Trắc nghiệm Ôn tập phần tập đọc lớp 4

Đường đi Sa Pa

Xe chúng tôi leo chênh vênh trên dốc cao của con đường xuyên tỉnh. Những đám mây trắng nhỏ sà xuống cửa kính ô tô tạo nên cảm giác bồng bềnh huyền ảo. Chúng tôi đang đi bên những thác trắng xóa tựa mây trời, những rừng cây âm âm, những bông hoa chuối rực lên như ngọn lửa. Tôi lim dim mắt ngắm mấy con ngựa đang ăn cỏ trong một vườn đào ven đường. Con đen huyền, con trắng tuyết, con đỏ son, chân dịu dàng, chùm đuôi cong lướt thướt liễu rủ.

Buổi chiều, xe dừng lại ở một thị trấn nhỏ. Nắng phố huyện vàng hoe. Những em bé Hmông, những em bé Tu Dí, Phù Lá cổ đeo móng hổ, quần áo sặc sỡ đang chơi đùa trước cửa hàng. Hoàng hôn, áp phiên của phiên chợ thị trấn, người ngựa dập dìu chìm trong sương núi tím nhạt.

Hôm sau chúng tôi đi Sa Pa. Phong cảnh ở đây thật đẹp. Thoắt cái, lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn với những bông hoa lay ơn màu đen nhung hiếm quý.

Sa Pa quả là món quà tặng diệu kì mà thiên nhiên dành cho đất nước ta.

Theo NGUYỄN PHAN HÁCH

Câu 1. Ai là tác giả của bài văn?

a. Nguyễn Phan Hách.
b. Trần Đăng Khoa.
c. Trần Liên Nguyễn.

Câu 2. Sa Pa là địa danh thuộc tỉnh nào?

a. Sơn La.
b. Lào Cai.
c. Điện Biên.

Câu 3. Tác giả đến Sa Pa trên con đường nào?

a. Đường xuyên Á.
b. Đường xuyên huyện.
c. Đường xuyên tỉnh.

Câu 4. Cảm giác bồng bềnh, huyền ảo được tạo nên do đâu?

a. Do những đám mây trắng nhỏ sà xuống cửa kính ô tô.
b. Do những đám mây trắng bay trên đỉnh núi.
c. Do những đám mây trăng bay sườn núi.

Câu 5. Dọc đường lên Sa Pa, tác giả đi bên những cái gì?

a. Những thác trắng xoá tựa mây trời.
b. Những rừng cây âm âm, những bông hoa chuối rực lên như ngọn lửa.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 6. Nối ý bên trái với ý bên phải sao cho phù hợp.

Trắc nghiệm Đường đi Sa Pa


Câu 7. Nội dung chính của bài văn là gì?

a. Ca ngợi cảnh đẹp của Sa Pa qua đó thể hiện tình cảm yêu thương bạn bè.
b. Ca ngợi cảnh đẹp của Sa Pa qua đó thể hiện tình cảm yêu đất nước.
c. Ca ngợi cảnh đẹp của Sa Pa qua đó thể hiện tình cảm yêu mến người thân.

Câu 8. Bài văn trên thuộc chủ đề nào?

a. Khám phá thế giới.
b. Những người quả cảm.
c. Tình yêu cuộc sống.

Câu 9. Hoạt động nào được gọi là du lịch?

a. Đi công tác nước ngoài.
b. Đi chơi xa để nghỉ ngơi, ngắm cảnh.
c. Đi chơi xa để thăm ông bà.

Câu 10. Câu cầu khiến nào phù hợp với tình huống: Em muốn xin bố đi học hè.

a. Bố ơi, hè này bố cho con đi học thêm nhé!
b. Bố cho con đi học thêm đi!
c. Bố cho con đi học trong hè này nghe!

Nguồn: Tổng hợp
 
Trăng ơi... từ đâu đến?

Trăng ơi... từ đâu đến?

Hay từ cánh rừng xa

Trăng hồng như quả chín

Lửng lơ lên trước nhà


Trăng ơi... từ đâu đến?

Hay biển xanh diệu kì

Trăng tròn như mắt cá

Chẳng bao giờ chớp mi.


Trăng ơi... từ đâu đến?

Hay từ một sân chơi

Trăng bay như quả bóng

Bạn nào đá lên trời.



Trăng ơi... từ đâu đến?

Hay từ lời mẹ ru

Thương Cuội không được học

Hú gọi trâu đến giờ!


Trăng ơi... từ đâu đến?

Hay từ đường hành quân

Trăng soi chú bộ đội

Và soi vàng góc sân.


Trăng từ đâu... từ đâu?

Trăng đi khắp mọi miền

Trăng ơi, có nơi nào

Sáng hơn đất nước em...

TRẦN ĐĂNG KHOA


Câu 1. Ai là tác giả của bài thơ?

a. Nguyễn Phan Hách.
b. Trần Đăng Khoa.
c. Trần Liên Nguyễn.

