Đề cương Ôn tập Ngữ văn 6 năm học 2020, trắc nghiệm và tự luận

Vượt thác

I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ truyện dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Gió nồm vừa thổi, dượng Hương nhổ sào. Cánh buồm nhỏ căng phồng. Thuyền rẽ sóng lướt bon bon như đang nhớ núi rừng phải lướt cho nhanh để về cho kịp.

Chỉ một chốc sau, chúng tôi đã đến ngã ba sông, chung quanh là những bãi dâu trải ra bạt ngàn đến tận những làng xa tít.

Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những thuyền chất đầy cau tươi, dây mây, dầu rái, những thuyền chở mít, chở quế. Thuyền nào cũng xuôi chậm chậm. Càng về ngược, vườn tược càng um tùm. Dọc sông, những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt trầm ngâm lặng nhìn xuống nước. Núi cao như đột ngột hiện ra chắn ngang trước mặt. Đã đến Phường Rạnh. Thuyền chuẩn bị vượt nhiều thác nước.

Đến Phường Rạnh, dượng Hương sai nấu cơm ăn để được chắc bụng. Mùa nước còn to, có khi suốt buổi phải chống liền tay không phút hở. Ba chiếc sào bằng tre đầu bịt sắc đã sẵn sàng. Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn. Dượng Hương Thư đánh trần đứng sau lái co người phóng chiếc sào xuống lòng sông nghe một tiếng “soạc”! Thép đã cắm vào sỏi! Dượng Hương ghì chặt trên đầu sào, lấy thế trụ lại, giúp cho chú Hai và thằng Cù Lao phóng sào xuống nước. Chiếc sào của dượng Hương dưới sức chống bị cong lại. Nước bị cản văng bọt tứ tung, thuyền vùng vằng cứ chực trụt xuống, quay đầu chạy về lại Hòa Phước.

Những động tác thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt. Thuyền cố lấn lên. Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ. Dượng Hương Thư đang vượt thác khác hẳn dượng Hương Thư ở nhà, nói năng nhỏ nhẹ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ.

Đến chiều tối, thuyền vượt qua khỏi thác Cổ Cò.

Chú Hai vứt sào, ngồi xuống thở không ra hơi. Dòng sông cứ chảy quanh co dọc những núi cao sừng sững. Dọc sườn núi, những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước. Qua nhiều lớp núi, đồng ruộng lại mở ra. Đã đến Trung Phước.

Câu 1. Văn bản Vượt thác là của tác giả nào?

A. Thạch Lam.
B. Võ Quảng.
C. Thu Bồn.
D. Sơn Nam.

Câu 2. Văn bản Vượt thác được trích từ tác phẩm nào?

A. Tảng sáng.
B. Trời mỗi ngày lại sáng.
C. Hoàng hôn màu lửa.
D. Quê nội.

Câu 3. Câu nào dưới đây không nói về tác phẩm Quê nội?

A. Đây là truyện viết dành riêng cho những người lính cách mạng trong thời kháng chiến chống Mĩ.
B. Được viết năm 1974, cùng với Tảng sáng là hai tác phẩm thành công nhất của tác giả.
C. Nội dung chính của truyện là viết về cuộc sống ở một làng quê ven sông Thu Bồn tỉnh Quảng Nam vào những ngày sau Cách mạng tháng Tám 1945 và những năm đầu kháng chiến chống Pháp.
D. Nhân vật chính của truyện là hai em thiếu niên Cục và Cù Lao.

Câu 4. Trong đoạn trích trên, tác giả đề cập đến một loại gió nổi bật của vùng đất miền Trung. Đó là loại gió nào?

A. Gió Tây Nam.
B. Gió Đông Bắc.
C. Gió nồm.
D. Gió biển.

Câu 5. Hình ảnh dượng Hương Thư khi vượt thác được tác giả miêu tả như thế nào?

A. Nói năng nhỏ nhẹ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ.
B. Thân hình như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa.
C. Thân hình gầy gò giống như một người lâu ngày không được tẩm bổ, nhưng trái lại có một sức khỏe phi thường.
D. Tính khí hung hăng, khiến mọi người ai ai cũng phải khiếp sợ.

Câu 6. Hình ảnh dượng Hương Thư khi vượt thác được tác giả ví với điều gì?

A. Một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ.
B. Những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước,
C. Những nhân vật trong truyện cổ tích.
D. Một chiến binh quả cảm.

Câu 7. Những chi tiết tác giả khắc họa trong đoạn trích cho thấy vượt thác là công việc như thế nào?

A. Vô cùng đơn giản và tầm thường như những công việc khác.
B. Vô cùng khó khăn, nguy hiểm, không phải bất cứ ai cũng làm được.
C. Rất hấp dẫn và lôi cuốn mọi người.
D. Công việc khó khăn mà từ trước đến giờ chưa ai từng làm.

Câu 8. Tác giả đã lấy vị trí nào làm điểm nhìn để miêu tả cảnh vượt thác?

A. Từ trên núi cao nhìn xuống.
B. Từ đầu dòng sông nhìn về hướng con thuyền vượt thác,
C. Từ hai bờ sông nhìn ra con thuyền.
D. Từ trên con thuyền dõi theo hành trình vượt thác.

Câu 9. Đoạn trích trên làm nổi bật điều gì?

A. Sự hùng vĩ của những dòng thác trên sông Thu Bồn.
B. Vẻ hùng dũng và sức mạnh của con người lao động trên nền cảnh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ.
C. Sức khỏe phi thường và tài năng vượt thác tuyệt vời của dượng Hương Thư.
D. Những vất vả của người dân đất Quảng và lòng yêu nước nồng nàn của họ.

Câu 10. Trong đoạn trích, khung cảnh thiên nhiên được miêu tả như thế nào khi thuyền sắp vượt thác?

A. Dọc sông, những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt trầm ngâm lặng nhìn xuống nước. Núi cao đột ngột hiện ra chắn ngang trước mặt.
B. Chung quanh là một vùng trời cao rộng, trước mặt là dòng sông bao la không một chút sóng.
C. Hai bên bờ sông, nhà cửa mọc san sát, thuyền bè ra vào buôn bán tấp nập.
D. Thỉnh thoảng có những thuyền chất đầy cau tươi, đầy mây, dầu rái, những thuyền chở mít, chở quế. Thuyền nào cũng xuôi chậm chậm.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Trình bày những nét tiêu biểu về nhà văn Võ Quảng và tác phẩm Quê nội.

Gợi ý trả lời:

Võ Quảng sinh năm 1920 tại Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi và từng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Võ Quảng tham gia cách mạng lúc mới mười lăm tuổi, khi chính thức gia nhập tổ chức Thanh niên Dân chủ ở Huế. Năm 1939, ông làm tổ trưởng tổ Thanh niên Phản đế ở Huế. Tháng 9 năm 1941, Võ Quảng bị bắt giam ở nhà giam Thừa Phủ (nơi nhà thơ Tố Hữu cũng bị giam). Một thời gian sau, ông bị đưa đi quản thúc vô thời hạn tại xã Đại Hòa. Trong thời gian Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông làm ủy viên Tư pháp thành phố Đà Nẵng, sau đó làm Phó Chủ tịch Ban Kháng chiến thành phố Đà Nẵng. Năm 1947, ông làm Hội thẩm Chính trị, tương đương với Phó Chánh án, Tòa án Quân sự miền Nam Việt Nam. Từ năm 1948 đến năm 1955, làm ủy viên Ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương. Trong thời gian này ông còn phụ trách Nhà xuất bản Kim Đồng và xưởng phim hoạt hình. Năm 1971, Võ Quảng chuyển về công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, phụ trách phần văn học thiếu nhi.

