Đề thi Đề thi thử vào 10 môn Ngư Văn_tham khảo

SỐ BÁO DANH ĐỀ THI THỬ VÀO 10 THPT NĂM HỌC 2020 – 2021
…………… Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian: 120 phút(không kể thời gian giao đề)
I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn

(Đò Lèn – Nguyễn Duy, NXB Giáo dục Việt Nam)
Câu 1 :(0,5 điểm). Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên.
Câu 2 :(0,75 điểm).Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp nghệ thuật có trong khổ thơ thứ ba.
Câu 3 : (0,75 điểm).Trong đoạn thơ tác giả nhắc đến những địa danh nào ? Qua đó, em hiểu gì về tình cảm của nhà thơ dành cho bà và quê hương Thanh Hóa ?
Câu 4 :(1,0 điểm).Thông điệp tình cảm sâu sắc nhất em nhận được từ đoạn thơ trên là gì ? Lý giải vì sao em chọn thông điệp đó ?(Trình bày trong khoảng từ 5 đến 7 dòng)
II. TẠO LẬP VĂN BẢN ( 7,0 điểm)
Câu 1
: (2 điểm). Từ nội dung đọan trích trên, em hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về vai trò của quê hương.
Câu 2:
(5 điểm). Tình cha đối với con qua nhân vật ông Sáu trong đoạn trích Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng (Ngữ văn 9 tập 1). Từ đó liên hệ tình cảm của mỗi người đối với gia đình hôm nay.



HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI THỬ VÀO 10 THPT NĂM HỌC 2020 – 2021
MÔN NGỮ VĂN
CÂU
NỘI DUNG KIẾN THỨC VÀ KĨ NĂNG CẦN ĐẠT
ĐIỂM







1
Phần Đọc – hiểu
1. Nội dung chính của đoạn thơ: Từ những kí ức đẹp về thời thơ ấu và hình ảnh bà tảo tần, lam lũ, tác giả đã bày tỏ tấm lòng yêu quý, kính trọng, biết ơn lẫn xót xa, day dứt của mình đối với người bà kính yêu. Đó cũng là biểu hiện của tình yêu quê hương sâu nặng trong ông.

0,5
2. HS có thể chỉ ra và nêu tác dụng một trong các biện pháp nghệ thuật đặc sắc sau:
- Từ láy “thập thững” gợi tả hình ảnh người bà già nua, tần tảo bước thấp, bước cao trong tâm trí và.cảm xúc nhớ thương của tác giả về bà.
- Phép liệt kê các hành động: bà mò cua, xúc tép, gánh chè; các địa danh: đồng Quan, Ba Trại, Quán Cháo, Đồng Giao. Tác dụng tăng tính biểu cảm, nhấn mạnh nỗi cơ cực của bà trong những đêm đông lạnh.
- Phép đối lập: giữa cái hồn nhiên, vô tư tinh nghịch của cháu khi còn thơ bé với sự nhọc nhằn, lam lũ, vất vả của bà. Tác dụng thể hiện sự thấu hiểu, trân trọng và ngậm ngùi, day dứt của tác giả trong nỗi nhớ bà.


0,75
3.
- Các địa danh được tác giả nhắc đến trong đoạn thơ: cống Na, chợ Bình Lâm, chùa Trần, đền Cây Thị, đền Sòng, Ba Trại.
- Các địa danh trên đã bộc lộ tình cảm của nhà thơ: nhớ thương kỉ niệm tuổi thơ; thấu hiểu, xót xa, trân trọng, yêu kính bà tảo tần; tự hào, gắn bó máu thịt đối với mảnh đất Thanh Hoá quê ông.

0,75
4. Có thể rút ra một trong các thông điệp tình cảm sâu sắc sau:
- Đoạn thơ của Nguyễn Duy nhắc nhở mỗi người biết trân quý và hướng tới cái đẹp của hiện thực đời sống tâm hồn, tình cảm, đến những điều thật giản dị nhưng lại có giá trị vĩnh hằng. Bởi đó là những gì gần gũi nhưng có sức mạnh toả sáng, nâng đỡ tâm hồn ta trên hành trình cuộc đời.
- Một trong những tình cảm đẹp nhất ở mỗi người là tình cảm gia đình, quê hương. Bởi đó là khởi nguồn cho tình yêu đất nước.
- Hãy luôn yêu quý, kính trọng những đấng sinh thành ( ông bà, cha mẹ…), trân trọng kí ức tuổi thơ, những tình cảm bền vững của quê hương khi còn có thể. Vì đó là nền tảng để con người trưởng thành, đừng vô tâm để phải ân hạn, tiếc nuối.

