Có lẽ tất cả những gì những người làm nghề nhà giáo chúng tôi đã và đang làm là đều vì thế hệ sau.
- Thời đi học mẫu giáo ngày xưa, tôi học thầy Thanh Bình ở phố Hai Bà Trưng (Nam Định). Khi tôi viết cẩu thả, thầy bảo để bàn tay phải lên mặt bàn và thầy gõ cho 3 nhát thước vuông. Khi tôi nói chuyện riêng, thầy nhốt tôi vào căn bếp nhà thầy và bố tôi phải đến xin phép thầy đón tôi về (khi đó thấy con chưa về là bố đến chứ chưa có điện thoại để thầy gọi). Bố tôi còn nói với thầy: "Phải nghiêm như thế cháu nó mới học được!". Cả nhà tôi, tôi và tất cả những ai đã học thầy đều kính trọng, nhà thầy không đủ chỗ để nhận học sinh mà phụ huynh đến xin.
- Tôi lại đọc được một bài viết của tác giả Phú Thị: "Cho đến nay, rất nhiều người ở tuổi trên 40 tại một thành phố trên Tây Nguyên, hẳn chưa quên một đám tang với hàng ngàn bạn trẻ cùng tham gia đưa tiễn vào năm 1995. Hình ảnh ấn tượng nhất của đám tang là hàng người đủ lứa tuổi dài cả cây số đứng dọc hai bên đường im lặng đưa tiễn người thầy thân yêu về cõi vĩnh hằng. Một người thầy "dữ có tiếng" của phố núi, học trò học thầy rất dễ bị ăn roi từ những lỗi nhỏ nhất, giỏi cũng bị đòn để nhớ mà không lặp lại những lỗi vô duyên, kém thì bị đòn để chăm học hơn. Học thầy, học sinh đứa nào cũng sợ. Vậy mà khi thầy qua đời, bao nhiêu thế hệ học trò của thầy từ những lứa đầu tiên năm 1966, 1967 đến thế hệ cuối cùng thầy đang dạy dở dang cùng chen nhau đến viếng thầy, cùng sát bên nhau dọc đường để đưa tiễn thầy lần cuối với lòng biết ơn và tiếc thương. Phải chăng học sinh của thầy không biết đau khi bị thầy đánh? Hay là mặc dù đau nhưng tại sao vẫn yêu mến và tôn kính thầy?"
- Bạn Nguyễn Trường Sơn, nguyên là học sinh trường THPT Chuyên Trần Phú tâm sự: "Ngày xưa học các thầy Nguyễn Khánh Nguyên, Khúc Giang Sơn bị mắng phạt suốt mà có trò nào không yêu quý các thầy đâu."