Võ Quảng viết nhiều tác phẩm cho thiếu nhi. Các tác phẩm đã xuất bản của ông có thể kể ra như thơ Gà mái hoa (1957), truyện Cái thăng (1961), thơ Thấy cái hoa nở (1962), truyện Chỗ cây đa làng (1964), thơ Nắng sớm (1965), truyện Cái mai (1967), thơ Anh đom đóm (1970), truyện Những chiếc áo ấm (1970), thơ Măng tre (1972), truyện Quê nội (1973), truyện Bài học tốt (1975), truyện Tảng sáng (1978), thơ Quả đỏ (1980), truyện Vượn hú (1993), thơ Ánh nắng sớm (1993), truyện Kinh tuyến, vĩ tuyến (1995), Tuyển tập Võ Quảng (1998), kịch bản phim hoạt hình Sơn Tinh Thủy Tinh, Con 2, Những chiếc áo ấm.

Tác phẩm Quê nội cùng với Tảng sáng là hai truyện thành công nhất của Võ Quảng. Truyện viết về cuộc sống ở một làng quê ven sông Thu Bồn thuộc làng Hòa Phước, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vào những ngày sau Cách mạng tháng Tám và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Hai nhân vật chính trong truyện là Cục và Cù Lao.

Nguồn: Tổng hợp
 
Buổi học cuối cùng

I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ đoạn trích dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiền của mỗi câu trả lời đúng.

Chốc chốc, ngước mắt khỏi trang giấy, tôi thấy thầy Ha-men đứng lặng im trên bục và đăm đăm nhìn những đồ vật quanh mình như muốn mang theo trong ánh mắt toàn bộ ngôi trường nhỏ bé của thầy... Bạn nghĩ mà xem! Từ bốn mươi năm nay, thầy vẫn ngồi ở chỗ ấy, với khoảnh sân trước mặt và lớp học y nguyên không thay đổi. Có chăng những chiếc ghế dài, những bàn học dùng nhiều đã nhẵn bóng, những cây hồ đào ngoài sân đã lớn, và cây hu-blông tự tay thầy trồng giờ đây quấn quýt quanh các khung cửa sổ lên tận mái nhà. Con người tội nghiệp hẳn phải nát lòng biết mấy khi giã từ tất cả những vật ấy, khi nghe thấy tiếng người em gái đi đi lại, đóng hòm xiểng, ở gian phòng bên trên, vì ngày mai họ phải ra đi, rời khỏi xứ sở này mãi mãi.

Tuy nhiên, thầy vẫn đủ can đảm dạy chúng tôi cho đến hết buổi. Sau tiết viết tập đến bài Lịch sử, rồi những trò nhỏ cất tiếng đọc đồng thanh như hát Ba Be Bi Bo Bu. Đằng kia, cuối phòng học, cụ Hô-de đã đeo kính lên, và nâng cuốn sách vỡ lòng bằng hai tay, cụ đánh vần từng chữ theo bọn trẻ. Cả cụ cũng chăm chú, giọng run run vì xúc động; nghe cụ đọc thật kì cục, đến nỗi tất cả chúng tôi muốn cười và cũng muốn khóc... Ôi! Tôi sẽ nhớ mãi buổi học cuối cùng này! [...]

Câu 1. Đoạn trích Buổi học cuối cùng là của tác giả nào dưới đây?

A. Vich-to Huy-gô.
B. An-đéc-xen.
C. H. Ban-zắc.
D. An-phông-xơ Đô-đê.

Câu 2. Truyện Buổi học cuối cùng viết về buổi học diễn ra ở nước nào?

A. Pháp.
B. Nga.
C. Đức.
D. Anh.

Câu 3. Truyện Buổi học cuối cùng được viết dựa trên bối cảnh nào?

A. Truyện lấy bối cảnh buổi học cuối cùng diễn ra trên đất Phổ, sau đó vùng đất này được trả lại cho Pháp.
B. Truyện lấy bối cảnh buổi học cuối cùng diễn ra trên vùng đất An- dát, sau đó vùng đất này phải giao lại cho Phổ vì Pháp thua trận trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ.
C. Buổi học diễn ra trước cuộc chiến tranh Pháp - Phổ. Sau đó do chiến tranh diễn ra nên các em học sinh không còn được học nữa.
D. Truyện lấy bối cảnh buổi học cuối cùng trước khi diễn ra cuộc cách mạng tư sản Pháp.

Câu 4. Truyện Buổi học cuối cùng được kể theo lời nhân vật nào?

A. Thầy Ha-men.
B. Bác phó rèn Oát-stơ.
C. Nhân vật xưng tôi tên là Phrăng.
D. Cụ già Hô-de.

Câu 5. Hai chữ cuối cùng trong nhan đề Buổi học cuối cùng có ý nghĩa gì?

A. Là buổi học cuối cùng trong năm học.
B. Là buổi học cuối cùng do thầy Ha-men dạy.
C. Là buổi học cuối cùng được học bằng tiếng Pháp.
D. Là buổi học cuối của đời học sinh.

Câu 6. Thầy Ha-men có thái độ như thế nào đối với học sinh trong buổi học cuối cùng?

A. Ân cần, dịu dàng, kiên nhẫn giảng bài cho học sinh.
B. Mất tập trung và thường nổi cáu với học sinh,
C. Không buồn giảng bài cho học sinh nữa.
D. Thầy cảm thấy vui vẻ vì từ ngày mai không phải dạy cho lũ học trò tinh nghịch nữa.

Câu 7. Thầy Ha-men dạy ở ngôi trường trên được bao nhiêu năm?

A. 20 năm.
B. 30 năm.
C. 40 năm.
D. 50 năm.

Câu 8. Giá trị cao cả của truyện Buổi học cuối cùng là gì?

A. Thể hiện tinh thần chống chiến tranh xâm lược.
B. Thể hiện lòng yêu nước trong một biểu hiện cụ thể là yêu tiếng nói dân tộc.
C. Lên án những nhà lãnh đạo nước Pháp trong việc nhượng đất đai cho nước Phổ.
D. Đề cao tình thầy trò và lòng gắn bó với mái trường thân yêu.

Câu 9. Chân lí được nêu ra trong truyện Buổi học cuối cùng là gì?

A. Tình thầy trò là cao quý nhất, không có gì có thể thay đổi được thứ tình cảm quý báu ấy.
B. Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù.
C. Nếu một dân tộc mà mọi người dân đều có lòng yêu nước thì dân tộc đó sẽ không bao giờ rơi vào vòng nô lệ.
D. Tình yêu quê hương, đất nước phải được thể hiện trước tiên qua tình yêu chữ viết và tiếng nói.

Câu 10. Tác giả xây dựng thành công hai nhân vật chính trong truyện Buổi học cuối cùng là nhờ vào:

A. Miêu tả ngoại hình, cử chỉ, lời nói và tâm trạng của họ.
B. Cho nhân vật tự nói lên suy nghĩ của mình.
C. Tạo ra nhiều chi tiết biểu cảm cho nhân vật thể hiện tình cảm.
D. Đề cao giá trị của tiếng Pháp đối với người đọc.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Nêu cảm nhận về hình ảnh thầy Ha-men trong truyện Buổi học cuối cùng của An-phông-xơ Đô-đê.