( Có thể chọn và lí giải thông điệp khác, miễn phù hợp và có tính thuyết phục)
1,0







1
Phần Tập làm văn
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn: Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận : Vai trò của quê hương
c. Về nội dung: Thân đoạn đảm bảo các ý sau:
1. Khái niệm quê hương
Quê hương vừa bao hàm những yếu tố vật chất như làng, xóm, nhà cửa, ruộng đồng… vừa bao hàm những giá trị truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán... Là nơi mỗi được sinh ra, in dấu kỉ niệm tuổi thơ và được sống trong những điều kiện ấy.
2. Làm rõ vai trò quan trọng của quê hương
- Quê hương giúp ta hiểu rõ và trân trọng nguồn gốc, các giá trị văn hoá truyền thống của bản thân, gia đình...
- Những giá trị vật chất, tinh thần của quê hương chính là cái nôi nuôi dưỡng, chở che thể xác, tâm hồn, nhân cách, lối sống của mỗi người.
- Nơi tạo mối quan hệ gắn kết tự nhiên, tốt đẹp giữa các mối quan hệ của mỗi người như gia đình, làng xóm, bạn bè…
- Quê hương chính là bến đỗ bình yên, đón đợi mỗi người sau mỗi hành trình cuộc đời để tâm hồn ta neo đậu.
- Từ mảnh đất quê hương, con người được trưởng thành, chắp cánh ước mơ bay cao, vươn xa…
(HS lấy dẫn chứng phù hợp)
3. Mở rộng vấn đề
- Cần hiểu, quê hương không chỉ là nơi sinh ra mà còn là nơi ta sẽ đến.
- Phê phán những người sống ích kỉ, thờ ơ, vô cảm, quay lưng lại với quê hương mình.
4. Bài học nhận thức, hành động
- Nhận thức: mỗi người cần: biết yêu mến tự hào, phát huy các giá trị tốt đẹp của quê hương.
- Phải có những hành động cụ thể để có thể đóng góp, làm giàu cho quê hương: phấn đấu học tập, làm việc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc … để làm rạng danh và xứng đáng với quê hương mình.
( Mở , kết đoạn cho 0,25 điểm)
* Lưu ý: HS tập trung vàoluận điểm vai trò của quê hương.






0,25



1,0












0,25


0,25
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
2
a. Yêu cầu về hình thức:
- Đảm bảo cấu trúc một bài văn nghị luận;
- Có đầy đủ mở bài, thân bài, kết bài;
- Chữ viết sạch đẹp ít sai lỗi chính tả.
b. Yêu cầu về nội dung: Xác định đúng vấn đề nghị luận: Tình cha đối với con qua nhân vật ông Sáu trong đoạn trích truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng. Từ đó liên hệ tình cảm của mỗi người đối với gia đình hôm nay.




