Chia Sẻ Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc( chuyên đề lịch sử 9 )

Hộp kiến thức

Thành Viên
Điểm
0
File word rất hữu ích cho các thầy cô tải về bồi dưỡng học sinh giỏi.Chuyên đề Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc là một chuyên đề quan trọng trong hoc tập và giảng dạy lịch sử 9. Nguyễn Ái Quốc sinh ngày 19/5/1890, trong một gia đình trí thức yêu nước ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm; thuở nhỏ có tên là Nguyễn Sinh Cung lớn lên đổi thành Nguyễn Tất Thành.
I. Hệ thống nội dung kiến thức chuyên đề
1.1. Nguyên nhân:

Nguyễn Ái Quốc sinh ngày 19/5/1890 tại Làng Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An). Người sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước và lớn lên trên mảnh đất quê hương có truyền thống yêu nước quận cường, đấu tranh bất khuất. Người chứng kiến sự thất bại hàng loạt phong trào yêu nước và được tiếp xúc với nhiều nhà cách mạng đương thời. Vì vậy, từ rất sớm, NAQ sớm có lòng yêu nước.

Tuy NAQ rất khâm phục tinh thần đấu tranh chống Pháp của các bậc tiền bối nhưng NAQ không tán thành con đường cứu nước của họ vì con đường cứu nước đó không phù hợp với hoàn cảnh đất nước, thậm trí đã thất bại. Vì vậy, NAQ quyết trí ra đi tìm đường cứu nước, nhằm tìm con đường cứu nước hữu hiệu hơn

1.2. Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc:

- Ngày 5/6/1911: NAQ rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

- Từ năm 1911 đến năm 1917, NAQ qua nhiều nước ở châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ. Tại những nơi người đặt chân đến người vừa lao động để kiến sống vừa tham gia vào các phong trào cách mạng... cuối cùng người rút ra một điều: ở đâu giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới đều là bạn, CNĐQ ở đâu cũng là thù.

- Năm 1919, thay mặt nhóm người VN yêu nước, Người gửi "Bản yêu sách 8 điểm tới hội nghị Vecxai đòi quyền tự do, dân chủ, bình đẳng cho dân tộc VN. Tuy bản yêu sách không được chấp nhận nhưng đã gây tiếng vang lớn.

- Tháng 7/1920, NAQ đọc được bản" Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa" của Lê-nin. Luận cương của Lê-nin đã chỉ cho Người thấy con đường cứu nước cho dân tộc: con đường cách mạng vô sản lấy CN Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng. Từ đó Người hoàn toàn tin theo Lê-nin và đứng về Quốc tế III. Tại Đại Hội của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua (12/1920), NAQ đã bỏ phiếu tán thành và gia nhập Quốc tế III, tham gia sáng lập ĐCS Pháp và trở thành người cộng sản VN đầu tiên. Người chọn con đường Cách mạng vô sản trong đấu tranh giải phóng dân tộc, vì người khẳng định rằng: "Trên thế giới bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là CN Lê-nin" và " muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".

1.3 Con đường cứu nước của NAQ – những điểm khác so với lớp người đi trước

- Các bậc tiền bối mà tiêu biểu là Phan Bội Châu đã chọn con đường cứu nước là sang Nhật, vì ở đó từng diễn ra cuộc cải cách Minh Trị(1868) làm cho Nhật thoát khỏi số phận một nước thuộc địa, trở thành một nước đế quốc duy nhất ở châu Á, với hy vọng là một nước đồng văn, đồng chủng thì ông sẽ nhận được sự giúp đỡ của Nhật để đuổi Pháp nhưng thất bại.

- Hướng đi của NAQ lại khác, Người sang phương Tây, nơi được mệnh danh là nơi có tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, có khoa học kỹ thuật và nền văn minh phát triển. Cách đi của Người là đi vào tất cả các giai cấp, tầng lớp, giác ngộ họ, đoàn kết họ đứng dậy đấu tranh. Người đề cao học tập, nghiên cứu lý luận, kinh nghiệm các cuộc cách mạng mới nhất của thời đại. cuối cùng, người bắt gặp Cách mạng tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc: con đường CMVS.