Câu 2. Bài thơ trên gồm có mấy khổ?

a. 5 khổ.
b. 6 khổ.
c. 7 khổ.

Câu 3.Trong hai khổ thơ đầu, trăng được so sánh với những gì?

a. Cánh rừng xa, quá chín.
b. Biển xanh, mắt cá.
c. Quả chín, mắt cá.

Câu 4. Câu thơ nào dưới đây miêu tả trăng đến từ biển xanh?

a. Trăng tròn như mắt cá.
b. Trăng hồng như quả chín.
c. Trăng bay như quả bóng.

Câu 5. Câu thơ nào dưới đây miêu tả trăng đến từ sân chơi trẻ thơ?

a. Và soi vùng góc sân.
b. Trăng bay như quả bóng.
c. Trăng ơi có nơi nào.

Câu 6. Bài thơ thể hiện tình cảm gì của tác giả?

a. Tình cảm yêu mến, kính trọng đối với cha mẹ.
b. Tình cảm yêu mến, tự hào đối với quê hương đât nước.
c. Tình cảm yêu mến, tự hào về các chú bộ đội.

Câu 7. Bài thơ có mấy hình ảnh so sánh?

a. 2 hình ảnh.
b. 3 hình ảnh.
c. 4 hình ảnh.

Câu 8. Thám hiểm là gì?

a. Thăm dò, tìm hiểu những nơi xa lạ khó khăn có thể nguy hiểm.
b. Đi chơi xa về nghỉ ngơi, ngắm cảnh.
c. Tìm hiểu về đời sống của nơi mình ở.

Câu 9. Câu cầu khiến nào dưới đây phù hợp với tình huống: Em muốn xin bố mẹ đi chơi với các bạn?

a. Bố ơi, bố cho con đi chơi với các bạn nhé!
b. Bố ơi, bố cho con đi chơi với các bạn được không ạ?
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Nguồn: Tổng hợp
 
Hơn một nghìn ngày vòng quanh trái đất

Ngày 20 tháng 8 năm 1519, từ cảng Xê-vi-la lớn giong buồm ra khơi. Đó là hạm đội do Ma-gien-lăng chỉ huy, với nhiệm vụ khám phá con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.

Vượt Đại Tây Dương, Ma-gien-lăng cho đoàn thuyền đi dọc theo bờ biển Nam Mĩ. Tới gần mỏm cực nam thì phát hiện một eo biển dẫn tới một đại dương mênh mông. Thấy sóng yên biển lặng, Ma-gien-lăng đặt tên cho đại dương mới tìm được là Thái Bình Dương.

Thái Bình Dương bát ngát, đi mãi chẳng thấy bờ. Thức ăn cạn, nước ngọt hết sạch. Thủy thủ phải uống nước tiểu, ninh nhừ giày và thắt lưng da để ăn. Mỗi ngày có vài ba người chết phải ném xác xuống biển. May sao, gặp một hòn đảo nhỏ, được tiếp tế thức ăn và nước ngọt. Đoàn thám hiểm ổn định được tinh thần.

Đoạn đường từ đó có nhiều đảo hơn. Không phải lo thiếu thức ăn, nước uống nhưng lại nảy sinh những khó khăn mới. Trong một trận giao tranh với dân đảo Ma-tan, Ma-gien-lăng đã bỏ mình, không kịp nhìn thấy kết quả công việc mình làm.

Những thủy thủ còn lại tiếp tục vượt Ấn Độ Dương tìm đường trở về châu Âu. Ngày 8 tháng 9 năm 1522, đoàn thám hiểm chỉ còn một chiếc thuyền với mười tám thủy thủ trở về Tây Ban Nha.

Chuyến đi đầu tiên vòng quanh thế giới của Ma-gien-lăng kéo dài 1083 ngày, mất bốn chiếc thuyền lớn với gần hai trăm người bỏ mạng dọc đường. Nhưng đoàn thám hiểm đã hoàn thành xứ mạng, khẳng định trái đất hình cầu, phát hiện Thái Bình Dương và nhiều vùng đất mới.

Theo TRẦN DIỆU TẤN và ĐỖ THÁI

Câu 1. Đoàn thám hiểm của Ma-gien-lăng xuất phát vào thời gian nào?

a. 20 – 9 – 1519
b. 20 – 9 – 1591
c. 20 – 9 – 1159

Câu 2. Đoàn thám hiểm của Ma-gien-lăng xuất phát từ đâu?

a. Từ cửa biển Đại Tây Dương.
b. Từ cửa biển Xê-li-va nước Tây Ban Nha.
c. Từ cửa biển Xê-li-va nước Bồ Đào Nha.

Câu 3. Mục đích cuộc thám hiểm của Ma-gien-lăng là gì?

a. Khám phá con đường trên sông dẫn đến những vùng đất mới.
b. Khám phá con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.
c. Khám phá con đường trên biển dẫn đến Thái Bình Dương.

