Chia Sẻ Kiến thức tiếng Việt cho bé chuẩn bị vào lớp 1

Trần Ngọc

S.Moderator
Điểm
5,462
Bố mẹ khi có con vào lớp 1, chắc hẳn rất lo lắng khi cách dạy học bài, đặc biệt về kiến thức tiếng Việt. Đôi lúc, bố mẹ mất kiểm soát khi dạy con đánh vần cộng thêm những thay đổi mới về chương trình tiếng Việt khác hẳn so với ngày trước khi bố mẹ đi học… Tất cả điều đó làm cho bố mẹ băn khoăn đôi lúc còn lúng túng. Hiểu được tâm lý của bố mẹ khi có con chuẩn bị vào lớp 1, dưới đây là bài viết giúp bố mẹ giải đáp những thắc mắc về mặt tâm lý cũng như kiến thức mới để dạy con.

7053

1. Với các bé chuẩn bị vào lớp 1

Về Đọc: Bé có thể


Đặt và trả lời câu hỏi về những lựa chọn liên quan đến đọc: Con muốn đọc quyển sách này…/ Con chọn đọc sách này…/ Mẹ sẽ đọc cho con quyển gì?...

Xác định được bối cảnh (thời gian, địa điểm), các nhân vật chính trong truyện ( từ 1-2 nhân vật), xác định các sự kiện ( diễn biến chính) trong câu chuyện: Câu chuyện bắt đầu là… Tiếp theo là…/ Kết thúc là. Một số bạn có thể nói được chi tiết mà mình thích nhất trong truyện.

Có thể kể lại một số câu chuyện đơn giản. Có thể dùng tranh để nói một vài chi tiết: Tranh vẽ ai? Có màu gì? Nét mặt của nhân vật trong tranh như thế nào?

Hiểu về kĩ thuật đọc cơ bản: Đọc từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, đọc lần lượt trang này sang trang khác.

Có thể nhận ra một số tên gọi và chữ cái in hoa.

Hiểu rằng, câu được tạo nên bởi các tiếng ( nhờ trò chơi vỗ tay theo từng nhịp ngắt tiếng, ví dụ Con/ yêu/ mẹ.

Biết rằng có những tiếng cùng vần với nhau ( nhờ trò chơi làm thơ kiểu buồn cười: Tôi là mèo/ Giỏi leo trèo/ Kêu meo meo/ Hay ưỡn ẹo/ Không thích kẹo…)

Hiểu một chút về từ ghép ( nhờ trò chơi ghép từ, cụm từ, ví dụ: con chim/ chim chích/ chích bông/ bông ngoáy tai/ tai thỏ…)

Nhận biết bảng chữ cái và biết đọc bảng chữ cái theo tên âm (a, bờ, cờ, dờ…). Như vậy có sự khác biệt giữa tên chữ và tên âm: Chữ “bê” em đọc là “bờ”. Chữ “xê” em đọc là “cờ” em nha.

Bết đánh vần những tiếng đơn giản. (cách đánh vần có thể theo thứ tự từ âm đầu- vần- tiếng, ví dụ: bờ- ô- bô- sắc-bố. Một số bạn đánh vần kiểu: bờ- bố; mờ- mẹ, cũng không sao, đáng yêu mà).

Nhận ra chữ viết tên của mình.

Nhận ra một số chữ đơn giản, trong những cuốn sách quen thuộc.

Về viết/ vẽ

Vẽ một nhân vật nào đó trong cuốn sách.

Biết sắp xếp các bức tranh theo thứ tự diễn biến của một câu chuyện đơn giản.

Về Nói và Nghe

Biết lắng nghe người khác, không cắt ngang khi bạn đang phát biểu.

Biết thay phiên nhau nói khi ở trong nhóm.

Biết làm theo hướng dẫn bằng lời (thông thường bao gồm ba chỉ dẫn: Con mở cửa, lấy cho mẹ cốc nước rồi đem cho mẹ).

Biết đặt và trả lời câu hỏi.

Biết tả một chút về một người hoặc một đồ vật, con vật nào đó. Ví dụ: Bác ấy có tóc đen/ Bác ấy cao/ Con mèo màu trắng/ Quyển sách dày…

2. Các bạn lớp 1

Vào lớp 1, các bé sẽ làm quen với khái niệm TIẾNG- TỪ- CHỮ- ÂM- CHỮ CÁI. Nhưng đều là theo cách rất tự nhiên: cô nhắc nhiều lần và các bé nhớ.

