Đề cương Ôn tập Ngữ văn 6 năm học 2020, trắc nghiệm và tự luận

Ếch ngồi đáy giếng
I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ truyện dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Có một con ếch sống lâu ngày trong một giếng nọ. Xung quanh nó chỉ có vài con nhái, cua, ốc bé nhỏ. Hằng ngày nó cất tiếng kêu Ồm ộp làm vang động cả giếng, khiến các con vật kia rất hoảng sợ. Ếch cứ tưởng bầu trời trên đầu chỉ bé bằng chiếc vung và nó thì oai như một vị chúa tể.

Một năm nọ, trời mưa to làm nước trong giếng dềnh lên, tràn bờ, đưa ếch ta ra ngoài.

Quen thói cũ, ếch nghênh ngang đi lại khắp nơi và cất tiếng kêu Ồm ộp. Nó nhâng nháo đưa cặp mắt nhìn lên bầu trời, chả thèm để ý đến xung quanh nên đã bị một con trâu đi qua giẫm bẹp.

Câu 1. Thế nào là truyện ngụ ngôn?

A. Là truyện kể bằng văn xuôi hoặc văn vần.
B. Là truyện thông qua việc mượn chuyện về loài vật, đồ vật hoặc chính con người để nói bóng gió chuyện con người.
C. Là truyện có ý nghĩa răn dạy con người những đạo lí của cuộc sống.
D. Là truyện chứa đựng nhiều yếu tố hoang đường, li kì, giống như truyện cổ tích.

Câu 2. Truyện Ếch ngồi đáy giếng thuộc thể loại nào?

A. Truyền thuyết.
B. Thần thoại.
C. Truyện cổ tích.
D. Truyện ngụ ngôn.

Câu 3. Truyện nào dưới đây không phải là truyện ngụ ngôn?

A. Tấm Cám.
B. Thầy bói xem voi.
C. Đeo nhạc cho mèo.
D. Ếch ngồi đáy giếng,

Câu 4. Trong truyện Êch ngồi đáy giếng, con ếch sống trong một cái giếng nhỏ, chung quanh nó toàn là những con vật yếu đuối, điều này làm ếch có suy nghĩ thế nào?

A. Ếch tưởng trong thế giới này chỉ có những con vật nhỏ hơn nó.
B. Ếch cho rằng cái giếng là nơi sâu nhất.
C. Ếch tưởng bầu trời nhỏ bé bằng cái vung và nó là một vị chúa tể.
D. Ếch nghĩ nó không có bà con, họ hàng.

Câu 5. Khi nước tràn vào giếng và đưa ếch ra ngoài, thái độ của ếch như thế nào khi nhìn thấy cảnh vật chung quanh?

A. Rất lo lắng và sợ sệt vì mọi thứ quá xa lạ.
B. Đắc ý vì cảnh vật mới không bằng nơi nó sinh sống bấy lâu.
C. Nghênh ngang đi lại khắp nơi, dương dương tự đắc vì nghĩ mình là chúa tể của muôn loài.
D. Cười nhạo báng tất cả mọi thứ ếch gặp trên đường.

Câu 6. Trong truyện, thực chất ếch là con vật như thế nào?

A. Có tầm hiểu biết sâu rộng và có vốn sống dồi dào.
B. Có vốn sống bình thường nhưng luôn biết học hỏi.
C. Có tầm hiểu biết sâu rộng nhưng không chịu học hỏi những con vật khác ở chung quanh.
D. Có hiểu biết nông cạn, hời hợt nhưng lại thích huênh hoang.

Câu 7. Hậu quả của thái độ tự cao, tự đại của ếch là gì?

A. Ếch bị các con vật trên bờ cách li và phải trở về giếng cũ.
B. Ếch bị một con voi giẫm chết,
C. Ếch bị con người bắt và ăn thịt.
D. Ếch bị một con trâu đi qua giẫm cho bẹp dí.

Câu 8. Truyện Ếch ngồi đáy giếng phê phán điều gì?

A. Phê phán những kẻ ỷ quyền thế bắt nạt người khác.
B. Phê phán những người hiểu biết nông cạn mà thường tỏ ra huênh hoang, tự cho mình là nhất.
C. Phê phán những người thích khoa trương, cho mình là giàu có.
D. Phê phán những kẻ tham lam, độc ác, thích bòn rút của người khác.

Câu 9. Truyện Ếch ngồi đáy giếng khuyên chúng ta điều gì?

A. Phải biết cố gắng học tập, không ngừng mở rộng tầm hiểu biết của bản thân, không được chủ quan, kiêu ngạo.
B. Phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
C. Phải biết lượng sức mình, không nên làm những việc vô nghĩa.
D. Phải biết tránh xa những thói hư, tật xấu.

Câu 10. Thành ngữ Ếch ngồi đáy giếng thường được dùng đê chỉ điều gì?

A. Những người quanh năm sống một chỗ, không đi đến nơi nào khác.
B. Những người không có gì nhưng lại thích khoe khoang.
C. Những người có hiểu biết nông cạn nhưng lại luôn cho mình là người hiểu biết.
D. Những người có vốn sống dồi dào nhưng không biết trau dồi bản thân.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Những bài học rút ra từ truyện Ếch ngồi đáy giếng.

Gợi ý trả lời:

- Khi sống trong một môi trường nhỏ bé, không gian hạn hẹp, thiếu sự giao lưu sẽ làm hạn chế tầm hiểu biết thế giới xung quanh. Nếu tình trạng này kéo dài, sự hiểu biết sẽ rất nông cạn, nhìn nhận thế giới xung quanh một cách khác lạ. Nguồn tri thức hạn hẹp dễ làm nảy sinh tâm lí chủ quan và kiêu ngạo.