Câu 4. Đại Dương đầu tiên đoàn thám hiểm của Ma-gien-lăng vượt qua là gì?

a. Thái Bình Dương.
b. Ấn Độ Dương.
c. Đại Tây Dương.

Câu 5. Đoàn thám hiểm đã gặp những khó khăn gì dọc đường?

a. Đi mãi chẳng thấy bờ, thức ăn đã cạn, nước ngọt hết sạch, thuỷ thủ phải phải uống nước tiểu, ninh nhừ giày và thắt lưng da để ăn.
b. Mỗi ngày đoàn thám hiểm có vài người chết phải ném xác xuống biển.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 6. Đoàn thám hiểm của Ma-gien-lăng đi theo hành trình nào?

a. Châu Âu – Đại Tây Dương - Châu Mĩ – Thái Bình Dương – Châu Á – Ấn Độ Dương – Châu Âu.
b. Châu Âu – Châu Mĩ – Đại Tây Dương - Thái Bình Dương – Châu Á – Ấn Độ Dương – Châu Âu.
c. Châu Âu – Đại Tây Dương - Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương – Châu Âu.

Câu 7. Đoàn thám hiểm cập bến Tây Ban Nha vào thời điểm nào?

a. 8-9-1252.
b. 8-9-1522.
c. 9-8-1522.

Câu 8. Hành trình của đoàn thám hiểm kéo dài bao nhiêu ngày?

a. 1081 ngày.
b. 1038 ngày.
c. 1083 ngày.

Câu 9. Nối ý bên trái với ý bên phải sao cho phù hợp.

Trắc nghiệm Tập đọc lớp 5


Câu 10. Câu cảm nào đúng với tình huống sau :

Cô giáo ra một bài toán khó, cả lớp chỉ có một bạn làm được.

a. Bạn giỏi thật !
b. Bạn siêu thật đấy !
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Nguồn: Tổng hợp
 
Đáp án Trắc nghiệm Hơn một nghìn ngày vòng quanh trái đất
Câu12345678910
ý đúngabbccabca-2; b-3; c-1c
 
Dòng sông mặc áo

Dòng sông mới điệu làm sao

Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha

Trưa về trời rộng bao la

Áo xanh sông mặc như là mới may

Chiều trôi thơ thẩn áng mây

Cài lên màu áo hây hây ráng vàng

Đêm thêu trước ngực vầng trăng

Trên nền nhung tím trăm ngàn sao lên

Khuya rồi, sông mặc áo đen

Nép trong rừng bưởi lặng yên đôi bờ...

Sáng ra thơm đến ngẩn ngơ

Dòng sông đã mặc bao giờ áo hoa

Ngước lên bỗng gặp la đà

Ngàn hoa bưởi trắng nở nhòa áo ai...

NGUYỄN TRỌNG TẠO

Câu 1. Ai là tác giả của bài thơ?

a. Nguyễn Trọng Tạo.
b. Trần Đăng Khoa.
c. Thy Ngọc.

Câu 2. Dòng sông mặc áo hoa vào buổi nào trong ngày?

a. Buổi sáng.
b. Buổi trưa.
c. Buổi chiều.

Câu 3. Dòng sông mặc áo xanh vào buổi nào trong ngày?

a. Buổi sáng.
b. Buổi trưa.
c. Buổi chiều.

Câu 4. Dòng sông mặc áo vàng vào buổi nào trong ngày?

a. Buổi sáng.
b. Buổi trưa.
c. Buổi chiều.

Câu 5. Dòng sông mặc áo đen vào buổi nào trong ngày?

a. Buổi sáng.
b. Buổi trưa.
c. Buổi đêm.

Câu 6. Biện pháp nhân hóa trong bài thơ có tác dụng gì?

a. Làm cho hình ảnh dòng sông trở nên gần gũi, thân thuộc.
b. Thể hiện được sự thay đổi màu sắc của dòng sông theo thời gian.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 7. Trong câu thơ “Áo xanh mặc như là mới may”, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?

a. Nhân hóa.
b. So sánh.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 8. Trong câu thơ “Dòng sông đã mặc bao giờ áo hoa” tác giả đã nhân hóa dòng sông bằng cách nào?

a. Tả dòng sông bằng những từ ngữ chỉ hoạt động của con người.
b. Nói với dòng sông như nói với người.
c. Gọi dòng sông bằng một từ vốn để gọi người.

Câu 9. Câu cảm sau đây dùng để làm gì?

Chà, con vẹt có bộ lông mới đẹp làm sao!

a. Dùng để bộc lộ cảm xúc vui mừng.
b. Dùng để bộc lộ cảm xúc thán phục.
c. Dùng để bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên.

