Trắc nghiệm Ôn tập phần tập đọc lớp 4

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

(trích)

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ

Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội

Nhịp chày nghiêng rất ngủ em nghiêng

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:

- Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi

Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội

Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần

Mai sau con lớn vung chày lún sân...

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan, đừng rời lưng mẹ

Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi

Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ

Em ngủ cho ngoan đừng làm mẹ mỏi

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng

- Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi...

NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Chú thích:

- Lưng đưa nôi: lưng người mẹ đu đưa như chiếc nôi ru cho con ngủ.

- Tim hát thành lời: lời hát ru cất lên từ trái tim yêu thương của mẹ.

- A-kay (tiếng dân tộc Tà-ôi): con.


Câu 1. Ai là tác giả của bài thơ?

a. Nguyễn Khoa Điềm.
b. Xuân Diệu.
c. Vũ Bằng.

Câu 2. Trong bài thơ, bà mẹ và em bé là người dân tộc nào?

a. Dân tộc Tày.
b. Dân tộc Tà-ôi.
c. Dân tộc Ê-đê.

Câu 3. Dựa vào những chi tiết trong bài, theo em “A-kay” nghĩa là gì?

a. Em.
b. Em bé.
c. Con.

Câu 4. Người mẹ làm những công việc gì?

a. Nuôi nấng con, tỉa bắp trên nương.
b. Giã gạo nuôi bộ đội.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 5. Theo em, cái đẹp thể hiện trong bài thơ này là gì?

a. Là hình ảnh người mẹ Tà-ôi cần cù lao động, hết lòng vì công cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
b. Ca ngợi tình yêu nước, thương yêu con sâu sắc của người phụ nữ Tây Nguyên.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 6. Bài thơ trên thuộc chủ đề nào?

a. Người ta là hoa đất.
b. Vẻ đẹp muôn màu.
c. Những người quả cảm.

Câu 7. Tác dụng của dấu gạch ngang trong đoạn văn sau đây là gì?

Chú hề bước vào phòng công chúa, thấy cô bé nằm bên cửa sổ, mắt ngắm nhìn vầng trăng toả sáng trên bầu trời, tay nâng niu vầng trăng bé nhỏ gắn trên chiếc dây chuyền ở cổ.
- Làm sao mặt trăng lại chiếu sáng trên trời trong khi nó đang nằm trên cổ công chúa nhỉ?
- Chú hề hỏi. Công chúa nhìn chú hề, mỉm cười.

a. Dùng để đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật.
b. Dùng để đánh dấu phần chú thích trong câu.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 8. Dòng nào dưới đây gồm những từ để miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật và con người?

a. Xinh xắn, xinh tươi, lộng lẫy, rực rỡ, thước tha, diễm lệ.
b. Xinh xắn, xinh tươi, xinh xinh, lộng lẫy, rực rỡ, thước tha.
c. Tươi đẹp, thơ mộng, huy hoàng, tráng lệ, sặc sỡ, diễm lệ.

Câu 9. Em hiểu thế nào là "những em bé lớn trên lưng mẹ"?

a. Là những em bé chỉ sống ở trên lưng mẹ.
b. Là do phụ nữ miền núi có tập quán: đi đâu, làm gì cũng địu con trên lưng.
c. Là những em bé có tuổi thơ lao động cực nhọc, vất vả cùng với mẹ
d. Em bị chưa biết đi

Câu 10. Những câu thơ sau có nội dung gì?

"Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:
- Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sân..."
Và:
"Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng"

a. Nói lên công lao trời biển của cha mẹ đối với con cái.
b. Nói lên công lao sinh thành, ấp ủ con chín tháng mười ngày của người mẹ.
c. Nói lên tình yêu lớn lao của người mẹ dành cho bộ đội, cho kháng chiến.
d. Nói lên tình yêu thương và niềm ni vọng của mẹ đối với con.

Nguồn: Tổng hợp
 
Vẽ về cuộc sống an toàn

50 000 bức tranh dự thi của thiếu nhi cả nước.
60 tranh được trưng bày.
46 giải thưởng.

Nhận thức và khả năng thẩm mĩ của các em rất đáng khích lệ.

UNICEF Việt Nam và báo chí Thiếu niên Tiền phong vừa tổng kết cuộc thi vẽ tranh của thiếu nhi với chủ đề Em muốn sống an toàn.

Được phát động từ tháng 4 - 2001 nhằm nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn cho trẻ em, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo thiếu nhi cả nước. Chỉ trong vòng 4 tháng, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 50 000 bức tranh gửi về từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Sơn La, Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, Nghệ An, Đắk Lắk, Tây Ninh, Cần Thơ, Kiên Giang,...

Chỉ cần điểm qua tên một số tác phẩm cũng đủ thấy kiến thức của các em về an toàn, đặc biệt là an toàn giao thông, thật là phong phú: Đội mũ bảo hiểm là tốt nhất (Hoàng Minh Uyên, 10 tuổi, giải đặc biệt), Gia đình em được bảo vệ an toàn (Tạ Bích Ngọc, 9 tuổi, giải nhất), Trẻ em không nên đi xe đạp trên đường (Nguyễn Thúy Mai Dung, 7 tuổi, giải ba), Chở ba người là không được (Nguyễn Ngọc Lan Dung, 12 tuổi, giải ba),...

