Thể loại du kí (Chương trình Ngữ văn 6 - CT 2018)

Trần Ngọc

S.Moderator
Du kí là thể loại mới của chương trình Ngữ văn 6 (CT2018). Trước khi du kí xuất hiện, trong văn học Việt Nam thời kì trung đại đã tồn tại một số tác phẩm có phương thức sáng tác là ghi chép về những điều mắt thấy, tai nghe, bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc trong những chuyến công cán hay đi du lịch.

Mời thầy cô đọc bài viết được trích trong Luận án Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lễ để hiểu rõ hơn về du kí. Đây như là một món quà dành tặng các thầy cô giáo đang tiếp cận để thể loại du kí.

Thể loại du kí (Chương trình Ngữ văn 6 - 2018) -  giaoanchuan.png


THỂ LOẠI DU KÍ

I. TRI THỨC LÍ LUẬN VỀ DU KÍ

Tính phổ biến của nghiên cứu văn học đã làm cho thể loại du kí nói chung, du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX nói riêng chưa trở thành dấu ấn để thu hút được nhiều nhà nghiên cứu. Bước sang thời đại thông tin, nghiên cứu văn học chịu sự tác động bởi nhiều yếu tố không chỉ trong lãnh địa của mình mà còn vươn ra các lĩnh vực khác như văn hóa, kinh tế, chính trị, du lịch… nên du kí đã có cơ hội trở thành đối tượng của nghiên cứu văn học.

Trong thập niên đầu của thế kỉ XXI, du kí đã trở thành hiện tượng văn học thu hút nhiều nhà nghiên cứu, học giả ở Việt Nam quan tâm. Du kí đã từng có mặt trong tiến trình của lịch sử văn học Việt Nam ở các dạng thức khác nhau. Trong văn học trung đại Việt Nam, du kí được viết bằng chữ Hán dưới hình thức của các thể loại thơ, phú, kí. Trước khi có nền văn học Quốc ngữ, trong văn học Việt Nam đã từng xuất hiện văn bản có dạng du kí viết bằng chữ Quốc ngữ. Cho đến nay, du kí đã từng bùng phát hai lần trong lịch sử văn học dân tộc: lần thứ nhất vào nửa đầu thế kỉ XX, lần thứ hai vào đầu thế kỉ XXI. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, du kí chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ và nghiêm túc nên chưa có công trình lí luận và lịch sử dành riêng cho nó. Vì thế, quan điểm thể loại về du kí ở Việt Nam chưa thống nhất. Trong các công trình lí luận văn học của các học giả Việt Nam, du kí là tiểu loại nằm trong thể loại kí cùng với các tiểu loại: kí sự, phóng sự, nhật kí, hồi kí, bút kí, tùy bút, kí hành, truyện kí, tản văn...

Trong khi đó, ranh giới giữa các tiểu loại của kí cũng không tuyệt đối, luôn có tình trạng chuyển hóa, thâm nhập lẫn nhau. Tưởng rằng trong những cuốn sách lí luận và sách giáo khoa, sự phân chia thể loại đã rạch ròi, nhưng thực tế văn học luôn diễn ra những yếu tố ngoại biên, yếu tố mờ hay nhòe giữa các thể loại với nhau, nhất là đối với tác phẩm của những nhà văn có năng khiếu đặc biệt và có sự linh hoạt cao độ khi cầm bút. Vì thế, vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu du kí là phải phân định những đường ranh thể loại của nó với các thể loại khác trong văn học Việt Nam, không phải bằng sự suy lí mà bằng cách khảo cứu đặc điểm của du kí qua thực tiễn sáng tác.

Trải qua quá trình phát triển và hình thành thể loại, du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX xuất hiện trở lại với nhiều tác giả, tác phẩm đăng trên các báo và tạp chí đương thời. Thể loại này đã thu hút nhiều nhà báo, nhà văn, học sinh, du khách đến với du kí bởi sự mới mẻ và hấp dẫn của nó. Xét trong bối cảnh của quá trình hiện đại hóa văn học nửa đầu thế kỉ XX, du kí là bộ phận văn học đã từng có vị thế trên văn đàn, nhưng bộ phận văn học này, nói như Nguyễn Hữu Sơn, "còn chưa được chú ý đúng mức" và tính cấp thiết của nó như ý kiến của Phong Lê: "…du ký trong hai thập niên trước mốc lịch sử 1930, thì đến bây giờ mới được làm, trong khi đáng lẽ có thể làm sớm hơn …". Đã đến lúc du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX cần phải được nghiên cứu một cách đầy đủ và nghiêm túc để làm minh bạch một số vấn đề về loại hình, thể loại, đặc trưng và vị trí của nó đối với quá trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc.