Câu 10. Những câu cảm sau đây bộc lộ cảm xúc gì bằng cách nối?

a. Ôi, bạn Hải đến kìa!1. Cảm xúc ngạc nhiên.
b. Ôi, bạn Hải thông minh quá!2. Cảm xúc đau xót.
c. Trời, thật là kinh khủng!3. Cảm xúc vui mừng.
d. Cậu làm tớ bất ngờ quá!4. Cảm xúc thán phục.
Nguồn: Tổng hợp
 
Ăng-co Vát

Ăng-co Vát là một công trình kiến trúc và điêu khắc tuyệt diệu của nhân dân Cam-pu-chia được xây dựng từ đầu thế kỉ XII.

Khu đền chính gồm ba tầng với những ngọn tháp lớn. Muốn thăm hết khu đền chính phải đi qua ba tầng hành lang dài gần 1500 mét và vào thăm 398 gian phòng. Suốt cuộc dạo xem kì thú đó, du khách sẽ cảm thấy như lạc vào thế giới của nghệ thuật chạm khắc và kiến trúc cổ đại. Đây, những cây tháp lớn được dựng bằng đá ong và bọc ngoài bằng đá nhẵn. Đây, những bức tường buồng nhẵn bóng như mặt ghế đá, hoàn toàn được ghép bằng những tảng đá lớn đẽo gọt vuông vức và lựa ghép vào nhau kín khít như xây gạch vữa.

Toàn bộ khu đền quay về hướng tây. Lúc hoàng hôn, Ăng-co Vát thật huy hoàng. Mặt trời lặn, ánh sáng chiếu soi vào bóng tối cửa đền. Những ngọn tháp cao vút ở phía trên, lấp loáng giữa những chùm lá thốt nốt xòa tán tròn vượt lên hẳn những hàng muỗm già cổ kính. Ngôi đền cao với những thềm đá rêu phong, uy nghi kì lạ, càng cao càng thâm nghiêm dưới ánh trời vàng, khi đàn dơi bay tỏa ra từ các ngách.

Theo NHỮNG KÌ QUAN THẾ GIỚI

Câu 1. Ăng-co Vát là công trình kiến trúc nổi tiếng của quốc gia nào?

A. Lào
B. Phi líp pin
C. Cam pu chia
D. Mi an ma

Câu 2. Ăng-co Vát được xây dựng từ bao giờ?

A. Đầu thế kỉ X
B. Đầu thế kỉ XIII
C. Đầu thế kỉ XII
D. Đầu thế kỉ XX

Câu 3. Khu đền chính đồ sộ như thế nào?

A. Khu đền chính gồm ba tầng với những ngọn tháp lớn, hành lang dài gần 1500 mét và vào thăm 398 gian phòng.
B. Đây, những bức tường buồng nhẵn bóng như mặt ghế đá, hoàn toàn được ghép bằng những tảng đá lớn đẽo gọt vuông vức và lựa ghép vào nhau kín khít như xây gạch vữa.
C. Đây, những cây tháp lớn được dựng bằng đá ong và bọc ngoài bằng đá nhẵn.
D. Suốt cuộc dạo xem kì thú đó, du khách sẽ cảm thấy như lạc vào thế giới của nghệ thuật chạm khắc và kiến trúc cổ đại.

Câu 4. Khu đền chính có bao nhiêu gian phòng?

A. 938 gian phòng
B. 398 gian phòng
C. 500 gian phòng
D. 500 gian phòng

Câu 5. Nghệ thuật kiến trúc đền Ăng-co Vát có nét đặc trưng nào?

A. Là nghệ thuật chạm khắc.
B. Là nghệ thuật xây đắp.
C. Là nghệ thuật sơn mài.
D. Là nghệ thuật đồ gốm.

Câu 6. Khu đền Ăng-co Vát được xây dựng bằng chất liệu nào?

A. Xi-măng
B. Gốm
C. Đá
D. Gỗ

Câu 7. Toàn bộ khu đền quay về hướng nào?

A. Hướng Nam
B. Hướng Bắc
C. Hướng Đông
D. Hướng Tây

Câu 8. Từ nào dưới đây mô tả đúng vẻ đẹp của Ăng-co Vát?

A. Hiện đại
B. Cổ kính
C. Hoang tàn
D. Sành điệu

Câu 9. Nội dung của bài Ăng-co Vát là gì?

A. Ăng-co Vát được xây dựng khá lâu đời nên rất đổ nát, hoang tàn.
B. Ăng-co Vát là biểu tượng văn hóa nghệ thuật của người Cam-pu-chia.
C. Ăng-co Vát là công trình kiến trúc nổi tiếng của Cam-pu-chia và là một kì quan thế giới.
D. Ăng-co Vát là địa điểm thu hút khách du lịch của Cam-pu-chia.

Câu 10. Trạng ngữ trong câu sau xác định điều gì?

Ngày nhỏ, tôi là một búp non.

