Đề cương Ôn tập Ngữ văn 6 năm học 2020, trắc nghiệm và tự luận

Trắc nghiệm bài Lòng yêu nước

I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ đoạn trích dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, -yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Chiến tranh khiến cho những công dân Xô viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương. Người vùng Bắc nghĩ đến cánh rừng bên dòng sông Vi-na hay miền Xu-cô-nô, thân cây mọc là là mặt nước, nghĩ đến những đêm tháng sáu sáng hồng và tiếng “cô nàng” gọi đùa người yêu. Người xứ U-crai-na nhớ bóng thùy dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh, vào lúc ấy, thời gian dường như không trôi đi nữa. Chỉ có tiếng ong bay khẽ xua động cái yên lặng trọng thể. Người xứ Gru-di-a ca tụng khí trời của núi cao, những tảng đá sáng rực và nỗi vui bất chợt của một dòng suối óng ánh bạc, vị mát của nước đóng thành băng, rượu vang cay sẽ tu trong bọc đựng rượu bằng da dê, những lời thân ái giản dị và những tiếng cuối cùng của câu chào tạm biệt vọng lại. Người thành Lê-nin-grát bị sương mù quê hương ám ảnh, nhớ dòng sông Nê-va rộng và đường bệ như nước Nga đường bệ, nhớ những tượng bằng đồng tạc những con chiến mã lồng lên, và lá hoa rực rỡ của công viên mùa hè, nhớ phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lich sử. Người Mát-xcơ-va nhớ như thấy lại những phố cũ chạy ngoằn ngoèo lan man như một hoài niệm, để rồi đổ ra những đại lộ của thành phố mới. Xa nữa là điện Krem-li, những tháp cổ ngày xưa, dấu hiệu vinh quang của đất nước Nga và những ánh sao đỏ của ngày mai.

Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Có thể nào quan niệm được sức mãnh liệt của tình yêu mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử thách. Người ta giờ đã hiểu lòng yêu của mình lớn đến dường nào, yêu người thân, yêu Tổ quốc, yêu nước Nga, yêu Liên bang Xô viết. Điều đó ta đã hiểu, khi kẻ thù giơ tay khả ố động đến Tổ quốc chúng ta. Ai là kẻ chẳng cảm thấy, mùa thu qua, điều giản dị này: “Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa”.

Câu 1. Văn bản Lòng yêu nước là của tác giả nào?

A. Vich-to Huy-gô.
B. I-li-a Ê-ren-bua.
C. H. Ban-zắc.
D. An-phông-xơ Đô-đê.

Câu 2. Tác giả của bài Lòng yêu nước làm nghề gì?

A. Viết văn và viết báo.
B. Viết văn và tham gia đội quân giải phóng,
C. Viết báo và tham gia đội quân giải phóng.
D. Làm thơ và viết văn.

Câu 3. Văn bản Lòng yêu nước được trích từ bài báo nào của tác giả?

A. Gào thét.
B. Buổi học cuối cùng.
C. Thử lửa.
D. Lòng yêu nước.

Câu 4. Văn bản Lòng yêu nước ra đời vào thời gian nào?

A. Trước khi Đức tấn công Liên Xô vào năm 1941, bài viết ra đời nhằm kêu gọi lòng yêu nước của nhân dân Liên Xô sẵn sàng chống lại quân xâm lược.
B. Vào cuối tháng sáu năm 1942, thời kì khó khăn nhất trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc của nhân dân Liên Xô chống lại sự xâm lược của phát xít Đức.
C. Vào tháng 5 năm 1945 khi Hồng quân chuẩn bị tấn công tiêu diệt căn cứ cuối cùng của bọn phát xít là Béc-lin.
D. Sau năm 1945 khi chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt, nhân dân Xô Viết bắt tay xây dựng lại đất nước.

Câu 5. Trong bài viết, tác giả cho rằng lòng yêu nước bắt nguồn từ:

A. Lòng yêu nước chân chính của mỗi người.
B. Lòng yêu những vật tầm thường nhất.
C. Lòng yêu quê hương, gia đình và những người đồng chí.
D. Lòng yêu thiên nhiên, yêu đất nước.

Câu 6. Đặc điểm nào của vùng đất U-crai-na được tác giả nêu ra trong đoạn trích trên?

A. Những bóng thùy dương tư lự bên đường.
B. Rượu vang cay sẽ tu trong bọc đựng rượu bằng da dê.
C. Những phố cũ chạy ngoằn ngoèo lan man như một hoài niệm.
D. Cánh rừng bên dòng sông Vi-na hay miền Xu-cô-nô.

Câu 7. Những vật tầm thường mà tác giả nêu ra trong bài viết là gì?

A. Cái cây trồng ở trước nhà,
B. Cái phố nhỏ đổ ra bờ sông.
C. Vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh.
D. Cả ba câu A, B và C.

Câu 8. Tác giả đã nêu ra đặc điểm gì nổi bật của thành phố Lê-nin- grát?

A. Có tượng bằng đồng tạc những con chiến mã lồng lên.
B. Có công viên mùa hè với lá hoa rực rỡ.
C. Có sương mù bao phủ.
D. Phố phường với mỗi căn nhà là những trang lịch sử.

