Đề cương Ôn tập Ngữ văn 6 năm học 2020, trắc nghiệm và tự luận

Con hổ có nghĩa
I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ truyện dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Bà đỡ Trần là người huyện Đông Triều. Một đem nọ nghe tiếng gõ cửa, bà mở cửa nhìn thì chẳng thấy ai, một lát, có con hổ chợt lao tơi cõng bà đi. Ban đầu, bà sợ đến chết khiếp, khi tỉnh, thấy hổ dùng một chân ôm lấy bà chạy như bay, hễ gặp bụi rậm, gai góc thì dùng chân trước rẽ lối chạy vào rừng sâu. Tới nơi, hổ thả bà xuống. Thấy một con hổ cái đang lăn lộn, cào đất, bà cho là hổ định ăn thịt mình, run sợ không dám nhúc nhích. Lúc sau hổ đực cầm tay bà nhìn hổ cái, nhỏ nước mắt. Bà nhìn kĩ bụng hổ cái như có cái gì động đậy, biết ngay là hổ sắp đẻ. Sẵn có thuốc mang theo trong túi, bà liền hòa với nước suối cho uống, lại xoa bóp bụng hổ. Lát sau, hổ đẻ được. Hổ đực mừng rỡ đùa giỡn với con, còn hổ cái thì nằm phục xuống, dáng mỏi mệt lắm. Rồi hổ đực quỳ xuống bên một gốc cây, lấy chân đào lên một cục bạc. Bà đỡ biết hổ tặng mình, cầm lấy. Hổ đực đứng dậy đi, quay nhìn bà, bà theo hổ ra khỏi rừng. Được mấy bước, trời sắp sáng, bà giơ tay nói: “Xin chúa rừng quay về”. Hổ cúi đầu vẫy đuôi, làm ra vẻ tiễn biệt. Bà đi khá xa, hổ liền gầm lên một tiếng rồi bỏ đi. Bà về đến nhà, cân bạc được hơn mười lạng. Năm ấy mất mùa, đói kém, nhờ có số bạc ấy bà mới sống qua được.

Người kiếm củi tên Mỗ ở huyện Lạng Giang, đang bổ củi ở sườn núi, thấy dưới thung lũng phía xa, cỏ cây lay động không ngớt mới vác búa đến xem, thấy một con hổ trán trắng, cúi đầu đào bới đất, nhảy lên, vật xuống, thỉnh thoảng lấy chân móc họng, mở miệng nhe cái răng, máu me, nhớt dãi trào ra. Nhìn kĩ miệng hổ thấy có khúc xương mắc ngang họng, bàn chân hổ thì to, càng móc, khúc xương càng vào sâu. Bác tiều uống rượu say, mạnh bạo trèo lên cây kêu lên: “Cổ họng ngươi đau phải không, đừng cắn ta, ta sẽ lấy xương ra cho”. Hổ nghe thấy, nằm phục xuống, há miệng nhìn bác tiều ra dáng cầu cứu. Bác tiều trèo xuống lấy tay thò vào cổ họng hổ, lấy ra một chiếc xương bò, to như cánh tay. Hổ liếm mép, nhìn bác tiều phu rồi bỏ đi. Bac tiều nói to: “Nhà ta ở thôn Mỗ, hễ được miếng gì lạ thì nhớ nhau nhé”. Sau đó, bác tiều ra về. Một đêm nọ, nghe cửa ngoài có tiếng gầm dài mà sắc. Sớm hôm sau, có một con nai chết ở đó. Hơn mười năm sau, bác tiều già rồi chết. Khi chôn cất, hổ bỗng nhiên đến trước mộ nhảy nhót. Những người đưa đám bỏ chạy cả. Từ xa, nhìn thấy hổ dùng đầu dụi vào quan tài, gầm lên, chạy quanh quan tài vài vòng rồi đi. Từ đó về sau, mỗi dịp ngày giỗ bác tiều, hổ lại đưa dê hoặc lợn đến để ở ngoài cửa nhà bác tiều.

Câu 1. Truyện Con hổ có nghĩa thuộc thể loại:

A. Truyện cổ tích dân gian Việt Nam.
B. Truyện Trung đại Việt Nam.
C. Truyện cười dân gian Việt Nam.
D. Truyện ngụ ngôn.

Câu 2. Trong truyện Con hổ có nghĩa, tại sao con hổ lại cõng bà đỡ Trần đi?

A. Vì con hổ muốn ăn thịt bà đỡ Trần.
B. Vì con hổ muốn bà đỡ Trần vào rừng sâu sinh sống.
C. Vì có một người ở trong rừng cần sự giúp đỡ của bà đỡ Trần.
D. Vì con hổ muốn bà đỡ Trần đỡ đẻ giúp cho vợ nó.

Câu 3. Sau đó con hổ đã trả nghĩa bà đỡ Trần như thế nào?

A. Hổ đực đào lên từ gốc cây một thỏi bạc và tặng bà đỡ.
B. Hai vợ chồng hổ thường mang tặng bà đỡ một vài con nai.
C. Hổ đực dẫn bà đỡ ra khỏi rừng.
D. Hổ đực tặng bà đỡ một thùng vàng to.

Câu 4. Vật con hổ tặng đã giúp được gì cho bà đỡ?

A. Chữa khỏi bệnh cho con bà đỡ.
B. Giúp bà sắm một số vật dụng trong nhà.
C. Giúp bà cầm cự qua một năm mất mùa, đói kém.
D. Giúp bà làm nghề tốt hơn.