- Người nhận thức rõ muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp, Người sang Pháp để tìm hiểu: Nước Pháp có thực sự: “tự do, bình đẳng, bác ái” hay không? Nhân Pháp sống thế nào?


II. Bài tập:

1. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc có quyết định đúng đắn như thế nào? Ý nghĩa của quyết định đó?


Hướng dẫn trả lời:

- Nêu tiểu sử

- Nêu sự kiện 7/1920, 12/1920 và ý nghĩa của 2 sự kiện đó

- Ý nghĩa của quyết định:

+ Tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc và chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

+ Giúp Việt Nam giành độc lập dân tộc, Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác…

2. Hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm 1911 - 1925?

Hướng dẫn trả lời:

- Nêu tiểu sử

- Nêu toàn bộ hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ 1911 - 1925

- Nêu ý nghĩa của các hoạt động đó đối với CM Việt Nam như chuyên đề

3. Trình bày những hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911 đến năm 1925?

Hướng dẫn trả lời:

- Nêu tiểu sử

- Nêu toàn bộ hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ 1911 1925 nhấn mạnh các sự kiện từ 1921 – 1925 như chuyên đề

4. Phân tích vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?

Hướng dẫn trả lời:

Cách 1:

- Nêu tiểu sử

- Nêu toàn bộ hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ 1911 - 1925

- Nêu ý nghĩa của các hoạt động đó đối với CM Việt Nam như chuyên đề

-> Từ đó rút ra Vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Cách 2:

- Nêu tiểu sử

- Nêu từng vai trò một sau đó đưa ra các sự kiện trong quá trình hoạt động của Người để chứng minh

- Tổng hợp đánh giá lại toàn bộ vai trò của Người đối với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

5. Bằng những sự kiện lịch sử có chọn lọc hãy chứng minh Nguyễn Ái Quốc là người trực tiếp chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?

Hướng dẫn trả lời:

- Nêu tiểu sử

- Nêu toàn bộ hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ 1911 - 1925

- Nêu ý nghĩa của các hoạt động đó đối với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam như chuyên đề thông qua đó chứng minh được Người là người trực tiếp chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

6. Vì sao Nguyễn Tất Thành lại ra đi tìm đường cứu nước? Hướng đi của Người có gì mới so với những nhà yêu nước trước đó?

Hướng dẫn trả lời:

- Nêu tiểu sử

- Nêu thực tế tình hình Việt Nam trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước để thấy được việc Người ra đi là đáp ứng yêu cầu của lịch sử Việt Nam

- Hướng đi của Người có điểm mới: Đi sang phương Tây, sang Pháp - kẻ thù để tìm hiểu về kẻ thù rồi sau đó tìm con đường đúng đắn nhất để giải phóng dân tộc

7. Vì sao Nguyễn Tất Thành lại ra đi tìm đường cứu nước? Con đường cứu nước của Người có gì khác so với những nhà yêu nước trước đó?

Hướng dẫn trả lời:

- Nêu tiểu sử

- Nêu thực tế tình hình Việt Nam trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước để thấy được việc Người ra đi là đáp ứng yêu cầu của lịch sử Việt Nam

- Con đường cứu nước của Người có điểm khác so với những nhà yêu nước trước đó:

+ Hướng đi: Đi sang phương Tây, sang Pháp - kẻ thù để tìm hiểu về kẻ thù rồi sau đó tìm con đường đúng đắn nhất để giải phóng dân tộc

+ Đường lối cứu nước: Tìm đến và lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn nhất để giải phóng dân tộc phù hợp với Việt Nam - Con đường cách mạng vô sản
 
Sửa lần cuối:
Những điểm khác biệt trong quá trình lựa chọn con đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành

Trong thời gian nước ta chịu ách thống trị của chính quyền thực dân Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy đã diễn ra, nhiều lý thuyết, nhiều chủ nghĩa, nhiều con đường, phương pháp để đấu tranh cứu nước,… Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa, các phong trào cuối cùng đều bị thất bại.