Gợi ý trả lời:

An-phông-xơ Đô-đê là nhà văn nổi tiếng của nước Pháp nửa sau thế kỉ XIX. Ông là điển hình cho sự khổ luyện để thành tài. Các tác phẩm của ông gồm nhiều thể loại khác nhau như kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn... trong đó nổi bật nhất là truyện ngắn. Những bức thư từ cối xay gió của tôi (1869) và Chuyện kể ngày thứ hai (1873) là hai tác phẩm nổi tiếng của ông. Truyện của ông thấm đượm chất đồng dao, dân ca, nhẹ nhàng và trong sáng, diễn tả cảm động những nỗi đau và tình thương, đặc biệt là tình yêu đồng quê và quê hương, đất nước.

Đoạn trích Buổi học cuối cùng là một phần trong tập truyện Chuyện kể ngày thứ hai. Cậu học trò nhỏ Phrăng kể lại tâm trạng của mình về hình ảnh thầy Ha-men, nói lên không khí lớp học trong buổi học tiếng Pháp cuối cùng trên quê hương em. Câu chuyện thấm thía bao nỗi buồn đau mất nước của người thầy, của tuổi thơ vì dưới ách thống trị của ngoại bang, họ sẽ không được dạy và học tiếng mẹ đẻ thân yêu của dân tộc mình nữa.

Thầy Ha-men là hình ảnh tiêu biểu nhất cho nỗi đau của một người dân mất nước, vẫn như mỗi lần, thầy Ha-men đi đi lại lại với cây thước sắt khủng khiếp kẹp dưới nách. Không phải ngày lễ phát phần thưởng hoặc có thanh tra đến trường, nhưng thầy Ha-men vẫn ăn mặc rất trang trọng. Lớp học của trường làng, trước đây ồn ào, vui vẻ thế, nhưng hôm nay trở nên trang trọng khác thường. Ngoài lũ học trò quen thuộc, buổi học hôm nay còn có nhiều bà con dân làng đến dự, và ai nấy đều có vẻ buồn rầu.

Thầy Ha-men với giọng dịu dàng và trang trọng thông báo cho mọi người biết lệnh từ Béc-lin là từ nay, chỉ dạy tiếng Đức ở các trường vùng An-dát và Lo-ren... Thầy giáo mới ngày mai sẽ đến. Hôm nay là bài học Pháp văn cuối cùng của các con. Phrăng vô cùng choáng váng khi nghe thầy nói. Tất nhiên, thầy Ha-men càng xót xa hơn khi nói lên sự thật mà bất cứ người con nào của vùng An-dát và Lo-ren cũng đều không mong muốn. Thầy đã gắn bó với ngôi trường này gần 40 năm, thầy đã phụng sự cho quê hương, hết lòng với Tổ quốc. Bà con đến với trường trong buổi học cuối cùng là để tạ ơn thầy Ha-men trước khi thầy rời xa mái trường thầy nhiều năm gắn bó. Thầy nói lên một cách chân thành, xúc động về sự coi nhẹ học hành, thầy cho rằng đó là một trong những nguyên nhân làm nước Pháp thất bại. Thầy cũng nhẹ nhàng phê phán Phrăng nhiều lần về việc em không chăm chỉ học hành. Bài học yêu nước từ việc chăm chỉ học hành đã được thầy nói lên một cách chân thành và giản dị.

Giờ Ngữ pháp, thầy phân tích và giảng giải để nâng cao lòng tự hào trong mỗi học sinh về một ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất. Thầy nhấn mạnh về nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn tiếng Pháp đối với mỗi công dân. Yêu tiếng Pháp chính là yêu nước Pháp, yêu nước Pháp để tiến đến giải phóng đất nước ra khỏi cảnh bị đô hộ. Thầy nhấn mạnh vai trò của chữ viết trong việc giữ gìn bản sắn văn hóa dân tộc và sức mạnh trong cuộc đấu tranh chống ách nô lệ: Một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù. Có thể nói buổi học cuối cùng là buổi học về lòng yêu nước mà trước hết là yêu tiếng Pháp, bảo vệ và giữ gìn tiếng Pháp. Bài học ấy thiêng liêng biết bao, nhất là đối với thầy Ha-men, đối với Phrăng và các cô cậu khác, đối với cụ già Hô-de và bao người dân vùng An-dát trong những năm tháng đau thương.

Hình ảnh người thầy trong buổi học cuối cùng thật trang trọng nhưng cũng thật cảm động. Những gì thầy nói ra đều xuất phát từ tận đáy lòng thầy, đó là lòng yêu nước nồng nàn, yêu quê hương tha thiết và yêu tiếng mẹ đẻ của mình. Thầy cố gắng truyền tải lòng yêu nước của mình đến với thế hệ trẻ, những người sẽ gánh trách nhiệm giải phóng quê hương, giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc.

Nguồn: Tổng hợp
 
Đêm nay Bác không ngủ

I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ trích đoạn thơ dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

[...] Lần thứ ba thức dậy

Anh hốt hoảng giật mình:

Bác vẫn ngồi đinh ninh

Chòm râu im phăng phắc

Anh vội vàng nằng nặc:

Mời Bác ngủ Bác ơi!

Trời sắp sáng mất rồi

Bác ơi! Mời Bác ngủ!

- Chú cứ việc ngủ ngon

Ngày mai đi đánh giặc

Bác thức thì mặc Bác

Bác ngủ không an lòng

Bác thương đoàn dân công

Đêm nay ngủ ngoài rừng

Rải lá cây làm chiếu

Manh áo phủ làm chăn

Trời thì mưa lâm thâm

Làm sao cho khỏi ướt!

Càng thương càng nóng ruột

Mong trời sáng mau mau

Anh đội viên nhìn Bác

Bác nhìn ngọn lửa hồng

Lòng vui sướng mênh mông

Anh thức luôn cùng Bác

Đêm nay Bác ngồi đó

Đêm nay Bác không ngủ

Vì một lẽ thường tình

Bác là Hồ Chí Minh.

Câu 1. Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ là của tác giả nào?

A. Minh Huệ.
B. Chính Hữu.
C. Tố Hữu.
D. Huy Cận.

Câu 2. Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ được viết theo thể thơ nào?

A. Thất ngôn bát cú.
B. Ngũ ngôn.
C. Thất ngôn tứ tuyệt.
D. Lục bát.

Câu 3. Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ được viết trong hoàn cảnh nào?

A. Vào năm 1946, khi Bác Hồ cùng cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước rời Hà Nội lên Việt Bắc trong những ngày toàn quốc kháng chiến.
B. Vào năm 1947, khi giặc Pháp tấn công lên Việt Bắc, Bác Hồ cùng một số lãnh đạo Đảng vạch kế hoạch tác chiến.
C. Vào năm 1950, khi Bác Hồ trực tiếp theo dõi và chỉ huy bộ đội ta tại chiến dịch Biên Giới.
D. Vào năm 1954, khi Bác tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Câu 4. Anh đội viên trong bài thơ đã thức giấc mấy lần?