Câu 5. Truyện Con hổ có nghĩa là loại truyện:

A. Có thật.
B. Vừa có thật, vừa hư cấu.
C. Hư cấu.
D. Miêu tả.

Câu 6. Truyện Con hổ có nghĩa đã:

A. Mượn chuyện loài vật để nói chuyện con người.
B. Mượn chuyện con người để nói chuyện con người.
C. Mượn chuyện loài vật để nói chuyện loài vật.
D. Mượn chuyện con người để nói chuyện loài vật.

Câu 7. Truyện Con hổ có nghĩa có mấy phần?

A. Một phần.
B. Hai phần.
C. Ba phần.
D. Bốn phần.

Câu 8. Ý nghĩa của truyện Con hổ có nghĩa là gì?

A. Đề cao tính thông minh của loài vật.
B. Đề cao tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước.
C. Đề cao ân nghĩa, trọng đạo làm người.
D. Khuyên con người phải biết quý trọng và thương yêu loài vật.

Câu 9. Trong truyện, khi được bác tiều phu cứu sống, con hổ trắng đã tạ ơn bác bằng cách nào?

A. Con hổ chỉ cho bác tiều phu những nơi nhiều củi.
B. Hổ đem dê lợn đến để ngoài cửa nhà bác tiều.
C. Con hổ tặng cho bác tiều phu một thỏi bạc trắng.
D. Con hổ tặng cho bác tiều phu một con nai.

Câu 10. Truyện Con hổ có nghĩa khuyên chúng ta điều gì?

A. Sống phải biết yêu thương và quan tâm lẫn nhau.
B. Trong cuộc sống cần đề cao ân nghĩa, coi trọng đạo làm người.
C. Biết quý trọng những ai đã có công sinh thành và nuôi dưỡng mình.
D. Phải biết ơn thầy cô, cha mẹ, ông bà;

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Thệ nào là Truyện trung đại? Nội dung của truyện Con hổ có nghĩa.

Gợi ý trả lời:

Truyện trung đại:

Thời kì từ thế kỉ X cho đến cuối thế kỉ XIX trong lịch sử Việt Nam được xem là thời trung đại. Thời kì này văn xuôi chữ Hán ra đời với nội dung phong phú và thường mang tính chất giáo huấn, có cách viết không giống với các thể loại truyện hiện đại. Để phân biệt, người ta gọi là truyện trung đại. Đây là loại truyện vừa mang tính chất hư cấu (tưởng tượng nghệ thuật), vừa có truyện gần với kí (ghi chép sự việc), cũng có truyện mang tính chất lịch sử (ghi chép chuyện thật). Cốt truyện hầu hết còn đơn giản, nhân vật được khắc họa trực tiếp qua ngôn ngữ người kể chuyện, qua hành động và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Trong chương trình Ngữ văn 6, chúng ta sẽ làm quen với hai truyện thuộc thể loại này là truyện Con hổ có nghĩa và Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng. Riêng truyện Mẹ hiền dạy con ra đời ở Trung Quốc cũng được xếp vào thể loại này vì có cách viết tương tự.

Nội dung truyện Con hổ có nghĩa.

Truyện con hổ có nghĩa gồm hai câu chuyện kể về hai tình huống khác nhau nhưng có chung một nội dung.

Chuyện thứ nhất kể về việc bà đỡ Trần giúp hổ cái hạ sinh một hổ con và được trả ơn bằng cục bạc. Nhờ cục bạc đó mà bà sống được qua một năm mất mùa, đói kém.

Chuyện thứ hai kể về bác tiều ở huyện Lạng Giang giúp con hổ lấy khúc xương trong miệng. Để tạ ơn, hổ biếu bác một con nai. Sau đó, hổ còn viếng khi bác tiều mất và đến ngày giỗ của bác, hổ còn mang dê và lợn đến cúng.

Cả hai chuyện đều sử dụng biện pháp nhân hóa, mượn câu chuyện của loài hổ để nói chuyện người nhằm đề cao ân nghĩa và tình người trong cuộc sống.

Nguồn: Tổng hợp
 
Trắc nghiệm Cụm động từ
Câu 1. Dòng nào sau đây nêu sai đặc điểm của động từ?

A. Thường làm vị ngữ trong câu
B. Có khả năng kết hợp với đã, sẽ đang, cũng, vẫn chớ
C. Khi làm chủ ngữ mất khả năng kết hợp với đã, sẽ, đang, cũng, vẫn, chớ
D. Thường làm thành phần phụ trong câu

Đáp án: D

Câu 2. Động từ là những từ không trả lời cho câu hỏi nào sau đây?

A. Cái gì?
B. Làm gì?
C. Thế nào?
D. Làm sao?

Đáp án A
→ Danh từ trả lời cho câu hỏi: Cái gì?

Câu 3. Nhận xét không đúng về “định”, “toan”, “đánh” là?

A. Trả lời câu hỏi: làm sao?
B. Trả lời câu hỏi: thế nào?
C. Đòi hỏi phải có động từ khác kèm phía sau
D. Không cần kèm phía sau

Đáp án: C

Câu 4. Nhóm động từ nào cần động từ khác đi kèm phía sau?

A. Định, toan, dám, đừng
B. Buồn, đau, ghét, nhớ
C. Chạy, đi, cười, đọc
D. Thêu, may, khâu, đan

Đáp án: A

Câu 5. Nhận định không đúng về cụm động từ?

A. Hoạt động trong câu như một động từ
B. Hoạt động trong câu không như động từ
C. Do một động từ và một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành
D. Có ý nghĩa đầy đủ hơn và cấu trúc phức tạp hơn động từ

Đáp án: B

Câu 6. Cụm động từ có cấu tạo gồm mấy phần?

A. Gồm 2 phần
B. Gồm 3 phần
C. Có thể gồm 2 phần hoặc 3 phần
D. Trên 4 phần

Đáp án: C
→ Cụm động từ có thể có 2 phần hoặc 3 phần. Cụm động từ gồm 3 phần: phụ trước, trung tâm, phụ sau. Có thể lược bỏ phần phụ trước, hoặc phụ sau.