60 bức tranh được chọn treo ở triển lãm (trong đó có 46 bức đoạt giải) đã làm nên một phòng tranh đẹp: màu sắc tươi tắn, bố cục rõ ràng, ý tưởng hồn nhiên, trong sáng mà sâu sắc. Các họa sĩ nhỏ tuổi chẳng những có những nhận thức đúng về phòng tránh tai nạn mà còn biết thể hiện bằng ngôn ngữ hội họa sáng tạo đến bất ngờ.

Theo báo ĐẠI ĐOÀN KẾT

Chú thích:

- UNICEF: Quỹ Bảo trợ Nhi đồng của Liên hợp quốc.

- Thẩm mĩ: sự cảm nhận và hiểu biết về cái đẹp.

- Nhận thức: khả năng nhận ra và hiểu biết vấn đề.

- Khích lệ: tác động làm cho tinh thần hăng hái thêm lên.

- Ý tưởng: ý nghĩ, dự định.

- Ngôn ngữ hội họa: đường nét, màu sắc trong tranh.


Câu 1. Chủ đề của cuộc thi vẽ là gì?

A. An toàn là hạnh phúc của mọi nhà.
B. Em muốn sống hòa bình.
C. Chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông.
D. Em muốn sống an toàn.

Câu 2. Tổ chức nào đánh giá và tổng kết kết quả cuộc thi vẽ tranh?

A. Đội Thiếu niên Tiền phong
B. UNICEF Việt Nam
C. UNICEF thế giới
D. WHO

Câu 3. Số lượng các bức tranh đoạt giải là bao nhiêu?

A. 46 bức tranh
B. 60 bức tranh
C. 50 000 bức tranh
D. 50 bức tranh

Câu 4. Điều gì cho thấy các em có nhận thức tốt về chủ đề cuộc thi?

A. Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 50 000 bức tranh gửi về
B. UNICEF Việt Nam và báo chí Thiếu niên Tiền phong vừa tổng kết cuộc thi vẽ tranh của thiếu nhi với chủ đề Em muốn sống an toàn.
C. 46 giải thưởng.
D. Chỉ cần điểm qua tên một số tác phẩm cũng đủ thấy kiến thức của các em về an toàn, đặc biệt là an toàn giao thông, thật là phong phú

Câu 5. Số lượng các bức tranh được đem trưng bày trong triển lãm là bao nhiêu?

A. 46 bức tranh
B. 64 bức tranh
C. 60 bức tranh
D. 50 000 bức tranh

Câu 6. Các em thiếu nhi đã thể hiện nhận thức đúng đắn về phòng tránh tai nạn bằng gì?

A. Hội họa
B. Âm nhạc
C. Múa hát
D. Thơ ca

Nguồn: Tổng hợp
 
Đoàn thuyền đánh cá

(trích)

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi.

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.



Hát rằng: cá bạc Biển Đông lặng,

Cá thu Biển Đông như đoàn thoi

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng

Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!



Ta hát bài ca gọi cá vào,

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.



Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng

Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.



Câu hát căng buồm với gió khơi,

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời,

Mặt trời đội biển nhô màu mới,

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

HUY CẬN


Câu 1. Ai là tác giả của bài thơ?

a. Huy Cận.
b. Mai Văn Tạo.
c. Tố Hữu.

Câu 2. Đoàn thuyền đánh cá ra khơi vào lúc nào?

a. Lúc hoàng hôn.
b. Lúc bình minh.
c. Lúc đêm khuya.

Câu 3. Đoàn thuyền đánh cá cập bờ vào lúc nào?

a. Lúc hoàng hôn.
b. Lúc bình minh.
c. Lúc giữa trưa.

Câu 4. Câu thơ “Cá thu Biển Đông như đoàn thoi” tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?

a. Nhân hoá.
b. So sánh.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 5. Câu thơ “Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa”

a. Nhân hoá.
b. So sánh.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 6. Nội dung chính của bài thơ là gì?

a. Ngợi ca vẻ đẹp huy hoàng, giàu có của biển cả.
b. Ngợi ca vẻ đẹp khoẻ khoắn và sự lạc quan yêu đời của người dân lao động trên biển.
c. Cả hai ý trên đều đúng

Câu 7. Có mấy câu kể “Ai là gì?” dùng để giới thiệu trong đoạn văn sau đây?

Hôm ấy, cô giáo dẫn một bạn gái vào lớp và nói với chúng tôi: “Đây là Diệu Chi, bạn mới của lớp ta. Bạn Diệu Chi là học sinh cũ của trường Tiểu học Thành Công. Bạn ấy là một hoạ sĩ nhỏ nay”. Các em hãy làm quen với nhau đi.

a. 1.
b. 2.
c. 3.

Câu 8. Hoàn thành các câu kể “Ai là gì?” bằng cách nối?

a. Sư tử. 1. Là quê hương của những làn điệu dân ca quan họ
b. Tố Hữu. 2. Là loại trái cây của miền Nam.
c. Bắc Ninh. 3. Là chúa sơn lâm.
d. Sầu riêng. 4. Là nhà thơ lớn của Việt Nam.

Câu 9. Bài thơ gồm có mấy khổ?

a. Bốn khổ
b. Năm khổ
c. Sáu khổ
d. Ba khổ

Câu 10. Các hình ảnh trong câu thơ sau nói lên điều gì?

"Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa"
"Cá thu Biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng"
"Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi."

a. Biển cả đẹp huy hoàng và giàu có.
b. Biển cả rộng lớn mênh mông.
c. Biển cả nghèo nàn, xơ xác.
d. Biển cả nóng nảy, hung bạo, dữ dằn.

Nguồn: Tổng hợp
 
Khuất phục tên cướp biển

Tên chúa tàu ấy cao lớn, vạm vỡ, da lưng sạm như gạch nung. Trên má hắn có một vết sẹo chém dọc xuống, trắng bệch. Hắn uống lắm rượu đến nỗi nhiều đêm như lên cơn loạn óc, ngồi hát những bài ca man rợ.

Một lần, bác sĩ Ly - một người nổi tiếng nhân từ - đến thăm bệnh cho ông chủ quán trọ. Tên chúa tàu lúc ấy đang ê a bài hát cũ. Hát xong, hắn quen lệ đập tay xuống bàn quát mọi người im. Ai nấy nín thít. Riêng bác sĩ vẫn ôn tồn giảng cho ông chủ quán trọ cách trị bệnh. Chúa tàu trừng mắt nhìn bác sĩ, quát:

- Có câm mồm không?

Bác sĩ điềm tĩnh hỏi:

- Anh bảo tôi phải không?

Khi tên chúa tàu cục cằn bảo "phải", bác sĩ nói:

- Anh cứ uống rượu mãi như thế thì đến phải tống anh đi nơi khác.

Cơn tức giận của tên cướp thật dữ dội. Hắn đứng phắt dậy, rút soạt dao ra, lăm lăm chực đâm. Bác sĩ Ly vẫn dõng dạc và quả quyết:

- Nếu anh không cất dao, tôi quyết làm cho anh bị treo cổ trong phiên tòa sắp tới.

Trông bác sĩ lúc này với gã kia thật khác nhau một trời một vực. Một đằng thì đức độ, hiền từ mà nghiêm nghị. Một đằng thì nanh ác, hung hăng như con thú dữ nhốt chuồng. Hai người gườm gườm nhìn nhau. Rốt cục, tên cướp biển cúi gằm mặt, tra dao vào, ngồi xuống, làu bàu trong cổ họng.

Một lát sau, bác sĩ lên ngựa. Từ đêm ấy, tên chúa tàu im như thóc.

Theo XTI-VEN-XƠN

Câu 1. Ngoại hình của tên chúa tàu được tả bằng chi tiết nào?

a. Cao lớn, vạm vỡ, da sạm như gạch nung.
b. Trên má có một cái sẹo chém dọc xuống, trắng bệch..
c. Cả Hai ý trên đều đúng.

Câu 2. Những chi tiết nào miêu tả tính hung hãn của tên chúa tàu?

a. Hát những bài ca man rợ, đập tay xuống bàn bàn quát mọi người im.
b. Đứng phắt dậy, rút soạt dao ra, lăm lăm định đâm.
c. Cả Hai ý trên đều đúng.

Câu 3. Bác sĩ Ly là người như thế nào?

a. Nổi tiếng nhân từ.
b. Nổi tiếng nghiêm khắc.
c. Nổi tiếng đức độ.

Câu 4. Lời nói và cử chỉ của bác sĩ Ly cho thấy ông là người như thế nào?

a. Bình tĩnh và cương quyết bảo vệ lẽ phải.
b. Đức độ hiền từ mà nghiêm nghị.
c. Đức độ, cương quyết và nghiêm nghị.

Câu 5. Cặp câu nào khắc họa hai hình ảnh trái nghịch nhau của bác sĩ Ly và tên cướp biển?

a. – Có câm mồm đi không? – Anh bảo tôi phải không?
b. – Hắn đứng phắt dậy, rút soạt dao ra, lăm lăm chực đâm. – Nếu anh không cất dao, tôi quyết làm cho anh treo cổ trong phiên toà sắp tới.
c. – Một đằng thì đức độ, hiền từ mà nghiêm nghị. – Một đằng thì nanh ác, hung hăng như con thú dữ nhốt chuồng.

Câu 6. Vì sao bác sĩ Ly khuất phục được tên cướp biển hung hãn?

a. Vì bác sĩ bình tĩnh và cương quyết bảo vệ lẽ phải.
b. Vì bác sĩ doạ sẽ tống tên cướp biển đi nơi khác.
c. Vì bác sĩ doạ sẽ treo cổ tên cướp biển trong phiên toà.

Câu 7. Có mấy câu kể “Ai là gì?” trong đoạn thơ sau?

Quê hương là chùm khuế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bóng vàng bay.

a. 1.
b. 2.
c. 3.

Câu 8. Nối ý bên trái với ý bên phải để tạo thành câu kể Ai là gì?

a. Bạn Nam. 1. Là sứ giả của bình minh.
b. Chim công 2. Là người miền Trung.
c. Đại bàng. 3. Là một nghệ sĩ múa.
d. Gà trống. 4. Là dũng sĩ của rừng xanh.

