Phương pháp bàn tay nặn bột kích thích tính tò mò và ham muốn khám phá, say mê khoa học của học sinh. Tuy nhiên để phương pháp này đạt được kết quả tốt trong quá trình dạy học, giáo viên cần nắm chắc các bước sau:
Bước 1: Đặt vấn đề
Giáo viên đưa ra tình huống như một cách để dẫn dắt vào bài học. Trong đó câu hỏi nêu vấn đề là câu hỏi lớn của bài học nhưng phải phù hợp với trình độ của học sinh. Câu hỏi phải có tính gây mâu thuẫn nhận thức và kích thích tính tò mò của học sinh. Câu hỏi nên ở dạng mở
Bước 2: Bộc lộ quan điểm ban đầu của học sinh
Giáo viên sẽ khuyến khích học sinh đưa ra nhận định, ý kiến của mình về vấn đề đặt ra. Học sinh có thể trình bày ý tưởng bằng nhiều cách như nói, viết, vẽ…Giáo viên không nhất thiết phải chú ý đến các quan niệm đúng mà cần chú ý đến quan niệm sai
Bước 3: Lên kế hoạch thực nghiệm
Từ những ý kiến ban đầu, giáo viên giúp học sinh đề xuất câu hỏi, khéo léo lựa chọn những ý kiến khác biệt từ đó học sinh đặt câu hỏi liên quan đến bài học để giúp học sinh so sánh
Từ những câu hỏi của học sinh, giáo viên đề nghị các em đề xuất thực nghiệm để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi đó. Giáo viên ghi chú lên bảng các đề xuất của học sinh để các ý kiến sau không bị trùng lặp. Khuyến khích học sinh tự đánh giá ý của nhau hơn là ý kiến của giáo viên nhận xét
Bước 4: Tiến hành thực nghiệm
Từ những phương án thực nghiệm tìm tòi và nghiên cứu của học sinh đưa ra, giáo viên khéo léo nhận xét và lựa chọn dụng cụ thí nghiệm thích hợp để học sinh tiến hành nghiên cứu
Khi tiến hành thí nghiệm, giáo viên cần nêu rõ yêu cầu và mục đích của thí nghiệm hoặc yêu cầu học sinh cho biết mục đích của thí nghiệm chuẩn bị tiến hành sau đó giáo viên phát dụng cụ thí nghiệm.
Mối thí nghiệm thực hiện xong, giáo viên nên dừng lại để học sinh rút ra kết luận, ghi chép vào vở dưới dạng sơ đồ hoặc cách dễ nhớ nhất
Bước 5: Kết luận và tổng hợp kiến thức
Sau khi thực hiện thí nghiệm, các câu hỏi ban đầu đã được giải quyết, các giả thuyết đã được kiểm chứng, kiến thức được hình thành nhưng vẫn chưa có hệ thống khoa học. Nhiệm vụ của giáo viên là tóm tắt, tổng hợp và hệ thống lại kiến thức để học sinh hiểu một cách rõ ràng nhất vấn đề đang nghiên cứu
Nguồn: Tổng hợp.