Chia Sẻ Những kinh nghiệm của người xưa về "Dự báo thời tiết"

An Thuyen Hygge

Moderator
Thành viên BQT
Cuộc sống con người ngày càng trở nên hiện đại hơn, sức người dần dần được thay thế bằng các loại máy móc. Người nông dân cũng nhờ có máy cày, máy kéo, máy xúc đất, máy gặt lúa, máy gieo hạt,... mà công việc cũng bớt nặng nhọc, vất vả.

Trong dòng chảy của sự phát triển nhân loại, khoa học dự báo thời tiết cũng phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, với những công nghệ hiện đại nhất, mới nhất nhằm đưa ra những cảnh báo thời tiết quan trọng đối với nông nghiệp, giao thông,...
Tuy nhiên, trải qua hàng ngàn năm vạn vật biến thiên, trời đất thay đổi, những kinh nghiệm của người xưa được chiêm nghiệm và đúc kết, vẫn còn những giá trị bền vững nhất định. Những cẩm nang ấy được truyền từ đời này qua đời khác qua những áng thơ, câu ca dao, tục ngữ,... vẫn còn rất nhiều những giá trị.

"Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm"​

Nhìn mây đoán cơn mưa

Bằng sự quan sát tự nhiên theo thời gian, người xưa để lại cho chúng ta những kiến thức quý giá vô cùng. Chẳng hạn như nhìn màu sắc của mây có thể dự đoán được thời tiết sắp tới sẽ như thế nào. Ví dụ như câu ca dao dưới đây.

"Cơn đằng đông, vừa trông vừa chạy
Cơn đằng nam vừa làm vừa chơi"
Có thể thấy rằng, khi bầu trời ồ ạt xuất hiện đám mây màu đen ở đằng đông, thì cơn mưa sẽ rất nhanh kéo tới. Người nông dân phải gấp rút thu thóc đang phơi ngoài sân, rơm phơi ngoài đường, hay nhanh chóng tìm chỗ trú mưa... Còn nếu đám mây ở phía Nam, thì cứ nhẩn nha vừa làm việc và chơi, không cần phải vội.

Hoặc là,

"Trên trời có vẩy tê tê
Là mưa sắp sửa kéo về nay mai"
Ngụ ý rằng, khi trên bầu trời xuất hiện đám mây xếp chồng lên nhau, trông như vẩy con tê tê thì dự rằng trời sẽ có mưa trong những ngày tới.

Ngày còn nhỏ xíu, có một lần nhìn lên bầu trời thấy áng mây ngũ sắc như lưỡi con trai trai, mình có thắc mắc thì được bà nội bảo rằng trời sắp có mưa lớn, đổ mưa như trút. Đến giờ lớn rồi, cũng bao lần trải nghiệm rồi thấy đúng lắm. Lần gần nhất là tháng bảy năm nay. Lúc đó mình đang ngồi ở ghế trước ô tô đi hướng Hà Nam về Hà Nội, ngước nhìn phía trước bầu trời có áng mây ngũ sắc đẹp quá, chợt thốt lên "Lại sắp mưa rất rất to rồi". Y như rằng, khoảng năm phút sau đó trời kéo mây đen vần vũ rồi mưa như thác đổ.

Ảnh chụp mây ngũ sắc.jpg

Ảnh chụp mây ngũ sắc, hơi mờ do chụp khi đang di chuyển
Dựa vào hiện tượng bất thường trong hoạt động kiếm ăn, sinh sống của một số loài vật

1. Chuồn chuồn:

"Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm"
Câu ca dao cho thấy khi trời sắp mưa, độ ẩm sẽ có sự thay đổi và các loài chuồn chuồn cũng bay rất thấp để tìm ăn.

2. Loài kiến:

"Kiến đắp thành thì bão
Kiến ẵm con chạy ráo thì mưa"
Trước khi xảy ra một cơn mưa lớn, kiến sẽ tha theo các ấu trùng di chuyển thành đoàn lên các vị trí cao hơn, báo hiệu một trận mưa rất to.

3. Loài mối:

Khi trời đang mưa rất to mà xuất hiện những đàn mối cánh thì báo hiệu trời sẽ sớm ngừng mưa, trở nên quang đãng.

Dựa vào mặt trăng

"Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa"
Trăng có quầng rõ nét có thể dự đoán trời quang, không mưa. Còn khi trăng tán, các quầng không tách bạch thì mưa sắp tới. Và khi xuất hiện quầng trăng đôi thì là dấu hiệu của một cơn bão gió giật mạnh sắp tới.

Có một kinh nghiệm mà mình tình cờ được trải nghiệm khi buột miệng hỏi mẹ: Không biết năm nay trời có lạnh không mẹ nhỉ? Mẹ mình cười: vậy thì xem trăng rằm tháng Tám trong hay mờ. Trong thì trời sẽ rất lạnh, còn mờ thì không lạnh lắm đâu con. Mẹ mình là người thuộc rất nhiều ca dao tục ngữ, cũng làm nông nên cũng biết nhiều kinh nghiệm dân gian quý báu. Năm nay, mình ngó trăng rằm thì thấy trời thật trong, thật xanh và trăng thì sáng lung linh rất đẹp. Dễ là mùa đông năm nay sẽ rất lạnh rồi, mọi người hãy nhớ chuẩn bị áo ấm đầy đủ.

Trăng rằm tháng Tám năm nay sáng và trong lắm.jpg

Trăng rằm tháng Tám năm nay sáng và trong lắm (ảnh mờ do chụp ngược sáng)
Ngoài ra, còn có một câu thơ khác "Muốn ăn lúa tháng năm, xem Trăng rằm tháng Tám", để chỉ việc nông dân thời xưa trông trăng Rằm tháng Tám để dự đoán cho mùa vụ đông - xuân năm sau. Nếu trăng sáng tỏ soi rõ bóng người thì mùa đông - xuân năm sau sẽ ít mưa; ruộng sâu dễ làm, được mùa; ruộng cạn khô cằn do thiếu nước nên dễ mất mùa. Ngược lại, trăng mờ thì mùa đông - xuân lại mưa nhiều, ruộng cạn lại dễ làm hơn còn ruộng sâu lại bị ngập úng.

Dựa vào ráng trời

"Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa"
Khi thấy màu trời ráng cam đỏ một vùng vào buổi chiều báo hiệu hôm sau trời sẽ mưa rất to.

Trên đây là những kinh nghiệm dân gian của người xưa để lại cho đời sau. Trong đó, mình cũng đã được chiêm nghiệm và thấy những kinh nghiệm này thật sự là vô giá, cũng thể hiện người xưa ngoài sự chịu thương chịu khó, bền bỉ còn thực sự tài giỏi, hết sức tinh tế. Nhờ vậy mà họ có thể dự báo trước những cơn bão, những trận mưa gió giật, ... giúp ích cho mọi người có biện pháp đề phòng, tránh được hay giảm nhẹ thiệt hại do hậu quả của thiên tai gây ra.

Ngày nay, việc dự báo thời tiết là một kênh quan trọng, chiếm thời lượng 15 phút trên chương trình thời sự mỗi buổi tối và bất cứ khi nào có dự báo những thiên tai nguy hiểm cho nông dân, ngư dân, doanh nghiệp vùng tâm bão.

Mọi người hãy thử chiêm nghiệm cùng mình xem sao nhé!

An Thuyen hygge
 
Sửa lần cuối:

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Shoutbox
Hãy đăng nhập để bắt đầu trò chuyện
  1. No shouts have been posted yet.
Nơi bạn có thể chia sẻ, hỏi đáp nhanh với tất cả mọi người

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top