Câu 9. Cuối truyện, thái độ của tên cướp biển ra sao trước biểu hiện nghiêm nghị của bác sĩ Ly?

a. Hát xong, hắn quen lệ đập tay xuống bàn quát mọi người im. Ai nấy nín thít.
b. Cơn tức giận của tên cướp thật dữ dội. Hắn đứng phắt dậy, rút soạt dao ra, lăm lăm chực đâm.
c. Từ đêm ấy, tên chúa tàu im như thóc.
d. Vênh váo thách thức mọi người

Câu 10. Vì sao bác sĩ Ly khuất phục được tên cướp biển hung hãn?

a. Vì bác sĩ giảng giải và cho tên cướp biển lời khuyên chân thành.
b. Vì bác sĩ khỏe hơn tên cướp biển.
c. Vì bác sĩ bình tĩnh và cương quyết bảo vệ lẽ phải.
d Vì bác sĩ dọa đưa tên cướp biển ra tòa.

Nguồn: Tổng hợp
 
Bài thơ về tiểu đội xe không kính

(trích)

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật, bom rung, kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng.



Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái.



Không có kính, ừ thì ướt áo

Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời

Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa

Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi.



Những chiếc xe từ trong bom rơi

Đã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới

Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi.

PHẠM TIẾN DUẬT

Câu 1. Ai là tác giả của bài thơ?

a. Phạm Tiến Duật.
b. Phạm Hổ.
c. Phạm Đình Ân.

Câu 2. Vì sao xe không có kính?

a. Vì lái xe chưa kịp lắp kính cho xe thì phải lên đường.
b. Vì bom giật, bom rung, kính vỡ mất rồi.
c. Vì lái xe tháo kính cất đi cho khỏi vỡ.

Câu 3. Tinh thần lạc quan của các chiến sĩ lái xe tiểu đội xe không kính được thể hiện qua những câu thơ nào?

a. Ung dung buồng lái ta ngồi. Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng.
b. Những chiếc xe từ trong bom rơi. Đã về đây họp thành tiểu đội.
c. Thấy sao trời và đột ngột cánh chim. Như sa, như ùa vào buồng lái.

Câu 4. Tinh thần đồng đội của các chiến sĩ lái xe tiểu đội xe không kính được thể hiện qua những câu thơ nào?

a. Ung dung buồng lái ta ngồi. nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng.
b. Những chiếc xe từ trong bom rơi. Đã về đây họp thành tiểu đội.
c. Thấy sao trời và đột ngột cánh chim. Như sa, như ùa vào buồng lái.

Câu 5. Tư thế hiên ngang của các chiến sĩ lái xe tiểu đội xe không kính được thể hiện qua những câu thơ nào?

a. Ung dung buồng lái ta ngồi. nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng.
b. Những chiếc xe từ trong bom rơi. Đã về đây họp thành tiểu đội.
c. Thấy sao trời và đột ngột cánh chim. Như sa, như ùa vào buồng lái.

Câu 6. Bài thơ trên thuộc chủ đề nào?

a. Vẻ đẹp muôn màu.
b. Những người quả cảm.
c. Khám phá thế giới.

Câu 7. Có mấy câu kể “Ai là gì?” trong đoạn văn sau?

Anh Kim Đồng là một người liên lạc rất can đảm. Tuy không chiến đấu ở mặt trận, nhưng nhiều khi đi liên lạc, anh cũng gặp những giây phút hết sức hiểm nghèo.

a. 1.
b. 2.
c. 3.

Câu 8. Dòng nào dưới đây chỉ gồm những từ cùng nghĩa với từ dũng cảm?

a. Can đảm, gan dạ, gan lì, táo bạo, bạc nhược, nhu nhược.
b. Can đảm, gan dạ, anh dũng, anh hùng, hèn hạ, hèn mạt.
c. Can đảm, gan dạ, gan lì, táo bạo, anh dũng, anh hùng.

Câu 9. Bài thơ có giọng điệu như thế nào?

a. Da diết, não nề
b. Thống thiết, bi thương
c. Tươi vui, hóm hỉnh
d. Hào hùng, sục sôi

Câu 10. Nội dung của "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" là gì?

a. Kể về nỗi khổ của người lính trong kháng chiến
b. Kể về sự giúp đỡ của nhân dân với những người lính
c. Kể về cuộc sống nơi chiến trường
d. Ca ngợi tinh thần dũng cảm, lạc quan của người chiến sĩ trong những năm kháng chiến chỗng Mỹ cứu nước.

Nguồn: Tổng hợp
 
Thắng biển

Mặt trời lên cao dần. Gió đã bắt đầu mạnh. Gió lên, nước biển càng dữ. Khoảng mênh mông ầm ĩ càng lan rộng mãi vào. Biển cả muốn nuốt tươi con đê mỏng manh như con mập đớp con cá chim nhỏ bé.

Một tiếng ào ào dữ dội. Như một đàn cá voi lớn, sóng trào qua những cây vẹt cao nhất, vụt vào thân đê rào rào. Một cuộc vật lộn dữ dội diễn ra. Một bên là biển, là gió, trong một cơn giận dữ điên cuồng. Một bên là hàng ngàn người với hai bàn tay và những dụng cụ thô sơ, với tinh thần quyết tâm chống giữ.