Cách mạng Việt nam lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối, về giai cấp lãnh đạo. Trong bối cảnh đó, ngày 05/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ) đã ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Nguyễn Tất Thành “Khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào...”. Như vậy, Nguyễn tất Thành đã nhận ra những hạn chế của các nhà yêu nước đương thời trong việc xác định mục tiêu, đối tượng, nhiệm vụ cách mạng; về phương thức, phương pháp đấu tranh; về nhận thức “bạn - thù” của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ ở Việt Nam. Đây chính là những bài học, những cơ sở lịch sử đầu tiên để trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành có sự lựa chọn đúng đắn con đường cách mạng Việt Nam.

Ở Nguyễn Tất Thành, tình cảm yêu nước của Người gắn liền với lòng thương dân vô hạn. Do đó, mục tiêu nhất quán, xuyên suốt trong cuộc ra đi của Nguyễn Tất Thành là phải tìm con đường để vừa giành được độc lập cho Tổ quốc, vừa mang lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa Nguyễn Tất Thành với các nhà yêu nước đương thời, đã dẫn đến những khác nhau trong tư duy, trong hoạt động thực tiễn và cả trong việc lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam. Điều này thể hiện ở những điểm sau:

Điểm thứ nhất là, trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Tất Thành) đã tìm hiểu sâu sắc các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Người đề cao những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái và quyền con người của các cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu nhưng Người cũng nhận thức rõ và phê phán bản chất không triệt để của các cuộc cách mạng tư sản. Nguyễn Ái Quốc nhận xét: “Tư bản nó dùng chữ Tự do, Bình đẳng, Đồng bào để lừa dân, xúi dân đánh đổ phong kiến. Khi dân đánh đổ phong kiến rồi, thì nó lại thay phong kiến mà áp bức dân.

Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Đây là cơ sở để Nguyễn Ái Quốc khẳng định một cách dứt khoát rằng: Con đường cách mạng tư sản không thể đưa lại độc lập và hạnh phúc thực sự cho nhân dân các nước nói chung, nhân dân Việt Nam nói riêng.

Điểm khác nhau thứ hai là mục đích của cuộc ra đi. Nếu như phần lớn những người Việt Nam xuất dương lúc bấy giờ là để tìm sự giúp đỡ của bên ngoài, cầu ngoại viện để đánh Pháp, thì Nguyễn Ái Quốc ra đi là để tìm con đường, cách thức (phương pháp) đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào. Người nói: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.

Điểm thứ ba là hướng đi. Nguyễn Tất Thành đi sang Pháp. “Các lý do hấp dẫn đưa Người đến nước Pháp là những truyền thống tự do, bình đẳng, bác ái và nền văn minh của chính quốc mà Người được nghe, biết và sự tàn bạo của bọn thực dân ở thuộc địa mà Người đã chứng kiến...Năm 1923, tại Mátxcơva khi trả lời cuộc phỏng vấn của phóng viên tạp chí Ngọn lửa nhỏ, Người đã giải thích quyết định ra đi của mình như sau: Vào trạc tuổi 13 lần đầu tiên tôi được nghe những từ ngữ tiếng Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái – đối với chúng tôi lúc ấy, mọi người da trắng được coi là người Pháp - thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp”. Đi sang Pháp tìm hiểu tận gốc kẻ thù đang áp bức nô dịch đất nước mình, để từ đó có phương pháp và vũ khí phù hợp đánh đuổi chúng, phải chăng đây cũng là một lý do quyết định hướng đi của Người.