A. Một lần.
B. Hai lần.
C. Ba lần.
D. Bốn lần.

Câu 5. Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ kể lại câu chuyện:

A. Bác bị bắt giam trong nhà tù ở Trung Quốc.
B. Bác suốt một đêm không ngủ vì lo lắng cho cuộc cách mạng, cho các chiến sĩ giải phóng và cho toàn thể nhân dân.
C. Bác ra thăm chiến sĩ làm nhiệm vụ ngoài mặt trận.
D. Bác về thăm lại làng Sen.

Câu 6. Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nào sau đây?

A. Tự sự, kể chuyện, miêu tả.
B. Tự sự, miêu tả, biểu cảm.
C. Tự sự, kể chuyện, biểu cảm.
D. Kể chuyện, miêu tả, biểu cảm.

Câu 7. Chi tiết nào trong bài thơ chứng tỏ Bác Hồ có lòng yêu thương sâu sắc đối với bộ đội, với nhân dân?

A. Bác lo lắng cho đoàn dân công ngủ ngoài rừng dưới trời mưa gió.
B. Bác đốt lửa sưởi ấm cho bộ đội rồi dém chăn cho từng người một.
C. Bác cả đêm không ngủ, ngồi trầm ngâm một mình lo cho bộ đội, cho nhân dân.
D. Cả ba chi tiết trên.

Câu 8. Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ thể hiện điều gì ở tác giả?

A. Tình cảm yêu kính, cảm phục đối với Bác.
B. Tâm trạng lo lắng cho sức khỏe của Bác.
C. Tinh thần yêu nước, yêu quê hương.
D. Tinh thần vì đồng đội, đồng chí.

Câu 9. Tác giả đã khái quát nguyên do Bác không ngủ bằng một câu thơ đặc sắc. Đó là câu thơ nào?

A. Bác thức thì mặc Bác.
B. Bác ngủ không an lòng.
C. Bác thương đoàn dân công.
D. Bác là Hồ Chí Minh.

Câu 10. Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ thể hiện đỉều gì ở Bác Hồ?

A. Sự hi sinh cao cả vì sự nghiệp cách mạng.
B. Tấm lòng yêu thương sâu sắc, rộng lớn đối với bộ đội và nhân dân.
C. Tinh thần vì dân, vì nước.
D. Sự quan tâm đặc biệt đối với chiến dịch diễn ra vào ngày hôm sau.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Về bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ.

BÀI THAM KHẢO

Có bao giờ tôi quên được cái đêm mùa đông đầy xúc động bất ngờ ấy. Trong một căn nhà gianh ven sông Lam, quên cả gió buốt luồn qua phên nứa phả vào người, tôi ngồi nghe say mê câu chuyện của người bạn cũ nay là một quân nhân vừa ở chiến dịch Biên Giới (1950) trở về. Chuyện anh kể là một câu chuyện đặc biệt, và vô cùng thân thiết, mà cả hậu phương đang mong đợi: chuyện Bác Hồ đi chiến dịch. Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, mặc dầu tuổi đã sáu mươi, vẫn mặc đồ lính, đội mũ nan, ăn cơm muối, lội suối, dầm sương, băng băng những dặm rừng Cao - Bắc - Lạng, trực tiếp chỉ huy chiến dịch lịch sử đầu tiên của cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp. Trong cái không khí chiến thắng tưng bừng anh bạn mang về cho tôi, hình ảnh Bác Hồ hiện lên đẹp lạ lùng, ấm lạ lùng. Tôi uống từng lời của anh bạn. Tôi cảm thấy mình đang đắm vào một không khí chiêm ngưỡng thiên nhiên với cái chất hào hùng rất trữ tình của câu chuyện. Thật ra, do cuộc gặp gỡ quá vội vàng, anh bạn chỉ kể lướt từ mẩu chuyện này sang mẩu chuyện khác, nhưng những chi tiết đơn sơ cũng đủ tạo nên cho tôi một ấn tượng sâu sắc về tấm lòng người cha thân yêu của quân đội, của dân công trống chiến dịch. Nào là đồng chí phục vụ đưa thịt gà rán mời Bác, Bác bảo đưa ngay cho các cháu thương binh, còn Bác chỉ ăn cơm rang muối mang theo trong ống tre; nào là mời Bác đi ngựa, Bác lại nhường cho cháu nào đau yếu, trong lúc chính bàn chân Bác đã sưng lên vì những dốc rừng giá buốt; nào là Bác hay kể chuyện vui, ngâm thơ, ra câu đố với các cán bộ cùng đị dọc đường hành quân; nào là... Thú thật, tôi xúc động đến giàn giụa nước mắt, không còn nhớ được thật rõ những chi tiết của cuối câu chuyện nữa.

Tuy nhiên, cái cảm giác này thì suốt đời không quên được. Ấy là với những chi tiết đó, tâm hồn bỗng nhiên như được nâng lên một ít trong tầm cao đẹp của một đạo đức tuyệt vời, một lí tưởng nhân đạo. Lúc ấy trong con người tôi, tinh cảm hoạt động nhiều hơn lí trí. Một tình cảm như cháy lên, mà nổi bật nhất là lòng kính yêu vô vàn với lãnh tụ. Những hình ảnh sinh động và cao quý mà hết sức gần gũi về Bác Hồ đã mãnh liệt cuốn hút tôi hướng ra tiền tuyến. Hình ảnh Bác Hồ với hĩnh ảnh núi rừng, hình ảnh chiến dịch hòa lẫn làm một...

Sau khi chia tay lần cuối với anh bạn, tôi trở lại nhà, trong cái cảm giác rất mê và cũng rất tỉnh. Người cứ lâng lâng, chân bước như không còn tự chủ, nhưng trí óc nảy ra một nhận thức mới mẻ, nóng bỏng. Không phải Bác Hồ chỉ thức một đêm vì bộ đội và dân công trong một chiến dịch; Bác thức suốt một đời vì hạnh phúc của một dân tộc. Cái đêm Bác thức trong cái lán nhỏ đó có nghĩa là một đêm tượng trưng, là một đêm của mọi đêm không ngủ của Bác:

Bác không ngủ đêm nay...

Đêm nay Bác không ngủ...

Bác thức vì dân tộc...

Đột nhiên những tiếng thơ, có vẻ tình cờ đó dội lên rồi bám chặt vào hồn tôi như một mầm non nhú rễ trong đất. Vui sướng, thích thú đến lịm người, tôi sống cái giờ phút hồi hộp của người con gái khi cảm thấy những dấu hiệu làm mẹ đã bắt đầu xuất hiện trong con người mình. Tôi đi cho đến đầu va vào cái cổng tre thì mới biết đã về đến nhà trọ. Trên bàn, ngọn đèn dầu lạc vẫn đang đợi chủ. Mà lạ quá, ngọn đèn sao lại bùng lên như ngọn lửa: ngọn lửa Bác Hồ. Quên thời gian và quên cả không gian nữa, tôi lấy sổ tay ghi lia lịa mải mê, ngòi bút lao đi trong một cảm giác thật bồi hồi và khoái trá. Ghi như thế nào? Ghi để làm gì? Chẳng kịp nghĩ tới nữa. Chỉ biết không ghi thì sẽ mất đi với thời gian những hạt-ngọc của sự sống vĩ đại mà mình vừa lượm được. Những mẩu chuyện về Bác Hồ ra trận, không những cần cho hôm nay mà con bổ ích cho mai sau. Nghĩ vậy, tôi bỗng thấy việc ghi đó là một trách nhiệm.

