Hướng dẫn Phân tích vẻ đẹp của bài thơ “Tiếng đàn Ba – la – lai – ca trên sông Đà” của Quang Huy

Lê Hoàng Tuấn

Cộng tác viên
Điểm
0
Tiếng đàn Ba-la-lai-ca trên sông Đà

Trên sông Đà
Một đêm trăng chơi vơi
Tôi đã nghe tiếng đàn Ba-la-lai-ca
Một cô gái Nga mái tóc màu hạt dẻ
Ngón tay đan trên những sợi dây đồng.

Lúc ấy
Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông
Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ
Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ
Chỉ còn tiếng đàn ngân nga
Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà.

Ngày mai
Chiếc đập lớn nối liền hai khối núi
Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên
Sông Đà gửi ánh sáng đi muôn ngả
Từ công trình thuỷ điện lớn đầu tiên.​

(Quang Huy, tiếng Việt 5, tập một)
5605

Ảnh sưu tầm​

Bài thơ được viết theo thể tự do. Những câu chữ rơi rụng như tiếng nhạc, từng giọt, từng giọt âm thanh thấm vào lòng người đọc. Cảnh thiên nhiên hòa trong cảnh nhạc, thanh hòa trong sắc:

Trên sông Đà
Một đêm trăng chơi vơi
Tôi đã nghe tiếng đàn Ba-la-lai-ca
Một cô gái Nga mái tóc màu hạt dẻ
Ngón tay đan trên những sợi dây đồng.​

Không gian thơ, không gian nhạc ấy dạo chơi trong một đêm trăng trên sông Đà. “Một đêm trăng chơi vơi” – cách diễn đạt thật lạ! Sao không phải là trăng mênh mông, trăng sáng vằng vặc hay trăng lúc ẩn lúc hiện mà lại là trăng chơi vơi? Trăng đâu phải là một cái gì đó vô hình mà có thể chơi vơi, không với tới được? Có điều gì không hợp lí chăng? Nhưng không, cách diễn đạt lại hay, lại độc đáo ở chỗ tưởng chừng như không hợp lí ấy. Ở đây, nhà thơ không cố ý tả trăng mà là tả tình. Cái chơi vơi ấy không phải là chơi vơi của trăng mà là cái chơi vơi của tâm hồn, của cảm xúc. Nhà thơ nhìn cảnh không phải bằng mắt mà bằng tâm trạng, do vậy mới thấy trăng dường như đồng điệu cảm xúc với mình. Ấy là một tâm trạng với rất nhiều nỗi niềm xáo trộn, không phải phân biệt rạch rồi đâu là buồn, đâu là vui, đâu là quên, đâu là nhớ…Nó là nỗi bâng khuâng mơ hồ khó tả mà lại rất nhiều cảm xúc lắng sâu. Nó như là một khách mời quen thuộc của đêm, cô đơn độc thoại với đêm. Do đó, cảm xúc ấy thèm khát hơn bao giờ hết một sự tri âm, một sự chia sẻ không lời. Và tiếng đàn vang lên, từng giọt Ba – la – lai – ca như lấp đầy cơn khát ấy. Một thiếu nữ với một nhà thơ, một người đến từ nước Nga xã xôi, một người đất Việt, một nam, một nữ…nhưng những khác biệt ấy giờ cũng bị xóa nhòa khoảng cách. Tiếng đàn đã mang họ lại gần vơi nhau hơn, một sự hòa điệu cùng tâm hồn. Đọc khổ thơ không hiểu sao ta lại có cảm giác như chính mình đang được nghe tiếng đàn ấy, những âm thanh vang lên, rung lên thánh thót từ ba sợi dây đồng mảnh mai. Cái chơi vơi của trăng, cái chơi vơi của tâm trạng, cái chơi vơi của cảnh, của người còn để lại dấu ấn trên những con chữ: chỉ với ba mươi hai âm tiết mà có chứa tới hai mươi mốt âm tiết là thanh bằng, trong đó chủ yếu là thanh bằng và kết thúc mỗi câu thơ thường là những âm tiết mở. Chính điều đó làm cho câu thơ có tính nhạc, ta có cảm giác âm thanh ấy vẫn như vang vọng mãi. Vang vọng cả trong những khổ thơ tiếp theo:

Lúc ấy
Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông
Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ
Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ
Chỉ còn tiếng đàn ngân nga
Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà.