Câu 9. Chân lí được tác giả nêu ra trong bài thơ là gì?

A. Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất... Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.
B. Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể.
C. Chiến tranh khiến cho những công dân Xô viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương.
D. Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa.

Câu 10. Câu nào trong bài viết khẳng định lòng yêu nước của tác giả cũng như toàn thể nhân dân Xô viết?

A. Người ta giờ đã hiểu lòng yêu của mình lớn đến dường nào, yêu người thân, yêu Tổ quốc, yêu nước Nga, yêu Liên bang Xô viết.
B. Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa.
C. Chiến tranh khiến cho những công dân Xô viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương.
D. Nhớ phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lịch sử.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

BÀI THAM KHẢO

Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.

Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến cát cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng bị tạm chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyền đất ruộng cho Chính phủ... Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.

Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

Nguồn: Tổng hợp
 
Trắc nghiệm bài Lao xao
I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ đoạn trích dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Kia kìa, con diều hâu bay cao tít, nó có cái mũi khoằm, đánh hơi tinh lắm: Đâu có xác chết, đâu có gà con... Khi tiếng nó rú lên, tất cả gà con chui vào cánh mẹ. Tôi đã tận mắt chứng kiến cuộc ẩu đả dưới gốc vối già nhà tôi: Con diều hâu lao như mũi tên xuống, gà mẹ xòe cánh vừa kêu vừa mổ, vừa đạp diều hâu. Tôi mải ngắm nên không cứu được gà. Diều hâu tha được con gà con, lại lao vụt lên mây xanh. Thường thì nó vừa lượn vừa ăn ngay. Lần này nó chưa kịp ăn, những mũi tên đen, mang hình đuôi cá từ đâu tới tấp bay đến. Ấy là những con chèo bẻo. Chúng lao vào đánh con diều hâu túi bụi. Lông diều hâu bay vung tứ linh, miệng kêu la “chéc, chéc”, con mồi rời mỏ diều hâu rơi xuống như một quả rụng. Diều hâu biến mất. Con diều hâu được mẻ hú vía, lần sau cụ bảo cũng không dám đến. Nếu có đến lại là con khác!

[...] Chèo bẻo chỉ sợ mỗi chim cắt. Chim cắt cánh nhọn như dao bầu chọc tiết lợn. Bao nhiêu con bồ câu nhà chú Chàng đã bị chim cắt xỉa chết. Khi đánh nhau, cắt chỉ xỉa bằng cánh. Chúng là loài quỷ đen, vụt đến, vụt biến... cho đến nay chưa có loài chim nào trị được nó. Họ nhà chèo bẻo chắc là nhiều phen muốn trị tội cắt. Một cuộc trị tội diễn ra thật! Hai con chèo bẻo đang bay, một con cắt vụt lao ra. Nó xỉa cánh hụt. Lập tức một đàn chèo bẻo hàng chục con xông lên cứu bạn. Cuộc đánh nhau rất dữ. Trẻ con ở dưới reo ầm lên. Cắt hốt hoảng cho nên xỉa cánh đều trượt. Hàng chục chèo bẻo thi nhau vào mổ. Cắt kiệt sức rồi, quay tròn xuống đồng Xóc như cái diều đứt dây. Chúng tôi ùa chạy ra, con cắt còn ngấp ngoái. Bây giờ tôi mới tận mắt nhìn thấy con cắt. [...]

Câu 1. Đoạn trích Lao xao là của tác giả nào?

A. Duy Khán.
B. Minh Hương.
C. Nguyễn Đình Thi.
D. Thép Mới.

Câu 2. Đoạn trích Lao xao được trích từ tác phẩm nào?

A. Tuổi thơ dữ dội.
B. Tuổi thơ im lặng.
C. Đất nước đứng lên.
D. Quê nội.

Câu 3. Đoạn trích Lao xao thuộc thể loại nào?

A. Hồi kí tự truyện.
B. Bút kí.
C. Truyện ngắn.
D. Nhật kí.

Câu 4. Nội dung chính của đoạn trích đề cập đến loài vật nào?

A. Loài gà.
B. Loài kiến.
C. Loài nhện.
D. Loài chim.

Câu 5. Trong đoạn trích đầu tiên, tác giả đã miêu tả cuộc đánh nhau giữa:

A. Diều hâu và gà mẹ.
B. Chèo bẻo và diều hâu.
C. Chèo bẻo và gà mẹ.
D. Câu A và B đúng.

Câu 6. Trong đoạn trích, những con chèo bẻo được tác giả gọi là gì?

A. Là những quái vật của bầu trời xanh.
B. Những mũi tên đen, mang hình đuôi cá.
C. Những mũi tên đen, mang hình viên đạn.
D. Những chiến sĩ bảo vệ bầu trời.

Câu 7. Trong đoạn trích thứ hai, tác giả đã miêu tả cuộc đánh nhau giữa:

A. Chèo bẻo và diều hâu.
B. Chèo bẻo và chim cắt.
C. Diều hâu và chim cắt.
D. Chim cắt và gà mẹ.

Câu 8. Chim cắt sử dụng loại vũ khí nào khi đánh nhau?