Cho đến khi ngòi bút chững lại, những cảm xúc như đã vơi đi ít nhiều, những chi tiết cũng cạn dần, tôi mới đứng dậy, rồi cúi người xuống mặt bàn mà đọc. Và đọc cũng mải mê không kém gì lúc ghi. Càng đọc càng ngạc nhiên hơn khi nhận ra rằng mình đang làm thơ về Bác. Ngạc nhiên vì ý định làm thơ chưa hề nảy ra kể từ lúc nghe chuyện đến lúc cầm bút ghi. Nhưng rõ ràng là một bài thơ đã hiện ra rồi; một bài thơ năm chữ của thể vè Nghệ Tĩnh mà tôi vốn ưa thích từ bé và cũng hay vận dụng trong những năm đầu tập làm thơ; một bài thơ kể chuyện đã khá dài nối tiếp từ mẩu này sang mẩu khác, thâu tóm không thiếu một chi tiết nào mà anh bạn đã truyền lại cho tôi. Trong đó lẫn vào cả một số chi tiết đẻ ra từ trí tưởng tượng đầy tính chất chiêm ngưỡng của tôi, và những lời ca ngợi, những lời bình luận, những cảm nghĩ, suy nghĩ về đạo đức cách mạng. Tất cả đều xoay quanh một ý chính: Bác Hồ có lòng thương yêu vô vàn đối với nhân dân và đấy là một lòng thương yêu hết sức giản dị, ấm áp, cao đẹp, đã thành một sức mạnh chiến đấu cho nhân dân.

Nguồn: Tổng hợp
 
Trắc nghiệm bài Lượm
I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ trích đoạn thơ dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

[...] Một hôm nào đó

Như bao hôm nào

Chú đồng chí nhỏ

Bỏ thư vào bao

Vụt qua mặt trận

Đạn bay vèo vèo

Thư đề “Thượng khẩn”

Sợ chi hiểm nghèo?

Đường quê vắng vẻ

Lúa trổ đòng đòng

Ca lô chú bé

Nhấp nhô trên đồng.

Bỗng lòe chớp đỏ

Thôi rồi, Lượm ơi!

Chú đồng chí nhỏ

Một dòng máu tươi!

Cháu nằm trên lúa

Tay nắm chặt bông

Lúa thơm mùi sữa

Hồn bay giữa đồng

Lượm ơi còn không? [...]

Câu 1. Bài thơ Lượm là của tác giả nào?

A. Bằng Việt.
B. Xuân Diệu.
C. Chế Lan Viên.
D. Tố Hữu.

Câu 2. Bài thơ Lượm được sáng tác vào khoảng thời gian nào?

A. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
B. Năm 1949, trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp,
C. Trong thời kì kháng chiến chống đế quốc Mĩ.
D. Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất.

Câu 3. Bài thơ Lượm được làm theo thể thơ nào?

A. Bốn chữ.
B. Sáu chữ.
C. Năm chữ.
D. Bảy chữ.

Câu 4. Chú bé trong bài thơ làm công việc gì?

A. Du kích.
B. Dân công.
C. Liên lạc.
D. Bộ đội.

Câu 5. Bài thơ Lượm sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nào sau đây?

A. Tự sự, kể chuyện, miêu tả.
B. Miêu tả, kể chuyện, biểu cảm.
C. Tự sự, miêu tả, biểu cảm.
D. Tự sự, kể chuyện, biểu cảm.

Câu 6. Nhân vật Lượm trong bài thơ được tác giả khắc họa như thế nào?

A. Hồn nhiên, vui tươi, hăng hái và dũng cảm.
B. Hồn nhiên, vui tươi và siêng năng.
C. Yêu đời, yêu thiên nhiên và con người.
D. Có tính tự lập, biết cống hiến sức mình cho đất nước.

Câu 7. Câu thơ nào dưới đây diễn tả sự nhanh nhẹn của nhân vật Lượm khi làm nhiệm vụ?

A. Chú bé loắt choắt - Cái xắc xinh xinh.
B. Cái chân thoăn thoắt - Cái đầu nghênh nghênh,
C. Ca lô đội lệch - Mồm huýt sáo vang.
D. Cháu cười híp mí - Má đỏ bồ quân.

Câu 8. Tác giả sử dụng biện pháp tu từ nào trong bốn câu thơ sau?

Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường làng.

A. Nhân hóa.
B. Hoán dụ.
C. So sánh.
D. Ẩn dụ.

Câu 9. Hình ảnh và công việc của chú bé Lượm trong bài thơ gần giống với nhân vật có thật nào sau đây?

A. Lê Văn Tám.
B. Võ Thị Sáu.
C. Bế Văn Đàn.
D. Kim Đồng.

Câu 10. Câu thơ nào dưới đây nói lên sự dũng cảm, gan dạ của chú bé Lượm?

A. Thư đề “Thượng khẩn - Sợ chi hiểm nghèo.
B. Chú đồng chí nhỏ - Bỏ thư vào bao.
C. Vụt qua mặt trận - Đạn bay vèo vèo.
D. Cháu nằm trên lúa - Tay nắm chặt bông.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Vài nét về bài thơ Lượm và tác giả Tố Hữu.

Gợi ý trả lời:

Tố Hữu sinh năm 1920 tại Thừa Thiên Huế và mất năm 2002 tại Hà Nội. Tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành.

Tố Hữu sinh ra trong gia đình nhà Nho, từ năm sáu tuổi đã học làm thơ. Đến giữa những năm ba mươi, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Trong cuộc vận động dân chủ năm 1936 - 1939, Tố Hữu lãnh đạo đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế. Thơ của Tố Hữu bắt đầu xuất hiện trên báo vào các năm 1937 - 1938. Năm 1939, Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt giam; năm 1942, ông vượt ngục tiếp tục hoạt động cách mạng. Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông lãnh đạo khởi nghĩa ở Huế. Sau cách mạng, ông trở thành nhà lãnh đạo tư tưởng, văn nghệ của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng trở thành một nhà thơ lớn của dân tộc.

Tố Hữu đã để lại cho thế hệ sau nhiều bài thơ có giá trị. Ở Tố Hữu có sự gắn bó mật thiết giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ. Thơ của ông chan chứa tình yêu nước, yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cách mạng. Những tác phẩm đã xuất bản của ông có thể kể ra như tập thơ Từ ấy (1946), tập thơ Việt Bắc (1954), tập thơ Gió lộng (1961), tập thơ Ra trận (1972), tiểu luận Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta (1973), tập thơ Máu và hoa (1977), tiểu luận Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (1981), tập thơ Một tiếng đờn (1992), hồi kí Nhớ lại một thời (2000)...

Với những đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, Tố Hữu đã vinh dự được phong tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng khác nhau: Giải Nhất giải thưởng văn học Hội văn nghệ Việt Nam (1954 - 1955), Giải thưởng văn học ASEAN (1996), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).

Bài thơ Lượm được Tố Hữu sáng tác vào năm 1949, và in trong tập Việt Bắc (1946 - 1954). Bài thơ đã khắc họa nổi bật hình ảnh chú bé Lượm, một chú bé liên lạc trong thời kì kháng chiến chống Pháp, hồn nhiên, nhanh nhẹn, yêu đời và dũng cảm qua cách miêu tả kết hợp với kể chuyện và biểu cảm của nhà thơ. Lượm đã hi sinh nhưng hình ảnh một chú bé nhí nhảnh, yêu đời ấy còn in đậm mãi trong lòng quê hương, đất nước.

