Mảnh vườn của cô giáo già

Quách Xe Ôm

Thành Viên
Xu
0
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Truyện ngắn

Cây táo khom lưng

Quả tròn trĩu nặng…

Phải, xuân đã về. Cứ nhìn lên những trái táo thì biết… Bà giáo Lý cởi chiếc áo bông hoa cà, treo lên vách tủ rồi chậm rãi bước ra vuờn. Lớp lá tre dày chưa kịp quét hôm qua, bây giờ kín lấp ngõ. Bà gạt một cành ổi vướng mái tóc hoa râm, lớp mưa phùn mau hơn, biến thành từng giọt, rơi xuống lộp bộp. Vài chú cóc đốm nhảy ra từ ngóc ngách ẩm ướt trong khu vườn. Táo rụng lăn lóc…Chà! Sắp Tết đến nơi rồi. Không biết có chia đủ đều cho bọn trẻ mấy nhà trên phố không đây?

FB_IMG_1609763245131.jpg


Năm nào cũng vậy, ngày mồng một Tết, tất cả anh em, con cháu, họ hàng đều tụ tập ở khu vuờn này… Mấy thằng cháu lớn ngộc, chẳng cần dùng vợt sào, chỉ kiễng chân lên hái một loáng là đầy túi quần, mũ len. Những đứa cháu gái lớn dần, thích của chua, chúng đều biết ăn diện lắm rồi…Chóng thật, những trái táo chín nhanh quá. Mới hôm kia bà vừa chống thêm một cây khô vào cành sai nhất. Những con ong ruồi quấn quýt bên mỗi chùm. Thế mà sau trận gió Đông Bắc muộn tối qua, trên cành thấp quả bự đã thưa đi nhiều. Bà ngước mắt theo thói quen bói quả, mặt rạng lên: trên cao quả còn chi chít, chúng trắng xanh, căng tròn. Bà rón rén lượm cả quả chín nứt lẫn uơng rụng vào cái thau rồi đem ra giếng. Ở đấy, bà gột đất mùn bám bết vào đôi dép cũ. Đợt gió ấm quay về, trán bà dịu mát. Tia nắng mới xuyên qua làn mưa bụi nhỏ…

Chẳng việc nào có tên mà bà luôn bận rộn. Về hưu từ lâu. Những vần thơ đều đặn ra đời trong khu vườn này như dòng nhật ký. Vào mùa xuân, người ta tặng bà thơ và bà họa lại. Cảnh già làm cho khung cảnh thêm tĩnh mịch. Trẻ con hàng xóm ngại ngần trước hàng rào tre dày đặc, lại cách ao chuôm, chỉ chừa một con đuờng nhỏ lối đi. Cây khế ngọt bao lần ra hoa, kết trái lủng lẳng trên nóc chuồng gà. Chú mèo cũng già lắm, khó đoán tuổi, thuờng lim dim mắt cạnh đó. Sát bờ hiên có vô số đồ vật cũ mình bà không sao dọn hết, cứ xếp chồng lên phơi mưa nắng. Số phận những chồng thư chất đầy một hòm gỗ trên nóc tủ thì có khá hơn: đôi khi vào năm mới, bà bê xuống lục lại, giương mục kỉnh ngồi hàng giờ, đợi các cháu đến chúc tết và các cụ ở tổ hưu trí, tổ thơ đến ngâm vịnh. Kết thúc, bà chia khế và táo cho họ.

Ngày trước, bà là nhà giáo, lại là Hiệu trưởng, nên đến ngày Hiến chương năm nào cũng vậy, phải đi thăm lại nhiều bạn bè đồng nghiệp, tiếp đón nhiều học sinh cũ. Nhưng năm vừa rồi, bà đã yếu đi nhiều, cái khớp xương đau nhức mỗi khi gió đổi mùa…Khách cũng đến thưa hẳn…Bà bất chợt rùng mình nghe tiếng pháo tét vang lẻ tẻ đầu ngõ. Hàng xóm im lìm bấy lâu, nay xuất hiện ồn ào những nóc nhà mái bằng, lầu, gác. Sự giàu sang mọc lên cuống quýt hai bên khu vườn rậm rạp ấy. Một điền chủ cho cất lên tòa nhà lừng lững, kiên cố, tân kỳ. Nó vượt lên quá khóm tre sau vườn, chắn lấp khoảng trời phía tây. Từ giờ, bà không thể mắc võng ngắm hoàng hôn như mọi chiều được nữa...