Câu 7. Thành phần trung tâm của cụm động từ “còn đang nô đùa trên bãi biển” là gì?

A. Còn đang
B. Nô đùa
C. Trên
D. Bãi biển

Đáp án: B

Câu 8. Trong cụm động từ, các phụ ngữ ở phần phụ trước không có tác dụng bổ sung cho động từ các ý nghĩa nào?

A. Quan hệ thời gian
B. Sự tiếp diễn tương tự
C. Sự khẳng định hoặc phủ định hành động
D. Chỉ cách thức hành động

Đáp án: D

Câu 9. Phần phụ trước của cụm động từ bổ sung ý nghĩa cụ thể cho động từ?

A. Sự khẳng định, hoặc phủ định của hành động
B. Quan hệ thời gian, sự tiếp diễn tương tự
C. Sự khuyến khích hoặc ngăn cản của hành động
D. 3 ý kiến trên

Đáp án: Chọn D

Câu 10. Phần phụ sau cụm động từ bổ sung ý nghĩa nào cho động từ?

A. Chỉ nguyên nhân, mục đích
B. Chỉ không gian
C. Chỉ thời gian, địa điểm
D. Cả 3 đáp án trên

Đáp án: D
→ Phần phụ sau bổ sung ý nghĩa cho động từ trung tâm về địa điểm, nguyên nhân, mục đích, nguyên nhân, phương tiện, cách thức.

Nguồn: Tổng hợp
 
Mẹ hiền dạy con
I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ truyện dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, thấy người đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn, khóc. Bà mẹ thấy thế, nói: “Chỗ này không phải là chỗ con ta ở được”. Rồi, dọn nhà ra gần chợ.

Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước nô nghịch cách buôn bán điên đảo. Bà mẹ thấy thế, lại nói: “Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được”. Bèn dọn nhà đến cạnh trường học.

Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, cắp sách vở. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng, nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở được đây”.

Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ: “Người ta giết lợn làm gì thế?” - Bà mẹ nói đùa: “Để cho con ăn đấy”.

Nói xong, bà nghĩ lại, hối rằng: “Ta nói lỡ mồm rồi! Con ta thơ ấu, tri thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng hóa ra ta dạy nó nói dối hay sao?” Rồi bà đi mua thịt lợn, đem về cho con ăn thật.

Lại một hôm, thầy Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng: “Con đang đi học mà bỏ học, thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy”.

Từ hôm đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Rồi sau thành một bậc đại hiền. Thế chẳng là nhờ có cái công giáo dục quý báu của bà mẹ hay sao?

Câu 1. Truyện Mẹ hiền dạy con có xuất xứ từ nước nào?

A. Trung Quốc.
B. Triều Tiên.
C. Nhật Bản.
D. Mông cổ.

Câu 2. Người con trong truyện Mẹ hiền dạy con là ai?

A. Khổng Tử.
B. Mạnh Tử
C. Tuân Tử.
D. Lão Tử.

Câu 3. Trong truyện Mẹ hiền dạy con, người mẹ vì con đã làm điều

A. Mời những người thầy tốt nhất về dạy cho con.
B. Đưa con đến một trường nổi tiếng để học tập.
C. Dời nhà đến nơi có môi trường tốt để con học tập.
D. Lao động cật lực để con có tiền đi học.

Câu 4. Trong truyện Mẹ hiền dạy con, nơi nào được bà mẹ xem là tốt nhất để con học hành?

A. Những nơi có nhiều thầy đồ nổi tiếng.
B. Những nơi gần chợ.
C. Những nơi gần nghĩa địa.
D. Những nơi gần trường học.

Câu 5. Trong truyện, người mẹ đã dời nhà mấy lần?

A. Một lần.
B. Hai lần.
C. Ba lần.
D. Bốn lần.

Câu 6. Truyện Mẹ hiền dạy con để lại bài học gì?

A. Cần tạo cho con trẻ một môi trường học tập tốt.
B. Dạy con vừa có đạo đức vừa có chí học hành.
C. Thương con nhưng không nuông chiều con quá mức, ngược lại cần kiên quyết trong dạy dỗ.
D. Cả ba câu A, B và C.

Câu 7. Người mẹ trong truyện đã nêu ra một tấm gương về:

A. Tình thương con và cách dạy con.
B. Tình thương con và nuông chiều con hết mực.
C. Phương pháp giáo dục con cái.
D. Đạo lí làm người.

Câu 8. Trong truyện Mẹ hiền dạy con, người mẹ đã không chọn cách nào dưới đây để dạy con?

A. Chọn cho con một môi trường sống tốt.
B. Dạy cho con tính thật thà, không nói dối.
C. Tìm cho con một người thầy giỏi.
D. Dạy cho con tính chuyên cần và ý chí vươn lên trong học tập.

Câu 9. Người mẹ đã sử dụng biện pháp gì để dạy cho con tính chuyên cần?

A. Dời nhà đến gần một cái chợ.
B. Dời nhà đến gần một ngôi trường,
C. Mua thịt lợn về cho con ăn.
D. Cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung và lấy đó làm lời dạy con.

Câu 10. Câu tục ngữ nào dưới đây nói đúng về việc học của Mạnh Tử?

A. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
B. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.
C. Không thầy đố mày làm nên.
D. Học thầy không tày học bạn.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Trong truyện Mẹ hiền dạy con, những hành động của con đều dẫn tới những suy nghĩ và hành động của người mẹ. Hãy thống kê những hành động đó của mẹ và con.

