Ôn tập Tiếng Việt 3 - Phần tập đọc

Thần Đồng

Moderator
Điểm
31,391
Câu 1 (trang 5 sgk Tiếng Việt 3): Nêu những tội ác của giặc ngoại xâm đối với dân ta.

Trả lời:

Giặc đã gây ra nhiều tội ác đối với ta. Chúng thẳng tay chém giết dân lành, cướp hết ruộng nương màu mỡ. Chúng bắt dân ta lên rừng săn thú lạ, xuống biển mò ngọc trai, khiến bao người chết vì hổ báo, cá sấu, thuồng luồng...

Câu 2 (trang 5 sgk Tiếng Việt 3): Hai Bà Trưng có tài và có chí khí lớn như thế nào?

Trả lời:

Hai Bà Trưng đều giỏi võ nghệ và có chí khí lớn quyết giành lại non sông.

Câu 3 (trang 5 sgk Tiếng Việt 3): Vì sao Hai Bà Trưng khởi nghĩa?

Trả lời:

Vì Hai Bà Trưng yêu nước, thương dân, căm thù quân giặc tàn bạo đã giết chết ông Thi Sách và gây bao tội ác với nhân dân.

Câu 4 (trang 5 sgk Tiếng Việt 3): Hãy tìm các chi tiết nói lên khí thế của đoàn quân khởi nghĩa.

Trả lời:

Khí thế của đoàn khởi nghĩa thể hiện qua các chi tiết: Hai Bà Trưng mặc giáp phục thật đẹp bước lên bành voi. Đoàn quân rùng rùng lên đường. Giáo, lao, cung, nỏ, rìu búa, khiên mộc cuồn cuộn tràn theo bóng voi ẩn hiện của Hai Bà. Tiếng trống đồng dội lên vòm cây, đập vào sườn đồi, theo suốt đường hành quân.

Câu 5 (trang 5 sgk Tiếng Việt 3): Vì sao bao lâu nay nhân dân ta tôn kính Hai Bà Trưng?

Trả lời:

Bao đời nay, nhân dân ta tôn kính và lập đền thờ Hai Bà Trưng vì hai bà là hai vị nữ anh hùng đầu tiên trong lịch sử dân tộc đã lãnh đạo nhân dân chiến thắng quân ngoại xâm, giành lại độc lập tự do cho Tổ Quốc.

Nguồn: Tổng hợp
 
Nội dung bài Tập đọc Mồ Côi xử kiện
Mồ Côi xử kiện


1. Ngày xưa, ở một vùng quê nọ, có chàng Mồ Côi được dân tin cậy giao cho việc xử kiện.

Một hôm, có người chủ quán đưa một bác nông dân đến công đường. Chủ quán thưa:

- Bác này vào quán của tôi hít hết mùi thơm của lợn quay, gà luộc, vịt rán mà không trả tiền. Nhờ ngài xét cho.

2. Mồ Côi hỏi bác nông dân. Bác trả lời:

- Tôi chỉ vào quán ngồi nhờ để ăn miếng cơm nắm. Tôi không mua gì cả.

Mồ Côi bảo:

- Nhưng bác có hít hương thơm thức ăn trong quán không?

Bác nông dân đáp:

- Thưa có.

Mồ Côi nói:

- Thế thì bác phải bồi thường. Chủ quán muốn bồi thường bao nhiêu?

- Thưa Ngài, hai mươi đồng.

- Bác hãy đưa hai mươi đồng ra đây, tôi phân xử cho!

Nghe nói, bác nông dân giãy nảy:

- Tôi có đụng chạm gì đến thức ăn trong quán đâu mà phải trả tiền?

- Bác cứ đưa tiền đây.

3. Bác nông dân ấm ức:

- Nhưng tôi chỉ có hai đồng.

- Cũng được - Mồ Côi vừa nói vừa thản nhiên lấy hai đồng bạc bỏ vào một cái bát, rồi úp một cái bát khác lên, đưa cho bác nông dân, nói:

- Bác hãy xóc lên cho đủ mười lần. Còn ông chủ quán, ông hãy chịu khó mà nghe.

