Thông thường, cuộc họp phụ huynh diễn ra gồm những nội dung sau: giáo viên chủ nhiệm báo cáo tình hình trường, lớp; ban đại diện cha mẹ học sinh báo cáo hoạt động của hội cha mẹ trong học kỳ qua; phụ huynh học sinh phát biểu ý kiến, giáo viên chủ nhiệm giải đáp; cuối cùng là thông qua biên bản kết thúc cuộc họp.
Phần lớn các cuộc họp phụ huynh đều mang lại nhiều cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố... Phụ huynh có con chăm ngoan, học giỏi thì vui sướng, còn phụ huynh có con quậy phá, lười học, kết quả yếu thì buồn bực, tức giận... Thế nhưng mới đây tôi tham dự cuộc họp phụ huynh mà tất cả đều vui, dù kết quả rèn luyện hai mặt học tập và đạo đức không phải đều tốt mà vẫn còn những em học yếu, chưa ngoan. Đó là nhờ sự tế nhị mang đầy tính nghệ thuật sư phạm của thầy giáo chủ nhiệm con tôi.
Con tôi năm nay học lớp 11, mỗi năm có 2-3 cuộc họp phụ huynh, nghĩa là tôi đã tham dự trên 20 cuộc họp.
Tất cả đều theo một kịch bản như tôi đã nói ở trên và đều giống nhau ở chỗ: khi báo cáo kết quả học tập của lớp, bên cạnh việc tuyên dương những em ngoan, học giỏi khiến những phụ huynh đó nở mày nở mặt thì luôn đi kèm với phần kể tội những em quậy phá, lười học khiến phụ huynh những em này xấu hổ muốn chết, chỉ mong sàn nhà có lỗ nứt để chui xuống nhưng phải trân mình chịu trận, đến khi về nhà thì trút tức giận lên con. Nhiều trẻ đã phải chịu những trận đòn kinh hoàng của cha mẹ sau cuộc họp phụ huynh, có trẻ uất ức quá mà bỏ học, có phụ huynh nóng giận quá không cho con đến trường nữa...
Tôi cũng từng đi họp phụ huynh với tâm trạng xấu hổ và từng trút giận lên con với những đòn roi mà lúc bình tâm nghĩ lại thấy mình sai và xót con vô cùng.
Nhưng năm nay, thầy giáo chủ nhiệm con tôi đã xử sự tế nhị với những phụ huynh có con quậy phá, chưa ngoan, kết quả học tập và đạo đức chưa tốt. Sau khi báo cáo chung về tình hình của trường, lớp, biểu dương những em học sinh chăm ngoan, đạt thành tích học tập xuất sắc mà không có phần kể tội những em học yếu, chưa ngoan.
Phụ huynh những em này được thầy đề nghị cuối buổi họp ở lại để trao đổi riêng, khi đó thầy mới nêu những điểm yếu, điểm chưa tốt của học sinh và đề nghị phụ huynh quan tâm, phối hợp với giáo viên, nhà trường để cùng giáo dục con em tốt hơn. Sự tế nhị này khiến phụ huynh dù buồn với kết quả học tập của con em nhưng lại vui vì được thầy giáo tôn trọng, không làm mất mặt trước tập thể. Với sự ứng xử khéo léo đó phụ huynh tin tưởng, quý trọng thầy cô giáo hơn và chắc chắn sẽ có sự hợp tác tốt để cùng giáo dục con em.
Mong sao sẽ có nhiều thầy cô giáo tế nhị trong cuộc họp phụ huynh, một hành động nhỏ nhưng mang lại hiệu quả giáo dục!
Hoài Thuận - Biên soạn