Gợi ý trả lời:

Truyện Mẹ hiền dạy con kể lại năm sự việc chính trong quá trình mẹ dạy con. Năm sự việc đó là:

Hành động của conSuy nghĩ và hành động của mẹ
1Bắt chước cảnh diễn ra ở nghĩa địa như đào, chôn, lăn, khóc.“Chỗ này không phải chỗ con ta ở được”, nên chuyển nhà ra gần chợ.
2Bắt chước cách nô nghịch, buôn bán điên đảo ở chợ.“Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được”, nên chuyển nhà ra gần trường học.
3Bắt chước học tập lễ phép, cắp sách vở ở trường học.Khẳng định đây là chỗ ở thích hợp của con.
4Hỏi mẹ: “Người ta giết lợn làm gì?”Nói đùa: “Để cho con ăn”, sau đó hối hận vì đã dối con nên lập tức mua thịt lợn về cho con ăn để giữ lời.
5Trốn học về nhà chơiCắt đứt tấm vải đang dệt và bảo: “Con đang học mà bỏ học thì cũng như ta dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy”.

Nguồn: Tổng hợp
 
Tính từ và cụm tính từ

Câu 1. Tính từ là gì?

A. Tính từ là từ chỉ đặc điểm, tính chất của sự vật, hoạt động, trạng thái
B. Có thể trực tiếp làm vị ngữ
C. Có thể kết hợp với các từ đã, sẽ, đang, sẽ, không, chưa, chẳng…
D. Cả 3 đáp án trên

Đáp án D

Câu 2. Cho đoạn văn sau: “Lúc đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được rất ưa nhìn. Đầu tôi to và nổi lên từng tảng, rất bướng. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc.”

Có mấy tính từ trong đoạn trích trên?

A. 4
B. 5
C. 6
D. 7

Đáp án: B
→ Tính từ: bóng mỡ, ưa nhìn, to, bướng, đen nhánh

Câu 3. Đoạn văn trên có mấy cụm tính từ

A. 2
B. 3
C. 4
D. 5

Đáp án A
→ Cụm tính từ: rất ưa nhìn, rất bướng

Câu 4. Các tính từ như “chần chẫn, bè bè, sừng sững, tun tủn” còn thuộc loại từ nào?

A. Từ ghép
B. Từ láy
C. Tính từ (Từ láy tượng hình)
D. Từ đơn

Đáp án: C
→ Các từ này đều là từ láy tượng hình, cũng là tính từ

Câu 5. Cụm tính từ gồm mấy thành phần?

A. Một tập hợp từ gồm tính từ chính, từ ngữ phụ thuộc đứng trước và đứng sau
B. Tập hợp một số từ, có các từ chỉ mức độ (rất, hơi, khí..)chị sự phủ định (không, chưa, chẳng…)
C. Gồm 3 phần, phụ ngữ trước, tính từ chính, phụ ngữ sau
D. Cả 3 đáp án trên

Đáp án C
→ Cụm tính từ đầy đủ gồm ba phần: phụ trước, trung tâm, phụ sau. Đôi khi bị lược bớt thành phần phụ sau, hoặc phụ trước.

Câu 6. Cụm tính từ thường đảm nhận chức vụ gì trong câu?

A. Vị ngữ trong câu
B. Chủ ngữ trong câu
C. Trạng ngữ trong câu
D. Bổ ngữ trong câu

Đáp án: A
→ Cụm tình từ thường giữ vị trí là vị ngữ trong câu.

Câu 7. Tìm cụm tính từ được sử dụng trong câu sau: “Xong, nó vui vẻ chạy đi làm những việc bố mẹ tôi phân công, vừa làm vừa hát có vẻ vui lắm.”

A. Vui vẻ chạy đi
B. Vừa làm vừa hát
C. Vui lắm
D. Không có cụm tính từ

Đáp án: C
→ Vui lắm là cụm tính từ trong câu trên.

Câu 8. Tìm cụm tính từ có đầy đủ cấu trúc ba phần?

A. Vẫn còn khỏe mạnh lắm
B. Rất chăm chỉ làm việc
C. Còn trẻ khỏe
D. Đang vui như hội

Đáp án: B
→ Cấu trúc của cụm tính từ Rất chăm chỉ làm việc: Rất ( phụ trước ) / chăm chỉ ( trung tâm ) / làm việc ( phụ sau )

Câu 9. Từ nào dưới đây không phải là tính từ?

A. Tươi tốt
B. Làm việc
C. Cần mẫn
D. Dũng cảm

Đáp án: B
→ Làm việc là động từ

Câu 10. Tính từ có thể kết hợp với các từ rất, hơi, lắm, quá…để tạo thành cụm tính từ, đúng hay sai?

A. Đúng
B. Sai

Đáp án: A
→ Các từ rất, hơi, lắm, quá… kết hợp với tính từ tạo thành cụm tính từ

Nguồn: Tổng hợp
 
Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng
I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ truyện dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Cụ tổ bên ngoại của Trừng, người họ Phạm, húy là Bân, có nghề y gia truyền, giữ chức Thái y lệnh để phụng sự Trần Anh Vương.

Ngài thường đem hết của cải trong nhà ra mua các loại thuốc tốt và tích trữ thóc gạo. Gặp kẻ bệnh tật cơ khổ, ngài cho ở nhà mình, cấp cơm cháo, chữa trị. Dẫu bệnh có dầm dề máu mủ, ngài cũng không hề né tránh. Bệnh nhân đến chữa tới khi khỏe mạnh rồi đi. Cứ như vậy, trên giường không lúc nào vắng người.

Bỗng liền năm đói kém, dịch bệnh nổi lên, ngài lại dựng thêm nhà cho những kẻ khốn cùng đói khát và bệnh tật đến ở, cứu sống hơn ngàn người. Ngài được người đương thời trọng vọng.