Hai người tuy chưa hiểu gì nhưng cũng cứ làm theo. Khi đồng bạc trong bát úp đã kêu lạch cạch đến lần thứ mười, Mồ Côi phán:

- Bác này đã bồi thường cho chủ quán đủ số tiền. Một bên "hít mùi thịt", một bên "nghe tiếng bạc". Thế là công bằng.

Nói xong Mồ Côi trả hai đồng bạc cho bác nông dân rồi tuyên bố kết thúc phiên xử.

TRUYỆN CỔ TÍCH NÙNG

- Công đường: nơi làm việc của các quan.

- Bồi thường: đền bù bằng tiền của cho người bị hại.

Hướng dẫn giải bài Tập đọc Mồ Côi xử kiện
Câu 1

Chủ quán kiện bác nông dân về việc gì?

Gợi ý: Em hãy đọc đoạn 1 của truyện, chú ý lời của chú quán.

Trả lời:

Chủ quán kiện bác nông dân về việc bác ta đã vào quán hít hết mùi thơm của các món ăn như: lợn quay, gà luộc, vịt rán mà không trả tiền.

Câu 2

Tìm câu nêu rõ lí lẽ của bác nông dân.

Gợi ý: Em hãy đọc đoạn 2 của truyện, chú ý lời giãi bày của bác nông dân.

Trả lời:

Câu sau đây nêu rõ lí lẽ của bác nông dân: "Tôi vào quán ngồi nhờ để ăn miếng cơm nắm. Tôi không mua gì cả."

Câu 3

Tại sao Mồ Côi bảo bác nông dân xóc 2 đồng bạc đủ 10 lần?

Gợi ý: Em hãy đọc đoạn 3 của truyện và làm phép tính: 2 đồng bạc nhân với 10 lần xóc.

Trả lời:

Mồ Côi bảo bác nông dân xóc 2 đồng bạc đủ 10 lần để cho chủ quán nghe đủ tiếng kêu của số tiền 20 đồng mà ông ta đòi bồi thường.

Câu 4

Em hãy thử đặt một tên khác cho truyện:

Gợi ý:

- Một vụ kiện lạ.

- Sự công bằng.

Nội dung: Với cách xử kiện thông minh, tài trí và công bằng, Mồ Côi đã bảo vệ bác nông dân thật thà thoát khỏi sự lừa bịp, dối trá của tên chủ quán.

Nguồn: Tổng hợp
 
1. Truyện Mồ Côi xử kiện là truyện cổ tích của dân tộc nào?

a. Dân tộc Chăm

b. Dân tộc Kinh

c. Dân tộc Nùng

2. Vì sao Mồ Côi lại được giao cho việc xử kiện?

a. Vì Mồ Côi tài giỏi.

b. Vì Mồ Côi được nhân dân tin cậy.

c. Vì vùng đó không có người làm quan.

3. Người chủ quán đã kiện bác nông dân vì chuyện gì?

a. Bác nông dân ăn thức ăn trong quán mà không trả tiền.

b. Bác nông dân vào quán mà không mua gì.

c. Bác nông dân hít mùi thơm của thức ăn trong quán mà không trả tiền.

4. Người chủ quán muốn bồi thường như thế nào?

a. Hai mươi đồng

b. Một con vịt

c. Trả tiền cho một bữa ăn

5. Bác nông dân dùng lí lẽ gì để đáp lại lời buộc tội của người chủ quán?

a. Người nông dân nói rằng mình không có tiền để trả.

b. Bác nói chỉ ngồi nhờ ăn miếng cơm nắm mà không mua gì cả.

c. Bác hoảng hốt không nói được gì trước lời buộc tội của chủ quán.

6. Mồ Côi đã làm gì với hai đồng tiền của bác nông dân?

a. Đưa thẳng cho người chủ quán.

b. Xem như đó là tiền công xử kiện của mình.

c. Cho tiền vào bát, úp lại và đưa cho bác nông dân xóc.