Một tiếng reo to nổi lên, rồi ầm ầm hơn hai chục thanh niên cả nam lẫn nữ, mỗi người vác một vác củi vẹt, nhảy xuống dòng nước đang cuốn dữ. Họ khoác vai nhau thành một sợi dây dài, lấy thân mình ngăn dòng nước mặn. Nước quật vào mặt, vào ngực, trào qua đầu hàng rào sống. Họ ngụp xuống, trồi lên, ngụp xuống. Trong đám thanh niên xung kích, có người ngã, có người ngạt. Nhưng những bàn tay khoác vai nhau vẫn cứng như sắt, và thân hình họ quấn chặt lấy những cọc tre đóng chắc, dẻo như chão. Tóc dài các cô quấn chặt vào cổ các cậu con trai, mồ hôi như suối, hòa lẫn với nước chát mặn. Đám người không sợ chết đã cứu được quãng đê sống lại.

Theo CHU VĂN

Câu 1. Ai là tác giả của bài văn?

a. Chu Văn.
b. Vũ Tú Nam.
c. Phong Thu.

Câu 2. Cuộc chiến đấu giữa con người với cơn bão biển được miêu tả theo trình tự nào?

a. Sự đe doạ của cơn bão biển -> Con người chiến thắng biển -> Cuộc tấn công dữ dội của cơn bão biển.
b. Sự đe doạ của cơn bão biển -> Cuộc tấn công dữ dội của cơn bão biển -> Con người chiến thắng biển.
c. Cuộc tấn công dữ dội của cơn bão biển -> Sự đe doạ của cơn bão biển -> Con người chiến thắng biển.

Câu 3. Sự đe doạ của biển cả đối với con đê được ví với hình ảnh nào?

a. Như con cá mập đớp con cá thu nhỏ bé.
b. Như con cá mập đớp con cá đuối nhỏ bé.
c. Như con cá mập đớp con cá chim nhỏ bé.

Câu 4. Sóng biển trong cơn bão được ví với hình ảnh nào?

a. Như một đàn cá voi lớn.
b. Như một đàn cá mập lớn.
c. Như một đàn cá khổng lồ.

Câu 5. Dòng nào dưới đây miêu tả cuộc vật lộn dữ dội giữa con người với bão biển?

a. Một bên là biển, là gió, trong một cơn giận dữ điên cuồng. Một bên là hàng ngàn người với hai bàn tay và những dụng cụ thô sơ, với tinh thần quyết tâm chống giữ.
b. Một bên là biển, là gió, trong một cơn giận dữ điên cuồng. Một bên là hàng ngàn người với hai bàn tay và những dụng cụ hiện đại, với tinh thần quyết tâm chống giữ.
c. Một bên là biển, là gió, trong một cơn giận dữ điên cuồng. Một bên là hàng ngàn người với hai bàn tay và những dụng cụ đơn giản, với tinh thần quyết tâm chống giữ.

Câu 6. Đám người không sợ chết đã thu được kết quả như thế nào sau khi vật lộn với biển cả?

a. Cứu được nhiều người sống lại.
b. Cứu được quãng đê sống lại
c. Cứu được hoa màu sống lại.

Câu 7. Bài văn trên có mấy hình ảnh so sánh?

a. 4 hình ảnh.
b. 5 hình ảnh.
c. 6 hình ảnh.

Câu 8. Trong câu văn sau, tác giả tác sử dụng biện pháp nghệ thuật gì?

Biển cả muốn nuốt tươi con đê mỏng manh như con cá mập đớp con cá chim nhỏ bé.

a. Nhân hoá.
b. So sánh.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 9. Câu kể “Ai là gì?” trong đoạn văn sau dùng để làm gì?

Nguyễn Tri Phương là người Thừa Thiên Huế. Hoàng Diệu quê ở Quảng Nam. Cả hai không phải là người Hà Nội. Nhưng các ông đã anh dũng hi sinh bảo vệ thành Hà Nội trong hai cuộc chiến đấu giữ thành năm 1873 và 1882.

a. Dùng để giới thiệu.
b. Dùng để nêu nhận định.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 10. Dòng nào dưới đây chỉ gồm những từ trái nghĩa với từ dũng cảm?

a. Hèn nhát, đớn hèn, hèn mạt, can trường, bạo gan.
b. Bạo gan, can trường, nhút nhát, bạc nhược, nhu nhược.
c. Nhu nhược, bạc nhược, nhút nhát, hèn nhát, đớn hèn, hèn mạt.

Nguồn: Tổng hợp
 
Ga-vrốt ngoài chiến lũy

Ăng-giôn-ra nói:

- Chừng mười lăm phút nữa thì chiến lũy chúng ta không còn quá mười viên đạn.

Ga-vrốt nghe rõ câu nói đó.

Một lát sau, người ta thấy bóng cậu bé thấp thoáng ngoài đường phố, dưới làn mưa đạn.

Thì ra Ga-vrốt đã lấy một cái giỏ đựng chai trong quán ra khỏi chiến lũy. Nó dốc vào miệng giỏ những chiếc bao đầy đạn của bọn lính chết gần chiến lũy.

- Cậu làm trò gì đấy? - Cuốc-phây-rắc hỏi.

- Em nhặt cho đầy giỏ đây!

- Cậu không thấy đạn réo à?

Ga-vrốt trả lời:

- Có chứ, nó rơi như mưa ấy. Nhưng làm sao nào?