Một lần, có người đến gõ cửa, mời gấp:

- Nhà có người đàn bà, bỗng nhiên nguy kịch, máu chảy như xối, mặt mày xanh lét.

Nghe vậy, ngài theo người đó đi ngay. Nhưng ra tới cửa thì gặp sứ giả do vương sai tới, bảo rằng:

- Trong cung có bậc quý nhân bị sốt, vương triệu đến khám.

Ngài nói:

- Bệnh đó không gấp. Nay mệnh sống của người nhà người này chỉ ở trong khoảnh khắc. Tôi hãy cứu họ trước, lát nữa sẽ đến vương phủ.

Quan Trung sứ tức giận nói:

- Phận làm tôi, sao được như vậy? Ông định cứu tính mạng người ta mà không cứu tính mạng mình chăng?

Ngài đáp:

- Tôi có mắc tội, cũng không biết làm thế nào. Nếu người kia không được cứu, sẽ chết trong khoảnh khắc, chẳng biết trông vào đâu. Tính mệnh của tiểu thần còn trông cậy vào chúa thượng, may ra thoát. Tội tôi xin chịu.

Nói rồi, đi cứu người kia. Họ quả được cứu sống. Lát sau, ngài đến yết kiến, vương quở trách. Ngài bỏ mũ ra, tạ tội, bày tỏ lòng thành của mình. Vương mừng nói:

Ngươi thật là bậc lương y chân chính, đã giỏi về nghề nghiệp lại có lòng nhân đức, thương xót đám con đỏ của ta, thật xứng với lòng ta mong mỏi.

Câu 1. Truyện Thầy thuốc giỏi tốt nhất ở tấm lòng là của:

A. Hồ Nguyên Trừng.
B. Hồ Quý Ly.
C. Trần Nhân Tông.
D. Nguyễn Trãi.

Câu 2. Truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng được tác giả viết trong thời gian nào?

A. Làm quan dưới triều Hồ.
B. Tham gia kháng chiến chống quân Minh.
C. Trên đường bị giặc bắt về Trung Quốc.
D. Khi làm quan dưới triều Minh.

Câu 3. Truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng được trích từ tác phẩm:

A. Nam Ông mộng lục.
B. Bình Ngô đại cáo.
C. Sông núi nước Nam.
D. Bạch Đằng giang phú.

Câu 4. Truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng là:

A. Truyện hư cấu.
B. Truyện ghi chép việc thực.
C. Truyện ngụ ngôn.
D. Truyện cười.

Câu 5. Trong truyện, hành động nào của viên Thái y lệnh chứng tỏ ông rất thương dân nghèo?

A. Ông đem hết của cải trong nhà ra mua các loại thuốc tốt và tích trữ lúa gạo.
B. Gặp người bệnh tật cơ khổ, ông cho ở nhà mình, cấp cơm cháo, chữa bệnh miễn phí.
C. Những năm dịch bệnh nổi lên, ông dựng thêm nhà cho những người bệnh đến ở.
D. Cả ba câu A, B và C.

Câu 6. Nhân vật chính trong truyện bộc lộ tính cách qua tình huống nào?

A. Khi bỗng liền năm đói kém, dịch bệnh nổi lên.
B. Khi có một người đàn bà mắc bệnh nguy kịch.
C. Khi trong cung có bậc cung nhân bị sốt.
D. Khi phải lựa chọn giữa một bên là dân thường với một bên là quý nhân để chữa bệnh.

Câu 7. Trong truyện, Thái y lệnh đã căn cứ vào đâu để chọn ai chữa bệnh trước?

A. Chức vụ và quyền hạn của người bệnh.
B. Độ tuổi của người bệnh.
c. Mức độ nặng nhẹ trong bệnh của người bệnh.
D. Sự giàu có của người bệnh, ai giàu hơn chữa trước.

Câu 8. Việc viên Thái y lệnh chọn chữa bệnh trước cho dân thường mà không chữa bệnh cho quý nhân đã chứng tỏ điều gì?

A. Quyền uy không làm cho ông khiếp sợ.
B. Ý thức rằng thầy thuốc là phải quyết tâm cứu sống người bệnh.
C. Ông không sợ mang vạ vào thân và coi thường danh vọng.
D. Cả ba câu A, B và C.

Câu 9. Truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng ca ngợi điều gì?

A. Tài năng chữa bệnh của viên Thái y lệnh.
B. Con cháu của viên Thái y lệnh.
C. Phẩm chất cao quý của viên Thái y lệnh.
D. Sự anh minh của vị vua khi tha cho viên Thái y lệnh.

Câu 10. Phẩm chất cao quý của viên Thái y lệnh thể hiện ở điểm nào?

A. Không chỉ có tài chữa bệnh mà quan trọng hơn là có lòng thương người và quyết tâm cứu sống người bệnh tới mức không sợ quyền uy.
B. Không những có tài chữa bệnh mà còn rất giàu có bởi ông dám bỏ tiền ra mua thuốc chữa bệnh cho người nghèo.
C. Không sợ quyền uy khi không chữa bệnh trước cho bậc quý nhân ở trong cung.
D. Dám bỏ mũ ra, tạ tội, bày tỏ lòng thành của mình trước chúa thượng.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Về tác phẩm Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyền Trừng.

BÀI THAM KHẢO

Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng giữ vị trí hết sức đặc biệt trong văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại. Cái đặc sắc của tác phẩm thể hiện trên hai bình diện: hoàn cảnh ra đời và tính chất thể loại của nó.