Các bé sẽ hiểu về TIẾNG qua việc đọc, ví dụ câu Con yêu mẹ có 3 tiếng. Nhưng những tiếng đó khi viết được gọi là CHỮ (câu trên có ba chữ).

Các chữ được tạo bởi CHỮ CÁI. Ví dụ: Chữ Mẹ có hai chữ cái là m và e.

Các bé cũng sẽ biết cách đánh vần một cách chính thống (từ âm đầu ghép với phần vần- thanh điệu- thành tiếng, ví dụ tiếng “thiện”: thờ- iên- thiên- nặng- thiện
Trong tiếng Việt có một số trường hợp bất quy tắc đó là một âm ghi bằng hai hoặc ba con chữ (chữ cái). Trường hợp c, k, q mà mọi người tranh luận nhiều trong thời gian qua là một trong số những bất quy tắc đó vì một âm (cờ) ghi bằng ba con chữ.

Để giải quyết bất hợp lý này, chương trình đại trà chủ trương phân biệt chính tả cho học sinh nhờ đánh vần/ đọc.

Tiếng có âm đầu “c” thì đánh vần là “cờ”.

Tiếng có âm đầu “k” thì đánh vần là “ka”

Tiếng có âm đầu “q” thì ghép luôn với âm đệm “u” để thành tổ hợp “quờ”.

Ví dụ: Cờ- a- ca- sắc cá; ka- iêm- kiêm- sắc- kiếm; quờ- yên- quyên.

Chỉ duy nhất có tiếng “quốc” là đặc biệt do âm đệm (u) và âm đứng đằng sau (ô) đều là tròn môi nên khi đánh vần, thêm cho phần vần một âm u (cho dễ phát âm) nên thành vần “uốc”: quờ- uốc- quốc- sắc- quốc. (phân biệt với “cuốc” trong từ “cái cuốc”, đánh vần là cờ- uốc- cuốc- sắc- cuốc). Việc bỏ đi một âm u này cũng giống như việc bỏ đi một âm i trong tiếng “gì”- giờ- i- gii- huyền- gì.

Việc dạy học vần theo cách trả về đúng bản chất ngữ âm (âm “cờ” cho cả ba chữ) của bộ sách giáo khoa thực nghiệm cũng không gây khó khăn cho các bé đâu, mình nghĩ là như thế.

Còn một số những vấn đề khác nảy sinh trong quá trình học vần. Ví dụ, hôm trước có một bạn kể chuyện con bạn đi học về thắc mắc, tại sao không viết là Ă giời ơi mà viết là Á giời ơi (thắc mắc thông minh dễ sợ) thì nguyên nhân là: “ă” chỉ là chữ cái còn “á” là tiếng bao gồm âm chính và thanh. Khi muốn xuất hiện trong một tổ hợp các tiếng tạo thành câu, đương nhiên mình phải viết dưới dạng là “á”.

Vào lớp 1, các bé sẽ qua giai đoạn học vần (kéo dài đến qua học kì 1). Bé sẽ đọc ê a, vừa đọc vừa ghép, yêu cực.

Nhưng khi con đã học khoảng 3,4 tuần, bạn cố gắng khuyến khích con bên cạnh đọc thành tiếng còn “đọc bằng mắt” có nghĩa là quá trình đánh vần diễn ra trong đầu.

Sẽ có hiện tượng “đọc vẹt” do chỉ ghi nhớ cách đọc của cô mà nhắc lại nên bạn có thể kiểm tra bằng cách để con chỉ tay vào các con chữ hoặc đánh vần.

Bạn tiếp tục chơi những trò chơi về ngôn ngữ như khi con chưa đi học nhưng tăng dần độ khó, ví dụ tìm một câu mà toàn tiếng bắt đầu bằng âm “B”, kiểu: Bà béo bán bánh bèo bên bờ biển.

Quan trọng nhất, bạn nên cùng con đọc sách. Trẻ sẽ học được rất nhiều điều qua việc đọc sách: viết đúng chính tả, cách viết hoa, cách dùng dấu câu, cách viết câu… có lợi vô cùng.
 

Xếp hạng chủ đề

Tạo
Trần Ngọc,
Trả lời
0
Lượt xem
538

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Back
Top