Dành cho người quan tâm âm nhạc và lịch sử Xô Viết…và cho tới nay, ở thế kỷ 21! Nhiều người bộp chộp hay thậm chí chỉ theo trend xướng ngay tên “The Beatle”. Ban nhạc Anh ấy quả là vĩ đại, và nếu để họ đứng thứ nhất thì cũng xứng đáng mà thôi. Nhiều người có thể nêu thêm ABBA, Rolling Stones, Chicago hay ban nào chăng nữa (chứ không phải các ca sĩ đơn độc nhé!), nhưng thực ra nếu xét kỹ về thời lượng biểu diễn, tài năng đa dạng của các thành viên kể cả hát, chơi nhạc cụ và sáng tác, cũng như sự mến mộ dài lâu thì có một ban nhạc còn vượt cả “tứ quái” nữa đấy. Nhược điểm lớn nhất của họ là ít hát tiếng Anh, nhưng ta thử nghe họ hát “The Beatles” bằng giọng còn hay hơn “Bee Gee” nữa xem thế nào nhé.
Đấy là “Let It Be”, còn “Because” họ hát hay hơn cả “The Beatles”:
Họ bắt đầu cũng gần như đồng thời với “tứ quái”. Chàng trai Vladimir Mulyavin quê ở tận dãy núi Ural nhưng đi lính đến nước cộng hoà Bạch Nga năm 1965, ở đây anh cùng 3 ông bạn trong quân ngũ thành lập ban nhạc (kiểu “ca khúc chính trị” thời đó, ở miền bắc ta sau này cũng bắt chước y chang). Từ 4 sau thành 7, sau thành còn đông hơn nữa nhưng toàn đàn ông, họ quyết định tất cả để ria mép dài, để làm dấu ấn riêng của ban nhạc sau có tên “Pesnyary” (những chàng trai ca hát). Style của họ là hát giọng nam cực cao, hầu như không có phụ nữ, và tự chơi đàn!
Mulyavin (đến từ Ural), hói, lùn, béo, nhưng hát cực hay và anh là linh hồn của cả tập thể, anh lấy cô vợ là diễn viên điện ảnh đẹp nhất CCCP (đóng vai cô chị Katya trong phim “Con đường đau khổ”) và được coi là kỳ tài của sân khấu nhạc nhẹ, ví dụ với bài hát của riêng ban nhạc này, “Nửa tiếng trước mùa xuân”:
Tuy không phải tất cả có quê là Bạch Nga nhưng ban nhạc trở thành tiêu biểu cho nước cộng hoà “khoai tây” này, và nếu không hiểu lời ta có thể nghĩ họ hát dân ca Bạch Nga. Có, họ có hát tiếng Bạch Nga, tiếng Nga và có dân ca, nhưng đa phần là những bài hát mới và trữ tình. Hoà giọng như họ để hát “Tình ca du mục” không có ban nào để so sánh: