miêu tả nỗi nhớ thương cha mẹ của người con gái lưu lạc tứ xứ, tiêu biểu có thể kể đến bốn câu thơ trong trích đoạn “Kiều ở Lầu Ngưng Bích”:
“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
Cả bốn câu thơ trên đều chứa đựng những điển tích, điển cố sâu sắc về chữ “hiếu”. Sau đây Tầm xin mạn phép phân tích để quý bạn cùng hiểu rõ:
Cách nói “Tựa cửa hôm mai" bắt nguồn từ một câu chuyện thời Xuân thu Chiến quốc. Có một vị tướng họ Vương oanh oanh liệt liệt từng đánh hạ đến 70 thành, trong một lần nản chí liền bỏ việc công mà tìm về quê nhà (đúng kiểu yếu long quá thì về với mẹ ). Mẹ của Vương tôn giả khi ấy đã khuyên nhủ ông quay lại chiến trường, còn nói: "Nhữ triêu xuất nhi vãn lai, tắc ngô ỷ môn nhi vọng; mộ xuất nhi bất hoàn, tắc ngô ỷ lư nhi vọng." (Con sớm đi chiều về, mẹ đứng tựa cửa mà trông; con chiều đi mà không về, mẹ đứng tựa cổng mà mong…). Như vậy, “Xót người tựa cửa hôm mai” là Kiều đang nghĩ đến cảnh cha mẹ ở nhà mòn mỏi ngóng trông mà trong lòng chua xót khôn nguôi.
Ở câu thơ thứ hai, “Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ” được lấy ý từ một câu trong Kinh Lễ "Phàm vi nhân tử chi lễ, đông ôn nhi hạ thanh", có nghĩa là: "Người làm con theo đúng lễ thì mùa đông phải làm cho cha mẹ ấm, mùa hạ phải làm cho cha mẹ mát mẻ". Như vậy “quạt nồng” là con quạt mát cho cha mẹ vào mùa hạ, “ấp lạnh” là con lên giường nằm trước, “ấp” cho chăn gối ấm áp vào mùa đông. Thúy Kiều băn khoăn khẳng rõ ai sẽ là người chăm sóc cho mẹ khi nắng hạ chiếu, khi gió đông về.
Vậy còn “sân Lai” và “gốc tử”? Theo cuốn "Nhị thập tứ hiếu", đây đều là những hình ảnh biểu trưng, ước lệ cho đạo làm con. Chuyện xưa kể rằng, thời nhà Châu có lão Lai, tuổi gần 70 mà vẫn làm ruộng nuôi cha mẹ, lại thường xuyên mặc áo năm sắc múa hát trước sân để cha mẹ vui lòng. “Gốc tử”, cũng là là gốc cây thị, giống như cây tre của Việt Nam là biểu tượng cho quê hương, xứ sở. Dù là sân Lai qua bao mưa nắng hay gốc thị ngày nào đã trường thành, Nguyễn Du cũng đang nhắc nhở rằng thời gian không ngừng trôi, nhân gian chuyển dời, còn cha mẹ thì ngày một già đi.
Tháng Chạp đã qua đi phân nửa, chẳng hay phụ mẫu đã có người ủ chăn ấm, cùng pha trà mua vui, hay chuyện trò mỗi chiều gió lạnh? Tết này, quê nhà có ai đang tựa cửa chờ mong? Tết này, bạn đã sắp xếp về thăm bố mẹ hay chưa?
Tài liệu tham khảo:
Điển tích Truyện Kiều - NXB Đồng Tháp
Thích Đồng Trực - Góc nhìn Phật Tử: Chữ Hiếu trong Truyện Kiều​
 

Đính kèm

  • 2-BÀN VỀ CHỮ HIẾU TRONG KIỀU_giaoanchuan 13.2.21.pdf
    119.5 KB · Lượt xem: 0

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Shoutbox
Hãy đăng nhập để bắt đầu trò chuyện
  1. No shouts have been posted yet.
Nơi bạn có thể chia sẻ, hỏi đáp nhanh với tất cả mọi người

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top