Trắc nghiệm Ôn tập phần tập đọc lớp 4

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
Gà trống và Cáo

Nhác trông vắt vẻo trên cành

Anh chàng Gà Trống tinh nhanh lõi đời,

Cáo kia đon đả ngỏ lời:

"Kìa anh bạn quý, xin mời xuống đây

Để nghe cho rõ tin này

Muôn loài mạnh yếu từ rày kết thân

Lòng tôi sung sướng muôn phần

Báo cho bạn hữu xa gần đều hay

Xin đừng e ngại, xuống đây

Cho tôi hôn bạn, tỏ bày tình thân

Nghe lời Cáo dụ thiệt hơn

Gà rằng: "Xin được ghi ơn trong lòng

Hòa bình gà cáo sống chung

Mừng này còn có tin mừng nào hơn

Kìa, tôi thấy cặp chó săn

Từ xa chạy lại, chắc loan tin này"

Cáo nghe, hồn lạc phách bay

Quắp đuôi, co cẳng chạy ngay tức thì

Gà ta khoái chí cười phì:

"Rõ phường gian dối, làm gì được ai"

(LA PHÔNG - TEN

Nguyễn Minh lược dịch)

Câu 1. Nhân vật chính trong bài là ai?

A. Gà Trống và Sói
B. Gà Trống và Chó
C. Gà Trống và Cáo
D. Cáo và Chó

Câu 2. Cáo đã làm gì để dụ Gà Trống xuống đất?

A. Cáo đon đả mời Gà Trống xuống đất để báo cho Gà tin tức mới: Từ nay muôn loài đã kết thân. Gà hãy xuống để Cáo bày tỏ tình thân
B. Cáo đon đả mời Gà Trống xuống đất để báo cho Gà tin tức mới: Loài người sắp tới bắt gà đi làm thịt. Gà hãy xuống để Cáo đưa Gà đi trốn
C. Cáo đon đả mời Gà Trống xuống đất để báo cho Gà tin tức mới: Bữa tiệc muôn loài sắp được khai mạc, Gà hãy xuống để cáo và gà cùng đi dự tiệc
D. Cáo đon đả mời Gà Trống xuống đấy để báo cho Gà tin tức mới: Thảm họa diệt vong sắp ập tới, Gà hãy xuống để Cáo dẫn Gà đi trốn.

Câu 3. Tin tức mà Cáo thông báo rằng muôn loài từ nay kết thân là đúng sự thật. Nhận định trên đúng hay sai?

A. Đúng
B. Sai

Câu 4. Vì sao Gà không nghe lời Cáo?

A. Vì đã có chú gà khác đến sớm hơn Cáo, thông báo cho Gà Trống biết về mưu mô của Cáo
B. Vì Gà Trống biết sau những lời ngon ngọt ấy là ý định xấu xa của Cáo: muốn ăn thịt Gà
C. Vì Gà Trống không nghe thấy loa thông báo chuyện muôn loài kết thân.
D. Vì trước đó Gà đã trông thấy Cáo bị một cặp chó săn rượt đuổi.

Câu 5. Gà tung tin có cặp chó săn đang chạy đến để làm cho Cáo khiếp sợ, phải bỏ chạy và lộ mưu gian của mình, vì bản chất Cáo rất sợ chó săn. Theo con, nhận định trên đúng hay sai?

A. Đúng
B. Sai

Câu 6. Thái độ của Cáo như thế nào khi nghe lời Gà nói?

A. Cáo nhìn gà bằng ánh mắt nghi ngờ, quay lại phía sau kiểm tra sự thật
B. Cáo ngay lập tức vạch trần lời bịa đặt của Gà
C. Cáo khiếp sợ, hồn bay phách lạc, quắp đuôi, co cẳng bỏ chạy
D. Cáo ranh ma không tin những lời Gà nói

Câu 7. Thấy Cáo bỏ chạy, thái độ của gà ra sao?

A. Gà khoái chí cười vì Cáo đã chẳng làm gì được mình, còn bị mình lừa lại sợ phát khiếp
B. Gà nhanh chóng tìm chỗ ẩn náu vì sợ Cáo phát hiện ra sự thật quay lại tìm mình tính sổ
C. Gà thấy Cáo bỏ chạy mới lớn tiếng mắng chửi bộ mặt giả tạo, gian ác lại hèn nhát của Cáo
D. Gà thở phào nhẹ nhõm vì coi như đã thoát chết

Câu 8. Gà thông minh ở chỗ Gà không bóc trần mưu gian của Cáo mà giả bộ tin lời Cáo, giả bộ mừng khi nghe Cáo thông báo. Sau đó lại báo cho Cáo biết chó săn cũng đang chạy để loan tin vui, làm Cáo khiếp sợ quắp đuôi co cẳng chạy. Theo con nhận định trên đúng hay sai?

A. Đúng
B. Sai

Câu 9. Theo con, tác giả viết bài thơ này nhằm mục đích gì?

A. Kể chuyện Cáo gian ngoan mắc mưu Gà Trống
B. Kể chuyện Gà Trống đã làm Cáo sợ mất vía
C. Khuyên người ta đừng vội tin những lời ngọt ngào
D. Cảnh báo mọi người về sự gian ngoan của những con cáo

Câu 10. Cuối bài, Gà Trống nhận xét như thể nào về bản chất của Cáo?