- Sự chủ quan và kiêu ngạo rất dễ phải trả giá, nhiều khi trả giá rất đắt chẳng hạn như chú ếch ở trong truyện.

- Câu chuyện nhắn nhủ con người dù sống trong bất cứ môi trường nào cũng không nên bó hẹp suy nghĩ, phải mở rộng môi trường sống, chú ý học hỏi để mở rộng tầm hiểu biết của bản thân.

- Khi xảy ra sự thay đổi trong môi trường sống hoặc làm việc cần phải thận trọng, tìm cách thích nghi một cách tốt nhất, tránh thói chủ quan, kiêu ngạo do suy nghĩ nông cạn, kiến thức hạn hẹp.

Nguồn: Tổng hợp
 
Thầy bói xem voi
I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ truyện dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói ngồi chuyện gẫu với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi thế nào. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm thầy chung nhau tiền biếu thầy quản voi, xin cho voi đứng lại để cùng xem. Thầy thì sờ vòi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi.

Đoạn năm thầy ngồi bàn tán với nhau.

Thầy sờ vòi bảo:

- Tưởng con voi như thế nào, hóa ra nó sun sun như con đỉa.

Thầy sờ ngà bảo:

- Không phải, nó chần chẫn như cái đòn càn.

Thầy sờ tai bảo:

- Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc.

Thầy sờ chân cãi:

- Ai bảo! Nó sừng sững như cái cột đình.

Thầy sờ đuôi lại nói:

- Các thầy nói không đúng cả. Chính nó tun tủn như cái chổi sể cùn.

Năm thầy, thầy nào cũng cho là mình nói đúng, không ai chịu ai, thành ra xô xát, đánh nhau toác đầu, chảy máu.

Câu 1. Truyện Thầy bói xem voi thuộc thể loại nào?

A. Truyền thuyết.
B. Thần thoại.
C. Truyện cổ tích.
D. Truyện ngụ ngôn.

Câu 2. Nhân vật chính trong truyện Thầy bói xem voi là ai?

A. Năm ông thầy bói và con voi.
B. Năm ông thầy bói.
C. Con voi.
D. Con voi và một ông thầy bói.

Câu 3. Thầy bói là những người:

A. Chuyên làm nghề buôn bán.
B. Chuyên làm nghề bốc thuốc.
C. Chuyên đoán việc lành dữ cho mọi người.
D. Chuyên viết thư pháp trên phố.

Câu 4. Câu: “Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi thế nào” chỉ điều gì?

A. Từ trước đến giờ các thầy bói chưa xem bói cho voi.
B. Các thầy bói đều có chung khuyết tật là bị mù.
C. Từ trước đến giờ các thầy chưa nhìn thấy voi.
D. Các thầy cho rằng voi là con vật chỉ có trong tưởng tượng.

Câu 5. Trong truyện, năm ông thầy bói đã sờ vào những bộ phận nào của con voi?

A. Vòi, ngà, tai, chân, đuôi.
B. Vòi, ngà, tai, chân, lưng,
C. Vòi, ngà, mắt, chân, lưng.
D. Tai, mắt, lưng, chân, đuôi.

Câu 6. Khi sờ vào tai voi, thầy bói bảo nó giống thứ gì sau đây?

A. Giống như một cái lá sen to.
B. Giống như một cái quạt thóc,
C. Giống như hai cái chổi sể.
D. Giống như cái đòn càn.

Câu 7. Trong truyện, năm ông thầy bói đã sờ vào con voi thật nhưng không thầy nào nói đúng về con vật này. Sai lầm của họ là ở chỗ nào?

A. Xem xét các bộ phận của voi một cách hời hợt.
B. Không xem xét voi bằng mắt mà bằng tay.
C. Xem xét một cách quá kĩ lưỡng từng bộ phận của voi.
D. Không xem xét voi một cách toàn diện mà chỉ dựa vào từng bộ phận để đưa ra nhận xét.

Câu 8. Truyện Thầy bói xem voi cho chúng ta bài học gì?

A. Muốn hiểu biết sự vật, sự việc nào đó một cách chính xác cần xem xét chúng một cách toàn diện.
B. Luôn học hỏi để nâng cao hiểu biết của bản thân, nhằm tránh rơi vào tình trạng thầy bói xem voi.
C. Không nên có tính ganh ghét lẫn nhau.
D. Không nên dùng lời của những thầy bói để xem xét, đánh giá sự vật.

Câu 9. Truyện Thầy bói xem voi phê phán điều gì?

A. Phê phán những việc làm vô bổ, không mang lại lợi ích cho bản thân cũng như người khác.
B. Phê phán thái độ khinh thường người khác.
C. Phê phán những nhận xét, đánh giá không có cơ sở hoặc chưa có chứng cứ một cách xác đáng, nhìn nhận sự vật một cách phiến diện.
D. Phê phán thái độ cầu toàn, không dám đấu tranh chống cái xấu, cái tiêu cực.

Câu 10. Cuộc tranh luận của năm thầy bói dẫn đến kết quả gì?

A. Năm thầy bói nhất trí với nhau về đặc điểm của con voi.
B. Năm thầy không ai chấp nhận ý kiến của ai, một mực cho rằng ý kiến của mình là đúng nên cuối cùng đánh nhau toác đầu chảy áu.
C. Cuối cùng không ai chấp nhận ý kiến của ai nên không thể hình dung ra đặc điểm của con voi.
D. Các thầy bói nhất trí với nhau rằng con voi giống cái cột đình.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Về truyện Thầy bói xem voi.