A. Dùng chân đá và cào đối thủ.
B. Vừa dùng mỏ, dùng chân, vừa dùng cánh đánh đối thủ.
C. Dùng cánh xĩa đối thủ.
D. Dùng mỏ cắn và xé thịt đối thủ.

Câu 9. Đoạn trích Lao xao thể hiện điều gì ở tác giả?

A. Sự quan sát tinh tường, vốn hiểu biết phong phú và tình cảm yêu mến cảnh sắc quê hương.
B. Thái độ trân trọng đối với những giá trị hết sức bình dị mà cao quý của cuộc sống.
C. Vốn hiểu biết phong phú về cảnh vật làng quê và lòng yêu mến quê hương, đất nước, con người làng quê.
D. Sự cảm thông sâu sắc và chia sẻ những thiếu thốn đối với lớp trẻ lớn lên ở làng quê.

Câu 10. Bức tranh về các loài chim mà tác giả vẽ ra trong đoạn trích Lao xao như thế nào?

A. Hoang sơ, vắng lặng và mang âm hưởng buồn.
B. Không gian quá rộng, chi tiết sơ sài, con người thưa thớt,
C. Cụ thể, sinh động và nhiều màu sắc.
D. Trừu tượng, các chi tiết khá đa dạng.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Vài nét về nhà tác giả Duy Khán và bài Lao xao.

Gợi ý trả lời:

Nguyễn Duy Khán thường gọi là Duy Khán, sinh năm 1934, mất năm 1995, quê ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Sau này, Nguyễn Duy Khán chuyển về sống ở Hải Phòng. Ông từng là thành viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Duy Khán sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo sống trong vùng tạm chiếm. Việc học của ông bị dở dang, sau đó ông trốn ra vùng tự do và nhập ngũ. Trong quân ngũ, ông tham gia lực lượng bộ binh, sau đó chuyển qua quân chủng Phòng không không quân. Thời gian tại ngũ, ông tham gia dạy văn hóa, làm phóng viên phát thanh và tham gia chiến dịch đường 9 Nam Lào vào năm 1971, chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Sau đó, ông về công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội, rồi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh vào năm 1975.

Các tác phẩm được xuất bản của Duy Khán là tập thơ Trận mới (1972), truyện Tuổi thơ im lặng (1986), tập thơ Tâm sự người đi (1987).

Với tác phẩm Tuổi thơ im lặng, Nguyễn Duy Khán được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1987.

Bài Lao xao nằm trong hồi kí tự truyện Tuổi thơ im lặng. Trong bài Lao xao, bằng sự quan sát tinh tường, vốn hiểu biết phong phú và tình cảm yêu mến cảnh sắc quê hương, Duy Khán đã vẽ nên bức tranh cụ thể, sinh động, nhiều màu sắc về thế giới các loài chim ở đồng quê.

Nguồn: Tổng hợp
 
Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử
Trắc nghiệm

Đọc kĩ văn bản dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, Hà Nội, được khởi công xây dựng vào năm 1898 và hoàn thành sau bốn năm, do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Ép-phen thiết kế. Một thế kỉ qua, cầu Long Biên đã chứng kiến bao sự kiện lịch sử hào hùng, bi tráng. Giờ đây bắc ngang sông Hồng đã có thêm cầu Thăng Long, cầu Chương Dương hiện đại hơn, cầu Long Biên trong thời bình đã rút về vị trí khiêm nhường, nhưng nó đã trở thành chứng nhân lịch sử. Cầu Long Biên như một chứng nhân sống động, đau thương và anh dũng của Thủ đô Hà Nội.

[...] Và cứ mỗi lần nhìn lên bầu trời Hà Nội trong xanh, lòng tôi lại nhớ những năm tháng chống đế quốc Mĩ oanh liệt và oai hùng, Chiếc cầu thân thương ngày ấy trở thành mục tiêu ném bom dữ dội nhất của không lực Hoa Kì. Trong đợt đánh phá miền Bắc lần thứ nhất, cầu bị đánh mười lần, hỏng bảy nhịp và bốn trụ lớn. Đợt thứ hai phá bốn lần với 1000m bị hỏng và hai trụ lớn bị cắt đứt. Những ngày ấy từ phía Cầu Đất nhìn lên, tôi thấy chiếc cầu rách nát giữa trời. Những nhịp cầu tả tơi như ứa máu nhưng cả cây cầu vẫn sừng sững giữa mênh mông trời nước. Chúng ta hàn. Bom Mĩ lại cắt đứt. Lần cuối cùng vào năm 1972, chiếc cầu bị không quân Mĩ ném bom la-de. Tôi chạy lên cầu ngay khi tiếng bom vừa dứt. Những cảnh vệ đầu cầu đã ngăn không cho tôi lên. Nước mắt ứa ra, tôi tưởng như mình đứt từng khúc ruột. [...]

Câu 1. Đoạn trích cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử là của tác giả nào?

A. Hoàng Việt.
B. Thúy Lan.
C. Minh Hương.
D. Thạch Lam.

Câu 2. Đoạn trích cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử có nội dung giống với kiểu văn bản nào?