7. Mồ Côi bảo bác nông dân xóc đồng bạc đủ mười lần để làm gì?

a. Để chủ quán nghe tiếng xóc tiền.

b. Để Mồ Côi được nghe thấy tiếng xóc tiền.

c. Để nhân số tiền hai đồng thành hai mươi đồng.

d. Để cả hai bên được đền bù giống nhau, thay vào đó bác nông dân không bị mất tiền.

8. Con hãy nối tên và tính cách của mỗi nhân vật thích hợp trong truyện:

Mồ Côithật thà, ngay thẳng, hiền lành
Chủ quáncương trực, thông minh, biết lẽ phải.
Bác nông dângian ác, xảo quyệt và mưu mô.
9. Dòng nào giải thích đúng ý nghĩa của từ “ công đường”?

a. Là nơi ở của quan.

b. Là nơi làm việc của quan.

c. Là nơi gặp gỡ của dân chúng.

10. Nội dung, ý nghĩa của câu chuyện này là gì?

a. Ca ngợi sự thông minh, tài trí mà Mồ Côi đã bảo vệ được bác nông dân thật thà.

b. Phê phán tên chủ quán tham lam, gian xảo.

c. Ca ngợi bác nông dân hiền lành, thật thà.

Nguồn: Tổng hợp
 
Nội dung bài Tập đọc Âm thanh thành phố
Âm thanh thành phố


Hồi còn đi học, Hải rất say mê âm nhạc. Từ căn gác nhỏ của mình, Hải có thể nghe tất cả các âm thanh náo nhiệt, ồn ã của thủ đô. Tiếng ve kêu rền rï trong những đám lá cây bên đường. Tiếng kéo lách cách của những người bán thịt bò khô. Tiếng còi ô tô xin đường gay gắt. Tiếng còi tàu hoả thét lên và tiếng bánh sắt lăn trên đường ray ầm ầm.

Rồi tất cả như im lặng hẳn để nghe tiếng đàn vi-ô-lông trên một cái ban công, tiếng pi-a-nô ở một căn gác.

Hải đã ra Cầm Phả nhận công tác. Mỗi dịp về Hà Nội, Hải thích ngồi lặng hàng giờ để nghe bạn anh trình bày bản nhạc Ánh trăng của Bét-tô-ven bằng đàn pi-a-nô. Anh cảm thấy dễ chịu và đầu óc bớt căng thằng.

Theo TÔ NGỌC HIẾN

- Vi-ô-lông (vĩ cầm): loại đàn 4 dây, có cần kéo, khi chơi kẹp đàn giữa vai và cằm.

- Ban công: khoảng sàn hẹp, nhô ra trước tầng gác (lầu).

- Pi-a-nô (dương cầm): một loại đàn lớn, có phím.

- Bét-tô-ven (1770-1827): nhạc sĩ nổi tiếng người Đức.

Hướng dẫn giải bài Tập đọc Âm thanh thành phố
Câu 1

Hàng ngày, anh Hải nghe thấy những âm thanh nào?

Gợi ý: Em hãy đọc đoạn sau: Hồi còn đi học... ở một căn gác để tìm những âm thanh mà anh Hải nghe thấy trong thành phố.

Trả lời :

Hằng ngày, anh Hải nghe thấy tất cả những âm thanh náo nhiệt, ồn ã của thủ đô như: tiếng ve kêu, tiếng kéo của những người bán thịt bò khô, tiếng còi ô tô, tiếng còi tàu hỏa, tiếng bánh sắt lăn trên đường ray, tiếng đàn vi-ô-lông, đàn pi-a-nô.

Câu 2

Tìm những từ ngữ tả âm thanh ấy.

Gợi ý: Em hãy đọc đoạn sau: Hồi còn đi học... ở một căn gác và tìm những từ ngữ chỉ âm thanh.