A. Nguyên nhân.
B.. Thời gian.
C. Nơi chốn.
D. Mục đích

Nguồn: Tổng hợp
 
Con chuồn chuồn nước

Ôi chao! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao! Màu vàng trên lưng chú lấp lánh. Bốn cái cánh mỏng như giấy bóng. Cái đầu tròn và hai con mắt long lanh như thủy tinh. Thân hình chú nhỏ và thon vàng như màu vàng của nắng mùa thu. Chú đậu trên một cành lộc vừng ngả dài trên mặt hồ. Bốn cánh khẽ rung rung như đang còn phân vân.

Rồi đột nhiên, chú chuồn chuồn nước tung cánh bay vọt lên. Cái bóng chú nhỏ xíu lướt nhanh trên mặt hồ. Mặt hồ trải rộng mênh mông và lặng sóng. Chú bay lên cao hơn và xa hơn. Dưới tầm cánh chú bây giờ là lũy tre xanh rì rào trong gió, là bờ ao với những khóm khoai nước rung rinh. Rồi những cảnh tuyệt đẹp của đất nước hiện ra: cánh đồng với những đàn trâu thung thăng gặm cỏ; dòng sông với những đoàn thuyền ngược xuôi. Còn trên tầng cao là đàn cò đang bay, là trời xanh trong và cao vút.

NGUYỄN THẾ HỘI

Câu 1. Ai là tác giả của bài văn?

a. Nguyễn Thế Hội.
b. Xuân Quỳnh.
c. Võ Quảng.

Câu 2. Màu vàng trên lưng chú chuồn chuồn nước được miêu tả bằng từ nào?

a. Lóng lánh.
b. Lấp lánh.
c. Lung linh.

Câu 3. Bốn cái cánh mỏng của chú chuồn chuồn nước được miêu tả như thế nào?

a. Mỏng như giấy quyến.
b. Mỏng như lá lúa.
c. Mỏng như giấy bóng.

Câu 4. Cái đầu và hai con mắt của chú chuồn chuồn nước được so sánh với vật gì?

a. Thuỷ tinh.
b. Viên ngọc.
c. Hạt huyền.

Câu 5. Thân của chú chuồn chuồn nước được miêu tả như thế nào?

a. Nhỏ và thon vàng như nắng mùa hè.
b. Nhỏ và thon vàng như nắng mùa thu.
c. Nhỏ và thon vàng như nắng mùa xuân.

Câu 6. Từ nào dưới đây được dùng để tả đôi cánh đang khẽrung của chuồn chuồn nước?

a. Băn khoăn.
b. Phân vân.
c. Ngập ngừng.

Câu 7. Khi chú chuồn chuồn nước cất cánh bay cao, những cảnh đẹp nào hiện ra dưới tầm cánh của chú?

a. Luỹ tre xanh rì rào trong gió, bờ ao với những khóm khoai nước rung rinh.
b. Cánh đồng với những đàn trâu thủng thẳng gặm cỏ, dòng sông với những đoàn thuyền ngược xuôi.
c. Trên tầng cao là đàn cò đang bay, là trời xanh trong và cao vút.

Câu 8. Dòng nào dưới đây nêu nội dung chính của bài?

a. Miêu tả vẻ đẹp của chuồn chuồn nước và vẻ đẹp của phong cảnh làng quê, qua đó thể hiện tình yêu đối với con chuồn chuồn nước của tác giả.
b. Miêu tả vẻ đẹp của con chuồn chuồn nước và vẻ đẹp của làng quê, qua đó thể hiện tình yêu của tác giả với mọi người.
c. Miêu tả vẻ đẹp của con chuồn chuồn nước và vẻ đẹp của phong cảnh làng quê, qua đó thể hiện tình yêu quê hương đất nước của tác giả.

Câu 9. Trạng ngữ trong câu sau trả lời cho câu hỏi nào?

Ngày xưa, có một chàng Mồ Côi được dân tin cậy giao cho việc xử kiện.

a. Khi nào?
b. Ở đâu?
c. Vì sao?
d. Để làm gì?

Câu 10. Trạng ngữ sau xác định điều gì?

Ở chiến trường, bệnh sốt rét hoành hành, đồng bào và chiến sĩ cần có ông.

a. Nguyên nhân.
b. Nơi chốn.
c. Thời gian
d. Mục đích.

Nguồn: Tổng hợp
 
Vương quốc vắng nụ cười

Ngày xửa ngày xưa, có một vương quốc buồn chán kinh khủng chỉ vì cư dân ở đó không ai biết cười. Nói chính xác là chỉ có rất ít trẻ con cười được, còn người lớn thì hoàn toàn không. Buổi sáng, mặt trời không muốn dậy, chim không muốn hót, hoa trong vườn chưa nở đã tàn. Ra đường gặp toàn những gương mặt rầu rĩ, héo hon. Ngay kinh đô là nơi nhộn nhịp cũng chỉ nghe thấy tiếng ngựa hí, tiếng sỏi đá lạo xạo dưới bánh xe, tiếng gió thở dài trên những mái nhà... Nhà vua, may sao, vẫn còn tỉnh táo để nhận ra mối nguy cơ đó. Ngài họp triều đình và cử ngay một viên đại thần đi du học, chuyên về môn cười.