A. Văn bản nhật dụng.
B. Văn bản hành chính.
C. Văn bản nghị luận.
D. Văn bản tự sự.

Câu 3. Đoạn trích cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử là:

A. Một bài hồi kí mang nhiều yếu tố nhật kí.
B. Một bài nhật kí mang nhiều yếu tố hồi kí.
C. Một bài bút kí mang nhiều yếu tố hồi kí.
D. Một bài hồi kí mang nhiều yếu tố bút kí.

Câu 4. Câu nào dưới dây không nói về thể loại bút kí?

A. Là thể loại kí ghi lại những sự việc, cảnh vật mà nhà văn tận mắt chứng kiến.
B. Nội dung bút kí ngoài việc ghi lại điều tận mắt chứng kiến là những cảm nghĩ của tác giả.
C. Thể loại này được trình bày không chặt chẽ về mặt cốt truyện nhưng trong kí sự nhưng cũng không phóng túng như trong tùy bút.
D. Là thể loại được ghi lại hằng ngày, nội dung là những việc liên quan đến đời tư của tác giả.

Câu 5. Cầu Long Biên được khởi công xây dựng vào năm nào và do kiến trúc sư nào thiết kế?

A. Vào năm 1898, do kiến trúc sư Ép-phen thiết kế.
B. Vào năm 1898, do kiến trúc sư Lau-bát thiết kế.
C. Vào năm 1900, do kiến trúc sư Ép-phen thiết kế.
D. Vào năm 1900, do kiến trúc sư Lau-bát thiết kế.

Câu 6. Trong đoạn trích, tác giả đã thống kê cầu Long Biên bị máy bay Mĩ ném bom bao nhiêu lần?

A. Hai lần.
B. Ba lần.
C. Bốn lần.
D. Năm lần.

Câu 7. Trong đoạn trích, tác giả đã sử dụng chủ yếu biện pháp tu từ nào?

A. So sánh.
B. Ẩn dụ.
C. Nhân hóa.
D. Hoán dụ.

Câu 8. Tại sao tác giả gọi cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử?

A. Vì nó là cây cầu đầu tiên được bắc qua sông Hồng.
B. Vì nó là cây cầu gắn liền với những thăng trầm của Thủ đô Hà Nội
C. Vì trong thời bình nó đã rút về vị trí khiêm nhường.
D. Vì nó là cây cầu đã gồng mình hứng chịu bao trận bom đạn của đế quốc Mĩ.

Câu 9. Tác giả đã dùng hình ảnh nào để nói về cây cầu sau hai trận bom của giặc Mĩ?

A. Những nhịp cầu tả tơi như ứa máu nhưng cả cây cầu vẫn sừng sững giữa mênh mông trời nước.
B. Cầu Long Biên như một chứng nhân sống động, đau thương và anh dũng của Thủ đô Hà Nội.
C. Nước mắt ứa ra, tôi tưởng như mình đứt từng khúc ruột.
D. Cả A, B và C đều sai.

Câu 10. Sức hấp dẫn của bài văn cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử được tạo nên từ những chi tiết nào?

A. Nêu đúng về thời gian cây cầu hình thành, người thiết kế cây cầu.
B. Khắc họa chi tiết những tội ác của đế quốc Mĩ đối với nhân dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
C. Lối viết giàu cảm xúc bắt nguồn từ những hiểu biết và kỉ niệm về cầu Long Biên.
D. Kể lại khá chi tiết các sự kiện lịch sử có liên quan đến cây cầu.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Văn bản Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử có thể chia làm ba đoạn. Đoạn thứ nhất (từ đầu đến “nhân chứng sống động, đau thương và anh dũng của Thủ đô Hà Nội”): Tác giả giới thiệu chung về cầu Long Biên qua một thế kỉ tồn tại. Đoạn thứ hai (từ “cầu Long Biên khi mới khánh thành” đến “nhưng dẻo dai, vững chắc”): cầu Long Biên như một nhân chứng sống động, đau thương và anh dũng. Đoạn thứ ba (từ “bây giờ cầu Long Biên” đến hết): Cầu Long Biên trong đời sống hiện tại và cảm nghĩ của tác giả.

Ở đoạn mở đầu, từ điểm nhìn của ngôi thứ ba, tác giả dùng phương thức thuyết minh để cung cấp cho người đọc những hiểu biết về lai lịch tên gọi, độ dài, trọng lượng của cầu, mối quan hệ giữa sự xuất hiện của cầu với đời sống lịch sử - xã hội; Qua đó khẳng định vai trò “chứng nhân lịch sử” của cầu Long Biên. So sánh với tư liệu được cung cấp qua hai cây cầu là Thăng Long và Chương Dương, có thể thấy quy mô cầu Long Biên tuy nhỏ hơn, song nó có vai trò thật quan trọng về nhiều mặt trong suốt gần một trăm năm trước khi có hai cây cầu nói trên. Đặc biệt, hơn một trăm năm tồn tại ngay cạnh Thủ đô, cầu Long Biên đã trở thành chứng nhân lịch sử cho một thế kỉ đau thương và anh dũng của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.

