Trước hết giáo viên cần nhận thức rằng, biện pháp kỷ luật trừng phạt học sinh cần được chấm dứt và thay thế bằng biện pháp kỷ luật tích cực. Để làm được điều này, giáo viên cần có suy nghĩ sâu sắc về nghề dạy học, yêu nghề, mến trẻ, cái tâm phải bao trùm khắp tâm hồn. Hiểu và nắm bắt tâm lý của học sinh ở mọi lứa tuổi và bản thân phải tìm được niềm vui trong công việc. Đồng thời, giáo viên phải tự đặt mình ngang hàng với học sinh để cùng chơi, cùng học, cùng hiểu để tìm cách giáo dục học sinh thấu tình đạt lý. Khi học sinh mắc lỗi, thầy cô giáo phải là người bạn, người anh, người chị, người mẹ, người cha - chỉ cho các em nhận ra lỗi của mình để tự điều chỉnh.
Hiện nay, giáo viên luôn chịu áp lực từ nhiều phía như yêu cầu về chất lượng dạy và học, những khúc mắc trong quan hệ thầy - trò, đồng nghiệp hay những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày... Ai cũng hiểu tức giận, căng thẳng có thể làm chúng ta có những hành vi nóng giận nhất thời và gây hậu quả tai hại. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng kiềm chế những phút nóng giận, căng thẳng như thế.
Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng căng thẳng trên, giáo viên nên tự rèn luyện bản thân với chế độ ăn uống, ngủ nghỉ phù hợp, hạn chế hút thuốc hoặc dùng chất kích thích. Các thầy cô có thể giảm căng thẳng bằng việc trau dồi khả năng hài hước, tinh thần lạc quan trước mọi tình huống…
Mặt khác, giáo viên phải xác định rằng, kỷ luật tích cực không phải là cây đũa thần, do vậy bên cạnh việc sử dụng nó như một giải pháp chủ công thì còn phải kết hợp với hệ thống các giải pháp đi kèm, sao cho việc kỷ luật học sinh vẫn phải diễn ra nghiêm túc đúng luật.
Bởi vậy, tuyệt đối hóa nó sẽ là một sai lầm, bởi thực tế môi trường giáo dục cũng rất phức tạp, các hành vi mắc lỗi của học sinh cũng vậy. Nhiều khi những lỗi lớn có thể lại rơi vào các học sinh học giỏi thông minh láu cá, hoặc các lỗi xuất phát bởi những trường hợp không thể giáo dục khi nó đã thành bệnh trầm kha do bị chi phối bởi môi trường mà cái xấu phát tác mạnh mẽ.
Phan Duy Nghĩa - Biên soạn.