BÀI THAM KHẢO

Thầy bói xem voi là câu chuyện giàu kịch tính, có kết cấu khá mạch lạc. Nghệ thuật của truyện ngụ ngôn dân gian ở đây đạt tới đỉnh cao. Tác giả đã rất khéo léo chọn lựa một con vật đồ sộ như voi để cho các thầy bói cùng một lúc đều có thể xem bằng tay, và từ đó sẽ thuận lợi cho việc tưởng tượng, hư cấu nhằm rút ra những điều bổ ích cho con người về việc nhận xét, bình giá và ứng xử trong mọi quan hệ ở đời. Rõ ràng đây là một tấn bi - hài kịch về một cách nhận thức, một bài học quý để người đời cùng học. Bài học ấy nhắc chúng ra rằng muốn hiểu biết đầy đủ về một sự vật, một hiện tượng hay một con người nào đó thì phải nhìn nhận thật toàn diện, không nên mới chỉ biết có một ít mà đã suy nghĩ quá nhiều hoặc phán đoán mò mẫm.

Đên đây, ta càng thấy đầu đề Thầy bói xem voi hàm chứa đầy tính hài hước. Đầu đề này cũng đã đi vào vốn ngôn ngữ thông thường của đời sống mỗi khi nhận xét hoặc bình giá một sự việc nào đó chưa đến đầu đến đũa hoặc còn phiến diện.

Truyện Thầy bói xem voi mang đậm tính phê phán, có ý nghĩa triết học sâu sắc, nó như một bài học quý không chỉ cho ngày xưa, cho ngày nay mà còn cho cả mai sau.

Nguồn: Tổng hợp
 
Đeo nhạc cho mèo
I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ truyện dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

[...] Khi làng dài răng đã tề tự đông đủ cả rồi, ông Cống mới lên giọng rằng:

Cái giống quái kia sở dĩ nó chụp được anh em mình chỉ vì trời phú cho nó cái tài rình mò và khéo bắt lén mà thôi. Bây giờ, bà con ta nên mua một cái nhạc buộc vào cổ nó, để khi nào nó đến, nghe tiếng nhạc, ta biết đường chạy trước, thì nó còn làm gì nổi ta nữa.

[...] Chuột Chù ì ạch phải nhận, vác nhạc ra đi tìm mèo thật. Khốn chưa trông thấy mèo, mới nghe thấy tiếng, Chù đã sợ run cả mình, không dám tiến. Nhưng sợ lệ làng, sau đánh bạo, phải lại gần, thì thấy mèo quả nhiên không thèm vờn đến thật. Song mèo cũng nhe nanh giương vuốt, làm cho Chù cắm đầu, vác cái thân ì ạch chạy khốn chạy khổ về báo cho làng hay. Cả làng nghe báo cũng sợ, bỏ chạy tán loạn, chẳng ai hỏi đến cái nhạc, nó bon đi đâu, và bon tự bao giờ không biết. Thành ra từ đó, chuột vốn sợ mèo, vẫn hoàn sợ mèo mãi.

Câu 1. Truyện Đeo nhạc cho mèo có nguồn gốc từ nước nào?

A. Hi Lạp.
B. Ấn Độ.
C. Trung Quốc.
D. Nhật Bản.

Câu 2. Truyện Đeo nhạc cho mèo thuộc thể loại nào?

A. Truyện ngụ ngôn.
B. Truyện cười.
C. Truyện thần thoại.
D. Truyền thuyết.

Câu 3. Trong truyện Đeo nhạc cho mèo, loài mèo có biệt tài gì khiến họ hàng nhà chuột phải sợ?

A. Ngửi rất thính và ăn vụng rất tài.
B. Có thể leo cây để bắt chuột.
C. Có tài rình mò và khéo bắt lén.
D. Cả đêm không ngủ để rình bắt chuột.

Câu 4. Họ hàng nhà chuột mở cuộc họp nhằm mục đích gì?

A. Bàn cách đối phó với loài mèo.
B. Tìm cách và phân công người đeo chuông cho mèo.
C. Phân công người canh gác cho cả bầy chuột ngủ.
D. Tập hợp loài chuột để dạy cho mèo một bài học.

Câu 5. Trong truyện Đeo nhạc cho mèo, ai là người có chức tước cao nhất trong họ hàng nhà chuột?

A. Chuột Nhắt.
B. Chuột Đồng.
C. Chuột Chù.
D. Chuột Cống.

Câu 6. Người được cả họ nhà chuột phân công đi đeo nhạc cho mèo là ai?

A. Chuột Nhắt.
B. Chuột Đồng.
C. Chuột Chù.
D. Chuột Cống.

Câu 7. Họ hàng nhà chuột đã sử dụng yếu tố nào dưới đây trong việc cảnh giác với loài mèo?

A. Âm thanh.
B. Ánh sáng.
C. Hình ảnh.
D. Mùi vị.

Câu 8. Truyện Đeo nhạc cho mèo khuyên nhủ chúng ta điều gì?

A. Không nên xung đột lẫn nhau.
B. Trong cuộc sống cần hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau.
C. Phải dám đương đầu với khó khăn thử thách, có như vậy mới hi vọng thành công.
D. Khi làm bất cứ việc gì cũng cần tírh đến điều kiện và khả năng thực hiện điều đó.

Câu 9. Qua thái độ của chuột cống, truyện muốn phê phán điều gì?

A. Phê phán những ý tưởng viễn vông không thể thực hiện được.
B. Phê phán những người lợi dụng chức quyền để chuộc lợi cho bản thân, không quan tâm đến lợi ích của người khác.
C. Phê phán những người ham sống sợ chết, chỉ bàn ra mà không dám thực hiện; trút khó khăn, nguy hiểm cho người khác.
D. Phê phán những người có đầu óc trống rỗng nhưng vẫn cho mình là tài giỏi.

Câu 10. Kết quả cuối cùng là họ nhà chuột không đeo được nhạc cho mèo, thất bại này do đâu?

