Trong bối cảnh dịch viên phổi do virus corona mới lây lan giới khoa học đẩy nhanh nỗ lực nghiên cứu và điều chế vắc xin chống lại virus nguy hiểm này.
Ủy ban châu Âu vừa công bố khoản tài trợ trị giá 10 triệu euro cho hỗ trợ nghiên cứu về chủng virus corona mới gây bệnh viêm phổi tại Trung Quốc và đã lây lan sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện chưa có phương pháp điều trị nào được chứng minh là hiệu quả.
Theo Ủy viên châu Âu phụ trách y tế Stella Kyriakides, Liên minh châu Âu cần có phản ứng đa chiều và phối hợp giữa các quốc gia thành viên trong việc đối phó với virus corona và nghiên cứu là yếu tố quan trọng nhất. Để có biện pháp phòng ngừa và đảm bảo chăm sóc tốt nhất cho người dân, việc đầu tiên cần làm là phải tăng cường hiểu biết về loại virus này.
Nhiều trung tâm nghiên cứu trên toàn thế giới đang tích cực làm việc để phát triển loại vắc xin mới phòng chống loại virus này. Theo trang web khoa học Stat, tổ chức Liên minh các sáng kiến ứng phó dịch bệnh (CEPI) đã đặt ra một mục tiêu rất táo bạo là có được vắc xin để thử nghiệm trên người trong vòng 16 tuần.
Còn tại Pháp, Viện Pasteur, với kinh nghiệm hơn 120 năm trong ngăn ngừa và điều trị các bệnh truyền nhiễm, ngay mới đây thông báo đã tìm cách phân lập và nuôi cấy thành công các chủng virus corona mới. Đây là thành quả đầu tiên của châu Âu trong quá trình nghiên cứu virus corona, và là một bước tiến trong nghiên cứu vắc xin và lập phác đồ điều trị. Với chủng virus corona vừa nuôi cấy thành công, các nhà khoa học sẽ ứng dụng để phát triển huyết thanh học, phác đồ điều trị, vắc xin phòng ngừa và nghiên cứu sinh bệnh học siêu vi.
Giáo sư Christophe d’Enfert thuộc Viện Pasteur cho biết: “Mười ngày trước chúng tôi đã triển khai một nhóm công tác về chủng virus corona mới, với mục đích điều phối các hoạt động nghiên cứu được thực hiện tại Viện Pasteur về chủng virus mới này để cung cấp cho bệnh nhân các chiến lược chuẩn đoán, phòng ngừa, nghiên cứu vắc xin hoặc điều trị nhanh nhất có thể. Chúng tôi đang nghĩ đến việc phát triển vắc xin sử dụng các nền tảng vắc xin đã được thử nghiệm và phát triển dựa trên vắc xin phòng chống sởi.”
Trước đó, nhóm nghiên cứu tại Australia đã tái tạo thành công virus corona gây ra dịch viêm phổi đang hoành hành, tạo ra bước đột phá trong cuộc chạy đua chế tạo vắc xin. Cùng ngày, Viện nghiên cứu y học Pháp cho biết các nhà khoa học đang thử nghiệm một số phương pháp điều trị bệnh viêm phổi cấp do virus corona.
Công ty dược phẩm hàng đầu Mỹ Gilead Science Inc thì cho biết đã cung cấp cho phía Trung Quốc liệu pháp điều trị Ebola thử nghiệm để sử dụng cho một số ít bệnh nhân mắc bệnh do chủng virus corona mới và đang làm việc với chính quyền Trung Quốc để thành lập nhóm nghiên cứu.
Hồi tuần trước, Người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm quốc gia Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci cũng cho biết đang làm việc với Gilead để thử nghiệm thuốc kháng virus remdesivir. Loại thuốc này trước đây từng được thử nghiệm ở bệnh nhân mắc Ebola, nhưng không hiệu quả. Tuy nhiên, theo Gilead, loại thuốc này được chứng minh là có hiệu quả ở động vật mắc Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng và Hội chứng hô hấp Trung Đông, có liên quan chặt chẽ với chủng virus mới.
Dù chưa có một công bố cụ thể về loại thuốc hay vắc-xin nào thành công, song những thông báo tích cực trong nghiên cứu và những ca điều trị thành công khiến cộng động thế giới có thêm hi vọng. Giới chức y tế Trung Quốc hôm nay thông báo chỉ trong ngày 31/1, đã có 72 trườn hợp được xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm virus corona mới được xuất viện sau thời gian điều trị và phục hồi lên 243. Theo chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm tại Trung Quốc Lý Lan Quyên, trong lúc này việc quan trọng nhất là tìm kiếm và kiểm soát nguồn lây nhiễm và đối với trường hợp dịch bệnh do chủng virus corona hiện nay thì việc sử dụng “dữ liệu lớn” (big data) là cần thiết:
“Đây là thời đại của dữ liệu lớn. Bây giờ tình hình bây giờ khác với SARS trước đây. Trước đây, mọi người không biết hướng di chuyển của các dòng người. Bây giờ điều này là dễ dàng hơn nhiều. Để kiểm soát dịch bệnh, điều quan trọng nhất là tìm ra những người đã bị nhiễm và cách ly họ. Bởi dù không có triệu chứng, song bệnh vẫn có lây lan. Điều này là rất nguy hiểm. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc sử dụng dữ liệu lớn để tiến hành điều tra dịch tễ học và kiểm soát nguồn lây nhiễm”.
Theo
Thu Hoài