Năm 1945, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Từ kí ức của một cậu học sinh thuở còn cắp sách đến trường, tác giả dẫn người đọc trở về với một thuở đứng trên cầu Long Biên nhìn màu xanh bãi mía, nương dâu, bãi ngô, vườn chuối phía Gia Lâm hay khi chiều xuống, nhìn về phía Hà Nội, thấy những ánh đèn mọc lên như sao sa, gợi lên bao quyến rủ và khát khao...

Khi đọc văn bản Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử, có người đã đặt vấn đề: có nên thay từ chứng nhân bằng từ chứng tích? Nếu xét thuần túy trên phương diện nghĩa đen của từ thì có thể được, thậm chí còn chính xác hơn (cầu Long Biên là một sự vật, không phải là con người). Nhưng nếu xét trên phương diện văn học, theo ý nghĩa hình tượng của ngôn ngữ thì lại không thể được. Trong cảm xúc của tác giả, cầu Long Biên không phải là một vật vô tri vô giác. Hơn một trăm năm, mang trên mình bao nhiêu vết thương, trải qua bao thăng trầm, cầu Long Biên cũng có thể được xem là một chứng tích. Nhưng lớn lao hơn thế, cầu Long Biên đã trở thành nhân chứng - không chỉ trải qua mà còn chứng kiến - những năm tháng đau thương nhưng anh dũng và hào hùng nhất của dân tộc. Đó là cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mĩ oanh liệt. Tác giả chỉ nêu hai sự kiện nhưng trong đó hàm chứa biết bao gian khổ, bao mất mát đau thương và cả những niềm vui chiến thắng của Thủ đô Hà Nội. Vì thế cầu Long Biên chính là chứng nhân sống động, đau thương và anh dũng của lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Cuối văn bản, tác giả viết: Còn tôi, cố gắng truyền tình yêu cây cầu của mình vào trái tim họ, đặng bắc một nhịp cầu vô hình nơi du khách để du khách ngày càng xích gần lại với đất nước Việt Nam. Đây là một câu văn rất giàu sắc thái biểu cảm. Coi cầu Long Biên là một chứng nhân lịch sử sống động, tác giả đã gợi ra cho bạn đọc những liên tưởng thú vị (bắc một nhịp cầu vô hình giữa dân tộc Việt Nam và du khách - bạn bè quốc tế) để cho những tâm hồn ngày càng gần gũi nhau hơn, thông cảm và chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Nguồn: Tổng hợp
 
Bức thư của thủ lĩnh da đỏ
I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ văn bản dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

[...] Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu bất cứ một cách sống nào khác. Tôi đã chứng kiến cả ngàn con trâu rừng bị chết dần chết mòn trên những cánh đồng trơ trọi vì bị người da trắng bắn mỗi khi có đoàn tàu chạy qua. Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu nổi tại sao một con ngựa sắt nhả khói lại quan trọng hơn nhiều con trâu rừng mà chúng tôi chỉ giết để duy trì cuộc sống. Con người là gì, nếu cuộc sống thiếu những con thú? Và nếu chúng ra đi, thì con người cũng sẽ chết dần chết mòn vì nỗi buồn cô đơn về tinh thần, bởi lẽ điều gì sẽ xảy đến với con thú thì cũng chính xảy ra đối với con người. Mọi vật trên đời đều có sự ràng buộc.

Ngài phải dạy con cháu rằng mảnh đất dưới chân chúng là những nắm tro tàn của cha ông chúng tôi, và vì thế, chúng phải kính trọng đất đai. Ngài phải bảo chúng rằng đất đai giàu có được là do nhiều mạng sống của chủng tộc chúng tôi bồi đắp nên. Hãy khuyên bảo chúng như chúng tôi thường dạy con cháu mình: Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra đối với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của Đất. Con người chưa biết làm tổ để sống, con người giản đơn là một sợi tơ trong cái tổ sống đó mà thôi. Điều gì con người làm cho tổ sống đó, tức là làm cho chính mình.

Câu 1. Người viết bức thư trên là ai?

A. Thủ lĩnh của người da đỏ Xi-át-tơn.
B. Tống thống Mĩ Phreng-klin Pi-ơ-xơ.
C. Nhà văn H. Ban-zắc.
D. Bức thư không đề tên tác giả.

Câu 2. Hoàn cảnh ra đời của Bức thư của thủ lĩnh da đỏ là:

A. Thủ lĩnh người da đỏ viết để báo cho cả thế giới biết rằng người da đỏ không có ý định bán lại vùng đất này.
B. Thủ lĩnh người da đỏ viết để phúc đáp cho ý định mua lại đất của người da đỏ của Tổng thống Mĩ Phreng-klin Pi-ơ-xơ.
C. Thủ lĩnh người da đỏ viết để hỏi thăm tình hình người dân da đỏ sống trên các vùng đất thuộc quyền quản lí của Chính phủ Mĩ.
D. Thủ lĩnh người da đỏ viết để hỏi thăm tình hình sức khỏe của Tổng thống Mĩ Phreng-klin Pi-ơ-xơ.

Câu 3. Bức thư của thủ lĩnh da đỏ từng được xem là:

A. Một trong những bức thư hay nhất trên thế giới.
B. Một trong những bài văn có giá trị biểu cảm cao.
C. Một trong những văn bản hay nhất về thiên nhiên và môi trường.
D. Bức thư hay nhất viết cho Tổng thống Mĩ.