Nhưng vẫn còn khung cửa xanh để mở nhìn ra miếng ao rộng. Tháng này phải gọi người ta đến vớt bèo, vun chúng lại dưới gốc cây ăn quả, bón thêm cho mầm đất, chặt bán bớt lứa tre, ngâm thêm tiếp bè nữa; mấy gốc ổi, hồng xiêm phải tỉa đi. Sau đó, thả nuôi con lợn, mấy con ngan…Bà nhẩm tính…Sát chuồng lợn bỏ hoang, hàng chuối bị bèo tây phủ lấn gốc. Ở chân tường đầu hồi, rêu với rễ trầu không bám chằng chịt. Bà buồn bã nhìn những kẽ nứt vô hình tứa lên từ duới nền móng lún, ẩm của ngôi nhà cấp bốn, tay thả buông mấy cành củi mục trên lớp lá khô dày và quả héo rụng. Nhìn chiếc nhẫn của hai đời chồng “vắn số” trên ngón tay gầy guộc, bà bất giác thở dài kín đáo, giống như mỗi lần các cháu chào bà rồi vội biến mất sau cánh cổng gỗ…“Giá ta có một mụn con…”

Dáng hơi còng xuống, bà bước tới chỗ quang đãng hơn. Phía truớc nhà, một khoảnh trồng xen kẽ nhiều loại rau thơm, cây thuốc lúp xúp dưới hai gốc chanh cắm que rào thập cẩm. Búi xương sông ngút lên, át mấy ngọn tía tô, diếp cá. Bà quan tâm nhất đến bụi hồng bạch mà một bà giáo bạn bà tặng hồi tháng truớc. Nó đã nhú nụ. Một bông còn ngậm sương, tách ra vài khía trắng. Bà định cắm mấy bông vào đêm giao thừa, cạnh mâm ngũ quả. Bà sẽ chuẩn bị một cành lộc to gồm táo, khế như mọi năm. Quất đã có rồi, chỉ còn cành đào: thằng cháu trưởng dạy học ở Tây Bắc viết thư hứa sẽ kiếm đào phai và mang tới lúc giáp Tết. Túp nhà này là trung tâm hương hỏa, bài vị. Bà luôn giữ cho làn khói nhang nghi ngút khi tề tựu đông đủ đại gia đình về đây. Sau đó, khi chỉ còn lại một mình, bà vận vào chiếc áo dài vẫn nhét đáy rương và ngồi bên bức ảnh của nguời chồng sau quá cố, lặng lẽ khóc…

Chẳng ai biết bà khóc đâu, kể cả những bà bạn thân nhất. Trong những dòng thơ bà làm tặng họ nhân dịp lễ, hội, ngày vui đều chan chứa lời khuyên nhủ, lạc quan, những bối cảnh nhân gian tươi sáng hứa hẹn. Bà chép chúng đầy cả hai cuốn sổ to. Riêng cuốn bà làm hồi con gái thì hiếm khi bà giở ra đọc lại, trong đó có bài “Em là chiếc lá”- bài thơ đầu tay và cũng là bài tâm đắc nhất của bà…
Vào mùa thu xưa, khi bà mười tám tuổi, tứ thơ đó đã khởi đầu cho số phận người con gái truân chuyên. Hai cuộc kháng chiến qua đi, nhan sắc bà vẫn còn, ngoài mái đầu đốm bạc. Nụ cười vẫn nở ra, với đôi gò má cao đầy đặn làm gương mặt bà tươi tắn. Những khi bà bước lên bục giảng hoặc khi đọc một bài thơ, nguời ta không thể hình dung nổi những gì bà đã trải qua. Giờ đây, ở tuổi 60, đôi mắt bà chỉ hơi có vết mờ mà những năm tháng dài thao thức, ước ao một lần được làm mẹ đã hằn lên.

Mấy năm nay, bà thường trị bệnh khớp bằng lá ngải cứu đắng ngắt. Cuộc sống giản dị khắc khổ gần như tu sĩ của bà tách biệt hẳn với diễn biến thời cuộc, với sự leo thang giá cả và những bức sốt kim tiền… Rặng ổi đào mỗi năm lại thêm chi chít quả. Một cành lớn ngả hẳn sang nhà bên cạnh. Nhưng bà chúa sợ những đứa trẻ rung trộm cây trong vườn. Khi quả rào rào lăn lóc do một cơn gió mạnh, bà tê tái như bắt gặp một lọ thủy tinh rơi vỡ. Vào mùa hè, bà thường bận chiếc áo cộc tay, đạp chiếc xe tàng từ thời Pháp thuộc đến nhà bạn bè giáo viên quanh vùng. Sau rốt, đến tổ thơ phụ lão “Sông Tô” bình thơ. Trên ghi - đông xe, lúc nào cũng đeo một túi khế ngọt và ổi. Người ta thích thơ của bà, nhưng cuộc đời thanh bạch của bà còn gây chú ý, xúc động hơn. Từ lúc về hưu, bà không làm thơ kiểu viết hồi ký nữa, nhiều dòng bà dành cho tuổi thanh, thiếu niên…Ngay những phụ huynh học sinh đã già hơn bà, cũng kính cẩn lắng nghe lời ân cần thấm đạo lý từ thơ bà.