Về hoàn cảnh ra đời, Nam Ông mộng lục được sáng tác bởi một người Việt Nam bị giặc Minh bắt làm tù binh trong cuộc chiến tranh xâm lược đầu thế kỉ XV, phải sống lưu vong ở nước ngoài. Như vậy, xét trên phương diện này, có thể coi Nam Ông mộng lục là tác phẩm văn xuôi tự sự hải ngoại đầu tiên của Việt Nam.

Về tính chất thể loại, Nam Ông mộng lục mang ý nghĩa như một tác phẩm bản lề với cánh bên này khép lại văn xuôi tự sự thế kỉ X-XIV và cánh bên kia mở ra phương thức sáng tác mới cho văn xuôi tự sự thế kỉ XV-XIX.

Ở Trung Hoa, người ta cũng hết sức coi trọng Nam Ông mộng lục. Tác phẩm này có mặt trong hầu hết các tùng thư lớn của họ, như Kỉ lục vựng biên, Thuyết phu tục, Ngũ triều tiểu thuyết, Ngũ triều tiểu thuyết đại quan, Hàn phân lâu bí kíp, Tập thành sơ biên, Việt Nam Hán văn tiểu thuyết... Đó là chưa kể đến các bản chép tay đang lưu truyền ở Trung Hoa mà một trong những văn bản ấy đã được Hàn phân lâu sưu tầm và xuất bản. Nếu kể từ bản in đầu tiên năm 1442 đến bản in mới nhất năm 1986 thì Nam Ông mộng lục đã hiện diện chính thức trong thư tịch Trung Hoa với 545 năm. Riêng ngót 80 năm lại đây, Nam Ông mộng lục được người Trung Hoa in ra ít nhất sáu lần vào các năm 1920, 1926, 1935, 1938, 1985, 1986. Điều đó đủ nói lên tầm quan trọng của tác phẩm đối với đời sống văn học không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn cả ở Trung Hoa.

Nguồn: Tổng hợp
 
Bài học đường đời đầu tiên

TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ đoạn trích dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

[...] Choắt không dậy được nữa, nằm thoi thóp. Thấy thế, tôi hốt hoảng quỳ xuống, nâng đầu Choắt lên mà than rằng:

- Nào tôi đâu biết cơ sự lại ra nông nỗi này! Tôi hối lắm! Tôi hối hận lắm! Anh mà chết là chỉ tại cái tội ngông cuồng dại dột của tôi. Tôi biết làm thế nào bây giờ?

Tôi không ngờ Dế Choắt nói với tôi một câu thế này:

- Thôi, tôi ốm yếu quá rồi, chết cũng được. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy.

Thế rồi Dế Choắt tắt thở. Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn tội mình. Giá tôi không trêu chị Cốc thì đâu đến nỗi Choắt việc gì. Cả tôi nữa, nếu không nhanh chân chạy vào hang thì tôi cũng chết toi rồi.

Tôi đem xác Dế Choắt đến chôn vào một vùng cỏ bùm tum. Tôi đắp thành nấm mộ to. Tôi đứng lặng giờ lâu, nghĩ về bài học đường đời đầu tiên.

Câu 1. Đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên là của tác giả nào?

A. Tô Hoài.
B. Thạch Lam.
C. Nguyễn Tuân.
D. Võ Quảng.

Câu 2. Đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên được trích từ tác phẩm nào?

A. Đất rừng phương Nam.
B. Dế Mèn phiêu lưu kí.
C. Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng.
D. Những năm tháng cuộc đời.

Câu 3. Hai nhân vật chính trong đoạn trích trên là ai?

A. Mẹ Dế Mèn và Dế Mèn.
B. Dế Mèn và chị Cốc.
C. Dế Mèn và Dế Choắt.
D. Chị Cốc và Dế Choắt.

Câu 4. Câu nào dưới đây không nói về tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí?

A. Đây là tác phẩm đặc sắc và nổi bật nhất của của Tô Hoài viết về loài vật.
B. Tác phẩm gồm có 10 chương, kể về những chuyến phiêu lưu đầy thú vị của Dế Mèn qua thế giới những loài vật nhỏ bé.
C. Tác phẩm được in lần đầu tiên năm 1941.
D. Tác phẩm viết dành tặng cho các bậc cha mẹ.

Câu 5. Đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên được kể lại theo lời

A. Dế Mèn.
B. Chị Cốc.
C. Dế Choắt.
D. Tác giả.

Câu 6. Tác giả đã khắc họa vẻ ngoài của Dế Mèn như thế nào?

A. Ốm yếu, gầy gò và xanh xao.
B. Khỏe mạnh, cường tráng và đẹp đẽ.
C. Mập mạp, xấu xí và thô kệch.
D. Thân hình bình thường như bao con dế khác.

Câu 7. Tính cách của Dế Mèn trong đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên như thế nào?

A. Hiền lành, tốt bụng và thích giúp đỡ người khác.
B. Khiêm tốn, đối xử hòa nhã với tất cả các con vật chung quanh,
C. Hung hăng, kiêu ngạo, xem thường các con vật khác.
D. Hiền lành và ngại va chạm với mọi người.

Câu 8. Bài học đường đời đầu tiên mà Dế Mèn rút ra được qua cái chết của Dế Choắt là gì?

A. Không nên trêu ghẹo những con vật khác, nhất là họ hàng nhà Cốc.
B. Nếu có ai nhờ mình giúp đỡ thì phải nhiệt tâm thực hiện, nếu không có ngày mình cần thì sẽ không có ai giúp đỡ.
C. Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào thân.
D. Cần đối xử với mọi người thân thiện, hòa nhã, tránh thái độ xem thường người khác.

Câu 9. Trước khi chết, Dế Choắt đã khuyên Dế Mèn những gì?

A. Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy.
B. Ở đời không nên xem thường người khác, cần tôn trọng người khác như chính bản thân mình.
C. Cần phải báo thù cho Choắt.
D. Không nên trên ghẹo người khác.