Một năm trôi qua, thời hạn học tập đã hết, nhà vua thân hành dẫn các quan ra tận cửa ải đón vị đại thần du học trở về. Ai cũng hồi hộp mong nhìn thấy nụ cười mầu nhiệm của ông ta. Nhưng họ đã thất vọng. Vị đại thần vừa xuất hiện đã vội rập đầu, tâu lạy:

- Muôn tâu Bệ hạ, thần xin chịu tội. Thần đã cố gắng hết sức nhưng học không vào.

Các quan nghe vậy ỉu xìu, còn nhà vua thì thở dài sườn sượt. Không khí của triều đình thật là ảo não. Đúng lúc đó, một viên thị vệ hớt hải chạy vào:

- Tâu Bệ hạ! Thần vừa tóm được một kẻ đang cười sằng sặc ngoài đường.

- Dẫn nó vào! - Nhà vua phấn khởi ra lệnh.

(còn nữa)

Theo TRẦN ĐỨC TIẾN

Chú thích:

- Nguy cơ: điều có thể gây ra tai họa lớn.

- Thân hành: tự mình làm, không để người khác làm thay.

- Du học: đi học xa (thường là ở nước ngoài).

Câu 1. Chi tiết nào trong bài cho thấy cuộc sống ở Vương Quốc nọ rất buồn?

a. Buổi sáng, mặt trời không muốn dậy, chim không muốn hót, hoa trong vườn chưa nở đã tàn, gương mặt ai cũng rầu rĩ, héo hon.
b. Ngay kinh đô là nơi nhộn nhịp nhất cũng chỉ nghe thấy tiếng ngựa hí, tiếng sỏi đá lạo xạo dưới bánh xe, tiếng gió thở dài trên những mái nhà.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 2. Vì sao cuộc sống ở Vương Quốc nọ buồn chán?

a. Vì dân cư ở đó không biết múa.
b. Vì dân cư ở đó không biết cười.
c. Vì dân cư ở đó không biết hát.

Câu 3. Nhà vua đã làm gì để nhằm thay đổi tình hình?

a. Ngài họp triều đình và cử ngay một viên đại thần đi du học, chuyên về môn hát.
b. Ngài họp triều đình và cử ngay một viên đại thần đi du học, chuyên về môn múa.
c. Ngài họp triều đình và cử ngay một viên đại thần đi du học, chuyên về môn cười.

Câu 4. Dòng nào dưới đây miêu tả cảnh triều đình khi vị đại thần đi du học trở về?

a. Các quan ỉu xìu, nhà vua thở dài sườn sượt.
b. Không khí triều đình thật là ảo não.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 5. Viên thị về tâu với nhà vua điều gì?

a. Thần vừa tóm được một kẻ đang hát véo von ngoài đường.
b. Thần vừa tóm được một kẻ đang cười sằng sặc ngoài đường.
c. Thần vừa tóm được một kẻ đang múa ngoài đường.

Câu 6. Khi nghe lời tâu của viên thị, thái độ của nhà vua thế nào?

a. Phấn khởi.
b. Vui mừng.
c. Háo hức.

Câu 7. Trong mắt của triều thần, cậu bé là người thế nào?

a. Dũng cảm.
b. Phi thường.
c. Gan dạ.

Câu 8. Cậu bé phát hiện ra chuyện buồn cười ở đâu?

a. Trong cung đình.
b. Ngay xung quanh cậu.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 9. Trong đoạn văn dưới đây có mấy câu có trạng ngữ?

Ngày xửa, ngày xưa, có một vương quốc buồn chán kinh khủng chỉ vì dân ở đó không ai biết cười. Nói chính xác là chỉ có rất ít trẻ con cười được, còn người lớn thì hoàn toàn không. Buổi sáng mặt trời không muốn dậy, chim không muốn hót, hoa trong vườn chưa nở đã tàn.

a. 1.
b. 2.
c. 3.

Câu 10. Trạng ngữ trong câu sau xác định điều gì?

Một năm trôi qua, thời hạn học tập đã hết, nhà vua thân hành dẫn các quan ra tận cửa ải đón vị đại thần du học trở về.

a. Thời gian.
b. Mục đích.
c. Nguyên nhân.
d. Nơi chốn.

Nguồn: Tổng hợp
 
Ngắm trăng

Trong tù không rượu cũng không hoa,

Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ.

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Không đề

Đường non khách tới hoa đầy

Rừng sâu quân đến, tung bay chim ngàn

Việc quân việc nước đã bàn,

Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau.