Câu 4. Khái niệm Người da đỏ dùng để chỉ:

A. Cư dân sống trên lục địa châu Âu thuộc chủng tộc Ăng-lô xắc-xông.
B. Cư dân sống trên lục địa châu Á thuộc chủng tộc Nê-grô-ít.
C. Cư dân sống trên lục địa châu Úc thuộc chủng tộc Ôx-tra-lô-ít.
D. Cư dân sống lâu đời trên lục địa châu Mĩ thuộc chủng tộc Anh-điêng.

Câu 5. Người da trắng là danh từ thường chỉ người dân:

A. Hoa Kì.
B. Châu Âu.
C. Trung Quốc.
D. Châu Úc.

Câu 6. Trong đoạn trích trên, tác giả coi mình là:

A. Người văn minh.
B. Kẻ hoang dã.
C. Người chủ của vùng đất mà người da đỏ đang sống.
D. Người trung thành với lợi ích của người da đỏ.

Câu 7. Khái niệm Ngựa sắt nhả khói trong đoạn trích dùng để chỉ:

A. Con ngựa do Thánh Gióng cưỡi ra trận tiêu diệt giặc Ân.
B. Những con ngựa chạy không biết mệt.
C. Tàu hỏa.
D. Máy hơi nước.

Câu 8. Thông điệp mà Bức thư của thủ lĩnh da đỏ muốn nhấn mạnh là gì?

A. Con người phải sống hòa hợp với thiên nhiên, phải chăm lo bảo vệ môi trường và thiên nhiên như bảo vệ mạng sống của chính mình.
B. Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu bất cứ một cách sống nào khác.
C. Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu nổi tại sao một con ngựa sắt nhả khói lại quan trọng hơn nhiều con trâu rừng mà chúng tôi chỉ biết để duy trì cuộc sống.
D. Hãy khuyên bảo chúng tôi như chúng tôi thường dạy con cháu mình: Đất là Mẹ.

Câu 9. Trong đoạn trích, tác giả bức thư đã sử dụng kết hợp những biện pháp tu từ nào?

A. So sánh, nhân hóa và ẩn dụ.
B. So sánh, nhân hóa và hoán dụ.
C. So sánh, hoán dụ và ẩn dụ.
D. So sánh, nhân hóa và điệp ngữ.

Câu 10. Câu nào trong bức thư chứng tỏ tác giả bức thư đề cao vai trò của con thú đối với cuộc sống con người?

A. Tôi đã chứng kiến cả ngàn con trâu rừng bị chết dần chết mòn trẽn những cánh đồng trơ trọi vì bị người da trắng bắn mỗi khi có đoàn tàu chạy qua.
B. Tôi không hiểu nổi tại sao một con ngựa sắt nhả khói lại quan trọng hơn nhiều con trâu rừng.
C. Con người là gì, nếu cuộc sống thiếu những con thú?
D. Điều gì sẽ xảy đến với con thú thì cũng chính xảy ra đối với con người.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

BÀI THAM KHẢO

Bầu trời thăm thẳm kia đã từng nhỏ những giọt nước mắt thương cảm đối với ông cha chúng tôi trong bao thế kỉ xa xưa mà chúng tôi những tưởng là vĩnh viễn, có thể thay đổi. Hôm nay trong sáng, ngày mai có thể bị mây mù che phủ.

Lời nói của tôi như những vì sao không bao giờ tắt. Những điều Xi- át-tơn nói bây giờ, vị đứng đầu vĩ đại ở Oa-sinh-tơn có thể tin một cách cũng chắc chắn như là những người anh em da trắng của chúng tôi có thể tin chắc rằng các mùa trong năm sẽ quay trở lại.

Đứa con của vị đứng đầu người da trắng nói rằng cha của anh gửi đến chúng tôi lời thăm hỏi bạn bè và thiện chí. Đấy là do lòng tốt của ông không cần gì được chúng tôi đáp lại tình bạn bè thân thiết, bởi vì dân chúng của ông ta rất đông. Họ giống như cỏ ngàn che phủ những cánh đồng rộng, còn người dân của tôi thì ít và giống như những thân cây thưa thớt còn sót lại trên cánh đồng sau một trận bão.

Vị đứng đầu vĩ đại người da trắng mà tôi nghĩ là cũng tốt bụng nữa đó ngỏ lời muốn mua đất của chúng tôi nhưng vui lòng cho phép chúng tôi giữ lại một số đất đủ để sống thoải mái. Điều này rõ ràng tỏ ra rất hào phóng, vì người da đỏ chẳng còn có quyền gì nữa để đòi phải được tôn trọng, thậm chí việc hiến tặng đất đai có thể lại là khôn ngoan, bởi chúng tôi cũng không cần đến một xứ sở rộng lớn như thế nữa. Đã có thời kì mà người dân chúng tôi ở khắp trên mảnh đất này như những con sóng, chập chờn theo gió vờn đưa trên mặt biển mà dưới đáy lát đầy vỏ trai sò. Nhưng thời kì đó đã qua lâu rồi cùng với sự vĩ đại của các bộ lạc nay hầu như đã bị lãng quên. Tôi sẽ không nuối tiếc sự suy tàn đến sớm này, cũng không trách móc những người anh em da trắng đã thúc đẩy nó nhanh hơn, vì cả chúng tôi nữa cũng có thể giận vì một sự sai trái có thực hoặc tưởng tượng nào đó và tự bôi đen lên mặt mình cho xấu đi thì trái tim của chính họ cũng bị xấu đi và trở nên tối, và thế là sự tàn bạo của họ không hề dịu bớt và không có giới hạn, đến cả những người già cả chúng tôi cũng không thể ngăn chặn được họ.