A. kẻ giả mạo
B. đồ ăn hại
C. quân ăn cướp
D. phường gian dối

Nguồn: Tổng hợp
 

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
Trắc nghiệm Bốn anh tài
Ngày xưa, ở bản kia có một chú bé tuy nhỏ người nhưng ăn một lúc hết chín chõ xôi. Dân bản đặt tên cho chú là Cẩu Khây. Cẩu Khây lên mười tuổi, sức đã bằng trai mười tám; mười lăm tuổi đã tinh thông võ nghệ.

Hồi ấy, trong vùng xuất hiện một con yêu tinh chuyên bắt người và súc vật. Chẳng mấy chốc, làng bản tan hoang, nhiều nơi không còn ai sống sót. Thương dân bản, Cẩu Khây quyết chí lên đường diệt trừ yêu tinh.

Đến một cánh đồng khô cạn, Cẩu Khây thấy một cậu bé vạm vỡ đang dùng tay làm vồ đóng cọc để đắp đập dẫn nước vào ruộng. Mỗi quả đấm của cậu giáng xuống, cọc tre thụt sâu hàng gang tay. Hỏi chuyện, Cẩu Khây biết tên cậu là Nắm Tay Đóng Cọc. Nắm Tay Đóng Cọc sốt sắng xin được cùng Cẩu Khây đi diệt trừ yêu tinh.

Đến một vùng khác, hai người nghe có tiếng tát nước ầm ầm. Họ ngạc nhiên thấy một cậu bé đang lấy vành tai tát nước suối lên một thửa ruộng cao bằng mái nhà. Nghe Cẩu Khây nói chuyện, Lấy Tai Tát Nước hăm hở cùng hai bạn lên đường.

Đi được ít lâu, ba người lại gặp một cậu bé đang ngồi dưới gốc cây, lấy móng tay đục gỗ thành lòng máng dẫn nước vào ruộng. Cẩu Khây cùng các bạn đến làm quen và nói rõ chí hướng của ba người. Móng Tay Đục Máng hăng hái xin được làm em út đi theo.

(còn nữa)

TRUYỆN CỔ DÂN TỘC TÀY

Chú thích:

- Cẩu Khây (tiếng Tày): chín chõ xôi.

- Tinh thông: hiểu biết thấu đáo, có khả năng vận dụng thành thạo.

- Yêu tinh: con vật tưởng tượng, có nhiều phép thuật và rất độc ác.

Câu 1. Cẩu Khây đã quyết định làm gì để cứu quê hương?

A. Cậu quyết gây dựng lại làng mạc quê hương.
B. Cậu quyết định lên đường diệt trừ yêu tinh.
C. Cậu quyết vận động dân làng sinh sống tại quê hương.
D. Cậu giúp đỡ người dân trồng trọ, xây cất nhà cửa.

Câu 2. Đến cánh đồng khô hạn, Cẩu Khây đã gặp ai?

A. Lấy Tai Tát Nước
B. Nắm Tay Đóng Cọc
C. Móng Tay Đục Máng
D. Đầu Cua Tai Nheo

Câu 3. Đến vùng nghe có tiếng tát nước ầm ầm, Cẩu Khây đã gặp ai?

A. Lấy Tai Tát Nước
B. Móng Tay Đục Máng
C. Nắm Tay Đóng Cọc
D. Đầu Cua Tai Nheo

Câu 4. Đến một vùng khác, Cẩu Khây đã gặp ai đang ngồi dưới gốc cây?

A. Nắm Tay Đóng Cọc
B. Lấy Tai Tát Nước
C. Móng Tay Đục Máng
D. Đầu Cua Tai Nheo

Câu 5. Cẩu Khây đã cùng những người bạn của mình đi đâu?

A. Cứu giúp người dân.
B. Diệt trừ yêu tinh.
C. Xây dựng làng mạc.
D. Đánh giặc cứu nước.

Câu 6. Vì sao dân bản đặt tên cho cậu bé trong bản là Cẩu Khây?

A. Vì bố mẹ Cẩu Khây trước khi mất đã nhắn nhủ rằng hãy đặt tên con mình là Cẩu Khây
B. Vì cậu bé tuy nhỏ người nhưng ăn một lúc hết được chín chõ xôi
C. Vì cậu bé có sức khỏe vô địch
D. Vì cậu bé có thể lấy vành tai tát nước ầm ầm

Câu 7. Bốn anh tài là truyện của dân tộc nào?

A. Truyện cổ dân tộc Mường
B. Truyện cổ dân tộc Thái
C. Truyện cổ dân tộc Tày
D. Truyện cổ dân tộc Dao

Câu 8. Cẩu Khây theo tiếng của dân tộc Tày có nghĩa là gì?

A. chín chõ xôi
B. chín thùng gạo
C. chín bao gạo
D. chín niêu cơm

Câu 9. Cẩu Khây đã đi diệt trừ yêu tinh cùng với những ai?

A. Nắm Tay Đóng Cọc
B. Lấy Tai Tát Nước
C. Lỗ Mũi Tát Nước
D. Hai Tay Đục Máng
E. Móng Tay Đục Máng

Câu 10. Ý nghĩa của phần 1 câu chuyện Bốn anh tài là gì?