Nguồn: Tổng hợp
 
Trắc nghiệm bài Mưa
I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ trích đoạn thơ dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Sắp mưa

Sắp mưa

Những con mối

Bay ra

Mối trẻ

Bay cao

Mối già

Bay thấp

Gà con

Rối rít tìm nơi

Ẩn nấp

Ông trời

Mặc áo giáp đen

Ra trận

Muôn nghìn cây mía

Múa gươm

Kiến

Hành quân

Đầy đường

Lá khô

Gió cuốn

Bụi bay

Cuồn cuộn

Cỏ gà rung tai

Nghe

Bụi tre

Tần ngần

Gỡ tóc

Hàng bưởi

Đu đưa

Bế lũ con

Đầu tròn

Trọc lốc

Chớp

Rạch ngang trời

Khô khốc

Sấm

Ghé xuống sân

Khanh khách

Cười

Cây dừa

Sải tay

Bơi

Ngọn mùng tơi

Nhảy múa

Mưa

Mưa

Ù ù như xay lúa

Lộp bộp

Lộp bộp...

Rơi

Rơi...

Đất trời

Mù trắng nước

Mưa chéo mặt sân

Sủi bọt

Cóc nhảy chồm chồm

Chó sủa

Cây lá hả hê

Bố em đi cày về

Đội sấm

Đội chớp

Đội cả trời mưa...

Câu 1. Bài thơ Mưa là của tác giả nào?

A. Trần Đăng Khoa.
B. Tế Hanh.
C. Quang Dũng.
D. Nguyễn Khoa Điềm.

Câu 2. Bài thơ Mưa được trích trong tập thơ nào?

A. Vầng trăng quầng lửa.
B. Góc sân và khoảng trời.
C. Gào thét.
D. Ánh trăng.

Câu 3. Bài thơ Mưa được viết theo thể thơ nào?

A. Tứ tuyệt.
B. Ngũ ngôn.
C. Tự do.
D. Lục bát

Câu 4. Bài thơ Mưa diễn tả cơn mưa diễn ra ở vùng nào?

A. Thành phố.
B. Miền núi.
C. Miền biển.
D. Làng quê.

Câu 5. Nhịp thơ trong bài thơ như thế nào?

A. Rất ngắn, nhanh và dồn dập.
B. Rất chậm chạp, nhẹ nhàng.
C. Bình thường, mang âm điệu nhẹ.
D. Cả A, B và C đều sai.

Câu 6. Bài thơ Mưa viết về cơn mưa mùa nào trong năm?

A. Mùa xuân.
B. Mùa hè.
C. Mùa thu.
D. Mùa đông.

Câu 7. Lũ con - Đầu tròn - Trọc lốc là những câu thơ chỉ:

A. Trái dừa.
B. Trái đu đủ.
C. Trái bưởi.
D. Trái bóng.

Câu 8. Những con vật nào được tác giả nhắc đến trong bài thơ?

A. Con chó, con gà, con kiến, con mối.
B. Con cóc, con chó, con gà, con mối.
C. Con mối, con gà, con kiến, con chó, con cóc.
D. Con mối, con gà, con kiến, con chó.

Câu 9. Biện pháp nghệ thuật nào được tác giả sử dụng rộng rãi trong bài thơ Mưa?

A. Nhân hóa.
B. Hoán dụ.
C. So sánh.
D. Ẩn dụ.

Câu 10. Câu nào dưới đây không nói về bài thơ Mưa?

A. Diễn tả không khí mát mẻ, dễ chịu của làng quê sau cơn mưa.
B. Miêu tả chính xác, sinh động cảnh vật thiên nhiên làng quê trước và sau cơn mưa.
C. Thể hiện tài năng quan sát và miêu tả thiên nhiên tinh tế và độc đáo của tác giả.
D. Chứa đựng những tình cảm yêu thương gắn bó của tác giả đối với quê hương.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Phân tích bài thơ Mưa của tác giả Trần Đăng Khoa.

Gợi ý trả lời:

Bài thơ Mưa được làm theo thể thơ tự do, theo các nhịp 1, 2, 3 và 4, trong đó nhịp 2 chiếm số lượng chủ yếu. Với nhịp thơ ngắn và nhanh, tác giả đã diễn tả linh hoạt các đối tượng quan sát lúc trước và trong cơn mưa.

Bài thơ là sự kết hợp hoàn hảo giữa việc sử dụng động từ và tính từ. Các từ này đã diễn tả một cách sinh động trạng thái của mọi vật khi cơn mưa sắp diễn ra và trong cơn mưa. Một số tính từ tác giả đã sử dụng có thể kể ra như tròn trọc lóc, màu trắng, chéo, chồm chồm, hả hê...; động từ như rối rít, hành quân, múa, rung, mặc, đu đưa... Những từ này góp phần làm cho phép nhân hóa sử dụng trong bài thơ được hoàn thiện hơn. Có thể nói đây là bài thơ sử dụng rộng rãi và thành công phép nhân hóa. Các loài vật dường như đã có hồn trong con mắt của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Có thể kể ra một số chi tiết tác giả sử dụng phép nhân hóa như:

Ông trời mặc áo giáp đen, ra trận

Muôn nghìn cây mía múa gươm

Kiến hành quân

Cỏ gà rung tai nghe

Bụi tre tần ngần gỡ tóc

Hàng bưởi đu đưa bế lũ con

Sấm ghé xuống sân khanh khách cười

Cây dừa sải tay bơi

Ngọn mùng tơi nhảy múa

Phép nhân hóa này làm cho cả thế giới thiên nhiên trở nên sống động và hòa lẫn vào thế giới của con người. Đọc bài thơ, ta có cảm giác như sắp có một trận chiến xảy ra trong đất trời: Ông trời mặc áo giáp đen, muôn nghìn cây mía múa gươm, kiến hành quân; tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những hình ảnh hết sức bình dị, thân thiết: Hàng bưởi đu đưa bế lũ con, cây dừa sải tay bơi, ngọn mùng tơi nhảy múa. Những chi tiết diễn tả thiên nhiên trong bài thơ đã thể hiện sự quan sát tinh tường và tầm am hiểu thiên nhiên của tác giả.

Bài thơ chỉ thật sự có bóng dáng con người khi bước vào những câu cuối cùng:

Bố em đi cày về

Đội sấm

Đội chớp

Đội cả trời mưa...

Đây là dụng ý của tác giả khi sắp đặt con người xuất hiện ở cuối cơn mưa nhằm làm tăng vẻ đẹp và sự lớn lao trong vóc dáng của người nông dân. Sức tưởng tượng phong phú của cậu bé đã làm cho hình ảnh người cha đi cày trở thành một hình ảnh đẹp và có tư thế hiên ngang bất chấp những khó khăn trong công việc.