HỒ CHÍ MINH

(Nam Trân dịch)

Chú thích:

- Tháng 8 - 1942, trên đường sang Trung Quốc, Bác Hồ bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ hơn một năm trời. Bài thơ trên được Bác sáng tác trong tù.

- Hững hờ: không để ý đến.


Câu 1. Bác Hồ ngắm trăng trong hoàn cảnh nào?

A. Bác đang sang Pháp tìm đường cứu nước.
B. Bác đang lãnh đạo quân dân trong chiến dịch Việt Bắc
C. Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam trong tù.
D. Bác đang đi công tác ở Liên Xô, Thái Lan.

Câu 2. Câu thơ "Trong tù không rượu cũng không hoa" nói lên điều gì?

A. Hoàn cảnh đất nước có chiến tranh.
B. Hoàn cảnh tù đày thiếu thốn.
C. Bác Hồ rất dũng cảm.
D. Bác Hồ rất yêu thiên nhiên.

Câu 3. Câu thơ "Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ" cho thấy điều gì về Bác Hồ?

A. Bác rất thông minh, sáng suốt và tài giỏi.
B. Bác rất giản dị, tiết kiệm và gần gũi với nhân dân.
C. Bác có tinh thần lạc quan, yêu thiên nhiên.
D. Bác có tinh thần yêu nước, lo lắng cho vận mệnh dân tộc.

Câu 4. Bài thơ nói lên điều gì về Bác Hồ?

A. Bác Hồ là người rất yêu nước.
B. Bác Hồ rất yêu thiên nhiên.
C. Bác Hồ là người rất giản dị.
D. Bác Hồ rất dũng cảm.

Câu 5. Qua bài thơ, ta thấy được Bác Hồ là người rất ... ..., yêu thiên nhiên, ngay cả trong hoàn cảnh tù đày.

A. quan tâm
B. dũng cảm
C. lạc quan
D. giản dị

Câu 6. Bài thơ không đề được Bác sáng tác trong hoàn cảnh nào?

A. Trong thời gian bác bị tù ở Trung Quốc
B. Trong kháng chiến chống Pháp
C. Trong kháng chiến chống Mỹ
D. Trong lúc gửi thư chúc tế Trung Thu cho thiếu nhi

Câu 7. Câu thơ nào cho thấy Bác luôn bận rộn và lo cho cuộc kháng chiến của đất nước?

A. Rừng sâu quân đến, tung bay chim ngàn
B. Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau.
C. Đường non khách tới hoa đầy
D. Việc quân việc nước đã bàn

Câu 8. Câu thơ nào cho thấy: Tuy bận việc nước nhưng Bác vẫn có những giây phút gần gũi với trẻ thơ, cuộc sống bình dị, thư giãn, ung dung, lạc quan?

A. Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau.
B. Đường non khách tới hoa đầy
C. Rừng sâu quân đến, tung bay chim ngàn
D. Việc quân việc nước đã bàn.

Nguồn: Tổng hợp
 
Vương quốc vắng nụ cười

(Tiếp theo)

Cả triều đình háo hức nhìn con người phi thường vừa xuất hiện. Hóa ra, đó chỉ là một cậu bé chừng mười tuổi, tóc để trái đào. Nhà vua bèn ngọt ngào bảo cậu:

- Hãy nói cho ta biết vì sao cháu cười được!

- Muôn tâu Bệ hạ, những chuyện buồn cười không thiếu đâu ạ. Ngay tại đây cũng có. Bệ hạ tha cho tội chết, cháu sẽ nói.

Cậu bé ấp úng:

- Chẳng hạn, sáng nay, Bệ hạ đã quên... lau miệng ạ.

Nhà vua giật mình, đưa tay lên mép. Một hạt cơm lăn xuống áo hoàng bào. Các quan đưa tay bụm miệng cười. Đến khi cậu bé chỉ quả táo cắn dở đang căng phồng trong túi áo của quan coi vườn ngự uyển thì ai nấy đều bật cười thành tiếng.

Nhà vua gật gù. Thế rồi, ngắm nhìn cậu bé, ngài bỗng hỏi:

- Này cháu, vì sao nãy giờ cháu cứ đứng lom khom thế?

- Tâu Bệ hạ, ban nãy cháu bị quan thị vệ đuổi, cuống quá nên... đứt dải rút ạ.

Triều đình được mẻ cười vỡ bụng. Tiếng cười thật dễ lây. Ngày hôm đó, vương quốc nọ như có phép mầu làm thay đổi. Đến đâu cũng gặp những gương mặt tươi tỉnh, rạng rỡ. Hoa bắt đầu nở. Chim bắt đầu hót. Còn những tia nắng mặt trời thì nhảy múa và sỏi đá cũng biết reo vang dưới những bánh xe. Vương quốc u buồn đã thoát khỏi nguy cơ tàn lụi.

Theo TRẦN ĐỨC TIẾN

Chú thích:

- Tóc để trái đào: đầu cạo trọc, chỉ để lại vài ba mớ tóc trông như quả đào.