5604

Ảnh sưu tầm
Một sự yên tĩnh, một sự trầm lắng bao trùm toàn bộ cảnh vật. Con người và thiên nhiên như hòa vào nhau trong vẻ trầm lắng, bình yên ấy. Những tháp khoan, xe ủi, xe ben giờ đâu phải những vật vô tri vô giác mà cũng đầy cảm xúc như con người, cũng biết trầm ngâm suy nghĩ, sóng vai ngơi nghỉ bên nhau sau một ngày lao động mệt nhọc. Lối nói nhân hóa đã làm cho câu thơ trở nên sinh động, cảnh và người trở nên gần gũi như những người bạn…Trong không gian đêm bình yên ấy, có những tâm hồn vẫn còn đang thao thức, gửi nỗi niềm vào trong tiếng đàn, vào trong ánh trăng, vào dòng sông…Đêm khuya thanh vắng, tiếng đàn vang lên nghe càng da diết hơn, sâu lắng hơn. Cái âm thanh thánh thót, trong trẻo ấy hòa cùng ánh trăng lấp loáng cả dòng sông, xao động cả tâm hồn. Con người và thiên nhiên cùng một màu sắc tâm trạng…

Ngày mai
Chiếc đập lớn nối liền hai khối núi
Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên
Sông Đà gửi ánh sáng đi muôn ngả
Từ công trình thuỷ điện lớn đầu tiên.​

Cảnh và nhạc ấy bao giờ cũng gợi ra nhiều cảm xúc, đôi khi những cảm xúc ấy khoác chiếc áo ước mơ, chiếc áo hi vọng về tương lai. Từ một sự bình yên của hôm nay chúng ta có thể hi vọng về một tương lai tốt đẹp của mai sau lắm chứ! Chúng ta cũng có thể đặt niềm tin vào con người, vào sức người của một thời đại mới. Chính những con người ấy sẽ chinh phục thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên, biến những điều tưởng như không thể trở thành có thể:

Chiếc đập lớn nối liền hai khối núi
Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên​

Hình ảnh “Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên” là một hình ảnh đẹp. Cái đẹp ấy được thể hiện qua cách dùng từ thật đặc sắc: “bỡ ngỡ”. “Biển sẽ nằm bỡ ngỡ…” cho thấy biển cũng có thái độ, cảm xúc như chính con người. Ấy là sự kinh ngạc, sự sững sốt của biển trước một cao nguyên mới lạ, một sự ngạc nhiên đến thán phục trước sức mạnh và trí tuệ kì diệu của con người – nhỏ bé mà lại làm nên những điều to lớn, vĩ đại. Và khi ấy sẽ không dấu nỗi niềm tự hào của những người kĩ sư trên công trường thủy điện sông Đà hôm nay khi góp phần vào việc:

Sông Đà gửi ánh sáng đi muôn ngả
Từ công trình thuỷ điện lớn đầu tiên.​

Tự hào thay và cũng kì lạ thay, con người!
 
Câu 1

Những chi tiết nào trong bài thơ gợi lên hình ảnh một đêm trăng vừa tĩnh mịch vừa sinh động trên công trường sông Đà?
Phương pháp giải:

Em hãy đọc đoạn thơ sau và chỉ ra những chi tiết thích hợp: Lúc ấy... lấp loáng sông Đà.

Lời giải chi tiết:

Trong bài thơ, những chi tiết gợi lên hình ảnh một đêm trăng tĩnh mịch:

Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông

Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ

Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ.


Tuy tĩnh mịch, nhưng đêm trăng vẫn rất sinh động vì có tiếng đàn của cô gái Nga, có dòng sông lấp loáng dưới ánh trăng và những sự vật được tác giả miêu tả bằng biện pháp nhân hóa: Công trường say ngủ, tháp khoan đang bận ngẫm nghĩ, xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ.

Câu 2

Tìm một hình ảnh đẹp trong bài thơ thể hiện sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên trong đêm trăng bên sông Đà?

Phương pháp giải:


Em hãy đọc đoạn thơ sau và chỉ ra những hình ảnh đẹp: Lúc ấy... lấp loáng sông Đà.

Lời giải chi tiết:

Một hình ảnh đẹp trong bài thơ thể hiện sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên trong đêm trăng sông Đà là:

Chỉ còn tiếng đàn ngân nga

Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà.


Hình ảnh rất đẹp này cho thấy sự gắn bó, hòa quyện giữa tâm hồn con người với thiên nhiên, giữa ánh trăng với dòng sông. Tiếng đàn ngân nga lan tỏa vào dòng sông chẳng khác nào một dòng trăng lấp loáng trên sông.

Câu 3

Những câu thơ nào trong bài sử dụng phép nhân hóa?


Phương pháp giải:

Nhân hóa là sử dụng những từ ngữ vốn để gọi, hoặc để chỉ hoạt động, tính chất của con người để chỉ sự vật

Lời giải chi tiết:

Những câu thơ trong bài sử dụng biện pháp nhân hóa là:

Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông

Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ

Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ

...

Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên

Sông Đà chia ánh sáng đi muôn ngả.
 

Xếp hạng chủ đề

Tạo
Lê Hoàng Tuấn,
Trả lời lần cuối từ
Lê Hoàng Tuấn,
Trả lời
1
Lượt xem
6,211

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Back
Top