Nguồn: Tổng hợp
 
Trắc nghiệm bài Cô Tô
I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ đoạn trích dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Ngày thứ năm trên đảo Cô Tô là một ngày trong trẻo, sáng sủa. Từ khi có vịnh Bắc Bộ và từ khi quần đảo Cô Tô mang lấy dấu hiệu của sự sống con người thì sau mỗi lần dông bão, bao giờ bầu trời Cô Tô cũng trong sáng như vậy. Cây trên núi đảo lại thêm xanh mượt, nước biển lại lam biếc đậm đà hơn hơn hết cả mọi khi, và cát lại vàng dòn hơn nữa. Và nếu cá có vắng tăm biệt tích trong ngày động bão, thì nay lưới lại càng thêm nặng mẻ cá giã đôi. Chúng tôi leo dốc lên đồn Cô Tô hỏi thăm sức khỏe anh em bộ binh và hải quân, cùng đóng sát nhau trong cái đồn khố xanh cũ ấy. Trèo lên nóc đồn, nhìn ra bao la Thái Bình Dương bốn phương tám hướng, quay gót 180 độ mà ngắm cả toàn cảnh đảo Cô Tô. Nhìn rõ cả Tô Bắc, Tô Trung, Tô Nam, mà càng thấy yêu mến hòn đảo như bất cứ người chài nào đã từng đẻ ra và lớn lên theo mùa sóng ở đây.

[...] Mặt trời lại rọi lên ngày thứ sáu của tôi trên đảo Thanh Luân một cách thật quá là đầy đủ. Tôi dậy từ canh tư. Còn tối đất, cố đi mãi trên đá đầu sư, ra thấu đầu mũi đảo. Và ngồi đó rình mặt trời lên. Điều tôi dự đoán, thật là không sai. Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển ửng hồng. Y như ruột mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới, trên muôn thuở biển Đông. Vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại trên mâm bể sáng dần lên cái chất bạc nén. Một con hải âu bay ngang là là nhịp cánh. [...]

Câu 1. Đoạn trích Cô Tô là của tác giả nào?

A. Nguyễn Tuân.
B. Lí Lan.
C. Võ Quảng.
D. Thạch Lam.

Câu 2. Đoạn trích Cô Tô thuộc thể loại?

A. Tùy bút.
B. Truyện ngắn.
C. Kí.
D. Hồi kí.

Câu 3. Nhà văn Nguyễn Tuân chuyên viết về thể loại nào?

A. Truyện ngắn.
B. Tùy bút và kí.
C. Kí sự.
D. Tiểu thuyết.

Câu 4. Văn bản Cô Tô nằm trong bài kí Cô Tô?

A. Phần giới thiệu.
B. Phần đầu.
C. Phần giữa.
D. Phần cuối.

Câu 5. Bài kí Cô Tô được viết trong hoàn cảnh nào?

A. Khi tác giả đi thực tế ra đảo Cô Tô, được tận mắt chứng kiến cảnh thiên nhiên và hoạt động lao động của con người ở đây.
B. Khi tác giả được xem bộ phim giới thiệu về vùng đảo Cô Tô trên truyền hình.
C. Khi tác giả nghe một người bạn kể về đảo Cô Tô sau chuyến đi thực tế của người đó.
D. Khi tác giả có một thời gian sống và làm việc tại đảo Cô Tô.

Câu 6. Trong văn bản, tác giả miêu tả quang cảnh đảo Cô Tô sau cơn dông bão như thế nào?

A. Hoàn toàn yên lắng, những con thuyền đã tìm nơi trú ẩn an toàn.
B. Bầu trời trong sáng, cây cối thêm xanh mượt, nước biển lại lam biếc đậm đà, cát vàng dòn hơn nữa.
C. Bầu trời vẫn xám xịt, từng đám mây đen lần lượt kéo đến.
D. Từng đoàn thuyền nối đuôi nhau ra khơi, quang cảnh lại trở về như lúc chưa có dông bão.

Câu 7. Ngày thứ năm trên đảo của tác giả là một ngày như thế nào?

A. Một ngày mưa tầm tã.
B. Một ngày nắng ấm chan hòa.
C. Một ngày trong trẻo, sáng sủa.
D. Một ngày sôi động và thật nhiều ý nghĩa.

Câu 8. Đoạn văn từ “Mặt trời lại rọi lên ngày” đến “Hải âu bay ngang là là nhịp cánh” diễn tả điều gì?

A. Khung cảnh đảo Cô Tô sau cơn dông bão.
B. Cảnh mặt trời mọc trên biển.
C. Cảnh đàn hải âu bay lượn trên biển.
D. Cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá.

Câu 9. Qua ngôn ngữ và sự miêu tả của tác giả, cảnh thiên nhiên và sinh hoạt của con người trên đảo Cô Tô hiện ra như thế nào?

A. Trong sáng và tươi đẹp.
B. Hoang sơ và thanh vắng.
C. Nên thơ và gần gũi.
D. Trù phú và đông đúc.

Câu 10. Câu nào dưới đây nói về giá trị nghệ thuật trong đoạn trích Cô Tô?

A. Ngôn ngữ điêu luyện.
B. Miêu tả tinh tế, chính xác, giàu hình ảnh và cảm xúc.
C. Lời văn sinh động, trau chuốt.
D. Cả ba câu A, B và C.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Vài nét về tác giả Nguyễn Tuân và Kí sự Cô Tô.

Gợi ý trả lời:

Nguyễn Tuân sinh năm 1910 và mất năm 1987 tại Hà Nội; quê quán thuộc làng Mọc, thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nguyễn Tuân có rất nhiều bút danh như Ngột Lôi Quất, Thanh Hà, Nhất Lang, Tuân Ân Ngũ Tuyên, Tuấn Thừa Sắc.

Thời trai trẻ, Nguyễn Tuân theo gia đình đi làm ăn ở nhiều tỉnh khác nhau, nhất là ở các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Ông theo học phổ thông tại Nam Định và đã học đến bậc trung học. Năm 1929, do tham gia phong trào bãi khóa, Nguyễn Tuân bị đuổi học; sau đó ông trải qua vài lần ở tù vì tham gia phản đối chế độ thuộc địa.

Nguyễn Tuân bắt đầu viết văn và làm báo từ những năm 1930. Bài viết của ông chủ yếu được đăng trên các báo và tạp chí như An Nam tạp chí, Đông Tây, Hà Nội tân văn, Trung Bắc tân văn, Tao đàn, Tiểu thuyết thứ bảy, Thanh nghị... Khoảng cuối những năm 1930, Nguyễn Tuân chuyển sang nghề viết văn và bắt đầu nổi tiếng với một số tác phẩm như Một chuyến đi, Vang bóng một thời.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Tuân vào công tác tại Khu V (Trung Bộ). Thời gian này Nguyễn Tuân phụ trách một đoàn kịch lưu động. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều chiến dịch và về các vùng sau lưng địch để sáng tác.

Nguyễn Tuân từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các tổ chức văn học. Từ năm 1948, ông làm Tổng thư kí Hội văn nghệ Việt Nam. Từ năm 1958, ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam và là ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam các khóa I và II.

Nguyễn Tuân đã để lại nhiều tập truyện có tầm ảnh hưởng rất lớn. Ngoài tùy bút, ông còn viết nhiều thể loại khác. Các tác phẩm đã xuất bản của ông như phóng sự Ngọn đèn dầu lạc (1939), truyện ngắn Vang bóng một thời (1940), tùy bút Chiếc lư đồng mắt cua (1941), tùy bút Tóc chị Hoài (1943), tùy bút Tùy bút II (1943), truyện ngắn Nguyễn (1945), truyện Chùa Đàn (1946), tùy bút Đường vui (1949), bút kí Tình chiến dịch (1950), truyện Thắng càn (1953), truyện thiếu nhi Chú Giao làng Sen (1953), tùy bút Tùy bút kháng chiến (1955), bút kí Đi thăm Trung Hoa (1956), tùy bút Tùy bút kháng chiến và hòa bình (1956), truyện thiếu nhi Truyện một cái thuyền đất (1958), tùy bút Sông Đà (1960), tùy bút Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972), Tuyển tập Nguyễn Tuân (2 tập, 1981, 1982).