A. Do ý tưởng của họ hàng nhà chuột là không thực tế.
B. Do chuột chù quá nhút nhát.
C. Do mũi mèo quá thính nên chuột không thể tiếp cận.
D. Do không có con chuột nào dám đeo chuông cho mèo.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Truyện Đeo nhạc cho mèo phản ánh điều gì và bài học rút ra từ câu chuyện đó.

Gợi ý trả lời:

Truyện Đeo nhạc cho mèo mượn chuyện họ hàng nhà chuột để nói chuyện người. Nghệ thuật nhân hóa đã được sử dụng một cách khéo léo để lột tả bản chất của các con vật có bụng không thể xấu hơn được. Làng chuột được miêu tả trong truyện làm chúng ta liên tưởng đến xã hội nông thôn trước kia với vai vế và thứ bậc cũng như họ nhà chuột. Đứng đầu một làng, xã thường là ông Cống hoặc ông Nghè tương ứng với dạng chuột Cống trong truyện; kế đó là hạng người bậc trung với tính cách cơ hội, láu cá như chuột Nhắt; cuối cùng là những người thấp cổ bé họng như chuột Chù, những hạng người này chuyên làm những nhiệm vụ nặng nhọc, chịu mọi gánh nặng của chế độ đó. Như vậy, truyện muốn mượn chuyện nhà chuột để nói về chuyện người, châm biếm sâu sắc những thói xấu của con người. Truyện cũng để lại nhiều bài học quý báu.

Bài học thứ nhất nói về điều kiện cần và đủ để thực hiện một kế hoạch nào đó. Kế hoạch dù tốt đến đâu chăng nữa nhưng không dựa trên những điều kiện nhất định thì sẽ không thể hoàn thành được, đó mãi mãi chỉ là lí thuyết suông chứ không áp dụng được vào thực tiễn.

Bài học thứ hai nói về nhân tố thực hiện kế hoạch. Người thực hiện kế hoạch phải có đủ phẩm chất và năng lực. Nếu người thực hiện kế hoạch bị ép buộc hoặc miễn cưỡng thì cho dù là kế hoạch, hoàn hảo cũng sẽ thất bại.

Bài học thứ ba nói về tính tập thể trong việc thực hiện một công việc nào đó. Nếu một tập thể mà toàn những cá nhân chỉ biết nói chứ không biết làm thì rất dễ đi đến những quyết định ảo tưởng, phi thực tế. Những cá nhân ấy chỉ biết đề ra kế hoạch còn khi thực hiện thì lại đùn đẩy cho nhau. Hiệu quả làm việc của tập thể cũng như hội đồng chuột trong truyện trên.

Nguồn: Tổng hợp
 
Chân, tay, tai, mắt, miệng
I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ truyện dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai, lão Miệng từ xưa vẫn sống với nhau rất thân thiết. Bỗng một hôm, cô Mắt đến than thở với cậu Chân, cậu Tay rằng:

- Bác Tai, hai anh và tôi làm việc mệt nhọc quanh năm, còn lão Miệng chẳng làm gì cả, chỉ ngồi ăn không. Nay chúng ta đừng làm gì nữa, thử xem lão Miệng có sống được không.

Cậu Chân, cậu Tay cũng nói:

- Phải đấy! Chúng ta phải đi nói cho lão Miệng biết để lão tự lo lấy. Chúng ta vất vả nhiều rồi, nay đến lúc lão phải tự mình tìm lấy thức ăn, xem lão có làm nổi không.

[...] Chúng tôi hôm nay đến không phải để thăm hỏi, trò chuyện gì với ông, mà để nói cho ông biết: Từ nay chúng tôi không làm để nuôi ông nữa. Lâu nay, chúng tôi đã cực khổ, vất vả vì ông nhiều rồi.

[...] Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay cố gượng dậy đi theo bác Tai đến nhà lão Miệng. Đến nơi, họ thấy lão Miệng cũng nhợt nhạt cả hai môi, hai hàm thì khô như rang, không buồn nhếch mép. Bác Tai, cô Mắt vực lão Miệng dậy. Con cậu Chân, cậu Tay thì đi tìm thức ăn. Lão Miệng ăn xong, dần dần tỉnh lại. bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay tự nhiên thấy đỡ mệt nhọc, rồi thấy trong mình khoan khoái như trước. Từ đó lão Miệng, bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay lại thân mật sống với nhau, mỗi người một việc, không ai tị ai cả.

Câu 1. Truyện Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng thuộc thể loại nào?

A. Truyện ngụ ngôn.
B. Truyện cổ tích.
C. Truyện ngắn.
D. Thần thoại.

Câu 2. Trong truyện, Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng trước đây sống với nhau như thế nào?

A. Không có liên hệ gì với nhau, mạnh ai nấy sống.
B. Rất hòa thuận, thân thiết và quan tâm lẫn nhau,
C. Là bạn thân của nhau.
D. Tuy sống chung trên một cơ thể nhưng không có liên hệ gì với nhau.

Câu 3. Theo quan niệm của các bộ phận trên cơ thể thì bộ phận nào là sướng nhất?

A. Chân.
B. Mắt.
C. Tay.
D. Miệng.

Câu 4. Theo em, quan niệm của các bộ phận trên cơ thể về lão Miệng như vậy là đúng hay sai?

A. Đúng.
B. Sai.

Câu 5. Truyện Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng lấy chuyện các bộ phận trên cơ thể để nói đến chuyện của:

A. Con người.
B. Chân, Tay, Tai, Mắt.
C. Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng.
D. Miệng.

Câu 6. Tại sao các bộ phận khác cho rằng lão Miệng là người sướng nhất?