Câu 10. Giá trị nghệ thuật của đoạn trích trên thể hiện ở điểm nào?

A. Nghệ thuật miêu tả loài vật sinh động.
B. Cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất tự nhiên, hấp dẫn.
C. Ngôn ngữ chính xác, giàu tính tạo hình.
D. Cả ba câu A, B và C.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Vài nét về nhà văn Tô Hoài và tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí.

Gợi ý trả lời:

Tô Hoài sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920 tại thị trấn Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Nội; tên khai sinh là Nguyễn Sen.

Tô Hoài tham gia cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám (1945). Tổ chức mà ông tham gia là Hội ái hữu công nhân, Hội Văn hóa cứu quốc. Từ năm 1945 đến năm 1958, Tô Hoài làm phóng viên rồi làm chủ nhiệm báo Cứu quốc Việt Bắc. Trong thời gian đó, từ năm 1957 đến năm 1958, ông làm Tổng Thư kí Hội nhà văn Việt Nam. Từ năm 1958 là Phó Tổng Thư kí Hội nhà văn Việt Nam. Từ năm 1986, Chủ tịch hội Văn nghệ Hà Nội.

Trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, Tô Hoài đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ với hơn 150 tác phẩm khác nhau. Trong đó có nhiều tác phẩm nổi bật như truyện dài Dế Mèn phiêu lưu kí (1941), tiểu thuyết Quê người (1943), tiểu thuyết Truyện Tây Bắc (1954), tiểu thuyết Miền Tây (1960), hồi kí Tự truyện (1965), tiểu thuyết Quê nhà (1970), hồi kí Cát bụi chân ai (1975), Tuyển tập Tô Hoài (3 tập, 1993 Tuyển tập truyện ngắn Tô Hoài (3 tập, 1994), Tuyển tập viết cho thiếu nhi (2 tập, 1994)...

Với sự cống hiến của mình, Tô Hoài đã được tặng nhiều giải thưởng khác nhau. Giải Nhất tiểu thuyết của Hội văn nghệ Việt Nam vào năm 1956 với tiểu thuyết Truyện Tây Bắc, giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội vào năm 1970 với tiểu thuyết Quê nhà, Giải thưởng Hội Nhà văn Á Phi năm 1970 với tiểu thuyết Miền Tây, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật năm 1996.

Tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1941, là tác phẩm đặc sắc và nổi tiếng nhất của Tô Hoài viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Tác phẩm gồm 10 chương kể về những cuộc phiêu lưu của Dế Mèn qua thế giới những loài vật nhỏ bé. Dế Mèn vốn quen sống tự lập từ thuở bé, khi trưởng thành, chán cảnh sống quanh quẩn bên bờ ruộng, Dế Mèn lên đường phiêu lưu để mở rộng hiểu biết và tìm ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Dế Mèn đã đi qua nhiều nơi, gặp gỡ nhiều loài, thấy nhiều cảnh sống và cũng nhiều phen gặp gian nan, nguy hiểm, nhưng Dế Mèn không nản chí lùi bước. Dế Mèn là hình ảnh đẹp của tuổi trẻ, ham hiểu biết, trọng lẽ phải, khao khát lí tưởng và quyết tâm hành động cho những mục đích cao đẹp.

Nguồn: Tổng hợp
 
Bức tranh của em gái tôi

I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ đoạn trích dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

[...] Rồi cả nhà - trừ tôi - vui như Tết khi bé Phương, qua giới thiệu của chú Tiến Lê, được mời tham gia trại thi vẽ quốc tế. Luật của cuộc thi là thí sinh phải vẽ một bức tranh theo đề tài tự chọn ngay trước mắt ban giám khảo. Trước khi đi thi, nó có vẻ cứ hay xét nét tôi, khiến tôi rất khó chịu. Nó nhập tâm lời dạy của chú Tiến Lê: “Cháu hãy vẽ cái gì thân thuộc nhất với cháu”.

Một tuần sau em gái tôi trở về trong vòng tay dang sẵn của cả bố và mẹ tôi: Bức tranh của nó được trao giải nhất. Nó lao vào ôm cổ tôi, nhưng tôi viện cớ đang dở việc đẩy nhẹ nó ra. Tuy thế, nó vẫn kịp thì thầm vào tai tôi: “Em muốn cả anh cùng đi nhận giải”.

Trong gian phòng lớn tràn ngập ánh sáng, những bức tranh của thí sinh treo kín bốn bức tường. Bố mẹ tôi kéo tôi chen qua đám đông để xem bức tranh của Kiều Phương đã được đóng khung, lồng kính. Trong tranh, một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của chú không chỉ sự suy tư mà còn rất mơ mộng nữa. Mẹ hồi hộp thì thầm vào tai tôi:

- Con có nhận ra con không?

Tôi giật sững người. Chẳng hiểu sao tôi phải bám chặt lấy tay mẹ. Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ. Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến thế kia ư? Tôi nhìn như thôi miên vào dòng chữ đề trên bức tranh: “Anh trai tôi”. Vậy mà dưới mắt tôi thì...

- Con đã nhận ra ai chưa? - Mẹ tôi vẫn hồi hộp.

Tôi không trả lời mẹ vì tôi muốn khóc quá. Bởi vì nếu nói được với mẹ, tôi sẽ nói rằng: “Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy”.

Câu 1. Đoạn trích Bức tranh của em gái tôi là của tác giả nào?

A. Đoàn Giỏi.
B. Tạ Duy Anh.
C. Đào Duy Anh.
D. Nguyễn Tuân.

Câu 2. Bức tranh của em gái tôi thuộc thể loại nào?