Năm 3996, Nguyễn Tuân vinh dự được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học.

Bài kí Cô Tô được viết trong một chuyến Nguyễn Tuân ra thăm đảo Cô Tô. Nội dung bài kí ghi lại những ấn tượng về thiên nhiên và cuộc sống của những con người ở vùng đảo Cô Tô.

Nguồn: Tổng hợp
 
Trắc nghiệm bài Cây tre Việt Nam

I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ đoạn trích dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

[...] Tre còn là nguồn vui duy nhất của tuổi thơ. Các em bé còn có đồ chơi gì nữa ngoài mấy que chuyền đánh chắt bằng tre.

Tuổi già hút thuốc làm vui. Với chiếc điếu cày tre là khoan khoái. Nhớ lại vụ mùa trước, nghĩ đến những mùa sau, hay nghĩ đến một ngày mai sẽ khác.

Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thủy.

Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất.

Người xưa có câu: “Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng”. Tre là thẳng thắn, bất khuất! Ta kháng chiến, tre lại là đồng chí chiến đấu của ta. Tre vốn cùng ta làm ăn, lại vì ta mà cùng ta đánh giặc.

Buổi đầu, không một tấc sắt trong tay, tre là tất cả, tre là vũ khí. Muôn ngàn đời biết ơn chiếc gậy tầm vông đã dựng nên thành đồng Tổ quốc! Và sông Hồng bất khuất có cái chông tre.

Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu! [...]

Câu 1. Đoạn trích Cây tre Việt Nam là của tác giả nào?

A. Thép Mới.
B. Ngô Tất Tố.
C. Nguyễn Công Hoan.
D. Vũ Trọng Phụng.

Câu 2. Câu nào dưới đây nói về văn bản Cây tre Việt Nam?

A. Là truyện ngắn đạt giải nhất trong cuộc thi viết về làng quê và con người Việt Nam.
B. Là lời bình cho bộ phim cùng tên của các nhà điện ảnh Ba Lan.
C. Là kí sự của tác giả viết về cây tre Việt Nam.
D. Là tác phẩm đạt giải nhì trong cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi.

Câu 3. Trong đoạn trích, nguồn vui mà tre mang lại cho trẻ thơ là từ đâu?

A. Tre hát ru em bé trong giấc ngủ êm nồng.
B. Tạo tỏa bóng mát cho trẻ em nô đùa.
C. Nguyên liệu từ tre tạo ra que đánh chuyền.
D. Tre làm nên chiếc nôi đưa trẻ.

Câu 4. Người già dùng tre làm gì để tạo ra sự khoan khoái?

A. Chiếc cày để cày ruộng.
B. Chiếc võng để đung đưa trong những trưa hè oi bức.
C. Chiếc cần câu để câu cá thư giãn.
D. Chiếc điếu cày để hút thuốc.

Câu 5. Đoạn văn: “Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thủy” nói lên điều gì?

A. Sự gắn bó thủy chung của tre với con người trong suốt cả cuộc đời.
B. Sự tận tình của tre trong việc phục vụ con người.
C. Những phẩm chất cao quý của tre đối với con người.
D. Những đóng góp của tre cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Câu 6. Tác giả đã gọi tre là gì của con người trong kháng chiến?

A. Tre là bạn thân của con người.
B. Tre là đồng chí chiến đấu của con người,
C. Tre là đồng đội của con người.
D. Tre là cấp dưới của con người.

Câu 7. Trong chiến đấu, tre được sử dụng làm vũ khí gì?

A. Làm súng và làm chông.
B. Làm gậy tầm vông và làm súng,
C. Làm gậy tầm vông và làm chông.
D. Làm giáo mác và làm gậy tầm vông.

Câu 8. Trong bài viết, tác giả đã sử dụng rộng rãi biện pháp tu từ nào?

A. So sánh.
B. Ẩn dụ.
C. Hoán dụ.
D. Nhân hóa.

Câu 9. Câu nào dưới đây nói về lời văn trong đoạn trích trên?

A. Lời văn trau chuốt, giàu hình ảnh và gợi cảm.
B. Lời văn giàu cảm xúc và nhịp điệu.
C. Lời văn gấp khúc, mạnh mẽ và lôi cuốn.
D. Lời văn sinh động, hấp dẫn.

Câu 10. Trong chiến đấu, tre đã tham gia vào những công việc gì?

A. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác.
B. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín,
C. Tre hi sinh để bảo vệ con người.
D. Cả ba câu A, B và C.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Về tác phẩm Cây tre Việt Nam của tác giả Thép Mới.

BÀI THAM KHẢO

Đi hết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thép Mới còn ở độ sung sức và tươi trẻ của tuổi thanh niên. Lúc này ngòi bút của Thép Mới đã thuần thục và chín sức sáng tạo. Các bài viết Cây tre Việt Nam, Hiên ngang Cu Ba, Điện Biên Phủ một danh từ Việt Nam là những bài viết tiêu biểu và có giá trị bền vững. Người thanh niên trí thức Hà Nội sau những năm đi vào cuộc kháng chiến gần gũi với làng quê đã có thể viết nên những trang đẹp về cây tre Việt Nam. Tác giả nhận xét chung về cây tre trong cuộc đời cũ: “Một thế kỉ văn minh, khai hóa của thực dân cũng không làm ra được một tấc sắt. Tre vẫn còn phải vất vả mãi với người. Cối xay tre nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc”. Và sau cách mạng đi vào cuộc kháng chiến “tre phá đồn giặc, tre xung kích. Đã trông thấy chưa, cây tre du kích? Những liếp nứa, đã bắc qua cầu mở đường cho bộ đội tiến lên... Nước Việt Nam tiến lên”. Và tre hòa vào niềm vui với người, “tre vui với anh bộ đội, tre hòa tiếng hát khải hoàn... Nhạc của trúc, nhạc của tre là khúc nhạc đồng quê. Nhớ buổi nào, nồm nam cơn gió thổi, khóm tre làng rung lên man mác khúc nhạc đồng quê. Diều bay, diều lá bay lưng trời... Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời... Gió đưa tiếng sáo, gió nâng cánh diều”.

Cảm hứng của Thép Mới với cây tre Việt Nam chứa chan thi vị. Thấu hiểu cuộc sống của làng quê và tầm quan trọng của cây tre trong sinh họat của người dân quê, trong vui chơi giải trí, Thép Mới đã cảm nghĩ theo nguồn mạch dân tộc với tinh thần trân trọng yêu quý.

... Thép Mới là nhà báo giàu cảm hứng văn chương. Văn chương đã có tác dụng tích cực trong hoạt động báo chí của Thép Mới. Một số nhà nghiên cứu như Hoàng Tùng, Hà Xuân Trường đều xem văn chương là một bộ phận hợp thành rất có ý nghĩa trong phong cách báo chí của Thép Mới. Chất văn học trong báo chí của Thép Mới bộc lộ nhiều hơn ở khu vực tùy bút chính luận. Nó góp phần tạo nên chất tươi tắn, gợi cảm qua những trang viết.

Nguồn: Tổng hợp
 

Xếp hạng chủ đề

Tạo
Thần Đồng,
Trả lời lần cuối từ
Thần Đồng,
Trả lời
115
Lượt xem
9,154

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Back
Top