A. Ca ngợi sức khỏe, tài năng, lòng nhiệt thành làm việc nghĩa của bốn anh em Cẩu Khây
B. Lên án sự độc ác của con yêu tinh gian ác hại người
C. Thương xót số phận khốn khổ của những người dân trong bản
D. Chê trách ông trời tắc trách khi thả yêu tinh tới làm hại dân bản

Nguồn: Tổng hợp
 

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
Chuyện cổ tích về loài người

(trích)

Trời sinh ra trước nhất

Chỉ toàn là trẻ con

Trên trái đất trụi trần

Không dáng cây ngọn cỏ.



Mắt trẻ con sáng lắm

Nhưng chưa thấy gì đâu

Mặt trời mới nhô cao

Cho trẻ con nhìn rõ.



Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

Cho nên mẹ sinh ra

Để bế bồng chăm sóc.



Muốn cho trẻ hiểu biết

Thế là bố sinh ra

Bố bảo cho biết ngoan

Bố dạy cho biết nghĩ.



Rộng lắm là mặt bể

Dài lắm con đường đi

Núi thì xanh và xa

Hình tròn là trái đất.



Chữ bắt đầu có trước

Rồi có ghế có bàn

Rồi có lớp có trường

Và sinh ra thầy giáo.



Cái bảng bằng cái chiếu

Cục phấn từ đá ra

Thầy viết chữ thật to

"Chuyện loài người" trước nhất.

XUÂN QUỲNH

Câu 1. Trong "chuyện cổ tích loài người", ai là người được sinh ra đầu tiên?

A. Thầy giáo
B. Trẻ con
C. Cha
D. Mẹ

Câu 2. Trẻ con sinh ra mắt sáng nhưng chưa nhìn thấy, bởi vậy mới sinh ra thứ gì?

A. Mặt trăng
B. Bóng đèn
C. Vì sao
D. Mặt trời

Câu 3. Trẻ con sinh ra vì sao cần có ngay người mẹ?

A. Để trao tình yêu và lời ru cho bé.
B. Để dạy cho bé những kiến thức ở trường lớp, sách vở.
C. Để dạy bé ngoan và biết nghĩ.
D. Tất cả các ý trên

Câu 4. Bố sinh ra đã giúp trẻ em những gì?

A. Khiến bé nhìn thấy rõ mặt trời.
B. Dạy cho trẻ những kiến thức ở trường lớp, sách vở.
C. Trao tình yêu, lời ru và chăm sóc bé ân cần.
D. Dạy cho trẻ hiểu biết: biết ngoan và biết nghĩ.

Câu 5. Trong khổ thơ 6, 7, thầy giáo dạy cho bé những điều gì?

A. Dạy cho bé biết về con đường, trái đất và những ngọn núi
B. Cho bé biết mẹ yêu thương và chăm sóc bé bằng tình yêu vô bờ.
C. Dạy cho bé biết ngoan và biết nghĩ, nghe lời bố mẹ.
D. Dạy cho bé biết học hành và biết về lịch sử loài người.

Câu 6. Dòng nào dưới đây nói đúng và đủ nội dung của bài?

A. Trẻ em mới là người được sinh ra đầu tiên trên trái đất, không phải cha mẹ hay thầy cô giáo.
B. Trẻ em là sinh ra rất nhỏ bé và yếu đuối, cần được chăm sóc, dạy dỗ và che chở.
C. Mọi vật sinh ra trên trái đất đều là vì con người, vì trẻ em. Hãy dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất.
D. Tất cả các ý trên

Nguồn: Tổng hợp
 

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
Bốn anh tài

(tiếp theo)

Bốn anh em tìm tới chỗ yêu tinh ở. Nơi đây bản làng vắng teo, chỉ còn mỗi một bà cụ được yêu tinh cho sống sót để chăn bò cho nó. Thấy anh em Cẩu Khây kêu đói, bà cụ nấu cơm cho ăn. Ăn no, bốn cậu bé lăn ra ngủ. Tờ mờ sáng, bỗng có tiếng đập cửa. Biết yêu tinh đã đánh hơi thấy thịt trẻ con, bà cụ liền lay anh em Cẩu Khây dậy, giục chạy trốn. Cẩu Khây bèn nói:

- Bà đừng sợ, anh em chúng cháu đến đây để bắt yêu tinh đấy.

Cẩu Khây hé cửa. Yêu tinh thò đầu vào, lè lưỡi dài như quả núc nác, trợn mắt xanh lè. Nắm Tay Đóng Cọc đấm một cái làm nó gãy gần hết hàm răng. Yêu tinh bỏ chạy. Bốn anh em Cẩu Khây liền đuổi theo nó. Cẩu Khây nhổ cây bên đường quật túi bụi. Yêu tinh đau quá hét lên, gió bão nổi ầm ầm, đất trời tối sầm lại. Đến một thung lũng, yêu tinh dừng lại, phun nước ra như mưa. Nước dâng ngập cả cánh đồng. Nắm Tay Đóng Cọc đóng cọc be bờ ngăn nước lụt, Lấy Tai Tát Nước tát nước ầm ầm qua núi cao, Móng Tay Đục Máng ngả cây khoét máng, khơi dòng nước chảy đi. Chỉ một lúc, mặt đất lại cạn khô. Yêu tinh núng thế, đành phải quy hàng.