Cuốc-phây-rắc thét lên:

- Vào ngay!

- Tí ti thôi! Ga-vrốt nói.

Ngoài đường, lửa khói mịt mù. Điều đó rất có lợi cho Ga-vrốt. Dười màn khói và với thân hình bé nhỏ, cậu bé có thể tiến xa ngoài đường mà không ai trông thấy. Ga-vrốt dốc bảy, tám bao đạn đầu tiên không có gì nguy hiểm lắm. Em nằm xuống rồi lại đứng thẳng lên, ẩn vào một góc cửa, rồi lại phốc ra, tới, lui, dốc cạn các bao đạn và chất đầy giỏ.

Nghĩa quân mắt không rời cậu bé. Đó không phải là một em nhỏ, không phải là một con người nữa, mà là một thiên thần. Đạn bắn theo em, em nhanh hơn đạn. Em chơi trò ú tim với cái chết một cách thật ghê rợn.

Theo HUY-GÔ

Câu 1. Dòng nào dưới đây là câu nói của Ăng-giôn-ra?

a. Chừng mười lăm phút nữa thì chiến lũy của chúng ta không còn quá mười viên đạn.
b. Chừng mười lăm phút nữa thì chiến lũy của chúng ta không còn đến mười viên đạn.
c. Chừng mười lăm phút nữa thì chiến lũy của chúng ta không còn mười viên đạn.

Câu 2. Ga-vrốt ra ngoài chiến luỹ để làm gì?

a. Để nhặt súng của bọn lính chết gần chiến luỹ, tiếp tế cho nghĩa quân.
b. Để nhặt đạn của bọn lính chết gần chiến luỹ, tiếp tế cho nghĩa quân.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 3. Những chi tiết nào dưới đây thể hiện lòng dũng cảm của Ga-vrốt?

a. Dưới làn mưa đạn, Ga-vrốt ra ngoài chiến luỹ để nhặt đạn cho nghĩa quân.
b. Mặc dầu Cuốc-phây-rắc thét giục Ga-vrốt quay trở vào chiến luỹ nhưng cậu vẫn cố nán lại để nhặt được nhiều đạn hơn.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 4. Vì sao tác giả gọi Ga-vrốt là một thiên thần?

a. Vì hành động dũng cảm, bất chấp nguy hiểm của Ga-vrốt.
b. Vì trong khói lửa mịt mù, thân hình nhỏ bé của cậu lúc ẩn, lúc hiện, Ga-vrốt nhanh nhẹn, đạn của kẻ thù không bắn trúng cậu.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 5. Chi tiết nào miêu tả sự nhanh nhẹn của Ga-vrốt?

a. Một lát sau, người ta thấy bóng cậu bé thấp thoáng ngoài đường phố, dưới làn mưa đạn.
b. Đạn bắn theo em, em nhanh hơn đạn.
c. Thân hình nhỏ bé của cậu lúc ẩn, lúc hiện trong khói lửa mịt mù.

Câu 6. Bài văn trên thuộc chủ đề nào?

a. Những người quả cảm.
b. Khám phá thế giới.
c. Tình yêu cuộc sống.

Câu 7. Câu kể “Ai là gì?” trong đoạn văn sau đây dùng để làm gì?

Nghĩa quân mắt không rời cậu bé. Đó không phải là một em nhỏ, không phải là một con người nữa, mà là một thiên thần.

a. Dùng để giới thiệu.
b. Dùng để nhận định.
c. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 8. Giải nghĩa các thành ngữ sau bằng cách nối?

Trắc nghiệm Tiếng việt lớp 4


Câu 9. Dòng nào dưới đây diễn tả đúng tính cách của Ga-vrốt?

a. Nhanh nhẹn, dũng cảm, không ngại hiểm nguy.
b. Nhanh nhẹn, xinh xắn, đáng yêu như thiên thần.
c. Láu cá, khôn lỏi và sợ hãi trước quân địch.
d. Nhút nhát, rụt rè, chậm chạp và lười biếng.

Câu 10. Nội dung của bài Ga-vrốt ngoài chiến lũy là gì?

a. Phê phán cuộc chiến tranh phi nghĩa.
b. Ca ngợi lòng dũng cảm của chú bé Ga-vrốt.
c. Ca ngợi lòng trung thành của chú bé Ga-vrốt.
d. Nói lên sự ác liệt của cuộc chiến tranh.

Nguồn: Tổng hợp
 
Dù sao trái đất vẫn quay!

Xưa kia, người ta cứ nghĩ rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ, đứng yên một chỗ, còn mặt trời, mặt trăng và muôn ngàn vì sao phải quay xung quanh cái tâm này. Người đầu tiên bác bỏ ý kiến sai lầm đó là nhà thiên văn học Ba Lan Cô-péc-ních. Năm 1543, Cô-péc-ních cho xuất bản một cuốn sách chứng minh rằng chính trái đất mới là một hành tinh quay xung quanh mặt trời. Phát hiện của nhà thiên văn học làm cho mọi người sửng sốt, thậm chí nó còn bị coi là tà thuyết vì nó ngược với những lời phán bảo của Chúa trời.