Nhưng chúng ta hãy hi vọng rằng mối hiềm thù giữa người da đỏ và những người anh em da trắng của họ sẽ không bao giờ quay trở lại. Chúng ta sẽ mất hết tất cả mà chẳng giành được một cái gì.

Đúng vậy, đối với những chàng trai gan dạ của chúng tôi thì trả thù được xem là thắng lợi, cho dù phải trả giá bằng chính mạng sống của họ, nhưng những người già cả ở lại nhà trong thời chiến tranh và những bà mẹ bị mất con, thì hiểu rõ hơn nhiều.

Oa-sinh-tơn, người cha vĩ đại của chúng ta - tôi nói thế là vì tôi xem ông ta bây giờ là cha của chúng tôi cũng như của các ông, từ khi Gioóc-giơ dời biên giới của ông ta lên phía Bắc - người cha vĩ đại và hiền từ, tôi gọi như thế, nhờ người con trai của ông chuyển lời đến chúng tôi nói rằng nếu chúng tôi chấp nhận điều ông mong muốn thì sẽ được ông che chở. Đội quân gan dạ của ông ta sẽ là bức tường thành sừng sững vững chắc che chở, và những chiếc thuyền to lớn của ông ta sẽ đậu đầy các bến cảng của chúng tôi sao cho những kẻ thù ở xa tận phía Bắc của chúng tôi trước đây - những người Sim-si-am và Hi-da - sẽ không còn đe dọa gì đàn bà con gái và những người già cả của chúng tôi nữa. Rồi thì ông ta sẽ trở thành người cha của chúng tôi và chúng tôi sẽ trở thành con cái của ông ta.

Nhưng có bao giờ như thế được? Chúa của các người không phải chúa của chúng tôi... Ông ta choàng cánh tay âu yếm của mình lên người da trắng và dìu dắt họ như một người cha dìu dắt đứa con thơ của mình - nhưng ông ta bỏ rơi những đứa con da đỏ của mình, ông ta giúp cho dân chúng của các người ngày càng hùng mạnh và chẳng bao lâu nữa sẽ tràn lên hết đất đai; trong khi đó thì dân chúng của tôi lại phải lùi xa như con triều xuống nhanh mà sẽ chẳng bao giờ có thể dâng lên được nữa. Chúa của chúng tôi, vị Thần Lớn, hình như cũng đã bỏ chúng tôi.

Vị chúa của người da trắng không thể thương yêu những đứa con da đỏ của mình và sẽ chẳng che chở cho họ. Họ giống như những đứa trẻ mồ côi chẳng biết trông chờ vào đâu cả.

Vậy thì làm sao chúng ta bây giờ lại có thể trở thành anh em với nhau được? Làm sao cha của các người lại có thể trở thành cha của chúng tôi để đem lại sự thịnh vượng cho chúng tôi và đánh thức trong chúng tôi giấc mơ trở về thời kì vĩ đại đã qua của mình.

Nguồn: Tổng hợp
 
Động Phong Nha
I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ văn bản dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

[...] Đi suốt chiều dài hơn ngàn mét ở phần ngoài của động Phong Nha, du khách đã có cảm giác như lạc vào một thế giới khác lạ - thế giới của tiên cảnh. Nơi đây vừa có nét hoang sơ, bí hiểm; lại vừa rất thanh thoát và giàu chất thơ. Một tiếng nước gõ long tong, một tiếng nói trong hang động đều có âm vang riêng, khác nào tiếng đàn, tiếng chuông nơi cảnh chùa, đất Bụt.

Với một vẻ đẹp đặc sắc, độc đáo riêng, động Phong Nha được xem là “Kì quan đệ nhất động” của Việt Nam. Nhà thám hiểm Hao-ớt Lim-be trưởng đoàn thám hiểm Hội địa lí Hoàng gia Anh sau khi thăm động Phong Nha về đã phát biểu: “Với kinh nghiệm của mười sáu năm thám hiểm hang động ở tổ chức nghiên cứu hang động mạnh nhất của Hoàng gia Anh, tôi khẳng định Phong Nha là hang động dài nhất và đẹp nhất thế giới”. Theo báo cáo khoa học của đoàn thám hiểm Hội địa lí Hoàng gia Anh gần đây, động Phong Nha có bảy cái nhất: hang động dài nhất, cửa hang cao và rộng nhất; bãi cát, bãi đá rộng và đẹp nhất; có những hồ ngầm đẹp nhất; hang khô rộng và đẹp nhất; thạch nhũ tráng lệ và kì ảo nhất; sông ngầm dài nhất.

