Để đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em vùng lũ, năm nay, các địa phương tiếp tục duy trì hoạt động đưa rước trẻ đến trường và tổ chức các điểm giữ trẻ. Việc làm này không chỉ giải quyết nỗi lo chung của chính quyền địa phương và phụ huynh đối với các em nhỏ, mà còn góp phần giảm nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, ngăn dòng bỏ học.
Duy trì các điểm giữ trẻ
Năm nay, theo kế hoạch của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, huyện An Phú và Chợ Mới tổ chức 6 điểm giữ trẻ. Để tạo điều kiện cho các điểm giữ trẻ hoạt động thuận lợi, định mức hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em là 20.000 đồng/trẻ/ngày, giáo viên chăm sóc trong 3 tháng được trả lương theo định mức lương cơ sở quy định. UBND tỉnh hỗ trợ mỗi điểm giữ trẻ 500.000 đồng/tháng/điểm chi tiền điện, nước, gas… Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ mỗi điểm giữ trẻ 500.000 đồng mua sắm các vật dụng, dụng cụ đồ chơi cho trẻ em để tránh nhàm chán, tạo thêm không gian vui chơi. Giáo viên dạy trẻ là những người được tham gia tập huấn về phương pháp, kỹ năng chăm sóc và nuôi giữ trẻ vùng lũ.
Đến điểm giữ trẻ thuộc ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hội Đông, An Phú), số trẻ tập trung 1 tuần qua khoảng 60 em đã ổn định và dần quen nền nếp mới. Bà Trần Thị Thu Vân (người đã có 8 năm kinh nghiệm với việc giữ trẻ) cho hay, điểm giữ trẻ sẽ được duy trì khoảng 2 tháng xuyên suốt, kể cả ngày cuối tuần. Em nhỏ nhất 2 tuổi và lớn nhất 9 tuổi. Bà Vân chia sẻ: “Có điểm giữ trẻ, bà con rất mừng, vì ở đây hầu hết là dân lao động nghèo, đi đồng xa làm ăn. Có gia đình không ai trông giữ con nhỏ nên mùa nước có chỗ giữ trẻ vừa miễn phí, vừa an toàn là rất cần thiết”. Mỗi ngày, bà Vân cùng 2 cô giáo chăm giữ, nấu ăn 2 buổi (sáng và trưa) và thay đổi thực đơn liên tục để đảm bảo cho các cháu ăn ngon, đủ dinh dưỡng. Từ nguồn kinh phí được nhà nước hỗ trợ, các cô bổ sung đồ chơi thường xuyên, số trẻ đông nên vài ngày phải gom đồ chơi rửa xà phòng, phơi nắng nhằm giữ vệ sinh và phòng các bệnh lây lan cho trẻ.
Huyện An Phú có 3 điểm giữ trẻ tại xã Vĩnh Hội Đông và Vĩnh Hậu, còn huyện Chợ Mới có 3 điểm giữ trẻ tại xã Tấn Mỹ và Mỹ Hiệp. Các điểm giữ trẻ bắt đầu từ cuối tháng 9, đang ổn định số lượng trẻ. Các địa phương cho biết, nguyện vọng của phụ huynh đều muốn lập điểm giữ trẻ để đảm bảo an toàn cho con em. Đại đa số trẻ được giữ là con thuộc hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn. Những nơi nước thấp, phụ huynh không có nhu cầu gửi con tập trung như năm trước cũng được địa phương lưu ý, tuyên truyền, vận động giữ trẻ an toàn tại nhà.
Đưa rước học sinh đến trường
Xã Vĩnh Hội Đông và Phú Hữu (An Phú) còn chủ động việc đưa rước học sinh đến trường trong mùa lũ. Trường Tiểu học “B” Vĩnh Hội Đông có 2 điểm đều tổ chức đưa rước học sinh, tổng cộng 120 em bằng đò, vỏ lãi mỗi ngày. Anh Trương Hồng Quân (cán bộ trẻ em xã Vĩnh Hội Đông) thông tin, 80% dân trong xã sinh sống gắn với “nghề cá” (thả câu, giăng lưới, đặt lợp) và làm thuê, nên việc đưa đón các em đi học hàng ngày gặp nhiều khó khăn. Phần đông học sinh thuộc ấp Vĩnh Hòa, Vĩnh An, phạm vi cách trường học từ 1-3km. Ngay từ đầu năm học, UBND xã và nhà trường đã lập kế hoạch tổ chức đưa rước học sinh đến trường an toàn, công việc này duy trì hàng năm mỗi đợt lũ về. Do hoàn cảnh các hộ dân đều khó khăn, mùa nước lên việc đi lại cách trở, nếu không có hoạt động này, nguy cơ học sinh bỏ học rất lớn.