Lại sang một năm nữa. Nguời ta ít thấy bà Lý ra khỏi mảnh vườn. Thỉnh thoảng, mấy đứa cháu có ghé tạt qua. Xe đạp xe máy dựng túm tụm ở gốc khế ngoài ngõ. Chúng chỉ đến vào đầu mùa quả. Cô gái ở nhà kề bên thường sang đây vớt bèo về cho lợn, mua bán, cơm nước nhà giúp bà. Hình như bà nhận cô ấy làm con nuôi. Học sinh không có ai lại thăm bà nữa. Những trái ổi vàng rụng nổi đầy ao.

Ngày Nhà giáo năm nay, người ta thấy bà quần áo chỉnh tề, mới tinh, là phẳng, hơi so vai, dắt từ từ chiếc xe đạp cũ ra cổng. Khoác thêm chiếc áo len kiểu gilê, bà lùa con ngan trắng vào rồi khóa cổng lại. Chiếc túi to tướng ép trong cái nón quang vắt ghi - đông … Bà đi dự lễ kỷ niệm Hiến chương ở mái trường xưa, nơi bà gắn bó đời dạy học, rồi làm hiệu truởng. Học sinh bây giờ đông đúc lắm, chả biết bà là ai. Các thầy cô giáo trẻ cũng vậy. Chỉ khi vào phòng truyền thống, người ta mới biết có bà. Họ đã đưa thiếp mời bà đến làm khách danh dự. Bà chuẩn bị rất kỹ một bài thơ để lên đọc ở buổi lễ trước toàn thể nhà trường. Mọi người coi bà là bậc tiền bối của sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.

Nhưng bà đã không kịp đọc bài thơ cuối cùng tặng lớp măng non chứa đựng tâm huyết trọn đời nhà giáo thanh khiết của mình, và không bao giờ trở về khu vườn nữa. Bà đã ra đi lặng lẽ trong bệnh viện…

Hôm đó, ngày hội, hoa và trẻ con tấp nập, xô lấn từ mọi phía. Những cô, cậu học trò rồng rắn đi nghênh ngang. Chúng không ngờ bà lão đi xe đạp lóng ngóng đó là cô giáo Hiệu trưởng của trường ngày xưa. Chúng chỉ cuời hô hố khi thấy tay lái bà loạng choạng vì sợ va phải hàng ngang mà chúng dăng giữa đường. Vừa lúc ấy, chúng chạy tản ngay vì bất chợt, một ô tô tải đằng sau rồ tới không thắng kịp, đã cán ngang hông bà… Bà ngã bên chiếc xe đạp, không hề kêu lên một tiếng.

Nguời ta kể là trước khi chết, bà còn kịp chỉ vào túi xách, trong đó có ổi, khế và bài thơ chưa ráo nét mực… Mọi người mở túi ra mới biết nơi bà định tới là truờng phổ thông cơ sở phía trước.

Đám tang bà đông lắm, toàn bộ giáo viên, học sinh hôm ấy bỏ buổi lễ 20 -11 để đi đưa tiễn bà theo chiếc xe đòn. Có đến năm chục vòng hoa, trong đó, một vòng của hội thơ phụ lão “Sông Tô”.

Mùa xuân năm nay, táo lại nặng trĩu xung quanh lối xóm, nhưng cây táo thiện phiến vườn bà đã bị chột đi, không còn trái nữa. Cây khế ngọt vẫn còn lác đác quả nhưng đã chuyển sang vị chua. Những đứa trẻ thậm thụt lách qua cổng gỗ mọt rệu rã. Căn nhà ẩm thấp như một hòn đảo xanh xám, rong rêu, nhô lên giữa bốn mặt ao tù… Tre, chuối rậm rì, gai góc. Ra giêng, hàng xóm chặt hết các gốc táo, quệt lớp vôi bạc trừ sâu, trước cửa ngõ vuờn bà xuất hiện một hố vữa to tướng. Người chủ mới đã mua lại khu vuờn từ hai em trai bà, cửa khóa im ỉm. Hình như họ quyết định không cải tạo lại, mà chờ được giá thì bán...


Viết thêm

Nơi khu vườn ấy nay đã thành một khu dân cư đông đúc, được xây dựng hoành tráng, áp đảo, theo lối "tả pí lù", không ai có thể hình dung ra cảnh quan cũ nữa. Và có lẽ chẳng một ai rỗi hơi rảnh việc nhớ về cái chốn tù đọng xưa kia...

Duy chỉ có đứa cháu trai, kẻ hàng năm trước đây thường mang cành đào phai Tây Bắc nho nhỏ về cho bà sát giao thừa là còn đôi lúc chợt lặng người rưng rưng mỗi khi ngọn gió xuân đầu tiên thoảng về mang theo hương táo, hương khế ru cho nỗi buồn thanh cao của một cô giáo nghèo...


Tranh của họa sĩ Nguyễn Quảng
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Shoutbox
Hãy đăng nhập để bắt đầu trò chuyện
  1. No shouts have been posted yet.
Nơi bạn có thể chia sẻ, hỏi đáp nhanh với tất cả mọi người

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top