A. Vì lão Miệng nhai thức ăn suốt ngày.
B. Vì lão Miệng không phải làm gì cả.
C. Vì lão Miệng không phải làm gì cả, chỉ ngồi ăn không.
D. Vì lão Miệng làm ít mà vẫn có ăn.

Câu 7. Việc Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng không làm việc nữa đã dẫn đến hậu quả gì?

A. Lão Miệng chết đói vì không có thức ăn.
B. Chân, Tay, Tai, Mắt đều mệt mỏi, bơ phờ, thiếu sức lực.
C. Chân, Tay, Tai, Mắt đều được nghỉ ngơi.
D. Lão Miệng phải làm việc để nuôi sống mình.

Câu 8. Khi lão Miệng có thức ăn trở lại thì điều gì đã diễn ra?

A. Các bộ phận khác như Chân, Tay, Tai, Mắt đều cảm thấy khỏe mạnh, tươi tỉnh ra.
B. Lão Miệng được hồi sinh và tiếp tục làm nhiệm vụ của mình.
C. Lão Miệng cảm thấy được ăn ngon hơn trước.
D. Các bộ phận khác như Chân, Tay, Tai, Mắt không dám phân bì với lão Miệng nữa.

Câu 9. Bài học rút ra từ truyện Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng là gì?

A. Mỗi người cần phải sống tự lập, không nên dựa dẫm vào người khác.
B. Trong tập thể, mỗi thành viên không thể sống tách biệt mà phải nương tựa, gắn bó, hợp tác với nhau để cùng tồn tại.
C. Không nên có thái độ phân biệt về quyền lợi với người khác.
D. Cần tôn trọng tập thể, lấy tập thể làm trung tâm cho sự tồn tại của mỗi bản thân.

Câu 10. Truyện Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng phê phán điều gì?

A. Phê phán thói quen sống dựa dẫm vào người khác.
B. Phê phán thói quen sống bất chấp quyền lợi của người khác.
C. Phê phán lối sống lãng phí, không biết tiết kiệm cho bản thân.
D. Phê phán thái độ ích kỉ, sống cho bản thân, không coi trọng quyền lợi chung của tập thể.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Nội dung truyện Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng và ý nghĩa giáo dục của truyện.

Gợi ý trả lời:

Truyện kể về thái độ của các bộ phận trên cơ thể người với nhau. Chân, Tay, Tai, Mắt xuất phát từ những biểu hiện bên ngoài như Chân phải đi, Mắt phải nhìn, Tay phải làm, Tai phải nghe để phân bì với lão Miệng suốt ngày chỉ biết ăn. Họ nhìn thấy những việc làm của họ chỉ để phục vụ cho lão Miệng ăn không ngồi rồi kia. Vậy là họ đi kiện với chính lão Miệng. Kết cục của câu chuyện không nằm ngoài những quy luật của tự nhiên: cái bộ phận phải phục tùng cái toàn thể, quyền lợi của cá nhân gắn liền với quyền lợi tập thể.

Truyện mượn chuyện các bộ phận trên cơ thể người để nói chuyện con người. Có thể ví cơ thể người như một tập thể hay một tổ chức, các bộ phận như Chân, Tay, Mắt, Miệng là một cá nhân của tập thể, tổ chức đó. Qua đó truyện nhắn nhủ con người nhiều điều.

Thứ nhất là mỗi cá nhân không thể tồn tại nếu tách ra khỏi mối quan hệ với tập thể, với cộng đồng, cần phải lấy tập thể làm nơi cống hiến và phát triển. Quyền lợi của cá nhân gắn liền với quyền lợi của tập thể.

Thứ hai, mỗi người cần sống vì mọi người và mọi người vì mỗi người, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, ích kỉ, hẹp hòi. Nếu đang tâm làm hại người khác trong tập thể, trong cộng đồng cũng chính là làm hại chính bản thân.

Nguồn: Tổng hợp
 
Trắc nghiệm Cụm danh từ

Câu 1. Cụm danh từ là gì?

A. Còn được gọi là ngữ danh từ, nhóm danh từ, danh ngữ
B. Là một tập hợp do danh từ với một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành
C. Cụm danh từ có ý nghĩa cụ thể, chi tiết hơn, có cấu tạo phức tạp hơn
D. Cả 3 đáp án trên

Đáp án D

Câu 2. Cụm danh từ gồm mấy phần

A. 2 phần
B. 3 phần
C. 4 phần
D. 5 phần

Đáp án B
→ Cụm danh từ gồm phần phụ trước, trung tâm và phần phụ sau

Câu 3. Cụm danh từ có thể giữ vai trò chủ ngữ, vị ngữ trong câu, đúng hay sai?

A. Đúng
B. Sai

Đáp án A
- Cụm danh từ cũng giống như danh từ, có thể đảm nhận chức vụ chủ, vị ngữ trong câu

Câu 4. Cho câu sau: Mỗi chiếc lá rụng có một linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác riêng” có mấy cụm danh từ?

A. 2
B. 3
C. 4
D. 5

Đáp án B
→ Các cụm danh từ: một linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác riêng

Câu 5. Dòng nào dưới đây nêu đúng mô hình cấu trúc của cụm danh từ?

A. Cụm danh từ có mô hình cấu trúc phức tạp.
B. Cụm danh từ là loại tổ hợp danh từ có mô hình gồm 2 phần: phần phụ trước và phần trung tâm.
C. Cụm danh từ là loại tổ hợp danh từ có 2 phần: phần trung tâm và phần phụ sau.
D. Cụm danh từ là loại tổ hợp danh từ có mô hình cấu trúc gồm 3 phần: phần trước, phần trung tâm, phần sau.