Tương tự, tại xã Phú Hữu có 5 trường học thuộc cấp tiểu học, mẫu giáo và THCS. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hữu Nguyễn Văn Tính cho biết, việc đưa rước học sinh đi học kéo dài từ 3-4 tháng, tùy theo mực nước. Hiện xã tổ chức 3 điểm đưa rước học sinh, trong đó, có 1 điểm học sinh thuộc xã Phú Hữu nhưng đi học ở xã Phú Lộc, còn một số hộ sống ở Campuchia đưa con em về đây học được hỗ trợ kinh phí để phụ huynh tự đưa rước. 178 em học sinh thuộc ấp Phú Hiệp và Phú Quới cùng với 46 hộ (166 nhân khẩu) nằm trong vùng cô lập bởi nước lũ được đưa rước miễn phí hàng ngày. Ghi nhận tại ấp Phú Hiệp từ 3 tuần qua, mỗi ngày ông năm Tâm (chủ đò) đi 4 chuyến ra vào đều đặn đảm bảo đưa các cháu đến trường, bất kể mưa nắng. “Ngày nào cũng vậy, 4 giờ sáng là có mặt ở bến đợi tụi nhỏ, đưa tới trường xong lại đợi đưa về. Vì mỗi nhóm ở các nơi khác nhau, phải đợi đầy đủ mới đi trọn một chuyến nhằm đảm bảo thời gian nên giờ nghỉ trưa rất ngắn. Tôi tự lo bữa trưa, tranh thủ vừa ăn vừa đợi các cháu trong nửa tiếng”. Nghe ông Tâm kể mới thấy chuyện đến lớp tìm con chữ của các em thật vất vả, tấm lòng của ông cũng hết mình với con cháu ở đây.
Nhờ những việc làm chủ động hàng năm trong lũ, người dân rất cảm kích sự quan tâm của địa phương. Riêng các em học sinh, nhờ được hỗ trợ điều kiện đến trường, không dang dở việc học nên cũng ý thức phấn đấu tích cực. Dù là địa bàn còn nhiều khó khăn nhưng xã Phú Hữu rất tự hào về tinh thần hiếu học, đặc biệt ở cù lao Bảy Trúc có hàng chục gia đình hiếu học và có con em thi đậu vào đại học.
MỸ HẠNH
Duy trì các điểm giữ trẻ
Năm nay, theo kế hoạch của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, huyện An Phú và Chợ Mới tổ chức 6 điểm giữ trẻ. Để tạo điều kiện cho các điểm giữ trẻ hoạt động thuận lợi, định mức hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em là 20.000 đồng/trẻ/ngày, giáo viên chăm sóc trong 3 tháng được trả lương theo định mức lương cơ sở quy định. UBND tỉnh hỗ trợ mỗi điểm giữ trẻ 500.000 đồng/tháng/điểm chi tiền điện, nước, gas… Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ mỗi điểm giữ trẻ 500.000 đồng mua sắm các vật dụng, dụng cụ đồ chơi cho trẻ em để tránh nhàm chán, tạo thêm không gian vui chơi. Giáo viên dạy trẻ là những người được tham gia tập huấn về phương pháp, kỹ năng chăm sóc và nuôi giữ trẻ vùng lũ.
Đến điểm giữ trẻ thuộc ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hội Đông, An Phú), số trẻ tập trung 1 tuần qua khoảng 60 em đã ổn định và dần quen nền nếp mới. Bà Trần Thị Thu Vân (người đã có 8 năm kinh nghiệm với việc giữ trẻ) cho hay, điểm giữ trẻ sẽ được duy trì khoảng 2 tháng xuyên suốt, kể cả ngày cuối tuần. Em nhỏ nhất 2 tuổi và lớn nhất 9 tuổi. Bà Vân chia sẻ: “Có điểm giữ trẻ, bà con rất mừng, vì ở đây hầu hết là dân lao động nghèo, đi đồng xa làm ăn. Có gia đình không ai trông giữ con nhỏ nên mùa nước có chỗ giữ trẻ vừa miễn phí, vừa an toàn là rất cần thiết”. Mỗi ngày, bà Vân cùng 2 cô giáo chăm giữ, nấu ăn 2 buổi (sáng và trưa) và thay đổi thực đơn liên tục để đảm bảo cho các cháu ăn ngon, đủ dinh dưỡng. Từ nguồn kinh phí được nhà nước hỗ trợ, các cô bổ sung đồ chơi thường xuyên, số trẻ đông nên vài ngày phải gom đồ chơi rửa xà phòng, phơi nắng nhằm giữ vệ sinh và phòng các bệnh lây lan cho trẻ.