Các từ ngữ tả các âm thanh ấy: náo nhiệt, ồn ã, rền rĩ, lách cách, gay gắt, thét lên, ầm ầm.

Câu 3

Các âm thanh trên nói lên điều gì về cuộc sống của thành phố?

Trả lời:

Các âm thanh trên nói lên cuộc sống của thành phố luôn sôi động, ồn ào và căng thẳng nhưng xen vào đó cũng có những lúc người ta chợt nghe thấy một tiếng đàn du dương, êm ái.

Nội dung: Cuộc sống náo nhiệt ở thành phố với nhiều âm thanh ồn ào, sôi động. Tuy nhiên vẫn có những âm thanh êm ả làm con người cảm thấy dễ chịu.

Nguồn: Tổng hợp
 
Phần trắc nghiệm
1. Nhân vật trong câu chuyện Âm thanh thành phố tên là gì?

A. Bét-tô-ven

B. Hải

C. Ánh

D. Hà

2. Hải say mê điều gì?

A. Âm nhạc

B. Học hành

C. Ngoại ngữ

D. Vẽ tranh

3. Từ đâu, Hải có thể nghe thấy mọi âm thanh náo nhiệt của thủ đô?

A. Từ bờ Hồ và phố đi bộ

B. Từ tòa nhà cao nhất của thủ đô.

C. Từ căn gác nhỏ của mình.

D. Từ nhà hát lớn.

4. Hải có thể ngồi lặng hàng giờ để làm gì?

A. Nghe bạn mình đánh đàn

B. Đọc sách và nghe nhạc radio

C. Nghe mọi âm thanh của thành phố

D. Ngắm những khu phố cổ kính

5. Hải thích nhất là nghe bản nhạc nào?

A. Bản Giao hưởng số 40 của Mô-da

B. Bản Ánh trăng của Bét-tô-ven

C. Bản nhạc không lời của Yiruma

D. Bản Giao hưởng định mệnh của Bét-tô-ven

6. Khi công tác xa về, lắng nghe bạn mình chơi đàn, Hải cảm thấy như thế nào?

A. Lo lắng, bất an, buồn bã.

B. Khó chịu, đầu óc thêm căng thẳng.

C. Nguôi ngoai nỗi nhớ Hà Nội.

D. Dễ chịu, đầu óc bớt căng thẳng.

7. Qua Cuộc sống náo nhiệt ở thành phố với nhiều âm thanh ồn ào, sôi động, tuy nhiên nhân vật Hải trong bài cảm thấy thế nào?

A. Anh cảm thấy dễ chịu và đầu óc bớt căng thằng.

B. Anh cảm thấy khó chịu

C. Anh cảm thấy mệt mỏi

D. Anh cảm thấy chán nản.

Nguồn: Tổng hợp
 
Nội dung bài Tập đọc Về quê ngoại
Về quê ngoại

Em về quê ngoại nghỉ hè,

Gặp đầm sen nở mà mê hương trời.

Gặp bà tưổi đã tám mươi,

Quên quên nhớ nhớ những lời ngày xưa.

Gặp trăng gặp gió bất ngờ,

Ở trong phố chẳng bao giờ có đâu.

Bạn bè ríu rít tìm nhau

Qua con đường đất rực màu rơm phơi.

Nóng tre mát rợp vai người

Vầng trăng như lá thuyền trôi êm đềm.
Về thăm quê ngoại lòng em,

Yêu thêm cuộc sống, yêu thêm con người:

Em ăn hạt gạo lâu rồi

Hôm nay mới gặp những người làm ra.

Những người chân đất thật thà

Em thương như thể thương bà ngoại em.

CHỬ VĂN LONG

- Hương trời: ý nói mùi thơm của sen tỏa ngát trong không gian.

- Chân đất: ý nói người nông dân.

Hướng dẫn giải Tập đọc Về quê ngoại
Câu 1

Bạn nhỏ ở đâu về thăm quê?

Gợi ý: Em hãy đọc 6 câu thơ đầu.

Trả lời : Bạn nhỏ ở thành phố về quê thăm quê ngoại.