Điểm thứ tư là cách đi. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, có một người bạn đã hỏi Nguyễn Tất Thành: Chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi? Nguyễn Tất Thành “vừa nói vừa giơ hai bàn tay - chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”. Và, từ việc làm phụ bếp trên con tàu Pháp của hãng “Vận tải hợp nhất”, đến cào tuyết trong một trường học, đốt lò, làm vườn, làm thợ rửa ảnh... Nguyễn Tất Thành đã hòa mình, gần gũi với cuộc sống của nhân dân lao động, hiểu được nỗi thống khổ, hiểu được nguyện vọng và ý chí, năng lực của họ và đồng cảm với họ. Và như thế, trên cuộc hành trình của mình với sự lăn lộn trong cuộc sống lao động và đấu tranh của nhân dân các nước, với tầm hiểu biết rộng lớn và vốn thực tiễn sâu sắc, phong phú, Nguyễn Tất Thành đã nhận thức về thế giới và thời đại theo một lập trường và quan điểm mới so với các nhà yêu nước đương thời. Đó là nhận điện đúng đắn kẻ thù chung của cách mạng thế giới - chủ nghĩa thực dân đế quốc; nhận thức đúng đắn về lực lượng cơ bản của cách mạng thế giới - nhân dân lao động.
 
Vì sao Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước mới? Hướng đi của người có gì mới so với những nhà yêu nước chống Pháp trước đó? Theo em những hoạt động đó có ý nghĩa như thế nào đối với dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) sinh ngày 19/5/1890, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Quê ở xã Kim Liên-Huyện Nam Đàn-Tỉnh Nghệ An.

Người sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước nhà bị mất vào tay thực dân Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa và phong trào cách mạng nổ ra liên tục xong vẫn không đi đến thắng lợi. Người tuy khâm phục Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, nhưng không tán thành đường lối hoạt động của họ nên quyết định đi tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc

* Con đường tìm chân lý cứu nước của Nguyễn Ái Quốc có gì độc đáo khác với lớp người đi trước:

Các bậc tiền bối mà tiêu biểu là Phan Bội Châu đã lựa chọn con đường cứu nước đó là đi sang phương Đông, chủ yếu là Nhật Bản vì ở đó từng diễn ra cuộc cải cách Minh Trị làm cho Nhật thoát khỏi thân phận thuộc địa; vì Nhật đã đánh bại đế quốc Nga trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật (1905-1907) và Nhật Bản còn là nước "đồng văn, đồng chủng" với Việt Nam.

Đối tượng mà cụ Phan Bội Châu gặp gỡ là những chính khách Nhật để xin họ giúp Việt Nam đánh Pháp. Phương pháp của cụ là vận động tổ chức giai cấp, cùng các tầng lớp trên để huy động lực lượng đấu tranh bạo động.

Còn Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường sang phương Tây, nơi được mệnh danh có tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, có khoa học kỹ thuật, có nền văn minh phát triển.

Nguyễn Ái Quốc đi vào tất cả các giai cấp, tầng lớp, đi vào phong trào quần chúng, giác ngộ, đoàn kết họ đứng lên đấu tranh giành độc lập thực sự bằng sức mạnh của mình là chính, Người luôn đề cao học tập, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm cách mạng mới nhất của thời đại và Người đã bắt gặp chân lý cách mạng Tháng Mười Nga.

Những hoạt đông yêu nước của người tuy mới chỉ bắt đầu, nhưng là điều kiện quan trọng để Người xác định con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Đây là con đường cứu nước duy nhất đúng đối với dân tộc ta, cũng như đối với dân tộc thuộc địa và phụ thuộc khác, vì nó phù hợp với sự phát triển của lịch sử.
 

Xếp hạng chủ đề

Tạo
Hộp kiến thức,
Trả lời lần cuối từ
Bụi Phấn,
Trả lời
2
Lượt xem
1,363

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Back
Top