Chưa đầy một thế kỉ sau, năm 1632, nhà thiên văn học Ga-li-lê lại cho ra đời một cuốn sách mới cổ vũ cho ý kiến của Cô-péc-ních. Lập tức, tòa án quyết định cấm cuốn sách ấy và mang Ga-li-lê ra xét xử. Khi đó, nhà bác học đã gần bảy chục tuổi.

Bị coi là tội phạm, nhà bác học già buộc phải thề từ bỏ ý kiến cho rằng trái đất quay. Nhưng vừa bước ra khỏi tòa án, ông đã bực tức nói to:

- Dù sao trái đất vẫn quay!

Ga-li-lê phải trải qua những năm cuối đời trong cảnh tù đày. Nhưng cuối cùng, lẽ phải đã thắng. Tư tưởng của hai nhà bác học dũng cảm đã trở thành chân lí giản dị trong đời sống ngày nay.

Theo LÊ NGUYÊN LONG, PHẠM NGỌC TOÀN

Chú thích:

- Cô-péc-ních (1473 - 1543): nhà thiên văn học người Ba Lan.

- Thiên văn học: ngành nghiên cứu các vật thể trong vũ trụ.

- Tà thuyết: lí thuyết nhảm nhỉ, sai trái.

- Ga-li-lê (1564 - 1642): nhà thiên văn học người I-ta-li-a.

- Chân lí: lẽ phải.

Câu 1. Cô-péc-ních là nhà thiên văn học nước nào?

a. Ba Lan.
b. Hà Lan.
c. Phần Lan

Câu 2. Cô-péc-ních tuyên bố điều gì?

a. Trái Đất là trung tâm của vũ trụ, đứng yên một chỗ.
b. Trái Đất là một hành tinh quay xung quanh mặt trời.
c. Vì sao và mặt trăng quay xung quanh trái đất.

Câu 3.Tuyên bố của Cô-péc-ních có điểm gì khác ý kiến chung lúc bấy giờ?

a. Người ta cứ nghĩ rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ, đứng yên một chỗ, còn mặt trời, mặt trăng và muôn ngàn vì sao phải quay xung quanh cái tâm này.
b. Người ta cứ nghĩ rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ, không đứng yên một chỗ, còn mặt trời, mặt trăng và muôn ngàn vì sao phải quay xung quanh cái tâm này
c. Người ta cứ nghĩ rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ, đứng yên một chỗ, còn mặt trời, mặt trăng và muôn ngàn vì sao phải quay xung quanh mặt trăng.

Câu 4. Ga-li-lê đã làm gì để cổ vũ cho Cô-péc-ních?

a. Quay phim.
b. Làm thơ.
c. Viết sách.

Câu 5.Cô-péc-ních và Ga-li-lê đã làm gì để bảo vệ chân lý khoa học?

a. Bất chấp nguy hiểm, phiền phức, dám nói ngược lại với những lời phán bảo của Chúa trời, trái với quan điểm được công nhận lúc bấy giờ.
b. Bất chấp nguy hiểm, phiền phức, dám làm theo những lời phán bảo của Chúa trời, trái với quan điểm được công nhận lúc bấy giờ.
c. Bất chấp nguy hiểm, phiền phức, dám nói ngược lại với những lời phán bảo của Chúa trời, nhưng phù hợp với quan điểm được công nhận lúc bấy giờ.

Câu 6. Bài văn trên thuộc chủ đề nào?

a. Vẻ đẹp muôn màu.
b. Những người quả cảm.
c. Khám phá thế giới.

Câu 7. Trong đoạn trích sau có mấy câu cầu khiến?

- Cậu làm gì đấy? – Cuốc-phây-rắc hỏi.
- Em nhặt cho đầy giỏ đây!
Cuốc-phây-rắc thét lên: Vào ngay!
- Tí ti thôi! – Ga-vrốt nói.

a. 2.
b. 3.
c. 4.

Câu 8. Câu cầu khiến sau đây được đặt bằng cách nào?

Em hát đi!

a. Thêm các từ: hãy, đừng, chớ, nên, phải … vào trước động từ.
b. Thêm các từ: đề nghị, xin, mong, … vào đầu câu.
c. Thêm các từ: lên, đi , thôi, nào, … vào cuối câu.

Câu 9. Cuối cùng, số phận học thuyết của hai nhà thiên văn học ra sao?

a. Trở thành học thuyết sai lầm, xưa cũ so với thời nay.
b. Được nhân dân thời bấy giờ ủng hộ nhiệt liệt.
c. Bị Giáo hội dập tắt vì đi ngược lại lời của Chúa trời.
d. Trở thành chân lí giản dị trong đời sống ngày nay.

Câu 10. Đâu là câu nói nổi tiếng của Ga-li-lê về trái đất?

a. Mặt trời, mặt trăng luôn quay xung quanh trái đất!
b. Trái đất luôn quay xung quanh mặt trời!
c. Dù sai trái đất vẫn quay!
d. Trái đất là trung tâm của vũ trụ!

Câu 11. Ý nghĩa của bài đọc Dù sao trái đất vẫn quay! là gì?

a. Kể về thời thơ ấu của hai nhà khoa học
b. Phê phán thói mê tín dị đoan của người xưa
c. Phê phán tòa án đã xử tội Galile
d. Ca ngợi những nhà bác học chân chính, kiên quyết dũng cảm bảo vệ chân lý khoa học, không màng đến tính mạng.