* Các tác gia tiêu biểu và những tác phẩm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

- Du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX có rất nhiều tác phẩm của nhiều tác giả. Mặc dù bộ Du kí Việt Nam do Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm giới thiệu với 62 tác phẩm đăng trên Nam Phong tạp chí thì chỉ là một phần của du kí Việt Nam trong giai đoạn này.

- Du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX có sự phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và đặc biệt xuất hiện nhiều tác giả với những phong cách khác nhau. Trong một phạm vi tương đối, dựa trên xu hướng sáng tác, chúng tôi nhận thấy du kí giai đoạn này có ba loại hình: du kí có yếu tố Hán, du kí mang phong cách hiện đại, du kí chứa yếu tố hư cấu, tưởng tượng.

II. KHÁI NIỆM VÀ THỂ LOẠI DU KÍ

* Ở nước ngoài

Những năm 90 của thế kỉ XX, sự trổi dậy của nghiên cứu và phê bình du kí như là cuộc điều tra học thuật với nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế, các sách chuyên khảo, các tạp chí và thu hút nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học quan tâm. Sự ra đời của Hiệp hội Du kí Quốc tế (ISTW – International Society for Travel Writing) với định kì mỗi năm tổ chức hai hội nghị đã minh chứng cho sức mạnh và sự đa dạng ở một lĩnh vực nghiên cứu văn học rộng lớn và còn được mở rộng trong khả năng thâm nhập vào các ngành khác. Những vấn đề như: du kí thuộc loại hình văn học hay phi văn học, là thể loại hay thể tài, là tiểu loại hay thể loại, hư cấu hay phi hư cấu, tính trung gian và đường biên thể loại... là nội dung của tranh luận mang tính học thuật. Xu hướng nghiên cứu liên ngành đã đặt du kí vào một số trường hợp đặc biệt, không những giải quyết những bí ẩn của nó bằng lí luận mà còn mở ra hưởng phát triển của nó trong tương lai. Hiện nay, nhiều học giả trên thế giới xem du kí là một thể loại thuộc loại hình văn học du lịch và các khái niệm về du kí cũng xoay quanh đặc điểm của loại hình văn học này.

Mở đầu cho bài viết Mấy vấn đề lí thuyết về thể loại du kí (旅 游 文 学 论 纲), Xu Zong Yuan (许 宗 元) đã khẳng định một cách mạnh mẽ rằng: "Định nghĩa về văn

học du lịch giữa những năm 80 của thế kỉ XX đã có những nhận thức khác nhau. Sau 20 năm tư duy hợp lí, hôm nay nó đã được định nghĩa như là một khoa học của thời gian" [114]. Dựa trên kết luận Hội thảo Quốc tế về Văn học du lịch 1/11/2005, tổ chức tại Hoa Kì, Xu Zong Yuan đã đưa ra định nghĩa: "Du kí là những câu chuyện du lịch mô tả,

tường thuật cảnh quan thiên nhiên và văn hóa của nơi mà tác giả đến, qua đó để đánh giá, cảm quan về xã hội, phong tục, di tích,... là những tài liệu biểu hiện tư tưởng, cảm xúc, cùng với những hiểu biết sâu sắc của tác giả" [114]. Yếu tố văn học trong văn bản du lịch (tạm gọi là du kí), theo Xu Zong Yuan là đặc trưng thẩm mĩ, và theo ông hoạt động du lịch cũng là hoạt động thẩm mĩ. Những vẻ đẹp của cảnh quan và thiên nhiên biểu hiện bằng hình ảnh thông qua những cảm xúc trở thành nội dung thẩm mĩ của tác phẩm du kí [114]. Định nghĩa của Xu Zong Yuan thiên về nội dung thẩm mĩ của du kí nên chưa bao quát được các vấn đề thể loại mà chỉ dùng để làm căn cứ để phân kì lịch sử và phân loại du kí Trung Quốc.

