Ngày 20/11 qua đi, những câu chuyện về quà tặng thầy cô vẫn được giáo viên nhắc mãi. Có những món quà làm người nhận phải nghẹn lòng, làm người nghe cảm thấy xúc động bởi sự chân thành đến từ tấm chân tình của người tặng.
Những món quà nặng ân tình
Cô P.G. giáo viên chủ nhiệm lớp 4A một trường tiểu học chia sẻ câu chuyện quà tặng của mình trong ngày nhà giáo với sự xúc động.
Chiều ngày 20/11 khi vào lớp, mình thấy một giỏ hoa khá đẹp để trên bàn. Hỏi ra mới biết đó là quà của cô bé tên N. Bên trong giỏ hoa có chiếc phong bì được gấp ngay ngắn.
Cô G. cho biết, gia đình N. khá khó khăn, mẹ làm nghề buôn bán đồng nát. Cả ngày đi mua và bán đôi khi chỉ kiếm được ít trăm ngàn đồng, có hôm mua không được hàng xem như một ngày công cốc.
N. cho biết thêm: “Sáng nay, ngày 20/11 mẹ nghỉ buổi làm mang quà lên trường tặng cho cô, không gặp được cô nên mẹ gửi quà lại vì chiều mẹ phải đi làm”.
“Em không thể nhận món quà này chị ạ”, cô G. giọng đầy xúc động. Cô nói tiếp: “Cô bé chăm ngoan, học khá nhưng nhìn tội mà thương lắm vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.
Cô G. nói với N. rằng: “Cô cám ơn mẹ con. Cô sẽ nhận giỏ hoa còn phong bì cho cô gửi lại. N. nhất định không chịu nhưng do cô giáo thuyết phục mãi bé mới chịu cầm.
Cô T. giáo viên chủ nhiệm lớp 2A cũng cho biết. Vừa bước chân lên trường, một phụ huynh dẫn theo cô bé tên Th. gửi tặng cô chiếc phong bì.
Là giáo viên chủ nhiệm nên cô T. hiểu khá rõ hoàn cảnh của học trò mình. Ba mẹ Th. bán hàng rong nay đây mai đó, Th. được gửi ở nhà bà ngoại.
Đã có lần ngoại Th. chia sẻ, vì ba mẹ làm ăn khó khăn nên tiền hàng tháng gửi về cho ngoại chăm Th. cũng ít ỏi, thất thường.
Ngoại đã già, kinh tế chẳng dư giả gì. Những khoản tiền phải đóng ở trường luôn chậm trễ.
Nhìn cô bé gầy gò, đen nhẻm, nhỏ con nhất so với đám bạn cùng lớp một phần cũng bởi thiếu sự chăm sóc của ba mẹ về vật chất cũng như tinh thần.
Khi cô T. gửi lại chiếc phong bì, ngoại bé Th. nhất định không chịu. Bà nói rằng “cô dạy và chăm sóc cháu cả năm trời. Chút quà nhỏ này chẳng đáng là bao, cô không nhận tôi buồn lắm”.
Cô T. cầm lấy và nói: “Con nhận rồi, giờ con gửi tặng lại để Th. mua sữa”. Chỉ khi đó, ngoại Th. mới chịu cầm chiếc phong bì cất vào túi với ánh nhìn rưng rưng.
Còn cô giáo H. không nhận được hoa, được mĩ phẩm, áo quần hay phong bì như nhiều đồng nghiệp.
Quà 20/11 của cô là kí mực được phụ huynh xách lên trong dáng bộ tất tả, người còn ướt nhẹp nước và tanh nồng mùi hải sản.
Từ trường về đến nhà cô gần 10 cây số chứ ít gì. Cô H. biết gia đình của học trò mình cũng chẳng dư giả, nhà ở biển nhưng cả ba và mẹ đều đi làm thuê. Do đông con nên cái ăn cái mặc cũng thiếu trước hụt sau.
Cô H. tỏ ra ái ngại vì món quà khá mắc tiền. Vị phụ huynh nói “chồng em đi biển được chia phần chứ không phải mua nên cô đừng ngại”.
Nói thế nhưng cô biết, của chia của các bác chài cũng chẳng được bao nhiêu, tặng cô cả bị mực thế kia ba mẹ cậu bé học trò phải kìm phần ăn của các con lại”.
Biết khó lòng từ chối khi phụ huynh đã đến tận nhà, cô H. nói mình nhận nhưng trong lòng khá áy náy. Vị phụ huynh mừng rơn, chỉ kịp trao cho cô món quà là tất tả đi ngay để kịp buổi làm.
Chỉ cần tấm chân tình
Theo thông lệ cứ vào ngày 20/11 hàng năm, nhiều phụ huynh thường mua hoa, quà hoặc phong bì đến biếu, tặng thầy cô dạy con mình.
Bên cạnh một số phụ huynh tặng quà trong sự toan tính, đổi trao, khá nhiều phụ huynh tặng quà với cả một tấm chân tình thay lời cám ơn công lao dạy dỗ của thầy cô cho con cái mình.
Thế nên những món quà được tặng dù giá trị vật chất không cao nhưng giá trị tinh thần lại chẳng gì sánh được. Những món quà ấy, luôn đem lại cho giáo viên những cảm xúc thật đặc biệt.
Đây chính là động lực để thầy cô thêm yêu nghề, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, áp lực mà nghề giáo mang lại.
Phan Tuyết