Câu 2

Quê ngoại bạn ở đâu?

Gợi ý: Từ những sự vật mà bạn nhỏ nhắc tới trong bài thơ, em hãy nhận xét: đầm sen, trăng gió, đường đất, bóng tre,...

Trả lời: Quê ngoại bạn ở nông thôn.

Câu 3

Bạn thấy ở quê có những gì lạ?

Gợi ý: Em hãy đọc bài thơ và chỉ ra những sự vật ở quê mà bạn nhỏ thấy lạ (so với thành phố nơi bạn sống)

Trả lời:

- Bạn nhỏ thấy ở quê có nhiều điều lạ: đầm sen nở thơm ngát, có trăng gió, bạn bè thân thiết, con đường đất rực màu rơm phơi, bóng tre mát rợp, vầng trăng như thuyền trôi và những con người làm ra hạt gạo.

Câu 4

Bạn nghĩ gì về những người làm ra hạt gạo?

Gợi ý: Em hãy đọc đoạn thơ sau: Em ăn hạt gạo... đến hết và nhận xét.

Trả lời:

Bạn thấy những người làm ra hạt gạo rất thật thà. Bạn nhỏ thấy quý mến và thương yêu họ như chính người thân và bà ngoại của mình.

Nội dung: Bạn nhỏ về thăm quê ngoại, thấy yêu thêm cảnh đẹp ở quê và người nông dân đã làm ra thóc lúa.

Nguồn: Tổng hợp
 
Phần trắc nghiệm
1. Con hãy điền từ thích hợp vào chỗ trống để hoàn thành đoạn thơ sau:

quê ngoại, quê nội, cánh đồng, đầm sen

Em về…. nghỉ hè

Gặp …. nở mà mê hương trời.


2. Bạn nhỏ về quê ngoại vào dịp nào?

a. Nghỉ tết.

b. Nghỉ hè.

c. Thăm bà ốm.

3. Bà ngoại của bạn nhỏ có đặc điểm gì?

a. Bà ngoại đã 80 tuổi

b. Bà nửa quên nửa nhớ những chuyện ngày xưa

c. Cả a và b

4. Con hãy điền thêm từ ngữ vào chỗ trống cho đúng:

Mây, tre, trăng, nắng, gió

Gặp …gặp …bất ngờ,

Ở trong phố chẳng bao giờ có đâu


5. Trở về thăm quê ngoại, bạn nhỏ đã có thay đổi gì?

a. Yêu quê hương hơn.

b. Yêu thương bà hơn.

c. Yêu cuộc sống và con người nơi đây hơn.

6. Bạn nhỏ đã biết thêm điều gì khi ăn hạt gạo?

a. Biết tới người làm ra chúng.

b. Biết rằng hạt gạo rất ngon.

c. Biết rằng để làm nên hạt gạo rất vất vả.

7. Con hãy điền thêm từ ngữ vào chỗ trống cho đúng với nội dung câu thơ trong bài :

dũng cảm, thật thà, dịu dàng

Những người chân đất….

8. Bạn nhỏ thương người nông dân như thương ai?

a. Hàng xóm

b. Bà ngoại

c. Bố mẹ

9. Chân đất là từ ngữ dùng để chỉ ai trong bài?

a. Bà ngoại

b. Những người bạn

c. Người nông dân

10. Ý nghĩa của bài thơ là gì?

a. Quê ngoại của bạn nhỏ rất đẹp và có nhiều điều lạ mà thành phố không có.

b. Tình yêu thương của bạn nhỏ dành cho bà và người nông dân.

c. Bạn nhỏ về quê thăm ngoại, thấy yêu thêm cảnh đẹp ở quê và yêu những người nông dân đã làm ra lúa gạo.

Nguồn: Tổng hợp
 

Xếp hạng chủ đề

Tạo
Thần Đồng,
Trả lời lần cuối từ
Giáo Án Mới,
Trả lời
10
Lượt xem
1,167

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Back
Top