Tưởng chừng như du kí đã được định nghĩa một cách đầy đủ thì bốn năm sau, vào năm 2009, V.A. Shachkova đã viết trong luận án tiến sĩ Thể loại du kí trong sáng tác của Mark Twain những năm 60 – 70 thế kỉ XIX, đã cho rằng: "trong phê bình văn học hiện đại, vẫn chưa có sự đồng thuận về ranh giới và dấu hiệu của du kí như là một thể loại văn học". Ông đã đưa ra định nghĩa về một tác phẩm văn học có nội dung về một cuộc hành trình (tạm gọi là du kí) … "là sự kết hợp của các yếu tố kể chuyện, thống kê, khoa học tự nhiên và xã hội biểu hiện bằng hình thức văn chương, như là một câu chuyện về cuộc phiêu lưu, cảm xúc và suy nghĩ mang tính cá nhân về điều có khả năng gây sự tò mò cho người khác – một cuộc hành trình được kết hợp bởi các hình thức linh hoạt có nội dung phong phú và hấp dẫn. Với quan niệm lấy cuộc hành trình làm hạt nhân của tác phẩm du kí, khái niệm mà Shachkova đưa ra bao gồm cả những tác phẩm du kí hư cấu, tức là cuộc hành trình tưởng tượng.

Trong cuốn Du kí đương đại châu Mỹ Latinh, bà Claire Linsay đã dẫn ra các quan điểm về du kí của Patrick Holland, Graham Huggan, Jan Borm và đưa ra khái niệm ở phương diện nhấn mạnh về đặc trưng của du kí: "Bất kì câu chuyện nào chi phối bởi các đặc trưng: tính phi hư cấu, có nội dung liên quan đến một chuyến đi, một cuộc hành trình diễn ra trong thực tế, trong đó tác giả, người kể chuyện và nhân vật chính là một hoặc giống hệt nhau". Quan niệm của Claire Linsay đã bao quát được nhiều vấn đề của thể loại du kí, tách du kí ra khỏi tiểu thuyết phiêu lưu và viễn tưởng.

Cũng đề cập đến đặc điểm của du kí, trong bài Nghiên cứu du kí Hungari - thách thức, cơ hội và phát hiện, Balazs Venkovits, đã cho rằng: ngoài việc cung cấp cho độc giả những câu chuyện về vùng đất mới, những phong tục và những con người kì lạ thì du kí còn cung cấp cho độc giả những cơ hội để thoát khỏi những thực tế hàng ngày,

độc giả không cần phải đi mà cũng được làm quen với các vùng đất xa xôi qua những kinh nghiệm và sự chia sẻ được tác giả nói đến trong các bài du kí. Thông tin trong các bài du kí ở hai cấp độ: … "một mặt cung cấp cái nhìn sâu vào xã hội trong quá khứ mà không có sẵn từ một nguồn nào trong cuộc sống về phong tục dân gian, sự kiện lịch sử, xu hướng văn hóa,... mặt khác, trong những bài du kí không chỉ bao gồm những gì du khách nhìn thấy mà còn ở nền văn hóa riêng của họ, tức là những kiến thức và định kiến về những nơi mà họ đến thăm". Nhấn mạnh đến yếu tố nhận thức của du kí như là sự mong đợi của xã hội về cuộc hành trình, Balazs Venkovits nhìn nhận du kí như là … "một hiện tượng văn hóa trong văn học về các cuộc hành trình: văn hóa cá nhân". Quan niệm này của ông đã đề cao vai trò của chủ thể trong tác phẩm du kí.

Vấn đề định nghĩa du kí còn phục thuộc vào quan niệm về thể loại của du kí. Ở nước ngoài, vấn đề khái niệm và thể loại của du kí được tiếp cận ở hai quan niệm: hư cấu và không hư cấu.

Về quan niệm coi du kí không thuộc thể loại hư cấu, V. Guminski đã đưa ra định nghĩa: "Du kí là một thể loại dựa trên những thông tin đáng tin cậy của nhân chứng về bất cứ nơi đâu nhưng phải là đầu tiên, không quen thuộc hoặc ít biết đến đối với người đọc. Du kí tồn tại ở các hình thức: tiểu luận, ghi chú, nhật ký, tạp chí, nghị luận, hồi ký. Ngoài chức năng nhận thức về cuộc hành trình, du kí còn có các chức năng: thẩm mĩ, chính trị, báo chí, triết học, và các nhiệm vụ khác. Là một thể loại đặc biệt của văn học du lịch, những câu chuyện về hư cấu, hành trình tưởng tượng (...) với các yếu tố tư tưởng và nghệ thuật chiếm ưu thế, ở các mức độ khác nhau, nguyên tắc mô tả một cuộc hành trình chi phối việc xây dựng văn bản".