Đáp án D

Câu 6. Tìm cụm danh từ, cụm nào đủ cấu trúc ba phần

A. Một em học sinh lớp 6
B. Tất cả lớp
C. Con trâu
D. Cô gái mắt biếc

Đáp án A
→ Cấu trúc cụm danh từ trên: Một / em / học sinh / lớp 6

Câu 7. Trong các cụm danh từ sau, cụm danh từ nào chỉ có thành phần trung tâm và phụ sau

A. Các bạn học sinh
B. Hoa hồng
C. Chàng trai khôi ngô
D. Chiếc thuyền buồm khổng lồ màu đỏ

Đáp án C
→ Chàng trai (trung tâm); khôi ngô (thành phần phụ sau)

Câu 8. Có bao nhiêu cụm danh từ trong đoạn văn sau:

Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn. Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng.

A. Hai
B. Ba
C. Bốn
D. Năm

Đáp án C
→ Các cụm từ là: kênh Bọ Mắt, sông Năm Căn mênh mông, những đầu sóng trắng, người bơi ếch

Câu 9. Cả ba cô con gái là cụm từ có mấy thành phần?

A. 2
B. 3
C. 4
D. Không xác định được

Đáp án B
→ Cụm từ trên gồm 3 thành phần Cả/ ba : thành phần phụ trước; cô (thành phần trung tâm); con gái (thành phần phụ sau)

Câu 10. Cụm từ “Một vành đai phòng thủ kiên cố” có là cụm danh từ không?

A. Có
B. Không

Đáp án A

Nguồn: Tổng hợp
 
Trắc nghiệm Chỉ từ

Câu 1. Chỉ từ là gì?

A. “chỉ định”, “chỉ vào”, “trỏ vào” sự vật, sự định vị
B. Những từ dùng để trỏ vào sự vật, nhằm xác định vị trí của sự vật trong thời gian và không gian
C. Cả A và B đều sai
D. Cả A và B đều đúng

Đáp án: C

Câu 2. Chỉ từ “này, kia, ấy, nọ” dùng để chỉ?

A. Định vị về không gian
B. Định vị về thời gian
C. Định vị khoảng cách
D. Cả A và C

Đáp án D
→ Các chỉ từ này, kia, ấy, nọ được sử dụng để định vị không gian, khoảng cách

Câu 3. Chức vụ ngữ pháp của từ đây, đấy là gì?

A. Chức năng làm chủ ngữ
B. Chức năng làm vị ngữ
C. Chức năng làm trạng ngữ
D. Chức năng làm bổ ngữ

Đáp án A

Câu 4. Trong câu “Làng ấy về sau được gọi là làng Cháy”, đâu là chỉ từ?

A. Làng
B. Được
C. Làng Cháy
D. Ấy

Đáp án D

Câu 5. Nghĩa của các chỉ từ: ấy, đó, nay chỉ mang nghĩa phiếm chỉ, đúng hay sai?

A. Đúng
B. Sai

Đáp án A
→ Tất cả các chỉ từ đều có tính phiếm chỉ

Nguồn: Tổng hợp
 
Treo biển
I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ truyện dưới đây sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Một cửa hàng bán cá làm cái biển đề mấy chữ to tướng:

“Ở ĐÂY CÓ BÁN CÁ TƯƠI”

Biển vừa treo lên, có người qua đường xem, cười bảo:

- Nhà này xưa quen bán cá ươn hay sao mà bây giờ phải đề biển là cá “tươi”? Nhà hàng nghe nói, bỏ ngay chữ “tươi” đi.

Hôm sau, có người khách đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo:

- Người ta chẳng nhẽ ra hàng hoa mua cá hay sao, mà phải đề là “ở đây”? Nhà hàng nghe nói, bỏ ngay hai chữ “ở đây” đi.

Cách vài hôm, lại có người khách đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo:

- Ở đây chẳng bán cá thì bày cá ra để khoe hay sao mà phải đề là “có bán”? Nhà hàng nghe nói, lại bỏ ngay hai chữ “có bán” đi. Thành ra biển chỉ còn có mỗi một chữ “cá”. Anh ta nghĩ trong bụng chắc từ bây giờ không còn ai bắt bẻ gì nữa.

- Vài hôm sau, người láng giềng sang chơi, nhìn cái biển, nói:

Chưa đi đến đầu phố đã ngửi mùi tanh, đến gần nhà thấy đầy những cá, ai chẳng biết là bán cá, còn đề biển làm gì nữa?

Thế là nhà hàng cất nốt cái biển!

Câu 1. Câu nào dưới đây không nói về thể loại truyện cười?

A. Là thể loại truyện kể về những chuyện đáng cười trong cuộc sống.
B. Truyện chứa đựng nhiều yếu tố tưởng tượng kì ảo.
C. Truyện ra đời nhằm mục đích tạo ra tiếng cười mua vui cho mọi người.
D. Truyện có ý nghĩa phê phán những thói hư, tật xấu của con người trong xã hội.

Câu 2. Truyện Treo biển thuộc thể loại:

A. Truyện ngụ ngôn.
B. Truyện thần thoại.
C. Truyện cổ tích.
D. Truyện cười.

Câu 3. Trong những truyện dưới đây, truyện nào không thuộc thể loại truyện cười?

A. Đeo nhạc cho mèo.
B. Đẻo cày giữa đường.
C. Lợn cưới, áo mới.
D. Treo biển.

Câu 4. Trong truyện Treo biển, cửa hàng bán loại thực phẩm nào?

A. Rau.
B. Trái cây.
C. Cá.
D. Tôm.

Câu 5. Trong truyện, sau mỗi lần có người góp ý, chủ cửa hàng đã làm gì?

A. Chỉ tiếp nhận mà không cho thực hiện.
B. Lập tức bỏ ngay chữ trên tấm biển mà mọi người cho là dư thừa.
C. Lập tức bỏ ngay chữ dư thừa trên tấm biển sau đó lại treo lên.
D. Cho treo một tấm biển khác lên có nội dung đúng như lời góp ý của mọi người.