Từ đấy, bản làng lại đông vui.

TRUYỆN CỔ DÂN TỘC TÀY

Câu 1. Tới nơi yêu tinh ở, anh em Cẩu Khây gặp ai?

A. Yêu tinh
B. Những người dân làng
C. Bà cụ
D. Bò Một Sừng

Câu 2. Bốn anh em được giúp đỡ như thế nào?

A. Bà cụ nấu cơm cho ăn và cho bốn anh em chỗ ngủ
B. Bà cụ cho bốn anh em chỗ ngủ.
C. Bà cụ cho bốn anh em chăn bò.
D. Bà cụ chỉ cách để bốn anh em Cẩu Khây tiêu diệt yêu tinh.

Câu 3. Khi yêu tinh đánh hơi thấy thịt trẻ con, bà cụ đã làm gì?

A. Đưa bốn anh em trốn trong đàn bò để yêu tinh không phát hiện.
B. Gọi 4 anh em dậy để chuẩn bị đánh yêu tinh.
C. Cầu xin yêu tinh đừng ăn thịt lũ trẻ.
D. Lay và giục 4 anh em Cẩu Khây chạy trốn.

Câu 4. Khi yêu tinh thò đầu vào nhà, trợn mắt xanh lè, ai là người đấm làm gãy gần hết hàm răng yêu tinh?

A. Nắm Tay Đóng Cọc
B. Lấy Tai Tát Nước
C. Móng Tay Đục Máng
D. Cẩu Khây

Câu 5. Khi yêu tinh bỏ chạy, bốn anh em đã làm gì?

A. Đuổi theo, nhổ cây bên đường quật túi bụi.
B. Móng Tay Đục Máng dẫn nước từ biển làm yêu tinh chết đuối.
C. Đuổi theo, bao vây và lấy thừng trói yêu tinh.
D. Nắm Tay Đóng Cọc đấm xuống đất làm yêu tinh rơi xuống vực sâu.

Câu 6. Cuối cùng, kết cục của cuộc chiến ra sao?

A. Bốn anh em không đánh bại được yêu tinh.
B. Yêu tinh núng thế, đành phải quy hàng.
C. Bốn anh em rút lui vì đuối sức.
D. Yêu tinh nuốt chửng bốn anh em vào bụng.

Câu 7. Vì sao anh em Cẩu Khây chiến thắng được yêu tinh?

A. Bởi bốn anh em bằng tài năng của mình đã hợp lực lại, cùng chiến đấu nên đã chiến thắng yêu tinh.
B. Bởi yêu tinh bị bốn anh em bao vây và đánh bất ngờ nên chưa có sự chuẩn bị.
C. Bởi bốn anh em Cẩu Khây được bà cụ chỉ cho cách chiến đấu để chiến thắng yêu tinh.
D. Bởi bốn anh em được dân làng giúp đỡ

Câu 8. Ý nghĩa của câu chuyện Bốn anh tài?

Câu chuyện ca ngợi sức khỏe,…. ,tinh thần…. , hiệp lực chiến đấu quy phục…., cứu dân bản của bốn anh em Cẩu Khây.

Nguồn: Tổng hợp
 

Thần Đồng

Moderator
Xu
0
Phần trắc nghiệm câu hỏi rất hay lại có đáp án rất dễ dàng trong việc hướng dẫn con học! Đăng thêm nội dung ôn tập nữa nha cô
 

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
Trống đồng Đông Sơn

Niềm tự hào chính đáng của chúng ta trong nền văn hóa Đông Sơn chính là bộ sưu tập trống đồng hết sức phong phú.
Trống đồng Đông Sơn đa dạng không chỉ về hình dáng, kích thước mà cả về phong cách trang trí, sắp xếp hoa văn. Giữa mặt trống bao giờ cũng có hình ngôi sao nhiều cánh tỏa ra xung quanh. Tiếp đến là những hình tròn đồng tâm, hình vũ công nhảy múa, chèo thuyền, hình chim bay, hươu nai có gạc,...
Nổi bật trên hoa văn trống đồng là hình ảnh con người hòa với thiên nhiên. Con người lao động cầm vũ khí bảo vệ quê hương và tưng bừng nhảy múa mừng chiến công hay cảm tạ thần linh,... Đó là con người thuần hậu, hiền hòa, mang tính nhân bản sâu sắc. Bên cạnh và xung quanh con người đầy ý thức làm chủ ấy là những cánh cò bay lả bay la, những chim Lạc, chim Hồng, những đàn cá lội tung tăng,... Đó đây, hình tượng ghép đôi muông thú, nam nữ còn nói lên sự khát khao cuộc sống ấm no, yên vui của người dân.

Câu 1. Tên của chiếc trống đồng được nhắc tới trong bài là gì?

A. Trống đồng Ngọc Lũ
B. Trống đồng Đông Sơn
C. Trống đồng Hoàng Hạ
D. Trống đồng Lạng Sơn

Câu 2. Trống đồng Đông Sơn đa dạng như thế nào?

A. Đa dạng về hình dáng.
B. Đa dạng về tên gọi.
C. Đa dạng về chất liệu và kiểu dáng.
D. Đa dạng về hoa văn

Câu 3. Mặt giữa của trống đồng có hoa văn như thế nào?