Huyện An Phú có 3 điểm giữ trẻ tại xã Vĩnh Hội Đông và Vĩnh Hậu, còn huyện Chợ Mới có 3 điểm giữ trẻ tại xã Tấn Mỹ và Mỹ Hiệp. Các điểm giữ trẻ bắt đầu từ cuối tháng 9, đang ổn định số lượng trẻ. Các địa phương cho biết, nguyện vọng của phụ huynh đều muốn lập điểm giữ trẻ để đảm bảo an toàn cho con em. Đại đa số trẻ được giữ là con thuộc hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn. Những nơi nước thấp, phụ huynh không có nhu cầu gửi con tập trung như năm trước cũng được địa phương lưu ý, tuyên truyền, vận động giữ trẻ an toàn tại nhà.
Đưa rước học sinh đến trường
Xã Vĩnh Hội Đông và Phú Hữu (An Phú) còn chủ động việc đưa rước học sinh đến trường trong mùa lũ. Trường Tiểu học “B” Vĩnh Hội Đông có 2 điểm đều tổ chức đưa rước học sinh, tổng cộng 120 em bằng đò, vỏ lãi mỗi ngày. Anh Trương Hồng Quân (cán bộ trẻ em xã Vĩnh Hội Đông) thông tin, 80% dân trong xã sinh sống gắn với “nghề cá” (thả câu, giăng lưới, đặt lợp) và làm thuê, nên việc đưa đón các em đi học hàng ngày gặp nhiều khó khăn. Phần đông học sinh thuộc ấp Vĩnh Hòa, Vĩnh An, phạm vi cách trường học từ 1-3km. Ngay từ đầu năm học, UBND xã và nhà trường đã lập kế hoạch tổ chức đưa rước học sinh đến trường an toàn, công việc này duy trì hàng năm mỗi đợt lũ về. Do hoàn cảnh các hộ dân đều khó khăn, mùa nước lên việc đi lại cách trở, nếu không có hoạt động này, nguy cơ học sinh bỏ học rất lớn.
Tương tự, tại xã Phú Hữu có 5 trường học thuộc cấp tiểu học, mẫu giáo và THCS. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hữu Nguyễn Văn Tính cho biết, việc đưa rước học sinh đi học kéo dài từ 3-4 tháng, tùy theo mực nước. Hiện xã tổ chức 3 điểm đưa rước học sinh, trong đó, có 1 điểm học sinh thuộc xã Phú Hữu nhưng đi học ở xã Phú Lộc, còn một số hộ sống ở Campuchia đưa con em về đây học được hỗ trợ kinh phí để phụ huynh tự đưa rước. 178 em học sinh thuộc ấp Phú Hiệp và Phú Quới cùng với 46 hộ (166 nhân khẩu) nằm trong vùng cô lập bởi nước lũ được đưa rước miễn phí hàng ngày. Ghi nhận tại ấp Phú Hiệp từ 3 tuần qua, mỗi ngày ông năm Tâm (chủ đò) đi 4 chuyến ra vào đều đặn đảm bảo đưa các cháu đến trường, bất kể mưa nắng. “Ngày nào cũng vậy, 4 giờ sáng là có mặt ở bến đợi tụi nhỏ, đưa tới trường xong lại đợi đưa về. Vì mỗi nhóm ở các nơi khác nhau, phải đợi đầy đủ mới đi trọn một chuyến nhằm đảm bảo thời gian nên giờ nghỉ trưa rất ngắn. Tôi tự lo bữa trưa, tranh thủ vừa ăn vừa đợi các cháu trong nửa tiếng”. Nghe ông Tâm kể mới thấy chuyện đến lớp tìm con chữ của các em thật vất vả, tấm lòng của ông cũng hết mình với con cháu ở đây.
Nhờ những việc làm chủ động hàng năm trong lũ, người dân rất cảm kích sự quan tâm của địa phương. Riêng các em học sinh, nhờ được hỗ trợ điều kiện đến trường, không dang dở việc học nên cũng ý thức phấn đấu tích cực. Dù là địa bàn còn nhiều khó khăn nhưng xã Phú Hữu rất tự hào về tinh thần hiếu học, đặc biệt ở cù lao Bảy Trúc có hàng chục gia đình hiếu học và có con em thi đậu vào đại học.
MỸ HẠNH