Câu 6. Ông chủ cửa hàng trong truyện là người như thế nào?

A. Thiếu tính quyết đoán, làm việc mà không có lập trường.
B. Có tính quyết đoán và rất kiên định.
C. Biết lắng nghe ý kiến của người khác, chấp nhận sửa chữa bản thân.
D. Biết tiếp thu những cái hay, cái đẹp và cái đúng.

Câu 7. Truyện Treo biển muốn phê phán điều gì?

A. Phê phán những người thích xen vào chuyện của người khác.
B. Phê phán những người chủ quan, bảo thủ, không biết tiếp thu ý kiến của người khác.
C. Phê phán những người thiếu chủ kiến khi làm việc, không chịu suy xét kĩ khi lắng nghe ý kiến của người khác.
D. Phê phán những người làm việc không có kế hoạch cụ thể.

Câu 8. Kết quả cuối cùng của việc ông chủ luôn lắng nghe khách hàng là gì?

A. Tấm biển quảng cáo chỉ còn lại hai chữ bán cá.
B. Tấm biển quảng cáo chỉ còn lại hai chữ cá tươi.
C. Tấm biển quảng cáo không còn lại chữ nào.
D. Ông chủ cửa hàng cá tháo tấm biển cất đi.

Câu 9. Truyện Treo biển có nội dung và ý nghĩa giống truyện nào dưới đây?

A. Êch ngồi đáy giếng.
B. Đeo nhạc cho mèo.
C. Đẽo cày giữa đường.
D. Thầy bói xem voi.

Câu 10. Truyện Treo biển nhắn nhủ chúng ta điều gì?

A. Phải có lập trường riêng, làm việc phải có tính quyết đoán, khi tiếp thu ý kiến người khác thì phải suy xét rõ ràng.
B. Không nên xen vào chuyện của người khác, đồng thời không để người khác xen vào chuyện của mình.
C. Nên tiếp thu ý kiến của người khác cho dù ý kiến đó đúng hoặc sai.
D. Trong buôn bán cần phải dùng biển quảng cáo nếu không khách hàng sẽ không biết mình bán hàng gì.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Về tấm biển Ở đây có bán cá tươi.

BÀI THAM KHẢO

Cửa hàng bán cá mà treo biển “Ở đây có bản cá tươi” là ổn rồi, để vậy cũng chẳng làm sao. Có điều, những ý kiến người ta góp, không phải hoàn toàn không có lí. Có bốn ý kiến:

Ý kiến thứ nhất: bỏ chữ tươi đi, chẳng lẽ lại bán cá ươn hay sao? Kể cũng phải. Đề Ở đây có bán cá là đủ. Còn tươi hay không, thì người ta sẽ chọn.

Ý kiến thứ hai: bỏ chữ ở đây. Nghĩ kĩ, bỏ cũng được! Mà để cũng được. Để, với ý nghĩa phân biệt cửa hàng này với cửa hàng bên cạnh, người ta bán thứ khác. Bỏ đi thì biển thoáng hơn, dễ đọc.

Ý kiến thứ ba: bỏ hai chữ có bán, với lí là bày ra khoe hay sao mà phải đề là có bán. Lí này không vững lắm. Chỉ để mỗi một chữ cá không thôi thì trơ trụi, cửa hàng có bán cá thì phải đề bán cá là phải.

Ý kiến thứ tư thì quá đáng. Nghe mùi tanh là biết có bán cả rồi! Nói thế thì bán gì cũng không cần treo biển quảng cáo nữa. Thấy bày thứ gì tất nhiên là bán thứ ấy! Thế thì hết chuyện!

Ý kiến người khác góp có cái đúng, có cái sai, mình phải suy xét, rồi tùy từng trường hợp mà làm. Có chủ kiến là như vậy, chứ không phải khăng khăng giữ ý kiến ban đầu của mình. Như thế sẽ là bảo thủ.

Về cái biển này thì có thể giữ nguyên cũng được. Còn muốn sửa cho thoáng, dễ đọc thì đề Bán cả.

Đây còn là bài học về làm văn, viết câu văn thế nào cho ngắn gọn, cô đọng mà đủ ý.


Nguồn: Tổng hợp
 
Lợn cưới áo mới
I. TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ truyện dưới đây sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Có anh tính hay khoe của. Một hôm, may được cái áo mới, liền đem ra mặc, rồi đứng hóng ở cửa, đợi có ai đi qua người ta khen. Đứng mãi từ sáng đến chiều chả thấy ai hỏi cả, anh ta tức lắm.

Đang tức tối, chợt thấy một anh, tính cũng hay khoe, tất tưởi chạy đến hỏi to:

- Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?

Anh kia liền giơ ngay vạt áo ra, bảo:

- Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả!

Câu 1. Truyện Lợn cưới, áo mới thuộc thể loại nào?

A. Truyện ngụ ngôn.
B. Truyện thần thoại.
C. Truyện cổ tích.
D. Truyện cười.

Câu 2. Hai nhân vật chính trong truyện có điểm nào chung?

A. Đều là những người giàu có.
B. Đều là những người thích khoe khoang.
C. Đều là những người giàu có nhưng bủn xỉn.
D. Đều là những người nghèo khó nhưng ham làm giàu.

Câu 3. Đối tượng được đề cập đến trong truyện Lợn cưới, áo mới là gì?

A. Tính cách khoe khoang của hai người.
B. Con lợn cưới bị sổng chuồng.
C. Cái áo mới.
D. Con lợn cưới và cái áo mới.

Câu 4. Truyện Lợn cưới, áo mới phê phán điều gì?