Động Phong Nha đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của nhiều nhà khoa học, nhà thám hiểm và khách du lịch trong và ngoài nước. Phong Nha cũng đang được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác để sớm trở thành một địa điểm du lịch, thám hiểm và nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh của đất nước.

Câu 1. Động Phong Nha thuộc địa phận tỉnh nào dưới dây?

A. Nghệ An.
B. Hà Tĩnh.
C. Quảng Bình.
D. Quảng Trị.

Câu 2. Động Phong Nha được mệnh danh là:

A. Đệ nhất kì quan Phong Nha.
B. Thiên hạ đệ nhất hùng quan,
C. Nam thiên đệ nhất động.
D. Hoành Sơn nhất đái.

Câu 3. Động Phong Nha gồm có mấy bộ phận và đó là bộ phận nào?

A. Một bộ phận là động nước.
B. Hai bộ phận: gồm động khô và động nước.
C. Ba bộ phận: gồm động khô, động nước và sông ngầm.
D. Bốn bộ phận: gồm động khô, động nước, sông ngầm và thạch nhũ.

Câu 4. Khối núi đá vôi chứa động Phong Nha có tên là:

A. Kẻ Bàng.
B. Núi Lĩnh
C. Núi Bài Thơ
D. Núi Đọ

Câu 5. Tác giả đã xem thế giới của động Phong Nha là:

A. Thế giới kì vĩ, không bắt gặp ở nơi đâu.
B. Thế giới của các loại thạch nhũ.
C. Thế giới của hang động, thạch nhũ và sông ngầm.
D. Thế giới của tiên cảnh.

Câu 6. Tác giả cho rằng, động Phong Nha:

A. Vừa có nét hoang sơ, bí hiểm; vừa rất thanh thoát và giàu chất thơ.
B. Vừa là nơi để tham quan, du lịch; vừa là một thắng cảnh nổi tiếng.
C. Vừa có nét hiện đại, vừa có nét cổ kính.
D. Vừa có sông ngầm, vừa có thạch nhũ.

Câu 7. Hao-ớt Lim-be, trưởng đoàn thám hiểm Hội địa lí Hoàng gia Anh sau khi thăm động Phong Nha về đã phát biểu như thế nào?

A. Phong Nha là hang động có dòng sông ngầm dài nhất thế giới.
B. Phong Nha là hang động có hệ thống thạch nhũ lớn nhất thế giới.
C. Phong Nha là hang động có cửa hang cao nhất thế giới.
D. Phong Nha là hang động dài nhất và đẹp nhất thế giới.

Câu 8. Báo cáo khoa học của đoàn thám hiểm Hội địa lí Hoàng gia Anh gần đây khẳng định động Phong Nha có mấy cái nhất?

A. Sáu cái.
B. Bảy cái.
C. Tám cái.
D. Chín cái.

Câu 9. Câu nào dưới đây không có trong những cái nhất của động Phong Nha trong báo cáo khoa học của đoàn thám hiểm Hội địa lí Hoàng gia Anh?

A. Cửa hang cao và rộng nhất.
B. Thạch nhũ tráng lệ và kì ảo nhất,
C. Bãi cát, bãi đá rộng và đẹp nhất.
D. Hang khô dài nhất.

Câu 10. Động Phong Nha đã và đang mở ra triển vọng lớn nào?

A. Thu hút khách tham quan trong và ngoài nước.
B. Thu hút nhiều đoàn thám hiểm quốc tế.
C. Thu hút nhiều nhà khoa học quốc tế.
D. Thu hút nhiều vốn đầu tư vào vùng đất Phong Nha - Kẻ Bàng.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Về vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

BÀI THAM KHẢO

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Thông tin ấy từ Thủ đô Pa-ri bay về Việt Nam làm nức lòng không chỉ riêng người dân Quảng Bình. Hơn mười năm qua, du khách trong và ngoài nước biết đến Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ qua những chuyến du lịch đến một phần rất nhỏ của hệ thống hang động Phong Nha, còn những giá trị to lớn làm căn cứ để Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới thì không phải ai cũng biết.

Trong bốn tiêu chí UNESCO đưa ra để công nhận là di sản thế giới (chỉ cần hội đủ một trong bốn tiêu chí đó là được) thì vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có đến hai tiêu chí:

Tiêu chí thứ nhất: Phong Nha - Kẻ Bàng điển hình về lịch sử hình thành vỏ trái đất và những đặc điểm địa chất.

Tiêu chí thứ hai: Phong Nha - Kẻ Bàng đặc trưng cho tính đa dạng sinh học và các loài bị đe dọa. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi sinh sống tự nhiên quan trọng và có ý nghĩa đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học và là nơi chứa đựng nhiều loài động, thực vật quý hiếm đang bị đe dọa.

Ngoài hai tiêu chí thuyết phục trên thì Phong Nha - Kẻ Bàng còn có một hệ thống hang động nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới.

Nguồn: Tổng hợp
 

Xếp hạng chủ đề

Tạo
Thần Đồng,
Trả lời lần cuối từ
Thần Đồng,
Trả lời
115
Lượt xem
9,206

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Back
Top