A. Có ngôi sao nhiều cánh tỏa ra xung quanh.
B. Có hình chim bay, hươu nai có gạc.
C. Có những hình tròn đồng tâm.
D. Có hình vũ công nhảy múa, chèo thuyền

Câu 4. Ngoài họa tiết ngôi sao ở giữa, vòng ngoài trên mặt trống đồng được trang trí bằng những họa tiết gì?

A. Hình cây cối, hoa lá, hang động.
B. Hình vũ công nhảy múa, chèo thuyền.
C. Hình ngôi nhà, đền chùa, mái ngói.
D. Hình tòa bảo tháp

Câu 5. Nội dung nào dưới đây đúng khi nói về Bài Trống đồng Đông Sơn?

A. Thể hiện niềm tự hào dân tộc thông qua truyền thống đúc đồng, làm gốm, trang sức,...
B. Thể hiện niềm tự hào dân tộc thông qua truyền thống cần cù, thương người như thể thương thân.
C. Thể hiện niềm tự hào dân tộc thông qua truyền thống uống nước nhớ nguồn
D. Thể hiện niềm tự hào dân tộc thông qua nền văn hóa Đông Sơn và bộ sưu tập trống đồng.

Câu 6. Loài chim nào được coi là biểu tượng của dân tộc ta?

A. Chim bồ câu
B. Chim Lạc, chim Hồng
C. Chim sẻ
D. Chim gõ kiến

Câu 7. Vì sao có thể nói hình ảnh con người chiếm vị trí nổi bật trên hoa văn trống đồng?

A. Vì trên mặt trống đồng chỉ có hình ảnh hoạt động của con người
B. Vì hình ảnh hoạt động của con người luôn được vẽ ở chính giữa mặt trống đồng
C. Vì hình ảnh hoạt động của con người là những hình ảnh nổi rõ nhất trên hoa văn
D. Vì hình ảnh hoạt động của con người được vẽ chèn lên hình ngôi sao nhiều cánh

Nguồn: Tổng hợp
 

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa

Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, quê ở tỉnh Vĩnh Long. Sau khi học xong bậc trung học ở Sài Gòn, năm 1935, ông sang Pháp học đại học. Ông theo học cả ba ngành kĩ sư cầu cống, kĩ sư điện và kĩ sư hàng không. Ngoài ra, ông còn miệt mài nghiên cứu kĩ thuật chế tạo vũ khí.

Năm 1946, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông rời bỏ cuộc sống đầy đủ tiện nghi ở nước ngoài, theo Bác Hồ về nước. Ông được Bác Hồ đặt tên mới là Trần Đại Nghĩa và giao nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo vũ khí phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trên cương vị Cục trưởng Cục Quân giới, ông đã cùng anh em miệt mài nghiên cứu, chế ra những loại vũ khí có sức công phá lớn như ba-dô-ca, súng không giật, bom bay tiêu diệt xe tăng và lô cốt của giặc.

Bên cạnh những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp quốc phòng, Giáo sư Trần Đại Nghĩa còn có công lớn trong xây dựng nền khoa học trẻ tuổi của nước nhà. Nhiều năm liền, ông giữ cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kĩ thuật Nhà nước.

Những cống hiến của Giáo sư Trần Đại Nghĩa được đánh giá cao. Năm 1948, ông được phong Thiếu tướng. Năm 1952, ông được tuyên dương Anh hùng Lao động. Ông còn được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý.

Theo TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM

Câu 1. Tên thật của anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa là gì?

a. Phạm Qang lễ.
b. Trần Nghĩa Đại.
c. Phạm Quỳnh Nghĩa.

Câu 2. Vì sao năm 1946 Trần Nghĩa Đại về nước?

a. Vì nghe theo lời gọi của bác hồ.
b. Vì nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc.
c. Vì nghe theo lời khuyên của gia đình.

Câu 3. Dòng nào dưới đây giải thích nghĩa của từ “nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc”?

a. Xuất phát từ lòng yêu nước, vì vận mệnh của Tổ Quốc mà hành động, cống hiến trong hoàn cảnh đất nước hoà bình.
b. Xuất phát từ chính cá nhân, vì hạnh phúc của gia đình mà hành động để có cuộc sống đầy đủ hơn.
c. Xuất phát từ lòng yêu nước, vì vận mệnh của Tổ Quốc mà hành động, cống hiến hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng.

Câu 4. Trần Đại Nghĩa được Bác Hồ giao cho nhiệm vụ nào?

a. Nghiên cứa chế tạo vũ khí phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp.
b. Nghiên cứa chế tạo vũ khí phục vụ kháng chiến chống đế quốc Mĩ.
c. Cả hai ý trên đều đúng

Câu 5. Trên cương vị cục trưởng Cục Quân Giới, giáo sư Trần Đại Nghĩa đã cùng anh em nghiên cứu chế tạo ra vũ khí nào?

a. Súng ba- dô- ca, súng không giật, bom bay tiêu diệt xe tăng và lô cốt địch.
b. Súng AK, máy bay, xe tăng.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 6. Nối ý bên trái với ý bên phải sao cho phù hợp?

a.1935 1. Được phong Thiếu tướng.
b.1946 2. Được tuyên dương Anh hùng Lao động.
c.1948 3. Sang Pháp học đại học.
d.1952 4. Theo Bác Hồ về nước.

