Theo bà Minh, việc sửa luật khi có những quy định về vấn đề hợp đồng cũng có nhiều cái phải xem xét thêm, đặc biệt là với giáo viên.
“Đối với giáo viên hợp đồng có thời hạn, làm sao để giáo viên thật sự phải tâm huyết.
Làm sự nghiệp trồng người phải rất tâm huyết, trách nhiệm đặc biệt với những giáo viên dạy ở các cấp học dưới như mầm non, tiểu học, phổ thông…. Ở các bậc học này, giáo viên còn gánh vác thay người giám hộ ở trường.
Giáo viên phải phối hợp bảo vệ các em, phối hợp với gia đình làm sao để các em không bị bắt cóc, bạo lực, không bị sang chấn tâm lý… Trách nhiệm của người giám hộ rất lớn”, đại biểu phân tích.
Theo đại biểu, với số giáo viên ở bậc học dưới cần có sự quan tâm rất sâu.
“Chúng ta cần có Luật Nhà giáo. Khi đó, Luật sẽ tháo gỡ được nhiều vấn đề. Bởi vì giáo viên công lập và ngoài công lập đều vì sự nghiệp trồng người và phải tạo cho một cơ chế bình đẳng.
Tạo sự liên thông giữa giáo viên công lập và ngoài công lập, một bên Nhà nước trả lương, một bên xã hội trả lương.
Việc khen thưởng, tôn vinh đãi ngộ phải bình đẳng giữa công và tư. Như vậy giáo viên sẽ từ trường công ra trường tư nhiều hơn.
Các trường tư chất lượng cao, sẽ có quy hoạch sẽ có đầu tư quỹ đất hợp lý từ đó học sinh từ trường công sẽ đến trường tư nhiều hơn.
Nếu làm được như vậy sẽ giảm tải áp lực từ biên chế, học sinh đỡ áp lực vì sĩ số.
Giáo viên dạy lớp 25 – 30 học sinh sẽ giảng dạy tốt hơn, trong khi đó ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các đô thị lớn có những nơi đến 60 học sinh/ lớp ở bậc tiểu học. Như vậy tạo áp lực vô cùng lớn cho giáo viên”, đại biểu phân tích.
Theo bà, cần tạo điều kiện để các trường tư phát triển, muốn phát triển thì cần có quỹ đất, chính sách với đội ngũ giáo viên hợp lý hơn.
Đây là một bài toán vĩ mô tổng thể, nếu như chúng ta chỉ thay đổi bằng hợp đồng giáo viên có thời hạn cũng chưa đáp ứng với mong đợi của giáo viên nhiều lắm.
Theo đại biểu, chúng ta mới nhìn một phía, đòi hỏi giáo viên có chất lượng, người làm không tốt thì đào thải. Góc nhìn này cũng không sai nhưng mới có một chiều.
Thử đặt chúng ta vào vị trí là giáo viên thì trong giai đoạn cũ người ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng yêu cầu giai đoạn mới nó khác.
Giai đoạn mới phải thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, chú trọng vấn đề phát triển năng lực. Và để thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội thì chúng ta phải đảm bảo sĩ số học sinh ít thôi, cơ sở vật chất đảm bảo, có phòng học bộ môn, trang thiết bị đi kèm, công nghệ thông tin.
Có những thầy cô ở giai đoạn mới này họ không thể sử dụng công nghệ thông tin như mong muốn bởi có tuổi rồi.
Họ cũng cần thực hiện các quyền của mình. Đó là quyền không tham gia ở giai đoạn mới nữa thì phải có chính sách phù hợp hơn để các thầy cô được nghỉ hoặc được chuyển.
Khi giáo viên muốn chuyển ngành, họ không phù hợp dạy phổ thông trong khi đó các nhóm trẻ gia đình đang rất cần, cần những người có tâm, có sự nhiệt huyết.
Ở những nước phát triển, họ có thể đứng ra chuyển đổi, chăm trẻ nhỏ tại nhà.
Những trẻ dưới 36 tháng tuổi, nhiều gia đình không có chỗ gửi con, ở những khu công nghiệp nhiều đôi vợ chồng trẻ không có chỗ gửi, gửi về ông bà thì quá già rồi lại không có điều kiện để chăm sóc. Đó là các nhu cầu có thực", đại biểu dẫn giải.
Theo đại biểu, cần nhìn một cách tổng thể, căn cơ thì sẽ có những chính sách phù hợp.
“Nếu chỉ mỗi chính sách để hợp đồng có thời hạn rồi giáo viên không đáp ứng được thì thay giáo viên khác, điều đó không thể hiện tính nhân văn và chưa đặt mình vào vị trí của đội ngũ giáo viên.
Một điều nữa, việc tuyển viên chức theo thang cứng, thông qua mấy bài thi.
Vậy với những người hợp đồng 10 năm, 5 năm người ta đã gắn bó tâm huyết với nghề thì sao?.
Trong khi đó, nghề này lại đòi hỏi con người phải tâm huyết, sự yêu thương trẻ nhỏ, học sinh… thì phải tuyển dụng, phải có sự đánh giá sự nhiệt huyết.
“Như chúng ta đã trao đổi, để đánh giá một viên chức có chất lượng, thực sự có tài năng chúng ta phải tính đến tiêu chí tuyển đầu vào như thế nào thì mới có được những người giỏi.
Chúng ta cứ nhìn vào bằng cấp, cùng trình độ như nhau nhưng có người đã đi trải nghiệm, đi tình nguyện đã gắn bó mật thiết với tình nguyện, hoạt động xã hội… nhưng trong tiêu chí tuyển dụng lại không đưa ra tiêu chí đối với người có hoạt động xã hội.
Tất cả những cái đó phải cụ thể hơn, chứ nếu chỉ nói chung chung như ở dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức thì chưa tới tầm, chưa đáp ứng được mong muốn”, đại biểu Ngô Thị Minh nêu quan điểm
Đỗ Thơm - Biên soạn