Trái với quan niệm của V. Guminski, trong luận án Sự phát triển của thể loại du lịch trong các tác phẩm của các nhà văn Nga thế kỷ XVIII-XIX (1999), V. A. Mikhailov đã đưa ra quan niệm: "Du kí - một thể loại tiểu thuyết, dựa trên mô tả của quan sát thực sự hay tưởng tượng trong cuộc hành trình xác thực (real) hoặc hư cấu cuộc phiêu lưu của người anh hùng (thường là nhân vật chính - người kể chuyện), với tư cách nhân chứng. Thông qua mô tả về cuộc hành trình đến nơi ít được biết đến hoặc không biết mà bộc lộ suy nghĩ riêng, cảm xúc và ấn tượng đã phát sinh trong quá trình du lịch, cũng như câu chuyện về những sự kiện xảy ra tại thời điểm du lịch".

Còn E. Stetcenko trên cơ sở tiếp cận các tính năng tổng hợp của thể loại du kí, cho rằng thể loại này là một “thể loại biện chứng” mà theo ông … “vì nó tạo ra một sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố khách quan và chủ quan, thực tế và tưởng tượng, tĩnh và động trong bức tranh mô tả cuộc hành trình. Đó là sự hình thành của một bức tranh mạch lạc về sự tồn tại của các bộ phận khác nhau, cá nhân liên quan đến vũ trụ, các cá nhân và các quốc gia đang trong quá trình tự khám phá".

Trong bài Du kí như là một thể loại hư cấu: những vấn đề lí thuyết, Shachkova từ việc khái quát vấn đề của truyền thống văn học Xô-viết phản ánh trong các tác phẩm của các học giả đi du lịch như W. Michelson, Kantorovich, D. Moldova, Boris Kostelanetz", không xem xét các chuyến đi như một thể loại riêng biệt, độc lập, đề cập đến nó chỉ như là một loại bài luận đã đưa ra kết luận về du kí: "… một cuộc hành trình khám phá thiên nhiên đang trên bờ vực của nghệ thuật và khoa học, đó là kết hợp hữu cơ những gì dường như là hai cực đối diện: tài liệu, số liệu, thống kê, thế giới của hình ảnh, bao gồm tất cả các yếu tố của nó: chân dung, phong cảnh, nội thất và quan trọng nhất, người kể chuyện mình là một yếu tố bắt buộc tạo nên cấu trúc của bất kì văn bản trong thể loại du kí. Tính hư cấu mà Shachkova đề cập ở đây là hư cấu khách quan theo đặc trưng của thể loại, tức là dựa vào hai yếu tố bắt buộc: cuộc hành trình và chủ thể là tác giả.