Câu 7. Có mấy câu kể Ai thế nào? trong đoạn văn sau?

Những cống hiến củ Giáo sư Trần Đại Nghĩa được đánh giá cao. Năm 1948, ông được phong Thiếu tướng. Năm 1952 ông được tuyên dương Anh hùng Lao Động. Ông còn được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý.

a. 2.
b. 3.
c. 4.

Câu 8. Có mấy câu kể Ai thế nào? trong đoạn văn sau?

Ngày xưa, ở bản kia có một chú bé tuy nhỏ người nhưng ăn một lúc hết chín chõ xôi. Dân bản đặt tên là Cẩu Khây. Cẩu Khây lên mười tuổi, sức đã bằng trai mười tám, mười lăm tuổi đã tinh thông võ nghệ.

a. 2.
b. 3.
c. 4.

Câu 9. Bài đọc tôn vinh Trần Đại Nghĩa với danh hiệu gì?

a. Anh hùng Lao động
b Anh hùng Cứu quốc
c Anh hùng Vũ trang
d Anh hùng Giải phóng dân tộc

Câu 10. Trần Đại Nghĩa sinh ra ở đâu?

a. Vĩnh Long
b. Sài Gòn
c. Bạc Liêu
d. Hà Nội

Câu 11. Em hiểu "nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc" nghĩa là gì?

a. Là thể hiện lòng yêu nước bằng cách đem sức mình cứu Tổ quốc.
b. Là nghe theo lời khuyên, lời dạy bảo của thế hệ đi trước.
c. Là nghe theo tiếng gọi tâm linh từ các thế lực siêu nhiên.
d. Là nghe lời cha mẹ, sống gắn bó với gia đình, người thân.

Câu 12. Trần Đại Nghĩa đã có hành động như thế nào khi "nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc"?

a. Rời bỏ quê hương, bôn ba nước ngoài để tìm con đường cứu nước.
b. Rời xa gia đình, tích cực học hỏi để cống hiến cho đất nước.
c. Rời bỏ cuộc sống tiện nghi ở nước ngoài, theo Bác Hồ về nước.
d. Rời bỏ đất nước để không chịu bom đạn của chiến tranh.

Câu 13. Trần Đại Nghĩa không chế tạo loại vũ khí nào dưới đây?

a. Súng thần công
b. Bom bay
c. Súng không giật
d. Ba-dô-ca

Câu 14. Đóng góp của ông Trần Đại Nghĩa cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc thuộc lĩnh vực nào?

a. Ngoại giao
b. Khoa học
c. Kinh tế
d. Văn hóa

Nguồn: Tổng hợp
 

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
Bè xuôi sông La

Bè ta xuôi sông La

Dẻ cau cùng táu mật

Muồng đen và trai đất

Lát chun rồi lát hoa.

Sông La ơi sông La

Trong veo như ánh mắt

Bờ tre xanh im mát

Mươn mướt đôi hàng mi.

Bè đi chiều thầm thì

Gỗ lượn đàn thong thả

Như bầy trâu lim dim

Đằm mình trong êm ả

Sóng long lanh vẩy cá

Chim hót trên bờ đê.



Ta nằm nghe, nằm nghe

Giữa bốn bề ngây ngất

Mùi vôi xây rất say

Mùi lán cưa ngọt mát

Trong đạn bom đổ nát

Bừng tươi nụ ngói hồng

Đồng vàng hoa lúa trổ

Khói nở xòa như bông.

VŨ DUY THÔNG

Câu 1. Bài thơ miêu tả vẻ đẹp của con sông nào?

A. Sông Cầu
B. Sông Hậu
C. Sông La
D. Sông Lô

Câu 2. Tác giả miêu tả con sông La như thế nào?

A. Hiền hòa, đỏ nặng phù sa.
B. Giận dữ và đục ngầu.
C. Đẹp và thơ mộng.
D. Lộng lẫy và kiêu sa.

Câu 3. Chiếc bè gỗ xuôi sông La được ví với cái gì?

A. Bầy trâu
B. Đôi hàng mi
C. Đàn chim
D. Cái lược

Câu 4. Cách so sánh bè gỗ như bầy trâu có gì hay?

A. Khiến hình ảnh thơ trở nên thô và sai lệch.
B. Khiến hình ảnh thơ vừa cụ thể vừa sinh động.
C. Khiến hình ảnh thơ vừa trìu tượng vừa rườm rà.
D. Khiến gợi hình ảnh con trâu xấu xí

Câu 5. Câu thơ "Trong đạn bom đổ nát / Bừng tươi nụ ngói hồng" nói lên điều gì?

A. Trải qua chiến tranh, đau thương, đổ nát, chỉ còn lại vài mảnh ngói, nếp nhà.
B. Trải qua chiến tranh, con người vẫn đứng dậy xây dựng quê hương giàu đẹp.
C. Trải qua chiến tranh, đau thương, đổ nát, vẫn tìm thấy ánh sáng của sự sống.
D. Tất cả các ý trên

Câu 6.

"Trong đạn bom đổ nát
Bừng tươi nụ ngói hồng
Đồng vàng hoa lúa trổ
Khói nở xòa như bông."


Đoạn thơ trên nói lên điều gì về con người để dựng xây đất nước sau chiến tranh?