Nguồn: Tổng hợp
 
Con sẻ

Tôi đi dọc lối vào vườn. Con chó chạy trước tôi. Chợt nó dừng chân và bắt đầu bò, tuồng như đánh hơi thấy vật gì. Tôi nhìn dọc lối đi và thấy một con sẻ non mép vàng óng, trên đầu có một nhúm lông tơ. Nó rơi từ trên tổ xuống.

Con chó chậm rãi lại gần. Bỗng từ trên cây cao gần đó, một con sẻ già có bộ ức đen nhánh lao xuống như hòn đá rơi trước mõm con chó. Lông sẻ già dựng ngược, miệng rít lên tuyệt vọng và thảm thiết. Nó nhảy hai ba bước về phía cái mõm há rộng đầy răng của con chó.

Sẻ già lao đến cứu con, lấy thân mình phủ kín sẻ con. Giọng nó yếu ớt nhưng hung dữ và khản đặc. Trước mắt nó, con chó như một con quỷ khổng lồ. Nó sẽ hi sinh. Nhưng một sức mạnh vô hình vẫn cuốn nó xuống đất.

Con chó của tôi dừng lại và lùi... Dường như nó hiểu rằng trước mặt nó có một sức mạnh. Tôi vội lên tiếng gọi con chó đang bối rối ất tránh ra xa, lòng đầy thán phục.

Vâng, lòng tôi đầy thán phục, xin bạn đừng cười. Tôi kính cẩn nghiêng mình trước con chim sẻ bé bỏng dũng cảm kia, trước tình yêu của nó.

Theo TUỐC-GHÊ-NHÉP

Câu 1. Ai là tác giả của bài “Con sẻ”?

a. Tuốc-ghê-nhép.
b. Ga-li-lê.
c. Huy-gô

Câu 2. Những chi tiết nào miêu tả sự xuất hiện của con sẻ già?

a. Nó nhảy hai ba bước về phía cái mõm há rộng đầy răng của con chó.
b. Bỗng từ trên cây cao gần đó, một con sẻ già có bộ ức đen nhánh lao xuống như hòn đá rơi trước mõm con chó.
c. Sẻ già lao đến cứu con, lấy thân mình phủ kín sẻ con.

Câu 3. Dòng nào dưới đây miêu tả hành động dũng cảm của con sẻ già?

a. Tôi vội lên tiếng gọi con chó đang bối rối ấy tránh ra xa, lòng đầy thán phục.
b. Bỗng từ trên cây cao gần đó, một con sẻ già có bộ ức đen nhánh lao xuống như hòn đá rơi trước mõm con chó.
c. Sẻ già lao đến cứu con, lấy thân mình phủ kín sẻ con.

Câu 4. Vì sao tác giả thán phục sẻ già?

a. Vì hành động dũng cảm đối đầu với con vật lớn hơn mình rất nhiều để cứu con của sẻ già.
b. Vì hành động dũng cảm đối đầu với con vật lớn hơn mình rất nhiều để ra oai của sẻ già.
c. Vì hành động dũng cảm đối đầu với con vật lớn hơn mình rất nhiều để thoát thân của sẻ già.

Câu 5. Trong mắt con sẻ già, hình ảnh con chó hiện lên như thế nào?

a. Như một con chó khổng lồ.
b. Như một con quỷ khổng lồ.
c. Như một con quái vật khổng lồ.

Câu 6. Điều gì ở con sẻ già khiến tác giả thán phục?

a. Vẻ đẹp của bộ ức đen nhánh.
b. Tiếng kêu tuyệt vọng và thảm thiết.
c. Tình yêu của nó dành cho sẻ con.

Câu 7. Nối ý bên trái với ý bên phải sao cho phù hợp.

a.Câu kể “Ai làm gì?”. 1. Căn nhà trống vắng.
b. Câu kể “Ai thế nào?”. 2. Ngày nhỏ, tôi là một búp non.
c. Câu kể “Ai là gì?”. 3. Bạn đừng giấu!
d. Câu cầu khiến. 4. Thanh niên lên rẫy.

Câu 8. Câu cầu khiến sau đây được đặt bằng cách nào?

Bạn không nên làm thế!

a. Thêm các từ: hãy, đừng, chớ, nên, phải … vào trước động từ.
b. Thêm các từ: lên, đi , thôi, nào, … vào cuối câu.
c. Dùng giọng điệu phù hợp với câu cầu khiến.

Câu 9. Con chó hiểu rằng trước mặt nó có một sức mạnh. "Sức mạnh" ở trường hợp này được hiểu là gì?

a. Thế lực siêu nhiên
b. Tình mẫu tử
c. Tiền tệ
d. Sức khỏe

Câu 10. Nội dung của bài Con sẻ là gì?

a. Ca ngợi sự thông minh, tình cảm của chú chó đối với chim sẻ.
b. Ca ngợi hành động dũng cảm của sẻ mẹ để bảo vệ sẻ con.
c. Ca ngợi cuộc sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên.
d. Chê trách chú sẻ con nghịch ngợm để rơi khỏi tổ xuống đất.

Nguồn: Tổng hợp
 

Xếp hạng chủ đề

Tạo
Giáo Án Mới,
Trả lời lần cuối từ
Giáo Án Mới,
Trả lời
80
Lượt xem
8,287

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Back
Top