Đề cập du kí một cách "chuyên nghiệp" phải kể đến cuốn sách chuyên khảo Du kí (Travel Writing) của Carl Thompson. Trong cuốn sách này, Thompson đã bàn về vấn đề thể loại của du kí, phác họa lại các cuộc tranh luận về định nghĩa, cung cấp một cái nhìn tổng quan lịch sử rộng lớn của du kí từ thời trung cổ cho đến ngày nay, lí giải những vấn đề tự truyện và hư cấu của du kí, đưa ra các vấn đề giới tính của tác giả du kí, rút ra các đặc điểm của du kí thời kì thuộc địa và hậu thuộc địa. Trong chương đầu: Xác định thể loại (Defining the genre), Thompson đã cho rằng: "vấn đề du kí có một sự phát triển đặc biệt lây lan từ những nghiên cứu hậu thuộc địa (postcolonialism) với những cuộc tranh luận về du kí không chỉ trong văn học mà cả văn hóa, chính trị, lịch sử, nữ quyền, (…) và thể loại này đã gây ra cuộc tranh luận trong nghiên cứu văn học về mối quan hệ giữa các hình thức thẩm mĩ và chức năng của văn bản, phân biệt văn bản văn học và văn bản phi văn học". Khi phân tích các cuộc tranh luận đăng trên tạp chí Granta của nước Anh, ông đã nêu một số quan niệm của các nhà phê bình du kí, trong khi Zweder Von Martels quan niệm: du kí (travel writing) có thể chấp nhận các tài liệu khác nhau, từ sách hướng dẫn các tuyến đường, bản đồ cho đến câu chuyện cuộc hành trình hay chỉ là kinh nghiệm khi ở nước ngoài… Bằng cách này, Von Marktels cho rằng sách hướng dẫn và sách du lịch không phải là thể loại minh bạch mà chỉ là hai nhánh của cùng thể loại. Còn nhà phê bình Fussell phân biệt sách hướng dẫn du lịch và du kí, ở phương diện chức năng sách hướng dẫn du lịch định hướng hành động còn sách du kí định hướng thẩm mĩ. Fussell trong khi bàn đến vấn đề hư cấu của tác phẩm du kí đã cho rằng: loại du kí không hư cấu, người kể chuyện đóng vai trò là phóng viên, nhưng việc mô tả phong cảnh của họ cũng để trang điểm cho những cảm xúc của mình. Vai trò người kể chuyện sáng tạo, tức là nhà văn du kí tìm thấy chính mình từ khi chuyến du lịch chưa bắt đầu còn người viết du kí nghiệp dư thì phải sau chuyến du lịch. Còn Holland và Huggan cho rằng, phim du lịch có thể phục vụ như là một phương tiện hữu ích để "thỏa mãn phần nào giới hạn những tham vọng của độc giả và nhắc nhở những nhà văn du kí về trách nhiệm của mình". Du kí là một thể loại khá lớn, đa dạng và phức tạp, một thể loại mà trong đó bao gồm nhiều tiểu loại khác nhau, kể cả các tiểu loại hư cấu và phi hư cấu khi viết về cuộc hành trình với những hình thức, phương thức khác nhau.

Trong cuốn giáo trình The Cambridge Introduction to Travel Writing, Tim Youngs cho rằng du kí là: "một hình thức văn chương nằm ở đâu đó giữa quan sát khoa học và tiểu thuyết". Mở đầu chương 1, ông dẫn ra câu nói của Jonathan Raban, nhà văn du kí Anh: "một thể loại mà tôi không tin" (a genre in which I don’t believe). Raban từng tuyên bố rằng ông không tin vào sự khác biệt giữa thực tế và hư cấu trong tác phẩm du kí. Trong các cuộc thảo luận về đặc trưng của tác phẩm du kí, Raban phát biểu: "Như là một hình thức văn học, du kí là ngôi nhà mở nổi tiếng là nơi hào phóng để các thể loại khác nhau cùng chung sống. Nó chứa cả nhật kí, tiểu luận, truyện ngắn, bài thơ văn xuôi, những ghi chép, nói chuyện lịch sử…". Sau khi phân tích các quan điểm khác nhau của các nhà nghiên cứu, phê bình về định nghĩa và thể loại của du kí, Tim Youngs cho rằng: tác phẩm du kí hoặc thể loại du kí không có giới hạn nghiêm ngặt có thể chấp nhận nhiều loại văn bản khác nhau … nhưng nó là một "thể loại pha trộn" để tạo thành bản sắc riêng.

Mặc dù có những quan niệm khác nhau về du kí, thậm chí có khi trái ngược nhau nhưng những định nghĩa của những nhà nghiên cứu nước ngoài nói trên không coi du kí là sự ghi chép của người du lịch mà quan niệm du kí là một thể loại văn học có sự dung nạp các phương thức biểu hiện của các thể loại khác.

(Trích Luận án Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lễ, 2015)
 

Hà Trang 2021

Thành Viên
Vấn đề định nghĩa du kí còn phục thuộc vào quan niệm về thể loại của du kí. Ở nước ngoài, vấn đề khái niệm và thể loại của du kí được tiếp cận ở hai quan niệm: hư cấu và không hư cấu. (Thể loại du kí)
 

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Shoutbox
Hãy đăng nhập để bắt đầu trò chuyện
  1. No shouts have been posted yet.
Nơi bạn có thể chia sẻ, hỏi đáp nhanh với tất cả mọi người

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top