A. Con người vui vẻ, hòa đồng và mến khách.
B. Con người đầy trí tuệ, tài năng và giàu nghị lực.
C. Con người năng động, giàu khát vọng vươn lên.
D. Con người đầy sức khỏe

Câu 7. Nội dung của bài Bè xuôi sông La là gì?

A. Ca ngợi con người sông La tài năng, sức mạnh và nghị lực góp phần dựng xây đất nước.
B. Ca ngợi vẻ đẹp con sông và người sông La giàu trí tuệ, nghị lực, góp phần dựng xây đất nước.
C. Ca ngợi vẻ đẹp của con sông La.
D. Ca ngợi sự giàu đẹp của quê hương: vừa thơ mộng hữu tình vừa giàu tài nguyên thiên nhiên.

Câu 8. Thông tin trong dòng nào dưới đây không đúng về bài thơ?

A. Sông La còn có tên gọi khác là sông Hồng.
B. Con sông La nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
C. Bài thơ do Vũ Duy Thông sáng tác.
D. Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp con sông và con người sông La.

Nguồn: Tổng hợp
 

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
Sầu riêng

Sầu riêng là loại trái quý của miền Nam. Hương vị nó hết sức đặc biệt, mùi thơm đậm, bay rất xa, lâu tan trong không khí. Còn hàng chục mét mới tới nơi để sầu riêng, hương đã ngào ngạt xông vào cánh mũi. Sầu riêng thơm mùi của mít chín quyện với hương bưởi, béo cái béo của trứng gà, ngọt cái vị của mật ong già hạn. Hương vị quyến rũ đến kì lạ.

Hoa sầu riêng trổ vào cuối năm. Gió đưa hương thơm ngát như hương cau, hương bưởi tỏa khắp khu vườn. Hoa đậu từng chùm, màu trắng ngà. Cánh hoa nhỏ như vảy cá, hao hao giống cánh sen con, lác đác vài nhụy, li ti giữa những cánh hoa. Mỗi cuống hoa ra một trái. Nhìn trái sầu riêng lủng lẳng dưới cành trông giống những tổ kiến. Mùa trái rộ vào tháng tư, tháng năm ta.

Đứng ngắm cây sầu riêng, tôi cứ nghĩ mãi về cái dáng cây kì lạ này. Thân nó khẳng khiu, cao vút, cành ngang thẳng đuột, thiếu cái dáng cong, dáng nghiêng, chiều quằn, chiều lượn của cây xoài, cây nhãn. Lá nhỏ xanh vàng, hơi khép lại, tưởng như lá héo. Vậy mà khi trái chín, hương tỏa ngạt ngào, vị ngọt đến đam mê.

MAI VĂN TẠO

Câu 1. Ai là tác giả của bài đọc này?

a. Mai Văn Tạo.
b. Đoàn Văn Cừ.
c. Vũ Duy Thông.

Câu 2. Sầu riêng là đặc sản quý của địa phương nào?

a. Miền Trung.
b. Miền Nam.
c. Tây Nguyên.

Câu 3. Những chi tiết nào trong bài nêu hương vị của trái sầu riêng?

a. Thơm mùi thơm của mít chín quyện với hương bưởi.
b. Béo cái béo của trứng gà, ngọt cái vị của mật ong già hạn.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 4. Hoa sầu riêng trổ vào thời gian nào?

a. Đầu năm.
b. Giữa năm.
c. Cuối năm.

Câu 5. Bài văn trên thuộc chủ đề nào?

a. Người ta là hoa đất.
b. Vẻ đẹp muôn màu.
c. Những người quả cảm.

Câu 6. Có mấy câu kể Ai thế nào? trong đoạn văn sau?

Đứng ngắm cây sầu riêng, tôi cứ nghĩ mãi về dáng cây kì lạ này. Thân nó khẳng khiu, cao vút, cành ngang thẳng đuột, thiếu cái dáng cong, dáng nghiêng, chiều quằn, chiều lượn của cây xoài, cây nhãn. Lá nhỏ xanh vàng, hơi khép lại, tưởng như lá héo. Vậy mà khi trái chín, hương toả ngạt ngào, vị ngọt đến đam mê.

a. 3.
b. 4.
c. 5.

Câu 7. Dòng nào dưới đây gồm những từ dùng để miêu tả vẻ đẹp bên trong của con người?

a. Thuỳ mị, hiền diệu, hiền hậu, dịu dàng, đằm thắm, nết na.
b. Xinh đep, xinh tươi, xinh xinh, lộng lẫy, rực rỡ, thướt tha.
c. Tươi đẹp, thơ mộng, huy hoàng, tráng lệ, sặc sỡ, mĩ lệ.

Câu 8.Hương vị của sầu riêng được tác giả so sánh với mùi của loại quả nào?

a. Hồng, lê, mận.
b. Mít, ổi, đu đủ.
c. Mít, bưởi, trứng gà.
d. Măng cụt, dứa, vải.

Câu 9. Tác giả nhận xét hương vị của sầu riêng bằng cụm từ nào dưới đây?

a. Đậm đặc đến khó phai.
b. Đau đầu choáng váng.
c. Thơm đến ngây ngất.
d. Quyến rũ đến kì lạ.