A. Truyện dài.
B. Tiểu thuyết.
C. Truyện ngắn.
D. Hồi kí.

Câu 3. Câu nào dưới đây nói về truyện Bức tranh của em gái tôi?

A. Là truyện đoạt giải Nhì trong cuộc thi viết “Tương lai vẫy gọi” của báo Thiếu niên Tiền phong.
B. Là truyện đoạt giải Nhì trong cuộc thi viết “Tương lai vẫy gọi” của báo Khăn quàng đỏ.
C. Là truyện đoạt giải Nhì trong cuộc thi viết “Tương lai vẫy gọi” của báo Nhi đồng.
D. Là truyện đoạt giải Nhì trong cuộc thi viết “Tương lai vẫy gọi” của báo Hoa học trò.

Câu 4. Nhân vật chính trong truyện Bức tranh của em gái tôi là ai?

A. Người anh trai.
B. Người mẹ.
C. Chú Tiến Lê.
D. Bé Kiều Phương.

Câu 5. Nhân vật chính trong truyện có tài gì?

A. Hội họa.
B. Diễn xuất.
C. Chơi nhạc.
D. Ca hát.

Câu 6. Câu chuyện được kể lại theo ngôi thứ mấy?

A. Ngôi thứ nhất.
B. Ngôi thứ hai.
C. Ngôi thứ ba.
D. Ngôi thứ tư.

Câu 7. Kiều Phương trong đoạn trích là người như thế nào?

A. Có tính ích kỉ, thường xuyên ganh đua với người anh.
B. Có tính siêng năng, chăm chỉ, thường xuyên giúp đỡ bố mẹ.
C. Có tình cảm hồn nhiên, trong sáng và lòng nhân hậu.
D. Lười biếng, suốt ngày chỉ biết chơi bời lêu lổng.

Câu 8. Nội dung Kiều Phương thể hiện trong bức tranh tham gia trại thi vẽ quốc tế là gì?

A. Cha mẹ và những người thân trong gia đình.
B. Góc học tập của em.
C. Ngôi trường mà em đang theo học.
D. Người anh trai.

Câu 9. Thái độ của người anh trai thế nào khi nhận ra nội dung trong bức tranh của em gái?

A. Từ ngỡ ngàng rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ.
B. Cảm thấy hãnh diện và tự hào vì có một người em gái tài giỏi.
C. Cảm thấy buồn vì mình thua em gái.
D. Lòng tức giận lại dâng trào vì thành tích của em gái.

Câu 10. Người anh trai đã gọi những gì trong bức tranh là:

A. Tài năng của người em gái.
B. Tâm hồn và lòng nhân hậu của em gái.
C. Những gì đẹp nhất trên đời này.
D. Chính bản thân người anh trai.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Hãy phân tích diễn biến tâm trạng của người anh trong truyện Bức tranh của em gái tôi.

Gợi ý trả lời:

Trong truyện Bức tranh của em gái tôi của tác giả Tạ Duy Anh, tâm trạng của người anh diễn biến theo từng hành động của người em gái có biệt danh là Mèo.

Khi thấy em gái tự chế màu vẽ, người anh tỏ ý xem thường và đặt cho em gái biệt danh là Mèo. Người anh có tâm trạng không vui khi tài năng hội họa của em gái được phát hiện. Mọi người ai cũng xúc động, mừng rỡ và ngạc nhiên thì em cảm thấy buồn hơn và cảm nhận được sự thua kém của mình khi không ai thèm để ý đến mình. Từ đó, em cảm thấy không thể nào chơi thân với em gái được nữa bởi em vốn coi thường em gái, cho em gái là đồ nghịch bẩn; nay bỗng dưng em lại thua kém em gái, đó là điều mà em cảm thấy khó chấp nhận nhất. Sự mặc cảm, tự ái trong người anh diễn ra là rất tự nhiên, rất phù hợp với tâm lí lứa tuổi như các em.

Khi nhận ra nhân vật chính trong bức tranh đoạt giải của em gái là mình, người anh ban đầu là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện và sau đó là xấu hổ. Em ngỡ ngàng vì không nghĩ rằng trong con mắt em gái, hình ảnh của mình lại toàn mĩ đến thế; sau những gì mình đối xử với em gái, em gái vẫn có cái nhìn hết sức hoàn hảo về mình. Từ sự ngỡ ngàng đó, người anh chuyển sang hãnh diện. Hãnh diện không chỉ vì tài năng của em, vì sự hoàn hảo của mình trong bức tranh, mà còn chính là tâm hồn cao thượng và lòng vị tha của em gái. Cùng với dòng chữ đề Anh trai tôi là hình ảnh một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng kì lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của chú không chỉ là sự suy tư mà còn rất mơ mộng nữa. Đó là một người anh trong những suy nghĩ và có cả sự tưởng tượng của người em gái. Chính lòng vị tha và lòng mong ước của em gái đã làm cho người anh chuyển từ hãnh diện sang xấu hổ. Dưới con mắt của em gái, người anh thật hoàn hảo, nhưng trong thực tế người anh chưa làm được những gì xứng đáng với suy nghĩ của người em, ngay trong cách đối xử và những suy nghĩ của em về em gái cũng không được như vậy. Người anh đã nhận ra những khuyết điểm của mình qua nội dung mà em gái diễn tả trong bức tranh.

Như vậy có thể thấy, tâm trạng của người anh diễn biến hết sức phức tạp thông qua những hành động cụ thể của em gái. Đó là nét độc đáo trong việc thể hiện tính cách nhân vật của tác giả.

Nguồn: Tổng hợp
 

Xếp hạng chủ đề

Tạo
Thần Đồng,
Trả lời lần cuối từ
Thần Đồng,
Trả lời
115
Lượt xem
9,206

Đang có mặt

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Back
Top