Mở bài0,5
- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Quang Sáng, đoạn trích Chiếc lược ngà.
- Khái quát vẻ đẹp ông Sáu: là người lính quả cảm, yêu quê hương, đất nước tha thiết, đặc biệt là có tình yêu con sâu nặng.
- Khái quát cảm xúc, liên hệ.
Thân bài
1. Tình cha đối với con ở nhân vật ông sáu được thử thách trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.
- Chiến tranh gây chia cắt gia đình, ông sáu phải xa nhầ đi kháng chiến chi con gái duy nhất của ông chưa đầy một tuổi.
- Chiến tranh làm biến dạng hình hài khuôn mặt ông sáu: để lại vết sẹo dài trên má ông khiến con gái hiểu lầm, không chịu nhận ông là cha.
- Chiến tranh còn vĩnh viễn cướp đi sinh mạng ông Sáu, khi người cha đáng kính ấy chưa kịp trao tận tay con chiếc lược ngà.
2. Vượt lên nỗi đau chiến tranh, tình cha đối với con của ông Sáu càng tỏa sáng. Tình cảm ấy được nhà văn khắc họa ở từng thời điểm cụ thể.
- Trên đường trở về nhà: cái tình người cha cứ nôn nao trong người ông Sáu. Nên khi xuồng chưa cập bến, ông sáu đã nhón chân nhảy thót lên bờ, xô xuồng tạt ra xa và sải những bước dài.
- Lúc nhìn thấy con gái: ông vừa bước, vừa khom người, đưa tay đón chờ con, miệng lặp bặp gọi tên con. Trước phản ứng bất ngờ của Thu ( dẫn chứng), ông sáu hụt hẫng, thất vọng, xúc động mạnh ( dẫn chứng).
- Những ngày nghỉ phép ở nhà: ông sáu chỉ quanh quẩn bên con gái để quan tâm, yêu thương. Ông thèm nghe con gọi tiếng ba dù chỉ một lần nhưng con ông chỉ nói trống không ( dẫn chứng), điều đó khiến ông đau khổ đến nỗi không khóc được, chỉ có thể gượng cười mà thôi. Biểu hiện tình yêu sâu đậm của ông Sáu dành cho con là hành động ông gắp cái trứng cá thơm ngon vào bát con gái. Để rồi, yêu quá, hoá giận, ông đã lỡ tay đánh con khi bé Thu bướng bỉnh hất tung trứng cá ra khỏi mâm.
- Giây phút ông sáu nói lời từ biệt con để lên đường: bất ngờ được nghe con gọi ba, dành tình cảm hối hả, cuống quýt cho mình, ông Sáu đã không cầm được nước mắt – giọt nước mắt của niềm hạnh phúc tột cùng và cả nỗi lòng người cha sắp lại phải xa con. Tình yêu con sâu sắc và phẩm chất kiên cường của người lính được khắc hoạ cảm động ở thời điểm này.
- Trở lại chiến khu: ông không quên lời hứa với con nên đã cất công tìm vật dụng ( khúc ngà voi) để làm cây lược cho con ( dẫn chứng). Ông gò lưng, tỉ mẩn cưa từng chiếc răng lược, khắc lên đó dòng chữ “ yêu nhớ tặng Thu con của Ba”. Những lúc nhớ con, ông lại mang cây lược ra ngắm, mài lên tóc mình cho thêm bóng. Tuy cây lược chưa chải được mái tóc con nhưng đã phần nào tâm trạng ông. Chiếc lược ngà chính là món quà quý giá của tình phụ tử, là tình yêu, nỗi nhớ, niềm tin hi vọng ngày về ông được gặp con.
- Trước lúc hi sinh: ông sáu vẫn cố gắng dồn hết tàn lực móc cây lược trao cho bác Ba, mong bác mang cây lược về trao tận tay con gái bằng cái nhìn đầy ám ảnh. Cây lược trở thành biểu tượng bất biệt của tình phụ tử , dù cái chết cũng không huỷ diệt được.
3. Tình cha đối với con ở nhân vật ông Sáu còn được khắc họa qua nghệ thuật đặc sắc và tấm lòng nhà văn.
- Nghệ thuật: nhân vật được xây dựng ở ngôi kể thứ nhất, sáng tạo tình huống bất ngờ, éo le, cách kể chuyện tự nhiên, miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, ngôn ngữ đậm màu sắc Nam Bộ.
- Tình cảm nhà văn: thấu hiểu, cảm thông, yêu mến, khẳng định ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn nhân vật ông Sáu. Từ đó, người đọc càng hiểu được những đau khổ, mất mát, chia lìa mà bao gia đình người dân Nam Bộ phải gánh chịu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Nhưng vượt lên tất cả là tình người, tình phụ tử thiêng liêng, sâu nặng – điều còn lại mà chiến tranh không thể cướp đi được, tiêu biểu nhất là tình cha đối với con qua nhân vật ông Sáu.
4. Liên hệ tình cảm gia đình của mỗi người hôm nay.
- Gia đình là tổ ấm, nơi gắn kết yêu thương giữa các thành viên có quan hệ thân thiết, máu thịt với nhau ( vợ chồng, ông bà, cha mẹ, con cái, anh em…)
- Cuộc sống hiện tại cần ở mỗi người tình yêu, sự quan tâm chân thành đối với gia đình của mình hơn. Bởi đó không chỉ cho ta tình yêu thương, nơi chia sẻ, giúp đỡ vô điều kiện về vật chất mà còn mang lại sự thanh thản, bình yên, hạnh phúc thực sự về tinh thần, giúp ta vượt lên mọi khó khăn, vấp ngã, cám dỗ trong cuộc đời.
- Tình yêu gia đình cần được bộc lộ ở những hành động cụ thể, thiết thực như : sẵn sàng lắng nghe, động viên, giúp đỡ nhau; sống đoàn kết, gắn bó; ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; bản thân mỗi người không ngừng học tập, rèn luyện để mang lại những điều tốt đẹp cho gia đình…


0,5






2,0


0,25



0,25



0,5





0,25







0,5


0,25


0,5











0,75
Kết bài: 0,5
- Khẳng định tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu, giá trị tác phẩm.
- Liên hệ bản thân.
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
* Lưu ý : Trên đây là những định hướng, giám khảo cần trân trọng những sáng tạo trong bài làm của học sinh.
 

Đính kèm

  • 4-DE THI THU VAO 10_giaoanchuan13.2.21.pdf
    426.5 KB · Lượt xem: 0

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Shoutbox
Hãy đăng nhập để bắt đầu trò chuyện
  1. No shouts have been posted yet.
Nơi bạn có thể chia sẻ, hỏi đáp nhanh với tất cả mọi người

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top