Nguồn: Tổng hợp
 

Giáo Án Mới

Cộng tác viên
Xu
0
Hoa học trò

Phượng không phải là một đóa, không phải vài cành; phượng đây là cả một loạt, cả một vùng, cả một góc trời đỏ rực. Mỗi hoa chỉ là một phần tử của xã hội thắm tươi; người ta quên đóa hoa, chỉ nghĩ đến cây, đến hàng, đến những tán hoa lớn xòe ra như muôn ngàn con bướm thắm đậu khít nhau.

Nhưng hoa càng đỏ, lá lại càng xanh. Vừa buồn mà lại vừa vui mới thực là nỗi niềm của bông phượng. Hoa phượng là hoa học trò. Mùa xuân, phượng ra lá. Lá xanh um, mát rượi, ngon lành như lá me non. Lá ban đầu xếp lại, còn e ấp, dần dần xòe ra cho gió đưa đẩy. Lòng cậu học trò phơi phới làm sao! Cậu chăm lo học hành, rồi lâu cũng vô tâm quên mất màu lá phượng. Một hôm, bỗng đâu trên những cành cây, báo một tim thắm: Mùa hoa phượng bắt đầu. Đến giờ chơi, cậu học trò ngạc nhiên trông lên: Hoa nở lúc nào mà bất ngờ vậy?

Bình minh của hoa phượng là màu đỏ còn non, nếu có mưa, lại càng tươi dịu. Ngày xuân dần hết, số hoa tăng lên, màu cũng đậm dần. Rồi hòa nhịp với mặt trời chói lọi, màu phượng mạnh mẽ kêu vang: Hè đến rồi! Khắp thành phố bỗng rực lên như đến Tết nhà nhà đều dán câu đối đỏ.

Theo XUÂN DIỆU

Câu 1. Ai là tác giả của bài Hoa học trò?

a. Xuân Diệu.
b. Nguyễn Khoa Điềm.
c. Vũ Bằng.

Câu 2. Hoa học trò là tên gọi của loài hoa nào?

a. Hoa bằng lăng.
b. Hoa phượng.
c. Hoa điệp.

Câu 3.“Những tán hoa lớn xoè ra” được tác giả ví với cái gì?

a. Như muôn ngàn con bướm thắm đậu rải rác nhau.
b. Như muôn ngàn con bướm thắm đậu cùng nhau.
c. Như muôn ngàn con bướm thắm đậu khít nhau.

Câu 4. Khắp thành phố rực lên màu hoa phượng vào mùa nào?

a. Mùa hạ.
b. Mùa vuân.
c. Mùa thu.

Câu 5.“Tin thắm” báo hiệu điều gì?

a. Mùa hoa phượng đã tàn.
b. Mùa hoa phượng bắt đầu.
c. Lá phượng đã ra xanh.

Câu 6. Bình minh của hoa phượng là màu gì?

a. Màu đỏ.
b. Màu đỏ son.
c. Màu đỏ còn non.

Câu 7. Tác dụng của dấu gạch ngang trong đoạn văn sau đây là gì?

Sau một thời gian ngắn, quả nhiên Hai- nơ khỏi bệnh. Ông ngạc nhiên nói với bác sĩ:
- Bây giờ tôi mới biết táo cũng là vị thuốc quý.

a. Dùng để đánh dấu chỗ bất đầu lời nói của nhân vật.
b. Dùng để đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê.
c. Dùng để đánh dấu phần chú thích trong câu.

Câu 8. Tác dụng của dấu gạch ngang trong đoạn văn sau đây là gì?

Để quan sát đồ vật, người ta vận dụng các giác quan sau đây:
- Dùng mắt để xem hình dáng, kích thước, màu sắc, … của đồ vật như thế nào.
- Dùng tay để biết đồ vật mềm hay rắn, nhẵn nhụi hay thô ráp, nặng hay nhẹ,…
- Dùng tai để nghe đồ vật khi được sử dụng có phát ra tiếng động không, tiếng động ấy thế nào.

a. Dùng để đánh dấu chỗ bất đầu lời nói của nhân vật.
b. Dùng để đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê.
c. Dùng để đánh dấu phần chú thích trong câu.

Câu 9. Tại sao tác giả lại gọi hoa phượng là "hoa học trò"?

a. Vì hoa phượng là loài hoa trẻ, suốt bốn mùa đều nở hoa đỏ thắm.
b. Vì cây hoa phượng rất khiêm tốn và ham học hỏi như người học trò.
c. Vì cây hoa phượng thường được trồng ở sân trường nên được gọi là hoa học trò.
d. Vì hoa phượng gắn với những kỉ niệm tuổi học trò, với năm tháng cắp sách đến trường của học sinh.

Câu 10. Nội dung của bài học Hoa học trò là gì?

a. Vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt của loài hoa mang tên "Hoa học trò".
b. Miêu tả quá trình sinh trưởng của cây hoa phượng từ khi còn bé.
c. Nêu cách chăm sóc và bảo vệ một loại cây bóng mát: hoa phượng.
d. Những kỉ niệm học trò đều gắn với mái trường và hoa phượng vĩ.

Nguồn: Tổng hợp
 

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Shoutbox
Hãy đăng nhập để bắt đầu trò chuyện
  1. No shouts have been posted yet.
Nơi bạn có thể chia sẻ, hỏi đáp nhanh với tất cả mọi người

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top