A. Tính cách khoa trương, khoe của.
B. Những người thích chưng diện đồ mới.
C. Những người hỏi nhưng không trả lời cụ thể.
D. Thái độ thiếu khiếm nhã đối với người khác.

Câu 5. Ngụ ý của người hỏi trong truyện là gì?

A. Cho mọi người biết rằng mình bị mất một con lợn cưới.
B. Cho mọi người biết rằng mình có một con lợn cưới,
C. Nhờ mọi người tìm giúp mình con lợn bị mất.
D. Cho mọi người biết rằng mình sắp cưới vợ.

Câu 6. Trong truyện, khi được hỏi có thấy con lợn cưới chạy qua đây hay không, người kia đã trả lời thế nào?

A. Không thấy con lợn cưới chạy qua.
B. Từ lúc mặc chiếc áo cưới mới, anh ta thấy có một con lợn chạy qua.
C. Từ lúc mặc chiếc áo cưới mới, anh ta chẳng thấy con lợn chạy nào chạy qua cả.
D. Anh ta trả lời không rõ ràng.

Câu 7. Mục đích của nhân vật trong truyện khi trả lời câu hỏi có thấy lợn không là gì?

A. Để cho người kia không hỏi nữa.
B. Để cho người kia xấu hổ vì đã khoe con lợn cưới,
C. Để cho mọi người biết rằng mình có cái áo mới.
D. Để cho người kia không tìm ra con lợn cưới.

Câu 8. Truyện Lợn cưới, áo mới khuyên chúng ta điều gì?

A. Không nên có tính cách khoe khoang, khuếch trương bản thân.
B. Không nên nói năng thiếu lịch sự, nhất là với người lớn tuổi,
C. Cần thể hiện thái độ tôn trọng đối với người khác, nhất là trong lời nói và hành động.
D. Cần nhìn nhận đúng bản thân, không nên khoe khoang quá sự thật.

Câu 9. Câu nào dưới đây nói đúng về truyện Lợn cưới, áo mới?

A. Truyện mượn chuyện đồ vật, loài vật để nói chuyện người.
B. Truyện mượn chuyện đồ vật, loài vật để nói chuyện đồ vật, loài vật.
C. Truyện mượn chuyện người để nói chuyện người.
D. Truyện mượn chuyện người để nói chuyện đồ vật, loài vật.

Câu 10. Điểm giống nhau giữa truyện ngụ ngôn và truyện cười là gì?

A. Đều có những yếu tố tưởng tượng kì ảo.
B. Đều có những chi tiết gây cười cho người đọc, người nghe và mang hàm ý răn dạy con người.
C. Đều có những nhân vật thần kì, có khả năng phi thường.
D. Đều có tính chất phê phán, châm biếm.

Nguồn: Tổng hợp
 
TỰ LUẬN

Nêu những cái bất hợp lí trong câu hỏi và lời đáp của hai nhân vật trong truyện Lợn cưới, áo mới.

Gợi ý trả lời:

Truyện Lợn cưới, áo mới phê phán tính khoe khoang của hai anh chàng có tính khoe khoang. Tính khoe khoang của họ thể hiện trong câu hỏi và câu trả lời. Chính sự bất hợp lí trong việc hỏi và trả lời đã làm bật ra tình tiết gây cười.

Đối với người hỏi: Khi hỏi về con lợn sổng chuồng của mình, đáng lẽ anh ta phải mô tả con lợn thế nào, đó chính là đặc điểm của con lợn, nó to hay nhỏ, màu lông thế nào, mập ốm ra sao... đằng này anh ta lại hỏi con lợn cưới. Chắc chắn là con lợn cưới không thể phân biệt được với một con lợn nào khác, vì thông tin cưới không thu hẹp danh từ con lợn, từ cưới chỉ là từ thừa trong đó. Chắc hẳn người hỏi không đần độn đến mức đưa ra câu hỏi ngớ ngẩn như vậy, vấn đề là anh ta khoe con lợn cưới của mình.

Đối với người trả lời: câu trả lời của người này cũng bất hợp lí. Đáng lẽ khi được hỏi thấy con lợn không, anh ta phải trả lời thấy hoặc không. Nếu có thêm chi tiết phụ trợ tăng tính khẳng định thì anh ta có thể thêm từ chỉ thời gian, như vậy thì câu trả lời của anh ta sẽ thuyết phục người hỏi. Câu trả lời của anh thừa chi tiết cái áo mới. Chi tiết này không xuất hiện trong câu cũng không làm mất đi giá trị câu trả lời. Nếu thay từ cái áo mới bằng một từ chỉ thời gian thì câu trả lời của anh ta hoàn hảo. Ví dụ, anh ta có thể nói: Từ sáng đến giờ tôi không thấy con lợn nào chạy qua cả. Cũng tương tự như người hỏi, người trả lời có thể trả lời hay nhất, thuyết phục nhất, tuy nhiên, vấn đề là anh ta muốn khoe chiếc áo mới. Chính tính khoe khoang của hai người đã tạo ra câu hỏi và câu trả lời rất bất hợp lí. Chi tiết này tạo ra giá trị phê phán cũng như tiếng cười cho truyện.

Nguồn: Tổng hợp
 

Xếp hạng chủ đề

Tạo
Thần Đồng,
Trả lời lần cuối từ
Thần Đồng,
Trả lời
115
Lượt xem
9,154

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng - GAC

Diễn đàn GAC - Giáo Án Chuẩn, nơi các Giáo viên, Phhs có thể tìm kiếm và chia sẻ những tài liệu giáo dục, những câu chuyện nghề nghiệp. Và cùng nhau thảo luận các chủ đề nuôi dạy con trẻ, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh, du lịch, cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình,...
Back
Top