- Vườn ngự uyển: vườn hoa trong cung vua.

Câu 1. Vì sao cậu bé lại cười được?

A. Vì cậu bé nghĩ ra được mọi chuyện buồn cười, cậu bé luôn lạc quan.
B. Vì cha cậu bé dạy cậu cười từ nhỏ.
C. Vì cậu bé sinh ra đã biết cười, không biết khóc.
D. Vì cậu bé đã được đi du học về môn cười.

Câu 2. Cậu bé phát hiện ra những chuyện buồn cười ở đâu?

A. Ở trong sách vở.
B. Ở trong những giấc mơ.
C. Ở xung quanh mình.
D. Ở trong những truyện kể của cha.

Câu 3. Vì sao những chuyện cậu bé kể lại gây cười?

A. Vì những chuyện ấy bất ngờ và trái với tự nhiên.
B. Vì cậu bé rất hồn nhiên, ngây thơ, trẻ con.
C. Vì những chuyện cậu bé kể rất thông minh, hài hước.
D. Tất cả các ý trên

Câu 4. Câu chuyện cậu bé kể khiến cả triều đình như thế nào?

A. Cả triều đình được mẻ cười vỡ bụng.
B. Cả triều đình đều kinh ngạc.
C. Cả triều đình đều buồn ủ rũ.
D. Tất cả các ý trên

Câu 5. Dòng nào dưới đây nêu đúng về thông điệp mà bài đọc muốn nói?

A. Con người cái gì cũng phải học, kể cả học cười.
B. Ở đâu có tiếng cười thì ở đó có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.
C. Trẻ con rất hồn nhiên và có khả năng sáng tạo rất lớn.
D. Ở đâu có trẻ con thì ở đó có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.

Câu 6. Cậu bé phát hiện ra những chuyện buồn cười ở đâu?

A. Ở trong những giấc mơ.
B. Ở trong sách vở.
C. Ở trong những truyện kể của cha.
D. Ở xung quanh mình.

Nguồn: Tổng hợp
 
Con chim chiền chiện

(trích)


Con chim chiền chiện

Bay vút, vút cao

Lòng đầy yêu mến

Khúc hát ngọt ngào.



Cánh đập trời xanh

Cao hoài, cao vợi

Tiếng hót long lanh

Như cành sương chói.



Chim ơi, chim nói

Chuyện chi, chuyện chi?

Lòng vui bối rối

Đời lên đến thì...



Tiếng ngọc trong veo

Chim gieo từng chuỗi

Lòng chim vui chiều

Hót không biết mỏi.



Chim bay, chim sà

Lúa tròn bụng sữa

Đồng quê chan chứa

Những lời chim ca



Bay cao, cao vút

Chim biến mất rồi

Chỉ còn tiếng hót

Làm xanh da trời...

HUY CẬN

Chú thích:

- Cao hoài: cao mãi không thôi

- Cao vợi: cao đến mức tầm mắt khó thấy.

- Thì: thời điểm thuận lợi nhất để phát triển; thời điểm phát triển mạnh mẽ nhất.

- Lúa tròn bụng sữa: những hạt lúa non bên trong chứa chất bột đang hình thành, dạng lỏng như sữa.

Câu 1. Bài thơ gồm có mấy khổ?

A. 4 khổ
B. 6 khổ
C. 8 khổ
D. 1 khổ

Câu 2. Con chim chiền chiện bay lượn giữa khung cảnh thiên nhiên như thế nào?

A. Bay lượn giữa khung cảnh bao la rộng lớn của đất trời.
B. Bay lượn trong chiếc lồng sắt và nhìn ngắm thiên nhiên.
C. Bay lượn giữa khung cảnh nhỏ hẹp.
D. Bay lượn giữa khung cảnh thiên nhiên đầy bão giông, hoang tàn.

Câu 3. Tiếng hót của chiền chiện gợi cho ta những cảm giác như thế nào?

A. Sôi sục, giục giã, gấp gáp
B. Lo lắng, tức tối, buồn rầu
C. Ồn ào, náo nhiệt, phiền phức
D. Thanh bình, tự do, yêu đời

Câu 4. Trong khổ thơ cuối, tiếng hót của chim chiền chiện có tác dụng gì?

A. Làm xanh da trời
B. Khiến cây lúa trổ bông
C. Gọi bình minh tới
D. Làm vạn vật thức giấc

Câu 5. Trong bài đọc “Con chim chiền chiện”, câu thơ nào nói tới tâm trạng của con chim chiền chiện?

A. Lòng chim vui nhiều
B. Chim bay, chim sà
C. Chim biến mất rồi
D. Bay vút, vút cao

Nguồn: Tổng hợp
 

Xếp hạng chủ đề

Tạo
Giáo Án Mới,
Trả lời lần cuối từ
Giáo Án Mới,
Trả lời
80
Lượt xem
8,262

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Back
Top